Trang

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

5123. Vi bằng 2: Tìm hiểu KINH ĐẠI TƯỜNG. Bài 2

Bài từ fb Bản tin HTE.

TÌM HIỂU KINH ĐẠI TƯỜNG

Bài 2.
Hội Thánh chưa kiểm duyệt
.

Câu 2: Di-Lặc đương thâu thủ phổ duyên.

Lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén (18-11-1926) Đức Chí Tôn dạy đôi liễn:

Di-Lặc thất bá thiên niên quảng khai Ðại Ðạo.
Thích Ca nhị thập ngũ thế chung lập Thiền môn.

Tạm hiểu: Đức Di-Lặc mở rộng Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ hay Đạo Cao Đài trong 700.000 năm. Đức Thích Ca nhập Niết Bàn, 25 thế kỷ sau chung sức lập Đạo Cao Đài.

Nhưng trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và Pháp Chánh Truyền không dạy về Đức Di-Lặc, mãi đến năm 1935, mới dạy qua Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, khi xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh bố trí tượng Đức Di-Lặc trên nóc Hiệp Thiên Đài (Phi Tưởng Đài). 


Bài 1: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/08/5118-vi-bang-1-tim-hieu-kinh-ai-tuong.html#more

Thể pháp qua kiến trúc.



(Ảnh chụp tượng Đức Di Lặc - Đền Thánh Tây Ninh)

https://www.facebook.com/share/vcxGe4E6W9sPp2X6/?mibextid=CTbP7E

Trong thể pháp qua kiến trúc, Đức Di-Lặc mặc trang phục triều nghi, ngồi trên lưng cọp là chỉ dấu Đức Di-Lặc liên quan mật thiết với ý nghĩa Khai Đạo năm Bính Dần (1926) và Đạo Luật Mậu Dần (1938). Đức Di-Lặc ngồi theo thế tĩnh tọa, công phu, lưng hướng Đông, mặt hướng Tây, ngồi trên tòa sen, tòa sen đặt trên thảm vuông, thảm vuông đặt trên lưng cọp, cọp không chạy như Long Mã trên Nghinh Phong Đài mà nằm theo hướng Bắc-Nam, đầu ngó về phương Tây.

Thầy dạy ngày 7-8-1926, TNHT Q1: “Thầy đã nói thầy thả một lũ hổ-lang ở lộn cùng các con; nó hằng thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho con mặc một bộ thiết-giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo-đức của các con.

Trong thế ngồi của Đức Di-Lặc và thế nằm của cọp thể hiện Đức Di-Lặc đã thuần hóa được lũ hổ-lang, điều khiển hổ lang theo ý muốn, cả hai nhìn về phương Tây. Tây Phương về xã hội là khoa học kỹ thuật, về đạo học là cảnh an nhàn, giải thoát là Niết Bàn.

Kinh Giải Oan, câu 23-24:

Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây Phương.

Kinh Khi Đã Chết Rồi câu 13-16:

Cửa Tây Phương khá bay đến chốn,
 Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu,
Tiên phong Phật cốt mỹ miều,
Vào Kinh Bạch Ngọc lễ triều Chí Linh.

Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu, câu 21-24:

Chốn Tây phương đường đi thong thả,
Cõi Diêm cung tha quả vong căn.
Tiêu diêu định tánh nắm phan,
Do theo Cực lạc đon đàng siêu thăng.

Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Đã Qui Liễu, câu 9-16:

Ơn Tạo hóa tha tiền khiên trước,
Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.
Tiên phong phủi ngọn phất trần,
Liên đài đỡ gót đến gần Tây Phương.
Cửa Cực Lạc đon đường thẳng tới,
Tầm không môn đặng đợi Như Lai.
Hào quang chiếu diệu CAO ĐÀI,
May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh.

Kinh dạy: Ánh Thái Dương giọi trước phương Đông hàm ý Đạo khởi ở phương Đông nên đối diện, đối thoại hay tiếp rước phương Tây cũng lấy Đạo làm gốc. Thể pháp bày lộ thiên nghĩa là nơi thập mục sở thị, thập thủ sở chi, (mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào); nghĩa là xã hội nhìn vào và kiểm chứng.

