Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

5228. VNTB – Tự Lực-Tự Cường và đối thoại văn hoá (tiếp theo và hết)

 

VNTB – Tự Lực-Tự Cường và đối thoại văn hoá (tiếp theo và hết)

An Phong dịch

 

(VNTB) – Người Việt Nam đã trả giá bằng máu cho hai chữ Tự Do.

 

https://vietnamthoibao.org/vntb-tu-luc-tu-cuong-va-doi-thoai-van-hoa-tiep-theo-va-het/

Người Việt Nam đã trả giá bằng máu cho hai chữ Tự Do. Song cuộc hội nhập vào thế giới tự do bằng chính đời sống hàng ngày trong gần nửa thế kỷ qua có đồng nghĩa với sự hiểu biết cụ thể về hai chữ này không?  Ngoài cái giá trả cho hai chữ Tự Do, công đồng di dân VN tại các quốc gia thuộc khối tự do trên thế giới vẫn có nhiều điểm tương đồng với các cộng đồng di dân khác về vấn đề bảo tồn văn hoá gốc. Vấn đề này có là một vấn đề trong việc « tìm » Tự Do của người Việt với một danh tính mới, đặc biệt là người công giáo, vì Chúa Giêsu cũng từng là người di dân? Thông điệp khai phóng con người của Chúa Giêsu có thể hiểu như lời mời gọi trở nên tự lực/tự cường không?

Xin mời đọc bài phân tích của Gilles Verbunt về bước tiến trên con đường Tự Do của các quốc gia coi trọng Tự Do như một giá trị xã hội hàng đầu. Cách suy nghĩ và hành xử của người phương Tây sống tại các xứ Tự Do, là một hành trình dài kể từ thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XV-XVI, mà chúng ta nên biết để nhìn lại chính mình có thực sự là một người tự do sau gần nửa thế kỷ trong thế giới được gọi là tự do chưa? Một khi thật sự hiểu được hai chữ Tự Do có nghĩa gì đối với người phương Tây (coi Tự Do gần như là một tôn giáo), chúng ta sẽ có thể tìm ra con đường giúp khai phóng những nơi thiếu Tự Do khác.

 

 

 

 

Tác giả: Gilles Verbunt     

  

(Trích từ Carrefours de l’éducation 2002/2 (số 14), Tr 60 – 74)

Người ta dần dần bỏ các bộ đồng phục. Điều này chứng tỏ “chiếc áo không làm nên thày tu”: giá trị thật của mỗi người dần dần được đặt lên trên giá trị xã hội qua những hình thức bên ngoài: cảnh sát viên, quan toà, thày tu và những người đại diện cho chính quyền càng ngày càng ít được tôn trọng vì chức tước mà vì chính tư cách của cá nhân họ. Sau cuộc cách mạng tháng 5 năm 1968 tại Pháp, rất đông các bậc cha mẹ từng nghe các con họ tuyên bố: “Con tôn trọng bố mẹ không phải vì bố mẹ là cha mẹ mà vì cá nhân bố mẹ là người đáng kính”. 

Thể xác

Thân xác tôi là nơi mà cá nhân tính của tôi ở độ cao nhất. Không ai có thể cảm nhận, hành động hoặc suy nghĩ thay cho tôi. Dù tôi có thể thương cảm cho một người đang đau đớn, tôi cũng không thể chịu đau thế cho người ấy được. Làn da của tôi là ranh giới hữu hiệu nhất. Thế mà, tôi sẽ không là gì nếu không có thân xác của những người khác và những nguồn lực thể chất quanh tôi. Làn da của tôi và những cửa mở của nó cũng là một phương tiện để tiếp xúc với người khác.

Được sinh ra từ một sự kết hợp, bị “đẩy” ra từ bụng mẹ, bị cắt ống nhau, một sự chia cắt vĩnh viễn đã bắt tôi phải sống như một cá nhân, nhưng các liên hệ của tôi với những người đã sinh ra tôi, với nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, và với những nguồn lực đã đưa tôi tiến từ tình trạng lệ thuộc sang tình trạng tương trợ. Một xã hội, qua nền văn hoá của nó, đặt khuôn mẫu cho những liên hệ, bằng cách nhấn mạnh, khi thì trên tính lệ thuộc, khi thì trên tính độc lập. Từ xưa đến nay, trật tự xã hội được bảo đảm qua việc đề cao tính lệ thuộc. Các xã hội phương Tây cuối cùng đã chọn phát triển tinh thần cá nhân độc lập, mặc dù trật tự xã hội có bị ảnh hưởng một cách nguy hiểm.

