Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

5085. ĐỘC DƯỢC CỦA CQPTGL & NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 Bài viết thể hiện sự nhiễm độc từ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý và nhà nước Việt Nam: Khai Minh, gọi chi phái 1997 là Hội THánh nguyên thủy và che dấu nguyên nhân có chi phái. BBT  

 

KHÁI LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN ĐẠO CAO ĐÀI

Gửi ngày 29/03/2016



KHÁI LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN ĐẠO CAO ĐÀI
( Trích báo cáo tổng kết 90 năm Khai Đạo tại Tòa Thánh Châu Minh Bến Tre)

Lược sử hình thành và phát triển

Ảnh: Tòa Thánh Châu Minh tại Bến Tre khánh thành ngày 27/3/2016



 
Lịch sử của đạo Cao Đài gắn liền với sự phổ biến cơ bút tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói, Cơ bút là nền tảng căn bản cũng như mọi yếu tố liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của đạo Cao Đài từ quá khứ đến hiện tại, từ việc thu nhận tín đồ, phong chức sắc, ban hành luật đạo, các nghi thức cúng tế, phẩm phục, kinh điển, thậm chí đến các thiết kế cơ sở thờ tự cũng được thông qua bởi Cơ bút.
Hai hình thức Cơ bút ảnh hưởng đến sự ra đời của tôn giáo Cao Đài là thuật Xây bàn theo thuyết Thông linh học của Allan Kardec đến từ Pháp và Đại ngọc cơ xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Cơ bút chỉ đóng vai trò quan trọng thời kỳ đầu thành lập Đạo, sau đó, Đạo Cao Đài đã ngưng sử dụng Cơ bút theo lời dạy của Đức Chí Tôn năm 1934 để giao quyền quyết định cho người tín hữu Cao Đài qua Tân luật, Pháp Chánh truyền.
http://www.tapchiliengiaocaodai.com/bai-viet/su-dao/khai-luoc-qua-trinh-hinh-thanh-phat-trien-dao-cao-dai

* Những môn đồ đầu tiên

Toàn đạo Cao Đài đều thừa nhận người được xem là tín đồ đầu tiên của Đạo là ông Ngô Văn Chiêu. Là một viên chức trong chính quyền thực dân Pháp, vốn chịu ảnh hưởng của Minh Sư đạo, một nhánh của Tam giáo, thường sử dụng hình thức cơ bút để giao tiếp với giới thần tiên. Trong những năm 1921 đến 1924, ông đã thông qua cơ bút để hình thành những nền tảng đầu tiên của đạo Cao Đài như biểu tượng Thiên nhãn, hình thức thờ phụng Đức Cao Đài. Đồng thời, ông được chỉ dạy việc tìm gặp nhóm Cao - Phạm để thành lập đạo.
Lúc bấy giờ tại Sài Gòn, nhóm bạn hữu quê gốc Tây Ninh làm công chức cho chính quyền thực dân Pháp, gồm Cao Quỳnh CưCao Hoài Sang và Phạm Công Tắc có thú chơi Thông linh học. Nhóm Cao – Phạm thường xuyên tổ chức cầu cơ và được tiếp xúc với Thượng Đế qua danh hiệu A à  vào khoảng tháng 7 năm 1925. Nhóm Cao – Phạm cũng độc lập xây dựng nền tảng giáo lý riêng và phát triển thêm nhiều người quan trọng, trong đó có ông Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, sau này trở thành Quyền Giáo tông Lê Văn Trung.