Đức Thích Ca giáng cơ dạy bài KINH ĐẠI TƯỜNG, Lòng sớ dạy: Tam-Tông Chơn-Giáo: Tây-Phương Giáo-Chủ Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn. Nối kết như vậy để hiểu thêm ý nghĩa việc Đức Di-Lặc và cọp đều ngó về hướng Tây.

Thời Nhị Kỳ có tranh Thập Mục Ngưu Đồ (mười bức tranh chăn trâu), người chăn trâu thuần hóa được trâu không cần tới sợi dây nữa, cả hai tự tại. Thời Tam Kỳ Thầy thả một lũ hổ-lang ở xung quanh ta và hằng xúi nó cắn xé chúng ta nhưng Thầy đã ban cho bộ thiết giáp là đạo đức. Đạo đức một xã hội thể hiện qua pháp luật của xã hội, đạo đức một tôn giáo là pháp luật của tôn giáo đó. Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền trong mỗi người và trong tổ chức tôn giáo thì mới ngồi trên tòa sen được. Hổ lang không yên vị là tòa sen bị ảnh hưởng.

Thể pháp Đức Di-Lặc ngồi trên lưng cọp, cùng ngó về phương Tây là đạo lý và nhơn tâm là một, nhơn sanh phải thuận tùng đạo lý, đạo lý phải thu phục được nhân tâm trên và dưới phải thông hiểu nhau để tạo sự thuận hòa, như quẻ Thái vậy. Nhơn tâm bên dưới đóng vai trò hạ tầng, nên là sức mạnh, Đức Di-Lặc ngồi trên lưng cọp là thượng tầng là bộ não. Hạ Tầng trong Đạo Cao Đài là Thánh Thất, Thượng Tầng là Tòa Thánh Tây Ninh khi cúng đọc Ngũ nguyện: Thánh Thất an ninh. Đức Di-Lặc tĩnh tọa là để trị hổ lang, có trị được hổ lang Ngài mới thi hành sứ mạng trong ĐĐTKPĐ.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải: Thầy là chúa sự vô vi, nghĩa là chúa các việc vô hình, Thầy lại ban cho người đủ khôn ngoan trí thức Thiêng Liêng, đặng làm chúa của sự hữu hình, nghĩa là chúa cả của vạn vật, nếu muốn cho sự vô vi và sự hữu hình được tương đắc, thì cả hai ông chúa phải liên hiệp nhau mới đặng, người có sức sửa cơ Tạo Hóa, song Tạo Hóa cũng tùy người mà làm cho vạn loại trở nên tận thiên, tận mỹ.

Liên tưởng đến hình ảnh Đức Di-Lặc trong xã hội với áo cà sa, cười thoải mái bên cạnh lục tặc có nghĩa là đã thuần hóa được lục tặc nên ai nấy đều tự tại, tươi vui.

Đức Di-Lặc mặc triều phục, ngồi tĩnh tọa quay mặt về phương Tây nghĩa là khi chầu lễ Đức Chí Tôn xong rồi đã đọc Ngũ nguyện rồi, giờ thực hiện ngũ nguyện như thế nào? Trước mặt Đức Di-Lặc là Đại lộ Phạm Hộ Pháp, đến cột phướng, cây bồ đề, Cửu Trùng Thiên, Đức Sa-Nặc, Đức Thích Ca tầm đạo, đại lộ Cao Thượng Phẩm, Tháp Hộ Pháp và lộ Chánh môn… Vậy làm thế nào để thâu thủ phổ duyên?

Khởi đầu là Đại Lộ Phạm Hộ Pháp nằm theo chiều Bắc-Nam (trục hoành), và bước vào Đền Thánh vô vi (từ Cột Phưởng trở đi) cho đến Tháp Đức Hộ Pháp (trục tung) để làm nhiệm vụ quảng khai Đại Đạo. Tượng Đức Di-Lặc ngồi trên lưng cọp có cả trục hoành và trục tung.

Về cá nhân: Mỗi người đến thế gian trong vô lượng kiếp để tạo sự nghiệp cho mình nơi cõi thiêng liêng, ngôi vị cõi thiêng liêng chính là tòa sen của mình. Kinh Đưa Linh Cửu câu 15-16: Tòa sen báu vật xin đưa, Chơn linh an ngự cho vừa quả duyên. Tòa sen là ngôi vị của mỗi người tạo được trong vô lượng kiếp.