Theo cùng một nguyên lý này, trong những xã hội truyền thống, cơ thể của mỗi cá nhân cũng thuộc về tập thể. Cơ thể của cá nhân cũng phải tuân theo nhiệm vụ đề ra bởi vai trò vẫn có từ xưa, để đánh giặc hoặc để sinh con. Tập thể có quyền đánh dấu không bao giờ phai trên cơ thể của mỗi cá nhân ở trong nhóm như một vật sở hữu, theo giới tính hoặc tập thể. Thật ra, quyền của mỗi cá nhân trên toàn thân của mình cho đến nay cũng vẫn chưa hoàn toàn đạt được khắp nơi. 

Cách ăn mặc, để tóc, cũng tuân theo những luật nhất định và thường để xác định giai cấp xã hội, gia đình và, dĩ nhiên, giới tính. 

Hôn nhân biểu hiện cho lợi ích gia đình hơn là do sự thu hút giữa đôi trai gái. Câu chuyện tình Romeo và Juliette là một trường hợp ngoại lệ thời bấy giờ, nhưng việc Shakespeare kể câu chuyện cũng chứng tỏ đã có những thay đổi về vấn đề hôn nhân và tình yêu vào thời đó.  

(…)

Các cách thực hành lòng tin

Đức Tin được ban cho từ thuở lọt lòng, không có sự lựa chọn. Chỉ có những người ngoại quốc mới có tôn giáo khác. Tôn giáo đi đôi với quốc tịch, giống nòi và tiếng nói. Trẻ em công giáo, cho tới gần đây, đương nhiên được rửa tội ngay từ khi mới ra đời. Không thể nào nói là không tin vào sự hiện diện của Chúa, cũng không thể nào tưởng tượng được có thể có hiện tượng vô thần. Ngay cả những tên tội đồ hay những ông hoàng hung tợn nhất cũng có ít khái niệm tâm linh, như sợ hoả ngục chẳng hạn. 

Những xác tín cá nhân tương đối có tầm quan trọng nào đó, không nhất thiết là phải đồng ý hay không đồng ý với ý nghĩa của các nghi thức; cái chính là làm điều phải làm, để khỏi bị tẩy chay. Các nghi thức tôn giáo, không chỉ là một cách để cá nhân diễn đạt một niềm tin tôn giáo, mà còn là để nói lên nhu cầu tham gia vào một công cuộc cứu chuộc chung.  Bên ngoài giới tu hành, người ta không cảm thấy cần phải có sự giải thích một cách lý trí, có một đức tin vững mạnh là đủ.  Các nghi thức tôn giáo có chức năng giúp mỗi cá nhân hội nhập vào một cộng đồng và giúp kết chặt cộng đồng này; Những tình cảm đi đôi với nghi thức cũng như ý nghĩa của nó chỉ là phụ: chỉ cần phải thi hành thôi.

Nhưng thời thế đã khác. Các tổ chức tập thể càng ngày mất ảnh hưởng.  Tính chất tôn giáo vẫn còn, nhưng mất dần những nghi thức tôn giáo tập thể; nhu cầu tâm linh mất tính chất tôn giáo: mỗi cá nhân tự rút ra cho mình những gì có thể đáp ứng được những nhu cầu thức thời từ nhiều tôn giáo và nhân sinh quan khác nhau trên thế giới. 

Hậu quả không tốt

Trong những môi trường còn in đậm nét văn hoá cổ truyền, tinh thần Tự Lực-Tự Cường thường bị chỉ trích là quá đáng vì nó đem lại bất ổn cho trật tự xã hội như đã thấy và còn hơn thế nữa. Không cần phải dài dòng, quá nhiều điểm tiêu cực đã được nêu lên như  thiếu đạo đức, bất tuân lệnh trên, rối loạn trong vai trò của người nam và người nữ, người già, người trẻ, gia đình ly tan, vi phạm thuần phong mỹ tục, mất tôn ti trong ngôn ngữ, tôn giáo suy đồi… Trước nguy cơ đánh mất các hệ quy chiếu cố định cũng như sự tan rã trong các mối liên hệ trong xã hội, phản ứng của những môi trường truyền thống là tự khép kín trong những gì quen thuộc và cảm thấy cần phải cứu vãn những gì có thể trong trật tự xã hội, gia đình và đạo đức. 