 * Hợp nhất khai đạo
Qua các mối quan hệ, các nhóm hầu cơ bắt đầu có sự liên hệ hợp nhất. Ngày 21 tháng 2 năm 1926, một bài thơ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng Đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của Đạo, với tên ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả. Kể từ đó, nền tảng giáo lý của đạo Cao Đài được bổ túc và hoàn thiện dần. Chỉ trong mấy tháng, số lượng tín đồ nhanh chóng phát triển lên mấy trăm người. Một đàn cơ quy mô được thành lập ở Cầu Kho, về sau hình thành nên Thánh thất Cầu Kho.
Việc phát triển số lượng tín đồ nhanh chóng đòi hỏi phải có người lãnh đạo với quyền vị chính thức. Vì vậy, giữa cuối tháng 4 năm 1926, thông qua việc giáng cơ, các tín đồ đầu tiên đã tôn xưng ông Chiêu là Giáo tông và may sẵn bộ đạo phục riêng cho ông. Tuy nhiên, ông Chiêu từ chối ngôi vị Giáo tông.
Để có tư cách chính thức với chính quyền thực dân, ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong xã hội, kèm theo tờ khai tịch đạo của 245 tín đồ. Sau đó, các tín đồ tổ chức 3 nhóm truyền đạo khắp Nam Kỳ. Và ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19 tháng 11 năm 1926), các tín đồ Cao Đài đã tổ chức Đại lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén, còn gọi là Thiền Lâm TựTây Ninh và ra mắt Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (tổ chức Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài) với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp lẫn người Việt và đồng bào các giới.
* Phân tách chi phái
Sau khi thành lập, đạo Cao Đài xuất hiện sự bất đồng quan điểm về cách thức tu tập, tổ chức giáo hội, hoặc do mục đích cá nhân dẫn đến sự chia tách, hình thành các phái Cao Đài. Sự phân chia các hệ phái không làm giảm tốc độ phát triển tín đồ, đạo Cao Đài nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Nam Kỳ, thậm chí phát triển ra cả ở Trung KỳBắc Kỳ và cả Cao Miên. Các chức sắc lãnh đạo Cao Đài đều là những người có học thức, có địa vị xã hội và rất có ảnh hưởng đến dân chúng.
Đạo Cao Đài có tổ chức giáo hội mang hình thái xã hội hành chính chặt chẽ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia trở thành vấn đề đáng quan ngại của chính quyền cai trị. Thực dân Pháp dùng các chính sách, biện pháp nhằm ngăn cản sự phát triển của đạo Cao Đài, các chỉ dụ cấm đạo ở Bắc KỳTrung KỳCampuchia đã được ban hành. Nhiều chức sắc Cao Đài bị bắt giam hoặc tù đày. Một số thánh thất Cao Đài cũng bị chiếm đóng hoặc phá hủy.
* Hình thành tổ chức
Ngày Khai Minh Đại Đạo 18-19-20/11/1926 (14-15-15/10 Bính-Dần), đạo Cao Đài tổ chức Lễ khánh thành Từ Lâm Tự (Gò Kén) ở Tây Ninh và ra mắt chức sắc Thiên phong. Đồng thời soạn thảo Tân Luật, Pháp Chánh truyền và được Đức Lý Giáo tông Vô Vi duyệt ban cho. Pháp Chánh truyền là qui định lập thành chánh thể của nền đạo Cao Đài bao gồm:
1/. Lập hệ thống tổ chức từ Hội thánh (giáo hội trung ương) đến họ đạo cơ sở.
2/. Quyền hành chức sắc từng phẩm theo 09 phẩm trong đạo Cao Đài.
3/. Lập thành tổ chức cơ quan Hiệp thiên đài và Nữ phái .
4/. Nghi thức thờ cúng từ Tòa thánh đến Thánh thất và tại tư gia đạo hữu.
5/. Hệ thống giáo lý, qui điều, giới luật, kinh lễ, lễ phục của Cửu Trùng đài, Hiệp Thiên đài và Nữ phái, Ban Trị sự .
6/. Kiến trúc xây dựng theo hình thể Tam đài của đạo Cao Đài.
7/. Phong chức, phong phẩm thành phần chức sắc lãnh đạo Hội thánh.
Từ năm 1926 đến năm 1927, đạo Cao Đài cơ bản hoàn thành tổ chức tôn giáo, rõ ràng, có hệ thống chặt chẽ.
* Phát triển nền đạo