Về tôn giáo: Đức Chí Tôn lập QUỐC ĐẠO để giải quyết khổ nạn của nhân loại. Cửu Trùng Đài giáo hóa để nhơn sanh đủ trí lự khôn ngoan, không để ai thao túng tâm lý, lừa gạt đức tin. Phước Thiện để giải quyết vấn nạn cơm áo gạo tiền cho Thánh thể và Tín Đồ. Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để nhơn sanh mạnh mẽ, tự chủ trong cuộc sống. Chánh pháp của đạo là hun đúc để DÂN MẠNH mới có hòa bình: Cầu xin trăm họ bình an, Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm (bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối).  Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền, trong đó Đạo Luật Mậu Dần (1938) là một công cụ rất hữu ích để trị hổ lang trong mỗi người và trong nền đạo.

Đạo có thể và dụng, tòa sen tròn thể hiện cái dụng của Trời, thảm vuông thể hiện cái dụng của Đất. Trong Tam tài: Thiên-Địa-Nhân thì Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. Tạm hiểu: Trời khai ở hội Tý, Đất khai ở hội Sửu, Người khai ở hội Dần. Đức Di-Lặc ngồi lưng cọp thể hiện sự hài hòa của Thiên-Địa-Nhân trong kỷ nguyên của Đức Di-Lặc.

Thể pháp Đức Di-Lặc qua kiến trúc thể hiện được nguyên lý của Tam Kỳ Phổ Độ: từ hữu hình đến vô vi. Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền, là thần thông, là khuôn thước để thuần hóa hổ lang của chính mình và tôn giáo. Thông điệp hòa bình chung sống lan tỏa qua thể pháp.

Thể pháp qua kinh văn.

Thâu: nhận vào. Thủ: giữ lại. Phổ duyên: bày ra tùy theo căn duyên của mỗi người, tùy vào tài nguyên và môi trường trong xã hội. Chữ đương có nghĩa là đang làm việc gì đó, đang lái xe đi làm, đang ngồi trong lớp học, đang học môn gì, đang cúng thời Tý hay thời Mẹo, đang đọc bài kinh gì … nghĩa là khi bài Kinh Đại Tường được dạy là Đức Di-Lặc đã làm việc thâu thủ phổ duyên ngay từ năm 1935 cho đến suốt chu kỳ của ĐĐTKPĐ. Xác định được chữ đương thì loại ra những nghĩa không phù hợp, thí dụ như Đức Di-Lặc sẽ tái sanh để làm công việc thâu thủ phổ duyên hay tái sanh để sửa đổi chơn truyền. 

Đạo Pháp Vô Biên nhưng phải hiện hữu, cũng như việc học là không cùng tận, nhưng mỗi người, mỗi thời đại phải ở trong một vị trí của con đường không cùng tận ấy. Cho nên Đạo Pháp hiện hữu là thể pháp để xây dựng con người, xã hội và tôn giáo. Thể pháp luân chuyển hóa sanh để phụng sự chúng sanh theo luật cung cầu, chúng sanh là đối tượng phụng sự của thể pháp, tính phụng sự chúng sanh quyết định giá trị thể pháp.

Đạo là vô tự, tôn giáo là văn tự. Đức Di-Lặc không có trong PCT CG (Hành Chánh Đạo, 1931), không có trong BHLQVL (Chánh Trị Đạo, 1934) nghĩa là không thuộc về cả hai cơ quan nầy. Đến năm 1935 Đức Di-Lặc mới hành đạo trong ĐĐTKPĐ vậy Đức Di-Lặc không thể điều động nhân sự của Hành Chánh Đạo và Chánh Trị Đạo.

Vậy Đức Di-Lặc đương hành đạo ở đâu? Ai là nhân sự của Đức Di-Lặc?

Quan sát chánh giáo của Đức Chí Tôn chúng tiểu đệ, muội nhận thấy:

Phước Thiện cũng không có trong PCT CG, không có trong Chánh Trị Đạo. Phước Thiện hành đạo dưới quyền của Thánh thể (Hành Chánh Đạo) và theo đường lối của Chánh Trị Đạo. Phước Thiện không có quyền điều động nhân sự Hành Chánh Đạo và Chánh Trị Đạo. Hội Thánh Phước Thiện là của Hộ Pháp, theo Đạo Luật Mậu Dần (1938), nhân sự Phước Thiện do quyền thưởng phạt riêng của Đức Hộ Pháp, nghĩa là Hộ Pháp có toàn quyền thâu thủ phổ duyên nhân sự Phước Thiện và hành đạo dưới quyền Thánh Thể (quyền Chí Tôn tại thế).