Tuy vậy, người phương Tây cũng không chối bỏ địa vị ưu tiên của Tự Lực-Tự Cường (autonomy).  Họ không muốn thụt lùi và vẫn muốn xây dựng tính chất này cho dù kết quả vẫn còn nhiều mặt rất mong manh như tình trạng của phụ nữ hoặc những biểu hiện không tôn giáo. Đối với người phương Tây, con đường đạt đến Tự Lực-Tự Cường cá nhân là một tiến trình lịch sử không thể đi ngược lại và nếu chúng ta muốn có đủ thời gian cho mọi người cùng bước vào thời đại mới, con đường Tự Lực-Tự Cường là điều kiện ắt có và đủ để xây dựng một xã hội tân tiến. Dưới mắt người phương Tây, tất cả những tranh cãi quanh chiếc khăn phủ đầu của người phụ nữ đạo Hồi nói lên bước thụt lùi trở lại vai trò quy phục của phái nữ, chứng tỏ tập thể từ chối không để cho phụ nữ phát triển Tự Lực-Tự Cường. 

Tình trạng này có thể không đến nỗi bế tắc như chúng ta thấy bởi vì không phải ai cũng còn trong tình trạng bị “nhồi sọ” đến mức như chúng ta nghĩ, từ cả hai phía tự cho là hiện đại hơn hoặc truyền thống hơn. Những gia đình di dân có tiếng trọng truyền thống có thể không đến nỗi khép kín trong văn hoá riêng của họ bằng chúng ta, những người phương Tây. Chúng ta đôi khi cũng không đủ hiện đại như chúng ta tự nghĩ.  Ngục tù văn hoá có thể là hậu quả của sự khép kín trong giao tiếp với những văn hoá khác, vì không có được cơ hội mở rộng vòng hội nhập trong xã hội mới. 

Nói như vậy, cách hành xử của người phương Tây không phải lúc nào cũng có lý (trí) và trong giới di dân, những quan hệ máu mủ cũng như tinh thần  tương trợ không phải lúc nào cũng tuyệt hảo như vẫn thường được nghe. Khoảng cách giữa hai môi trường này khá lớn khi chúng ta so sánh lý thuyết của bên này với thực tế của bên kia, nhưng nếu thật sự so sánh hai thực tại với nhau thì khoảng cách không hẳn xa như thế.

Tự Lực-Tự Cường và cá nhân chủ nghĩa

Công dân của các xã hội tân tiến sẽ bớt bị chỉ trích hơn nếu họ có thể  sắp xếp cho có thứ tự hơn những ý tưởng của họ. Trên lý thuyết, chúng ta (người phương Tây) nói về Tự Lực-Tự Cường, nhưng trên thực tế, chúng ta lại sống kiểu cá nhân chủ nghĩa. Khác nhau thế nào? 

Norbert Elias đã dành phần lớn cuộc đời chuyên môn của ông trong hai ngành xã hội học và lịch sử trong việc nghiên cứu đưa cá nhân trở lại với tập thể trong xã hội. Không có sự phân cách một bên là cá nhân, bên kia là tập thể hay xã hội. Cá nhân nào cũng là một sản phẩm của xã hội; không có xã hội, nếu không có cá nhân. Mỗi cá nhân không tự mình sinh ra được, cá nhân không là nguồn gốc của chính mình, cá nhân không phải là căn gốc của xã hội.  Vấn đề các mối liên hệ trong xã hội đã bắt đầu bằng một cái nhìn sai khi đặt câu hỏi về cách các cá nhân đã cùng nhau tập hợp thành một xã hội như thế nào?  Không có hai thực thể cùng hiện diện một lúc, một bên là cá nhân, bên kia là xã hội, mà chính là sự tạo thành của những cá nhân sống trong tương tác, tương trợ (interdependancy – interdépendance). 