Đạo Cao Đài là một tôn giáo lớn ở Việt Nam. Trong 90 năm hình thành và phát triển, đạo Cao Đài thể hiện tính dung hợp các tôn giáo, chủ yếu là Tam giáo. Người tín hữu Cao Đài chấp nhận giáo lý của các tôn giáo và kế thừa sáng tạo thành nền tôn giáo Cao Đài. Thượng Đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với từng thời điểm phát triển của lịch sử của loài người và đạo Cao Đài chính là tôn giáo duy nhất do Thượng Đế lập ra ở lần thứ 3 và là lần cuối cùng để phổ độ cho chúng sanh, không còn phân biệt tôn giáo, dân tộc trên thế giới. Chính vì vậy, đạo Cao Đài tôn trọng tín ngưỡng và phong tục, không ép buộc tín đồ phải từ bỏ hoặc hạn chế các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng hay phong tục cổ truyền của mình.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2014, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, có khoảng 2,5 triệu tín đồ,  1.300 cơ sở thờ tự trên cả nước và có khoảng 30 ngàn tín đồ sinh sống ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, Anh, Đức, Campuchia,…
* Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài hiện nay
Hiện nay, đạo Cao Đài có Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài đang hoạt động tại Việt Nam. Bao gồm:
1. Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là tổ chức Hội Thánh Cao Đài nguyên thủy, được thành lập năm 1926, và cũng là Hội thánh lớn nhất,
với 1,5 triệu tín đồ, 400 Họ đạo với 387 Thánh thất, 145 Điện thờ Phật mẫu, phân bổ trong 37 tỉnh thành trong cả nước. Khoảng 3 vạn tín đồ đang cư trú tại nước ngoài như Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu ÚcCampuchia.
2. Hội thánh Ban Chỉnh Đạo có gần 2.000 chức sắc, trên 5.000 chức việc, 800.000 tín đồ, trên 300 Thánh Thất và Nhà tu, hoạt động ở 25 tỉnh, thành phố, 12 Ban Đại diện, hiện còn 34 Họ đạo chưa phục hồi hành chánh đạo, mỗi năm số tín đồ nhập môn mới trên 1.000 người.
3. Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên có trên 2.000 chức sắc, 1.600 chức việc, 80.000 tín đồ, 129 Thánh tịnh, 14 Ban Đại diện trên 16 tỉnh, thành phố, mỗi năm số số tín đồ mới nhập môn khoảng 700 người.
4.  Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo có trên 600 chức sắc, hơn 1.000 chức việc, 33.000 tín đồ, 03 Ban Đại diện tỉnh, 49 Thánh thất, hoạt động ở 04 tỉnh, mỗi năm năm có 500 vị tín đồ mới nhập môn.
5.  Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có trên 400 chức sắc, 500 chức việc, 11.000 tín đồ, 30 Thánh thất, mỗi năm có khoảng 100 tín đồ mới nhập môn.
6. Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài có trên 300 chức sắc, 2.500 chức việc, 47.000 tín đồ, 63 Thánh thất, mỗi năm có 600 tín đồ mới nhập môn.
7. Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu có trên 100 chức sắc, hơn 5.000 tín đồ, 21 Thánh Tịnh và Nhà tịnh ở 08 tỉnh thành.
8. Hội thánh Cao Đài Chơn Lý có 2.300 chức sắc, hơn 7.000 tín đồ, 29 Thánh thất, 02 Ban Đại diện hoạt động ở 15 tỉnh, thành phố, mỗi năm có gần 100 vị tín đồ mới nhập môn.
9. Hội thánh Cao Đài Bạch Y có hơn 100 chức sắc, 200 chức việc, 4.500 tín đồ, 13 Thánh thất ở 03 tỉnh, thành phố, mỗi năm có khoảng 30 tín đồ mới nhập môn.
10. Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) có trên 1.000 chức sắc, hơn 100 chức việc, gần 3.000 tín đồ, có 09 Thánh thất  và 16 Trường Qui ở 05 tỉnh, thành phố,.
11. Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi có khoảng 50 chức việc, 6.000 tín đồ, 13 cơ sở nhà đàn ở 8 tỉnh, thành phố.
12.  Hội thánh Minh Lý Đạo – Tam Tông Miếu có 70 chức sắc, 40 chức việc, gần 1.000 tín đồ, 4 cơ sở đạo.
13.  Cao Đài Thượng Đế có khoảng 1.000 tín đồ, 04 cơ sở đạo ở 04 tỉnh thành.