Phước Thiện là một trong ba con đường về với Đức Chí Tôn, hai đường còn lại là hành chánh và tu chơn (Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống).

Đến đây ta thấy Phước Thiện do quyền thâu thủ phổ duyên của Đức Hộ Pháp và Đức Di-Lặc, vậy hai Đấng ấy là một hay hai? Xin vui lòng xem phần tiếp theo.

Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền. Xin trích đoạn Đức Hộ Pháp dạy năm 1951, BNS Thông Tin số 77: Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền, họ trích điểm là phải. Mà chính Thầy cũng nhìn nhận là không khi nào Phước Thiện có trong Pháp Chánh Truyền, dầu rằng mấy con cầu xin xỏ đem danh từ Phước Thiện vào Pháp Chánh Truyền lại còn sai hơn nữa. Thầy vẫn lấy quyền Chí Tôn tại thế, không bao giờ làm trái ngược vậy được. …

… Thầy cho các con biết cái chủ nghĩa Phước Thiện của Đạo Cao Đài lập ra đây nếu nó ra sớm thì sẽ bị chết trong trứng. Vì nó là chướng ngại của thế gian. Bởi vì đời cứ bôn xu trên đường duy vật, danh vị, quyền lợi càng tranh đấu mãi.

Còn Đạo dục tiến tinh thần, đem bác ái công bằng trãi trên mặt thế, cộng hòa nhơn loại, làm cho xã hội bình đẳng, nâng đỡ kẻ nghèo đến tột bực, không giàu mà sang, tuy nghèo mà tự toại. Chủ nghĩa ấy nó đương đầu với các sắc dân vương vị, đế quyền, bảo sao mà không phản trắc, cũng vì quyền với lợi. Đừng nói chi ngoài đời trong Đạo mà cũng còn làm tánh đức đó. Qua nói là bậc Chức Sắc lớn, không phải hàng Đạo Hữu mà thôi.

Cơ cứu thế, Đức Chí Tôn dạy lập hồi mới khai Đạo, cũng vì cái khó khăn mà duy trì đến ngày 15 tháng 8 Quí Dậu (1933) Qua mới thuyết trình trong bài diễn văn đã giãi rõ. Bắt đầu từ Phước Thiện mới nảy nở đến tháng giêng năm Ất Hợi (1935) mới được bành trướng, thì Đức Lý Giáo Tông cho phẩm Giáo Thiện mượn áo mão của Lễ Sanh 03 năm để bổ đi các Tỉnh, lo mở Phước Thiện. Ngài dạy đợi đến ngày Hội Thánh lập nên Hội Quyền Vạn Linh để đưa ra hội quyết định. …

Hội Thánh Cửu Trùng Đài là của Giáo Tông. Hội Thánh Phước Thiện là của Hộ Pháp. Trong nền Đạo luôn luôn phải có Giáo Tông và Hộ Pháp dầu có sự biến thiên xoay chuyển thế nào, sớm hoặc muộn đều phải có Giáo Tông và Hộ Pháp.

Dầu thể xác của Qua là con kỵ vật của Hộ Pháp có thay đổi thế nào, Hộ Pháp vẫn là Hộ Pháp.

Ngày kia chủ quyền Đạo hữu hình nầy là Gíao Tông làm chủ, không lẽ Ngài vô tình chiết bớt cánh tay, tức là giải tán Phước Thiện. … (hết trích).

Theo Đạo Luật Mậu Dần (1938). Nhân sự Phước Thiện độc lập với Hành chánh. Điều 10, Chương Phước Thiện.

Điều thứ mười: Gầy Dựng Cơ Thể Phước Thiện Các Nơi, Và Những Phương Hay Đặng Châu Cấp Cho Những Kẻ Tật Nguyền Cô Độc.

LUẬT: Kỷ luật Thập nhị đẳng cấp Thiêng liêng của Chức Sắc Phước Thiện định y như dưới đây:

1- Minh Đức
  2- Tân Dân
  3- Thính Thiện
  4- Hành Thiện
  5- Giáo Thiện
  6- Chí Thiện
  7- Đạo Nhơn
  8- Chơn Nhơn
  9- Hiền Nhơn
10- Thánh Nhơn
11- Tiên Tử
12- Phật Tử

I/- LUẬT TUYỂN CHỌN.