Tự Lực-Tự Cường (autonomy – autonomie) là một công trình chinh phục một không gian cụ thể. Theo giòng lịch sử, như chúng ta đã ôn lại từ đầu, đó chính là lịch sử phát triển nền khoa học hiện đại, so với tôn giáo và thiên nhiên, là chuyện các thời đại giáo hoàng công giáo phát triển song song với lịch sử trần thế thời các đại đế, là sự phát triển của quyền tự nhiên so với thần quyền, v.v.. Về sau này, trên bình diện cá nhân, Tự Lực-Tự Cường được thể hiện qua sự xác nhận những quyền cá nhân đối nghịch với các quyền của tập thể, quyền trên cơ thể cá nhân đối với khái niệm về cơ thể con người trong một tập thể, quyền của phái nữ đối với quyền của phái nam, quyền của trẻ em… Tự Lực-Tự Cường được xem như một yếu tố  gây ra những phân chia đã xẩy ra trong lịch sử, tập thể hay cá nhân, và vẫn luôn còn cần phải được xác nhận và tái xác nhận.

Tuy nhiên, sự phân chia này không phải là chia cắt.  Một người có khả năng tự lập nhờ Tự Lực-Tự Cường sẽ không sống riêng rẽ như nơi một ốc đảo riêng. Như tôi (Verbunt) đã trình bày trên đây, một người có khả năng Tự Lực-Tự Cường sẽ vẫn giữ mối liên kết với những người đã sinh thành ra mình, nhưng không phải trong một liên hệ mang tính lệ thuộc, mà là một mối quan hệ trong tương tác và tương trợ. Dưới cái nhìn trong chiều kích không gian thì có thể nói là có sự tiếp giáp với nhau (contiguïté), đôi khi có vẻ chồng chất lên nhau, như hiện tượng giữa biển và bờ tại những bãi biển; mối liên hệ giữa người cho tự do (như cha mẹ giúp con cái trở thành người trưởng thành, có thể tự lo – chú giải của dịch giả) và người có khả năng Tự Lực-Tự Cường sẽ vẫn tiếp nối. Làn da của tôi cũng là một biên giới có chia cách nhưng vẫn kết nối. Một con người Tự Lực-Tự Cường sẽ vẫn hiện diện trong môi trường hiện thực hoặc với những người đã không còn hiện diện, đồng thời cũng cho phép những cá nhân khác hay những môi trường khác cùng hiện diện. 

Khái niệm về tương tác-tương trợ nói lên việc không thể nghĩ đến chia cắt cá nhân khỏi xã hội;  một cách cụ thể, sự hiện diện của cả hai xảy ra một cách tuần tự: khi thì cá nhân ở trong tình trạng lệ thuộc, khi thì ở trong tình trạng độc lập, tuỳ hoàn cảnh: với điều kiện là sự uyển chuyển này phải cân bằng, không chỉ có một trong hai một cách thường trực và một chiều. Ví dụ như trong một cặp nam-nữ có khả năng Tự Lực-Tự Cường, tuỳ theo hoàn cảnh mà khi thì theo ý kiến hay ước muốn của người nam, khi thì theo ý kiến hay ước muốn của người nữ.  Hơn thế nữa, những quyết định phải nằm trên những bình diện tương ứng và luôn có khả năng tiến hoá. 

Cá nhân chủ nghĩa thì không có chút gì như vậy.  Trong thế giới cá nhân chủ nghĩa, những cá nhân khác hay môi trường khác đều bị trưng dụng để phục vụ hoàn toàn cho một cá nhân mà thôi. Nhìn rộng ra chiều kích giữa xã hội và cá nhân hành xử theo cá nhân chủ nghĩa, hoặc giữa những cá nhân với nhau, chúng ta thấy có những bức tường rất chắc chắn, nếu không muốn nói là một ốc đảo không một bóng người, và ta có thể tự hỏi ngay lúc ban đầu làm sao có thể trộn hết những điều đó vào thành một bản thể đồng nhất sống chung hài hoà? Cuối cùng, sự đồng nhất trong xã hội, đặc điểm của một xã hội truyền thống đã biến đổi thành một cá nhân tổng quan (không có nét đặc thù nào). Trong một xã hội tổng quan, tập thể có rất nhiều quyền và không hề kể đến hạnh phúc cá nhân; trong khi trong một xã hội coi trọng cá nhân thì mỗi cá nhân có tất cả mọi quyền và xã hội chỉ còn được hưởng rất ít, chỉ vừa đủ để sống còn. Cuối cùng, tính tổng quan có tính cách xã hội trong một tập thể truyền thống đã biến thành tính tổng quan cá nhân. Trong một xã hội tổng quan, tập thể có rất nhiều quyền và không coi trọng hạnh phúc cá nhân; trong một xã hội có tính cách cá nhân thì ngược lại, cá nhân có tất cả mọi quyền và xã hội có rất ít quyền, chỉ vừa đủ để sống còn.