14.  Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo có trên 10 chức sắc, 50 chức việc, gần 200 tín đồ, 01 cơ sở đạo.
15.  Hội thánh Cao Thượng Bửu Tòa có 10 chức sắc, 10 chức việc, 100 tín đồ, 01 cơ sở đạo.
16.  Nam Thành Thánh Thất có 5 chức việc, 75 tín đồ, 1 cơ sở đạo.
17. Vĩnh Nguyên Tự có 5 chức sắc, 14 chức việc, 400 tín đồ, 1 cơ sở đạo.
18. Cao Đài Việt Nam (Lương Hoà Lạc): có 300 chức sắc, 100 chức việc, 1.000 tín đồ, 02 cơ sở đạo ở 2 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, còn có một số tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập như: Liên Hoa Cửu Cung Thiên đạo Học đường, Thánh thất Bàu Sen, Thánh tịnh Thiên Trước, Thánh tịnh Tân Minh Quang, Cao Đài Thống Nhất, Thánh tịnh Huỳnh Quang Sắc, Cao Đài Chiếu Minh Giáo toà,…
* Văn hóa Cao Đài
Đạo Cao Đài là tôn giáo truyền thừa và lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Đạo Cao Đài lấy tư tưởng Tam giáo cùng văn hóa tín ngưỡng truyền thống dân tộc xây dựng giáo lý, giáo luật, lễ nghi, cách thức hành đạo. Sự ra đời của đạo Cao Đài là sản phẩm của quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá Đông Tây và tư tưởng cởi mở, dung hoà các tín ngưỡng, tôn giáo của người Nam Bộ. Đồng thời cũng là giải pháp văn hoá của người dân Nam Bộ trong bối cảnh lịch sử đương thời, người dân Nam Bộ đến với đạo Cao Đài tìm thấy sự gần gũi trong lối sống, tư tưởng tiến bộ của thời đại không phân biệt tôn giáo cùng nhau xây dựng cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo có tổ chức, giáo lý, giáo luật, giáo sỹ hoàn chỉnh phù hợp với văn hoá, đạo đức con người Việt Nam. Từ lễ nhạc, kinh sách, trang phục, lễ nghi, tư tưởng nhân sinh quan, thế giới quan đến cơ sở thờ tự, lối sống đạo đức của người tín hữu Cao Đài góp phần tạo thành văn hoá Cao Đài.
Có thể nói, đạo Cao Đài ra đời ở Việt Nam đã góp phần giữ gìn và phát huy văn hoá dân tộc trong sự giao lưu văn minh của phương Tây.
Hoạt động từ thiện xã hội
Về hoạt động từ thiện xã hội, đạo Cao Đài đã thực hiện theo tôn chỉ của đạo Cao Đài nhằm cứu khổ nhơn sanh, đưa nhân loại đến thế giới đại đồng. Tín hữu đạo Cao Đài lấy tình thương yêu làm trọng, sẵn sàng tham gia các công việc từ thiện, nhân đạo, hoạt động cứu trợ người nghèo, đồng bào bị thiên tai hạn hán, lũ lụt,... Các Thánh thất, Thánh tịnh, cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài đa phần đều có phòng thuốc, phòng khám chữa bệnh cho mọi người, góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội ở cơ sở. Hằng năm, đạo Cao Đài đóng góp hàng chục tỷ đồng trong công việc từ thiện xã hộigóp sức cùng đồng bào cả nước chia sẻ khó khăn, thực hiện việc xoá đói, giảm nghèo trong cộng đồng xã hội.
Tinh thần yêu nước, hoạt động gắn bó với dân tộc của đạo Cao Đài
 Qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, đạo Cao Đài đã góp phần tích cực cùng nhân dân tham gia đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược giải phóng đất nước. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đạo Cao Đài vận động tín hữu thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, đạo đức ở địa phương và đoàn kết trong hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định an ninh, an toàn xã hội.