1/- Bất luận Nam hay Nữ, ai ai cũng đặng dưới quyền tuyển chọn vào Phước Thiện của Đạo, hoặc người có Đạo, hoặc người chưa có Đạo, muốn vào Phước Thiện thì phải lập tờ hiến thân trọn đời, xin làm công quả cho cơ sở Phước Thiện.

2/- Những Chức Sắc hay Chức Việc đương quyền hành chánh mà muốn hiến thân làm công quả vào cơ sở Phước Thiện, thì phải có giấy chứng nhận do đẳng cấp trật tự mình mới đặng. Còn Tín Đồ thì phải có giấy chứng tánh hạnh tốt của Bàn Trị Sự cho thì bên Phước Thiện mới thâu nhận.

3/- Người nào mới nhập vào Phước Thiện cũng phải khởi đầu làm công quả theo hạng Minh Đức.

Theo khoản 2: các phẩm bên hành chánh đạo muốn vào cửa Phước Thiện cũng bắt đầu từ phẩm Minh Đức, việc đối phẩm Phước Thiện và Cửu Trùng Đài chỉ dùng trong nghi lễ mà thôi. Phước Thiện là một con đường, một khung trời riêng biệt với Cửu Trùng Đài mà vẫn phục vụ cho hành chánh đạo. Hai bầu trời nầy hòa quyện vào nhau mà vẫn dưới quyền của Thánh thể theo ý nghĩa câu kinh: Hỗn ngươn Thiên dưới quyền Giáo-chủ, sự an bày của Đại Từ Phụ (trở pháp) ảo diệu đến nước Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều ngạc nhiên vì sự lạ và Đức Thích Ca đắc đạo đã mấy ngàn năm khi thuyết Di-Lặc Chơn Kinh cũng dạy: Ngã kim thính văn đắc thọ trì … đến nay chúng đệ tử mới chạm đến sự bí mật trong Đạo Luật Mậu Dần (1938) thật là vui mừng khôn xiết, xin đê cầu cảm tạ Thầy, Mẹ, các Đấng thiêng Liêng đã ban bố ơn lành.

Ý nghĩa câu Hộ Pháp đến lập vị cho Đức Di-Lặc nằm ở việc Đức Hộ Pháp lập ra Phước Thiện và theo các điều lệ Phước Thiện độc lập với hành chánh đạo (cho nên có cả người ngoại đạo) mà vẫn phụng sự cho ĐĐTKPĐ. Đức Hộ Pháp cầm quyền Giáo chủ để lập Đạo Luật Mậu Dần (1938) là tạo nhân sự giúp cho Đức Di-Lặc hành đạo.

II/- CẦU PHONG.

4/- Chức Sắc Phước Thiện Nam Nữ phải chịu dưới quyền công nhận của toàn Hội Phước Thiện, mới đặng thăng chức hay là buộc tội mà bị sa thải.

5/- Bậc Minh Đức muốn lên bậc Tân Dân phải có 3 năm công nghiệp đầy đủ với chức trách, phải có tờ kiết chứng công nghiệp, tờ khai tánh đức tốt, trường trai và tư cách xứng đáng mới đặng dự vào sổ cầu phong.

….

V/- QUYỀN PHONG THƯỞNG.

14/- Quyền phong thưởng Chức Sắc Phước Thiện hay là buộc tội Chức Sắc ấy thì về quyền đặc biệt của Đức Hộ Pháp mà thôi.

Đức Di Lặc không có trong Pháp Chánh Truyền và Chánh Trị Đạo, Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền và Chánh Trị Đạo. Phước Thiện và Đức Di-Lặc hành đạo dưới quyền Thánh thể của Đức Chí Tôn. Phước Thiện có Đại Hội Phước Thiện (hữu hình), Đức Di-Lặc là chủ Đại Hội Long Hoa kỳ ba (vô vi). Đối chiếu Di-Lặc đương thâu thủ phổ duyên với Phước Thiện có nhiều điểm tương đồng, là cơ sở để kết luận Đức Di-Lặc hành đạo trong cửa Phước Thiện. Về Hội Long Hoa sẽ bàn luận khi tìm hiểu câu 5.