Trong một xã hội tổng quan, cá nhân hội nhập vào thứ bậc của một cơ cấu không chỉ giới hạn trong một môi trường sinh hoạt mà trải rộng ra một cách khái quát hơn : ông Vua (hay Ông Hoàng) vừa là người đứng đầu về tâm linh vừa là một nhà bác học.  Thông thường, cơ cấu này chỉ có thay đổi trong khuôn khổ một cuộc trao quyền đã được sắp đặt trước hoặc một cuộc soán ngôi.  Người cha đứng đầu gia đình có toàn quyền trên các con của mình cho đến chết, cho dù các con đã trưởng thành cả vài chục năm. Trong văn hoá Tự Lập, liên hệ giữa cha mẹ và con cái tiến triển đến mức biến thành mối liên hệ giữa những người trưởng thành ngang hàng.  Khi khoảng cách giữa các thứ bậc không còn thì quyền uy và sự nể vì dành cho người có thẩm quyền và luật lệ cũng mất.

Từ hữu lý đến phi lý

Quá trình cá nhân hoá được đặc biệt đánh dấu bởi vị trí quan trọng của lý trí. Ai cũng có lý trí và như vậy, đều có quyền và trách nhiệm tự biết điều gì nên, điều gì không nên làm. Nhận biết điều này là nhận ra một cách sâu xa sự bình đẳng giữa người với người và cách thực thi quyền uy cũng sẽ mang những hậu quả tương ứng.  Nói cho cùng thì một cách lý trí, cá nhân chỉ thuận lòng theo điều gì có lý đối với họ, mà không cần phải đặt hành động vào bối cảnh một câu chuyện có đầu đuôi hoặc rộng ra hơn thế. Điều quan trọng hơn hết là phải có được khả năng lý luận, khả năng tự mình phán đoán, luôn cân nhắc những hậu quả của hành động của mình trên người khác. 

Biết suy xét những hệ quả trên mặt pháp lý, chẳng hạn, của những phương cách mà tập thể đặt cho sự an vui và an toàn của cá nhân. Mỗi một hành động không chỉ là một hành động lý trí, nhưng đồng thời cũng là một khuôn mẫu, một tấm gương, một sự khích lệ cho người khác. Một kẻ bộ hành có thể băng qua đường khi đèn đỏ vì không có xe chạy tới và cảm thấy an toàn đủ để làm như vậy. Tuy nhiên, nếu có một trẻ em nào trông thấy người này hành động như vậy, nó có thể nghĩ là người đi bộ có thể coi thường đèn đỏ. Cũng có thể có những người già nhìn thấy vậy nên cũng làm như vậy và sẽ không thể băng qua đường kịp thời. Người có lý trí, theo cá nhân chủ nghĩa, không kể đến những lý do khác nhau đó.  Còn người Tự Lực-Tự Cường cũng sẽ qua đường khi đèn đỏ, nhưng với điều kiện biết chắc chắn không khiến cho ai bắt chước mà mang hoạ.

Nguyên nhân cũng nằm ở sự phát triển quá mau của khoa học; trong vấn đề này, xây dựng những phương pháp phân tích riêng cho từng vấn đề và áp dụng óc phê phán là phương tiện để tăng tiến.  Ngay cả những phạm trù phi khoa học, nói một cách chính xác, cũng phải qua sự giám sát của lý trí. Ví dụ như trong Thiên Chúa Giáo có một môn học gọi là Khoa Hộ Giáo (apologétique, từ dịch của Vatican News – Tiếng Việt), có nhiệm vụ thử nghiệm sự hài hoà giữa tín lý và chuẩn mực khoa học, tương tự như tất cả mọi hiện tượng văn hoá khác.