Những hoạt động nổi bật của đạo Cao Đài trong thời kỳ kháng chiến cứu nước gồm: Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chưởng pháp Cao Triều Phát cùng tín hữu đạo Cao Đài thành lập Mặt trận Giồng Bốm ở Bạc Liêu đứng lên khởi nghĩa tiêu diệt hàng trăm giặc Pháp tạo tiếng vang khắp Nam Bộ và cổ vũ tinh thần đấu tranh chống Pháp trong đạo Cao Đài; Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư khen ngợi Mười hai phái Cao Đài do Chưởng pháp Cao Triều Phát lãnh đạo đã hăng hái tham gia kháng chiến cứu quốc; Năm 1947, đạo Cao Đài tổ chức Hội nghị Cao Đài Cứu quốc 12 phái tại Chiến khu Đồng Tháp Mười;  Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhật (con trai của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Cao Đài Ban Chỉnh đạo) là Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, nguyên Phó Chủ tịch Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái thống nhất bị Pháp bắt và sát hại. Điều này càng làm tăng tinh thần yêu nước và chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài tích cực ủng hộ cách mạng tham gia kháng chién chống Pháp; Năm 1953, Hội nghị khoáng đại lần thứ V của Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái Thống nhất, tại hội nghị, Chưởng pháp Cao Triều Phát đã nói “Bàn thờ tôn giáo thì nhiều, nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” để thể hiện tinh thần yêu nước của người tín hữu đạo Cao Đài; Năm 1955, đạo Cao Đài thành lập tổ chức Liên giao I để đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc; Năm 1972, đạo Cao Đài thành lập tổ chức Liên giao II có 18 Hội thánh và tổ chức Cao Đài tham gia với mục đích đấu tranh với đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nhơn sanh không đi lính, đòi hoà bình.
Theo thống kê của các phái Cao Đài qua 02 cuộc chiến tranh có: hơn 4.000 liệt sỹ, 10.000 thương binh, 260 bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều gia đình có công với cách mạng, nhiều huân, huy chương được Nhà nước trao tặng,. . .
Báo chí của đạo Cao Đài
Báo chí của đạo Cao Đài ra đời từ rất sớm, ngay năm 1928, sau lễ  Khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm 1926 tại Tây Ninh. 
1. Tờ báo Cao Đài đầu tiên là tuần báo L’ Action indochinoise (Hành động Đông Dương). Trong số ra mắt ngày 23.8.1928 đã đăng bài “A Propos du Caodaisme” (về đạo Cao Đài) của H.H. Và L’ Action indochinoise et le Caodaisme của Nam Đình (Hành động Đông Dương và đạo Cao Đài).
2. Revue Caodaiste năm 1930, do ông Nguyễn Văn Ca sáng lập, ông Nguyễn Trung Hậu chủ bút;
 3. Đuốc chơn lý năm 1935, giám đốc là ông Nguyễn Văn Ca;
 4. Đại đạo năm 1936, do ông Lê Thế Vĩnh quản lý;
 5. Đại đồng năm 1938 của Liên Hòa Tổng Hội;
 6. Đại Đạo Qui Nguyên năm 1938 của Cao Đài Đại Đạo Liên Hòa Tổng Hội;
 7. Tiên thiên tuyên bố năm 1938 do ông cụ Lê Kim Tỵ quản lý;
 8. Đại đạo năm 1945 của Tòa thánh Tây Ninh, do Chưởng ấn Nguyễn Văn Hợi sáng lập;
 9. Cao Đài giáo lý năm 1947, do ông Nguyễn Ngọc Thơ sáng lập, ông Phan Trường Mạnh quản lý;
10. Duy tâm năm 1948 của Cao Đài Tây Ninh;
 11. Đường sáng năm 1948, của Ủy ban Trung ương Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái Hợp nhứt, chủ nhiệm ông Cao Hải Để;
 12. Nội san năm 1950 của Ban Chấp hành Trung ương Cao Đài Cứu quốc Mười hai phái Thống nhứt;
 13. Đai đạo năm 1953, ông Cao Đức Trọng làm giám đốc kiêm chủ bút;
 14. Đạo đời năm 1953, chủ nhiệm ông Trần Nguyên Lượng;
 15. Nhân sinh năm 1954, nguyệt san của Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài , ông Trần Quốc Luyện phụ trách;
 16. Tôn giáo xã hội năm 1954, giám đốc ông Trương Kế An, chủ nhiệm ông Phạm Thành Mai;
 17. Đại đạo nguyệt san năm 1963 của Tòa thánh Tây Ninh, chủ nhiệm kiêm chủ bút ông Bửu Chơn Võ Tòng Lục;
18. Nhân sinh năm 1964, do ông Trần văn Quế sáng lập;
19. Cao Đài Giáo lý năm 1965, nguyệt san của Cơ quan Phổ thông giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam, đến số 95 đình bản (tháng 3. 1975).