Phước Thiện: Hộ Pháp là thể pháp, Di-Lặc là bí pháp. … Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu, thọ mạng cùng Đức Chí Tôn tạo Thuyền Bát Nhã nơi mặt thế nầy là tượng trưng Thể pháp. Phước Thiện là chủ Thuyền Bát Nhã hữu hình là thể pháp, Đức Di-Lặc làm chủ Thuyền bát nhã vô vi là bí pháp.

/- Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện, giải thích về Chèo Thuyền Bát Nhã, tại Khách Đình, ngày 13-10-Ất Hợi (dl 8-11-1935).

Hôm nay là ngày 13 tháng 10 Ất Hợi, nhằm lễ kỷ niệm Khai Đạo hằng năm, lại nữa là ngày khai Thuyền Bát Nhã tại Khách Đình.

Bần tăng vâng lịnh Đức Hộ Pháp dẫn giải cho nhơn viên hiện có trách nhiệm trọng yếu trong Bát Nhã thuyền được rõ: Lấy theo Thể pháp, các em đây là nhơn viên của Đức Phật Di-Lạc tượng trưng thể pháp nơi mặt thế nầy, nương lấy khuôn Thuyền Bát Nhã trong thời kỳ hạ nguơn hầu mãn khởi đầu thượng nguơn Tứ Chuyển.

Về hữu vi, tượng trưng đưa xác người vào nơi cực lạc giới, gọi là kiếp thoát trần; mặt khác về nhiệm mầu vô vi là Cơ Tận độ cứu rỗi cửu nhị ức nguyên nhân qui hồi cựu vị, cùng các chơn hồn tiền vãng hậu vãng và các chơn hồn vật loại đạt đến phẩm nhơn khi thoát xác được siêu thăng Thượng giới.

….

* Tam Kỳ Phổ Độ:

Đến thời kỳ Hạ nguơn mạt kiếp, tức là thời kỳ qui cổ, chính mình Đức Chí Tôn giáng trần, dùng huyền diệu cơ bút, để Tam Trấn Oai Nghiêm thay cho Tam giáo lập Đạo vô vi, không hình thể như trước, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

1/. Đức Phật Quan Âm chưởng quản về Phật giáo.

2/. Đức Lý Thái Bạch Tiên Trưởng chưởng quản Tiên giáo.

3/. Đức Quan Thánh Đế Quân chưởng quản Thánh giáo, gọi là Nho Tông Chuyển Thế.

Nhơn thời Hạ nguơn nầy, do cơ bút mà biết được nguyên nhân đắc đạo trong hai kỳ trước. Những nguyên nhân đắc đạo đến tình nguyện nơi Ngọc Hư Cung giáng trần, chịu mạng lịnh nơi Đức Di-Lạc Vương Phật, lo cứu rỗi 92 ức nguyên nhân còn say đắm nơi trần.

Bây giờ nhắc lại Thể pháp cuộc Chèo Thuyền Bát Nhã, phận sự của nhân viên trong thuyền có:

· Tổng Lái
· Tổng Mũi
· Tổng Thương
· Tổng Khậu và
· 12 Bá Trạo.

- Tổng Lái: là chơn linh Hắc Sát Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Hộ Pháp.

Tổng Lái tượng trưng Bát Quái Đài.

- Tổng Thương: là chơn linh Huỳnh Long Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Sanh.

Tổng Thương tượng trưng cho Cửu Trùng Đài.

- Tổng Mũi: là chơn linh của Bạch Hổ Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Phẩm.

Tổng Mũi tượng trưng cho Hiệp Thiên Đài.

- Tổng Khậu: tượng trưng nhơn sanh, tức là chơn hồn của chúng ta, thấy tánh tình của Tổng Khậu vô chừng, vui buồn chẳng định, vả chăng trong thời biến chuyển loạn lạc, phải chịu dưới phép sai khiến của lục dục thất tình, vì danh lợi tự đem mình đến chỗ trụy lạc, vì vật chất xa hoa quyến rũ.

- Mười hai Bá Trạo: Con số 12 là bí pháp, số riêng của Đức Chí Tôn. Ngài nắm Thập nhị Khai Thiên nơi tay, tức là Thập nhị Thời Thần nơi Bạch Ngọc Kinh. Còn Thể pháp là Thập nhị Thời Quân HTĐ mà chúng ta đã biết trong cửa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Vậy 12 Bá Trạo tượng trưng Thập nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, mà biến tướng Càn Khôn thế giới, làm cho rộng lớn thêm lên vũ trụ bao la.