Tuy vậy, trong thế giới phương Tây, xu hướng này thường đưa đến địa vị độc tôn dành cho lý trí như một chuẩn mực cho những gì cần chính thức được công nhận.  Tất cả những gì lý trí (khoa học) không thể xác nhận thì không có quyền hiện hữu. Hơn thế nữa, việc phân chia các ngành trong khoa học cho hợp lý thường đưa đến những cách nhìn thiếu sót về thực tại:  chuyên gia về xã hội học không biết đến nhà tâm lý học trong khi chuyên gia này cũng không biết đến nhà địa lý học và triết gia… Mỗi một nhà chuyên môn tự xây cho mình một sự thật (khoa học) mà không sợ bị ai chỉ trích.  Cuối cùng thì lý trí và việc đào tạo tinh thần khoa học đã đẩy lùi – và việc này rất có hại trong việc lên các chương trình giảng dậy – chỗ đứng của cảm tính và nghệ thuật tính.

Lý trí chiếm chỗ của Chúa, trở thành một công cụ phục vụ cho một đề án xã hội tổng quan mới. Người phương Tây đã quên rằng cái gốc của lý trí không đến từ chính nó: lý trí chỉ là một trong những biểu hiện, một trong những khả năng của trí óc con người. Lý trí tự nó cũng không phải là cùng đích: lý trí là một công cụ, cần phải phục vụ một ý nghĩa, một đề án, một mục đích.  Đem một phương tiện có tính khoa học trở thành mục đích (khoa học tính) có thể là đem lý trí phục vụ cho bất cứ đề án nào ngay cả khủng bố, sát nhân, phi nhân.

Cuối cùng, lý trí là một nguồn ánh sáng không đủ trung dung như người ta vẫn tưởng.  Hướng chiếu của nó đã được định trước với mục đích mà người ta muốn nhắm tới. Một người có thể dùng lý trí để biện hộ cho những hành động đáng ngờ hoặc những tâm thái đồi truỵ, với mục đích củng cố hình ảnh mà họ muốn cho thấy về chính mình hoặc muốn thấy nơi những người khác (tư duy lý luận) , hoặc ngược lại, để tự vấn và thăng tiến.

Phương pháp nghiên cứu khoa học, khi xác nhận Tự Lực-Tự Cường cá nhân nơi từng người, cũng có thể dẫn tới việc chia thành từng phần khác nhau, phân loại, giúp cho thực tại xã hội trở nên dễ hiểu và dễ phân tích hơn. Phân biệt các tầng lớp xã hội, những dòng tư tưởng và chính kiến, các ngành khoa học giúp cho việc định vị con người (kể cả chính mình) và các nhóm và bắt đầu tiến vào quá trình định danh. Nhưng có một điều quan trọng là việc này không thể dẫn đến hiện tượng giam hãm những con người hoặc những nhóm người trong từng thể loại, và như vậy những công cụ dùng trong việc phân tích một cách lý trí sẽ không bị lẫn lộn với thực tại hiện thực, thường ngày, không thể theo một mẫu mực hữu lý nào ngoài ý muốn được sống và sinh tồn.

Giáo dục

(…)

(…)

Cuộc tranh chấp giữa các nguyên tắc

Trong các môi trường giáo dục, việc xử dụng một số từ trở nên rất tế nhị. Vì muốn hết mình giúp cho một số người thoát ra được những khó khăn nặng nề, tác giả (Verbunt) nhất định không muốn quay lại với lề lối cũ. Việc phải làm là xác định chỗ đứng trong phạm vi một cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân bằng cách đối thoại theo nghĩa của Edgar Morin như sau: « Nguyên tắc đối thoại có nghĩa là hai hay nhiều cách “lý luận” khác nhau được nối kết thành một mối, một cách phong phú, không đơn giản (vì nó có tính cách bổ túc, thi đua và đối kháng) mà vẫn giữ được hai thế độc lập, không cần đi đến đồng nhất ». Theo thiển ý, từ Tự Lực-Tự Cường (autonomy – autonomie) diễn tả cả hai hướng lý luận:  cái lý của  tập thể và cả cái lý của cá nhân trong cùng một thực trạng.