Tổng cộng 19 tạp chí Cao Đài đã lần lượt xuất bản từ năm 1928 đến năm 1975. Ngoài ra, còn một số báo, tạp chí của đạo Cao Đài chưa sưu tầm đầy đủ. Về nội dung, hầu hết các tạp chí trên phổ biến lập trường của cơ quan chủ quản về tôn chỉ, mục đích của đạo Cao Đài, thánh giáo, đường lối quy nguyên hiệp nhứt, khảo luận giáo lý, tin tức trong đạo,...
Năm 2009, trước nguyện vọng của tín hữu đạo Cao Đài, các Hội Thánh và tổ chức Cao Đài đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Tạp chí Cao Đài do ông Lữ Minh Châu làm Tổng Biên tập. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Tạp Chí Cao Đài là: “Nghiên cứu, trao đổi giáo lý; giới thiệu pháp luật nhà nước và thông báo tin tức hành đạo nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của chức sắc, chức việc và đạo tâm của các Hội thánh Cao Đài”. Đến nay, Tạp chí Cao Đài đã phát hành được 20 số đáp ứng được nội dung và được đông đảo tín hữu Cao Đài đón nhận.
Đạo Cao Đài trong thời kỳ hiện nay
Thực hiện chánh sách đổi mới của Đảng, Nhà nước từ năm 1995 đến nay, đạo Cao Đài được Nhà nước công nhận pháp nhân cho 10 Hội thánh,
01 Pháp môn và 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập, cùng gần 100 Ban Đại diện ở các tỉnh, thành phố, 1.000 Họ đạo Cao Đài hoạt động ở cơ sở. Toàn đạo Cao Đài phấn khởi, vui mừng hoạt động tôn giáo được đảm bảo bình thường như các tôn giáo khác, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết hoạt động gắn bó với dân tộc, vận động chức sắc, tín đồ tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở cơ sở. Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài luôn chấp hành tốt chủ trương chánh sách nhà nước, tuân thủ pháp luật hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ giữ gìn chơn truyền, đạo pháp. Đặc biệt, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các phái Cao Đài đã đoàn kết với nhau thành lập tổ chức liên giao hành đạo gồm 18 Hội thánh và tổ chức Cao Đài tham gia. Với tinh thần gắn bó, hoạt động liên giao hành đạo của Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài đã có nhiều đóng góp trong việc ổn định và phát triển nền Đại Đạo trên các lĩnh vực chung về giáo dục đào tạo, báo chí, từ thiện nhân đạo xã hội.
Để có Lễ kỷ niệm 90 năm ngày khai đạo Cao Đài hôm nay tại Hà Nội là một trong những kết quả và thành tựu quan trọng của khối liên giao giữa Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài, sự đồng lòng, sẻ chia và ủng hộ của quý chức sắc, tín hữu đạo Cao Đài trong cả nước. Hoạt động này thể hiện tinh thần tiến bộ, đoàn kết tôn giáo góp phần thúc đẩy sự phát triển của tôn giáo, của xã hội theo xu hướng hội nhập quốc tế, phát triển bền vững của đất nước.
Trên đây là thành tựu trong quá trình lịch sử 90 năm của đạo Cao Đài. Thay mặt Ban Tổ chức Đại lễ xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị đại biểu, khách quý. Chúc quý vị luôn được hưởng hồng ân của Đức Chí Tôn ban lành.
 
                                                                   BAN TỔ CHỨC