Những vị vừa kể trên, vừa chèo vừa hát rập ràng, theo chơn truyền của đạo là Thể pháp. Thể pháp có hành thì Bí pháp mới tựu. Ấy là "dĩ huyễn độ chơn".

Thể pháp và Bí pháp lúc nào cũng phải đi đôi, cũng như người có xác và hồn phải tương liên, bằng chẳng vậy, có xác không hồn là điên, có hồn không xác là vị đó vậy.

Đức Chí Tôn là chúa tể Càn Khôn Vũ Trụ, hoá sanh vạn vật, cầm quyền thiêng liêng cũng như hữu hình, với lòng Đại từ đại bi, chẳng nỡ ngồi nhìn con cái của Ngài phải chịu trầm luân khổ hải, nên Ngài dùng Bí pháp định cho Tam vị Thần xuống thế tượng trưng Thể pháp là: Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, lái vững khuôn thuyền Bát Nhã để độ dẫn các chơn linh nguyên nhân, hóa nhân, quỉ nhân, và các chơn hồn tức là trong chúng sanh, dầu xiêu lạc nơi nào cũng tìm rước về hội ngộ cùng Thầy.

Trong thời kỳ Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, là Đại Ân Xá Kỳ Ba, chính mình Đức Chí Tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút mở Đạo Cao Đài tại nước Việt Nam, qui Tam giáo hiệp Ngũ chi, tạo đời Thánh đức, dụng Nho Tông Chuyển Thế với chủ nghĩa tận độ chúng sanh trên quả Địa cầu 68 nầy qui hồi cựu vị, chẳng phân biệt giống nòi hay chủng tộc.

KẾT LUẬN:

Trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, dùng Thuyền Bát Nhã với Bí pháp huyền vi mầu nhiệm thiêng liêng, vì Đức Di-Lạc Vương Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn, Đức Ngài làm chủ Thuyền Bát Nhã, rước các bậc nguyên nhân từ Thất thập nhị Địa trở về.

Đức Phật ngự trên thuyền, kêu gọi toàn linh căn chơn tánh của cửu nhị ức nguyên nhân hãy mau tỉnh ngộ về cửa nầy, nương nơi Thuyền Bát Nhã trở về Lôi Âm Tự và Bạch Ngọc Kinh mà hội ngộ cùng Thầy.

Còn về Thể pháp, Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu, thọ mạng cùng Đức Chí Tôn tạo Thuyền Bát Nhã nơi mặt thế nầy là tượng trưng Thể pháp, độ dẫn Bát hồn: từ Vật chất hồn, Thảo mọâc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn, do Kim Bàn Phật Mẫu vận chuyển hóa ra Bát đẳng cấp chơn hồn, đúng như Kinh Phật Mẫu dạy:

Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã,
Phước từ bi giải quả trừ căn.
Huờn hồn chuyển đọa vi thăng,
Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn chưởng Âm.

Theo nghĩa bốn câu kinh trên là: Thuyền Bát Nhã tượng trưng nơi mặt thế nầy để rước xác tục đưa qua khỏi bến sông mê bể khổ trần ai, huờn hồn phục sanh, siêu thăng nơi miền Thánh đức.

Tòa Thánh, ngày 13 tháng 10 năm Ất Hợi.
(dl 8-11-1935)
KHAI PHÁP Trần Duy Nghĩa.

/- Đức Di-Lặc Vương là chủ Thuyền Bát Nhã vô vi. Tờ xin trả chức của Lễ-Sanh Ngọc-Giác-Thanh.

Lời phê của Đức Hộ Pháp.

Bần-Đạo buồn-cười mà để dấu hỏi coi ai dạy Giác mà nó ngoan Đạo quá vậy. Đương chèo thuyền Bát-Nhã là một tên bạn chèo mà coi mình trọng hơn phẩm Lễ-Sanh cũng là một điều hi-hữu, ừ phải, nó chỉ biết nó theo khuôn thuyền tế-độ, ấy là vì biết chủ chiếc thuyền là Đức Di-Lạc Vương-Phật. Nên nó nghĩ: "Thà làm tôi cho một vị PHẬT đặng đưa bước Thiêng-Liêng cho các Chơn-Hồn, hơn là làm tôi-đòi cho Vạn-Linh Sanh-Chúng." Sáng-suốt ấy chẳng phải xác-thịt phàm của Giác xúi-biểu nó, mà là Chơn-Linh Phật-Tánh của nó đã nói nhỏ với nó. Bần-Đạo lại làm trái ý nó một phen chơi, chúng-sanh đã muốn cho nó làm Lễ-Sanh nó chê, Bần-Đạo cho nó vào hàng Giáo-Thiện, Hội-Thánh Phước-Thiện lập Thánh-Lịnh.