Cuộc cách mạng cá nhân lớn vào tháng 5 năm 1968 đã tung ra khẩu hiệu: : « Cấm không được cấm ». Lệnh cấm của chính quyền từ đó bị coi là một hình thức ức chế. Phải được làm điều mình muốn, v.v.. Từ đó, không có gì lạ trước những thất bại lớn trong giáo dục, không ít người đã hối tiếc thời đại êm đẹp đã qua. Năm 1968 là một tai hoạ cho giới có máu mặt và các quan lại, nhưng thật ra lại lành mạnh, vì nó đã đem lại tiếng nói cho các nhóm, các giới, các tầng lớp khác trong xã hội chưa từng có quyền đó từ trước tới nay. Đó là một bước tiến trong Tự Lực-Tự Cường của những công dân đó. Nhưng vì họ đã không được chuẩn bị trước, nên phong trào này đã biến thành một phong trào giải phóng về hướng cá nhân chủ nghĩa bởi vì một số khái niệm đã bị khai trừ quá sớm. 

Thật vậy, điều cấm không phải là một sự ức chế. Nó tượng trưng cho điều đã được “định đoạt giữa” các công dân với nhau để có thể sống chung.  Đó cũng là một « quy ước đặt chắn giữa tôi và phản ứng có tính bạo lực trong tôi đối với đồng loại. Điều cấm ở giữa tôi và chính tôi, giữa tôi và hành động của tôi và vì vậy, giữa tôi và người khác ».  Cuộc sống đòi hỏi phải có sự đồng ý trên một số luật lệ và sự tuân thủ những luật này.  Chắc chắn là những luật này, sau khi mất tính thiêng liêng của nó, không thể bị chống đối, huỷ bỏ, sửa đổi, nhưng chúng vẫn là biểu hiện cho bộ mặt xã hội của chúng ta.

Từ « trật tự » cũng bị dị ứng không thua gì từ « cấm ». Người ta nghe hai chữ « trật tự »thì nghĩ tới chủ nghĩa Phát Xít. Hai chữ « trật tự  » khiến người ta liên tưởng tới những chuyện từng bị lạm dụng tới nỗi không ai còn dám nhắc tới. Dù vậy, trật tự còn đóng khung luôn cả sự hiện hữu của  Tự Lực-Tự Cường. Mỗi một sự việc đều có chỗ của nó và có quyền có chỗ của nó. Trong truyền thống Giuđê-Kitô Hữu, sách Sáng Thế Ký mô tả cuộc tạo thiên lập địa như một sự sắp xếp lại thứ tự trong một thế giới hỗn độn lúc khởi đầu. Mục đích chính không phải là thiết lập một trật tự nhưng tuần tự, lập một trình tự, ấn định vị trí cho quả đất, phân chia đất và nước, đêm và ngày, ấn định lịch, Adam đặt tên cho các loài và có nhiệm vụ cầy cấy, tất cả những điều đó đã được đặt ra để nuôi cho Sự Sống luôn triển nở.

Từ « bổn phận » cũng trở nên một cái gì phải tránh. Cho đến nay, người nào mà tuyên bố “không được nói tới quyền mà bỏ quên bổn phận” sẽ bị gán cho hai tiếng cổ hủ. Nhưng quyền và bổn phận không thể tách rời: quyền của mỗi cá nhân tương xứng với bổn phận đối với xã hội, tập thể, nhóm; bổn phận của cá nhân ngược lại cũng tương xứng với một quyền trong tập thể, nghĩa là với mọi người đang cùng chung một cuộc sống. 

Tóm lại, cuộc cách mạng tháng 5 năm 1968 đã chỉ cho chúng ta phải biết sống theo ý muốn của riêng mình. Nhưng đôi khi người ta nói tới ước muốn mà lại lẫn lộn với ước vọng (envie/désir). Ước vọng là một khát khao sâu thẳm về kiến tạo con người, từ chối tính tự tại – không thể thay đổi, về niềm khao-khát-sâu-xa-luôn-thúc-giục-tiến-tới định hình cho mỗi cá nhân về giới tính, về những liên hệ với mọi người chung quanh. Các ước muốn nằm ở một trình độ phiếm diện hơn, nhằm vào đáp lại một cách thức thời, những ham muốn cá nhân, không có liên quan gì đến người khác, chỉ nhằm vào thoả mãn các nhu cầu cá nhân, có thể gây hại cho mối liên hệ với những người khác.

