Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

5332. Ai cần được giải cứu: Trẻ em hay bọn xàm tăng?

 

Ai cần được giải cứu: Trẻ em hay bọn xàm tăng?

Lê Nguyễn

28-8-2024. BÁO TIẾNG DÂN

Những ai theo dõi tình hình thời sự trong thời gian qua đều biết rằng, sau thầy Thích Minh Tuệ, thầy Thích Minh Đạo là ngôi sao sáng trên đường tu tập, bởi những nhận thức và hành động của bậc chân tu. Thầy còn là cha của hàng trăm trẻ mồ côi, bất hạnh đang cần sự cứu giúp của toàn xã hội.

https://baotiengdan.com/2024/08/29/ai-can-duoc-giai-cuu-tre-em-hay-bon-xam-tang/

Sau khi bị giáo hội có liên quan mật thiết với hệ thống chính quyền trách phạt nặng nề chỉ vì một lời nói hớ, thầy quyết định từ bỏ mọi quan hệ với Giáo hội Phật giáo được cộng đồng mạng gọi là “giáo hội quốc doanh”, để toàn tâm toàn ý tu tập và tiếp tục lo cho đời sống của những đứa trẻ thầy không sinh ra, nhưng yêu thương như chính con đẻ của thầy.

Xã hội chúng ta đang sống tuy còn nhiều bất cập, song tấm lòng hướng thiện của con người vẫn được nuôi dưỡng và phát triển, từ sau những “kiếp nạn” của thầy Minh Đạo, trong mùa Vu lan đang diễn ra, hàng ngàn người đã đổ về tu viện mang tên thầy, của ít lòng nhiều, giúp cho đời sống của các em được cải thiện khá nhiều. Chính sự lan tỏa của tinh thần sống vì đạo pháp của các thầy Minh Tuệ và Minh Đạo là một trong những nguyên nhân tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào nói chung và giới Phật tử nói riêng.

Về phần thầy Minh Đạo, trả lại tất cả những gì thuộc về “giáo hội quốc doanh” không có nghĩa là thầy từ bỏ con đường tu tập, bởi vì tu hành là quyền thiêng liêng của mỗi con người sống trong xã hội, không luật pháp nào cấm đoán, và không một tổ chức nào có quyền ngăn cản.

Vậy mà mới đây, bằng văn bản số 524/CV-BTS, ngày 16.8.2024, gửi Sở Thương binh – Lao động và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), mà người thay mặt là ông Thích Thiện Thuận, đề nghị các nơi nhận … “xem xét, thẩm tra tính pháp lý việc nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em tại tu viện Minh Đạo để kịp thời có biện pháp giải cứu những trẻ em thuộc các đối tượng bị lâm vào hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, khuyết tật… vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu cho cuộc sống của bản thân đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng…” (Hết trích).

Văn bản ngày 16-8-2024 của Giáo hội PGVN tỉnh BR-VT. Ảnh trên mạng

Chúng ta thấy điều gì từ văn bản này?

– Theo những thông tin khả tín trên mạng xã hội, về mặt pháp lý, “Tu viện Minh Đạo” đã được cơ quan chức năng cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản xây dựng trên đất cho cá nhân thầy Thích Minh Đạo, như vậy, khi từ bỏ mọi quan hệ với Giáo hội PGVN tỉnh BR-VT, thầy Minh Đạo có đủ cơ sở pháp lý để sở hữu riêng tài sản của mình và mặc nhiên không đặt tài sản đó dưới quyền quản lý của giáo hội nữa.

– Có lẽ vì không đủ điều kiện để “đề nghị xem xét” về tính sở hữu hợp pháp đất đai và tài sản trên đất, cụ thể là tu viện Minh Đạo, mà người ký văn bản đã quay sang chuyện “xem xét tính pháp lý” của việc nuôi dưỡng trẻ em bất hạnh tại tu viện Minh Đạo!

Tu viện Minh Đạo hoạt động từ thiện đã nhiều năm qua, không có điều tiếng gì, lại được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, tại sao đến bây giờ, giáo hội Phật giáo BR-VT mới đặt vấn đề “tính pháp lý” của hoạt động này? Hầu hết mọi người đọc văn bản trên đều hiểu rằng đây là phản ứng không “minh bạch” trước việc thầy Minh Đạo từ bỏ mọi mối quan hệ với giáo hội.

Đề nghị xem xét “tính pháp lý” của hoạt động nuôi dạy trẻ em bất hạnh còn tạm nghe được – dù việc này sẽ chẳng mang lại “kết quả mong muốn” nào – song đến hàng chữ cuối cùng ám chỉ các trẻ em “đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng” thì đây có thể xem là một sự vu khống trắng trợn, vì văn bản đã không viện dẫn một chứng cứ hợp pháp nào, và tu viện Minh Đạo cùng các trẻ em bất hạnh vẫn đang sống trong tình yêu thương của toàn xã hội!

Vậy thì qua những sự kiện vừa nêu, ai mới là những kẻ cần được giải cứu?

Các trẻ em tại tu viện Minh Đạo đang sống hạnh phúc trong vòng tay những tu sĩ giàu từ tâm, với sự tiếp tay của toàn xã hội, “giải cứu” chúng để làm gì?

Có chăng là toàn xã hội cần hợp sức giải cứu những xàm tăng, giải cứu bọn giả tu đang ngụp lặn trong vũng bùn tham sân si, u mê và hẹp hòi, đang có nguy cơ làm thương tổn Đạo pháp và vấy bẩn thêm xã hội chúng ta đang sống.