HỘ-PHÁP (Ấn-Ký)

/- Do đơn tố-cáo Chí-Thiện Hương-Nhâm cho mướn Thuyền-Bát-Nhã.

Lời phê của Đức Hộ Pháp.

Quyền Ngọc Chánh Phối-Sư viết thư nói cho các Bàn-Trị-Sự nơi Châu-Thành Kiêm-Biên biết rằng: Thuyền Bát-Nhã là của Hội-Thánh Phước-Thiện cho Hội-Thánh Ngoại-Giáo mượn, do lịnh Bần-Đạo dạy, khi Giáo-Sư Bẩy phản chiếm làm chủ, và khi Bần-Đạo về thấy thì dạy lấy lại giao cho Phước-Thiện hay là Chức-Sắc Phước-Thiện làm chủ. Nghĩa là của thiệt chủ nó trả lại cho chủ nó. Chí-Thiện Hương-Nhâm thay mặt Hội-Thánh Phước-Thiện làm chủ nó thì chủ-quyền của Chí-Thiện Nhâm, không ai phản-đối đặng. Nhưng Bần-Đạo sẽ nhắc Chí-Thiện Nhâm thuyền ấy chỉ để làm phước chớ không phải để làm mướn, nếu cho mướn lấy tiền cốt-yếu để tiền ấy làm phước mà phước ấy cả con cái Thầy phải hưởng trước hết.

HỘ-PHÁP (Ấn-Ký)

Ban Di-Lặc hành đạo: Đạo Luật Mậu Dần (1938) Điều 10-11 thuộc về Phước Thiện.

Điều 11: Phương Chỉnh Đốn Về Mặt Nghi Tiết Của Đạo Nơi Các Thánh Thất Và Về Phần Quan, Hôn, Tang, Tế.

LUẬT: Hội Thánh phải bổ đến mỗi Quận Đạo: Lễ Sĩ, Cai Nhạc và Giáo Nhi có cấp bằng của Hội Thánh, đặng chỉnh đốn về mặt nghi tiết nơi các Thánh Thất và các cuộc quan hôn, tang tế.

 …. Cả thức lệ về mặt nghi tiết và phương pháp thật hành về quan hôn, tang tế đều thuộc về quyền của Phước Thiện sắp đặt, nhưng bên Hành Chánh, Phổ Tế và Tòa Đạo cũng phải chung lo cho đặng trang hoàng.

Theo qui định trên đây thì Nhạc, Lễ, Đồng Nhi thuộc quyền Phước Thiện, Hội Thánh Phước Thiện là của Hộ Pháp, về thể pháp Hộ Pháp là chủ Thuyền Bát Nhã hữu hình nên thâu thủ phổ duyên về hữu hình, về bí pháp Đức Di-Lặc là chủ Thuyền Bát Nhã vô vi nên thâu thủ phổ duyên về vô vi. Đạo tỳ là nhân viên của Đức Di-Lặc vậy Lễ, Nhạc, Đồng Nhi và Đạo Tỳ là Ban Di-Lặc hành đạo dưới 2 quyền hữu hình của Hộ Pháp và vô vi là Đức Di-Lặc.

Đức Di-Lặc trong xã hội và Đức Di-Lặc trong ĐĐTKPĐ: Có một điều thú vị là hình ảnh Đức Di-Lặc trong xã hội gắn liền với bộ áo cà sa rất bình dị và lúc nào cũng tươi cười với lục tặc. Tòa Thánh Tây Ninh là triều nghi của Đức Chí Tôn, Đức Di-Lặc về Tòa Thánh Tây Ninh mặc triều phục rất uy nghi, ngồi trên lưng cọp, miệng như mỉm cười vì đã thuần hóa được hổ lang Thầy thả xung quanh nhơn sanh. 

Câu 3: Tái sanh sửa đổi chơn-truyền,