Có lẽ, tốt hơn nữa, chúng ta cần phải suy nghĩ về đồng phục và những dấu đặc biệt mà các nhân viên đại diện cho chính phủ phải mang trong khi thi hành nhiệm vụ, họ cần phải nhớ là đang đại diện cho tập thể và không thể làm việc theo những tiêu chỉ cá nhân? Cách làm việc có công tâm có thể là hiện thực mà không bị rơi vào cái bẫy thần thánh hoá một vai trò xã hội: một cảnh sát viên chỉ cần bỏ cái nón của anh ra, vị thẩm phán có thể cởi bỏ chiếc áo choàng và một ông vua có thể bỏ vương miện của ông xuống khi trở về « mái nhà » của họ.  

Xử dụng lý trí 

Tại Pháp, luôn có những cuộc tranh cãi về sự cần thiết của môn công dân giáo dục. Mỗi lần là một dịp để thấy hiện tượng chỉ cần tin vào việc có dậy những điều tốt là đủ để học sinh áp dụng. Và rồi người ta sẽ nói rằng, nếu người trẻ có xử sự không đúng thì lỗi ở chỗ không có ai giảng giải đủ cho chúng biết hoặc hiểu về những luật sống chung trong xã hội.

Những lề thói về cách cư xử trong giao tiếp hoặc cách sống dân chủ phải được học, nhưng không còn quan trọng phải hiểu rõ tại sao phải tuân theo những luật này. Trước khi biết về nội dung của một luật nào, chúng ta cần phải công nhận sự cần thiết của nó cũng như sự cần thiết phải tuân thủ.  Lý lẽ phải đi đôi với ước muốn sống chung trong xã hội.

Thói quen coi mọi cá nhân đều có đủ lý trí không có nghĩa là mỗi cá nhân đều tự mình có khả năng lý luận. Tập xử dụng lý trí đồng nghĩa với biết nghe lý luận của tất cả mọi người khác, tại vì lý trí cá nhân sẽ phát triển toàn vẹn hơn trong một môi trường có nhiều ảnh hưởng và khát vọng khác nhau, khác với một môi trường hạn hẹp, nghèo nàn. Việc thực tập đối thoại về cách sống chung hợp lý với nhau sẽ giúp học hỏi thêm mỗi ngày về những lợi điểm của việc áp dụng cũng như những hình thức khác nhau của lý trí, nói tóm lại, giúp hiểu về cái lý của việc tương tác-tương trợ một cách thực tế hơn.  Như vậy, lý trí không chỉ dùng để phục vụ cho những mục đích cá nhân, mà còn theo mệnh lệnh của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate: « Hãy biết chính mình », để rồi có thể xây dựng cho chính mình khả năng biết người, biết ta.

Kết luận

Xã hội phương Tây đã nhấn mạnh về cuộc chinh phục Tự Lực-Tự Cường cá nhân hay của các nhóm trong xã hội. Chúng ta không thể dại dột đi ngược chiều tiến hoá để trở lại với một cơ cấu xã hội đồng nhất hoặc độc tài. Tuy nhiên, việc thúc đẩy thêm những bước tiến đã có, thường đi quá đà, đặc biệt đưa đến làm suy yếu các mối quan hệ trong xã hội cũng như quá thần thánh hoá lý trí. Những môi trường trọng truyền thống có thể có khuynh hướng chống lại nhu cầu Tự Lực-Tự Cường vì những thiệt hại đến từ những lạm dụng.  Nếu khát vọng Tự Lực-Tự Cường có thể đáp lại những chỉ trích bằng cách chấp nhận và sửa sai, khả năng cá nhân này không những vẫn giữ được chỗ đứng của một giá trị nền tảng trong văn hoá phương Tây, mà còn có thể đóng góp vào công trình giúp hội nhập các  nhóm di dân đến từ nhiều nền văn hoá khác vào chung một xã hội hài hoà.

__________

Ghi chú: Gilles Verbunt trước hết là một nhà giáo (gs đại học Paris XII) và là một nhà nghiên cứu trong ngành đào tạo Cán Sự Xã Hội tại Pháp, với chuyên đề hội nhập của người di dân và các vấn đề xuyên văn hoá.