VNTB – Tự Lực-Tự Cường và đối thoại văn hoá
An Phong dịch
(VNTB) – Một khi thật sự hiểu được Tự Do có nghĩa gì đối với người phương Tây (coi Tự Do gần như là một tôn giáo), chúng ta sẽ có thể tìm ra con đường giúp khai phóng những nơi thiếu Tự Do.
Tác giả: Gilles Verbunt(*)
Người Việt Nam đã trả giá bằng máu cho hai chữ Tự Do. Song cuộc hội nhập vào thế giới tự do bằng chính đời sống hàng ngày trong gần nửa thế kỷ qua có đồng nghĩa với sự hiểu biết cụ thể về hai chữ này không? Ngoài cái giá rất đắt đánh đổi lấy Tự Do, cộng đồng di dân Việt Nam tại các quốc gia thuộc khối tự do trên thế giới vẫn có nhiều điểm tương đồng với các cộng đồng di dân khác về vấn đề bảo tồn văn hoá gốc. Có là một vấn đề trong việc «tìm» Tự Do của người Việt với một danh tính mới, khi đã từng là người di dân? Thông điệp khai phóng nào được gửi đến như lời mời gọi trở nên Tự Lực-Tự Cường?
Xin mời đọc bài phân tích bước tiến trên con đường Tự Do của các quốc gia coi trọng Tự Do như một giá trị xã hội hàng đầu của Gilles Verbunt. Cách suy nghĩ và hành xử của người phương Tây sống tại các xứ Tự Do là một hành trình dài kể từ thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XV-XVI, mà chúng ta nên biết để nhìn lại chính mình có thực sự là một Người-Tự-Do sau gần nửa thế kỷ trong thế giới, được gọi là, Tự Do chưa?
Một khi thật sự hiểu được Tự Do có nghĩa gì đối với người phương Tây (coi Tự Do gần như là một tôn giáo), chúng ta sẽ có thể tìm ra con đường giúp khai phóng những nơi thiếu Tự Do.
Huấn luyện cho một con người trở thành Tự Lực-Tự Cường là mục tiêu lớn trong nền giáo dục hiện đại. Khả năng tự lập đã định hình cho nền văn hoá mà người phương Tây muốn truyền lại cho con cháu, cũng như cho các gia đình di dân đến từ nhiều văn hoá khác. Tinh thần Tự Lập căn bản cũng là một vấn nạn lớn cho những xã hội trọng truyền thống, đang phải bước vào hiện đại hoá một cách bất đắc dĩ, đầy hoang mang. Tinh thần Tự Lập, hiểu một cách nông cạn như cá nhân chủ nghĩa, đối với những xã hội này là nguồn căn gây ra những đảo lộn trật tự xã hội, phá hoại tôn giáo và các giá trị căn bản, đặc biệt là tinh thần tương trợ. Chúng ta cần phải đặt lại vấn đề cho rõ ràng.
Người phương Tây chưa hiểu được vấn nạn đối với tinh thần Tự Lập của những người từng lớn lên từ những văn hoá khác, những nơi khác, hoặc thời điểm khác. Để có thể hiểu được đặc điểm về Tự Lập của những người phương Tây, chúng ta cần đi lại ngược dòng lịch sử mà những người phương Tây đã đi qua, dẫn đến xác định giá trị của tinh thần Tự Lập làm căn bản trong văn hoá phương Tây. Suy gẫm về lập trình này sẽ giúp cho chúng ta thấy rằng, trong quá khứ, chúng ta cũng đã từng có những giai đoạn sai lầm và như vậy, những lời kết án của các xã hội có văn hoá cổ xưa hơn chúng ta cũng không phải hoàn toàn là vô lý. Những kết luận được rút ra sẽ rất có ích, không những cho việc giáo dục trong gia đình và nơi học đường, mà còn giúp cho mối giao hảo trong tương quan giữa các quốc gia khác còn trên đà phát triển, cũng như trong việc xây dựng mối cảm thông với một số các cộng đồng di dân.
Lịch sử
Không đâu xa, chỉ cần bắt đầu với nhà xã hội học Norbert Elias, người Anh gốc Đức. Ông này cho biết các vai trò khác nhau trong xã hội, cũng như hiện tượng phân chia tầng lớp trong xã hội là kết quả của việc gia tăng dân số cũng như mật độ cư dân trên một lãnh thổ. Nhu cầu tổ chức xã hội cho hoàn hảo hơn, đồng thời nâng cao đời sống đạo đức, không còn tìm thấy giải đáp, mặc dù có nhiều khiếm khuyết, trong niềm tin vào các thuật phù thuỷ như từ trước tới nay, vẫn đóng vai trò nối kết với thế giới thần linh. Nhiều nhà tư tưởng lớn, vào thời điểm mà nhà triết học Đức Karl Jaspers đặt tên là “Thời Đại Mấu Chốt”, đã đặt ra những chủ thuyết hài hoà đặt trọng tâm vào sự khôn ngoan, tài kinh bang tế thế hoặc những nguyên tắc về tâm linh: Lão Tử và Khổng Tử ở Trung Hoa, Zoroaster xứ Ba Tư, những tác giả kinh Veda, rồi Phật tại Ấn Độ, từ những nhà chép kinh thuộc triều đại thứ 2 của Israël tới Giêsu ở Trung Đông và Mohamed đã tiếp tục công trình này cùng với việc kết hợp với văn minh Hy Lạp, và như vậy, một cách gián tiếp, với các nền văn minh vùng Mésopotamie và Ai Cập.
Cũng vào thời đại này, những vấn nạn tương tự về tổ chức cơ cấu xã hội tại Hy Lạp đã dấy lên câu trả lời có tính triết lý. Platon và những nhà ngụy biện dựa vào truyền thống triết lý cổ đã không thể đồng ý với nhau trong những vấn đề xã hội, nhưng đã đồng lòng đặt tầm quan trọng lớn vào việc đối thoại, hơn là tính đồng thuận. Logos, vị thần cho ra đời “lý trí” con người chúng ta đã phải sống cùng với các truyền thuyết và có thể chỉ trích chúng. Giữa tất cả những hệ thống đã được thiết lập trên thế giới, hệ thống quan trọng thời Hy Lạp cổ đã cho thấy những rạn nứt làm cho chính nó không tự đóng lại trên chính nó và tự dựng nên một thành trì độc tài bền vững.
Trong khi tại những vùng khác trên thế giới, có những dân tộc đã phát triển nền văn hoá bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống (chính trị, kinh tế, đạo đức, đời sống thiêng liêng, xã hội, nghệ thuật…) thành một chủ thuyết mạch lạc, với nội dung chính xác, thì phương Tây vẫn còn dựa vào (một cách không tuyệt đối) một năng lực, thuộc về thần tính (logos), vẫn không ngừng tạo thành thế giới và xếp đặt lại thứ tự trong trời đất. Truyền thống này gây ra cho lịch sử một điểm nhạy cảm vì đã có câu chuyện rất ăn khớp với Đấng Cứu Thế của dân Do Thái và Thiên Chúa Giáo. Cuộc hành trình của dân Do Thái về miền Đất Hứa và lý do ghi khắc trong lịch sử dân Hy Lạp đã cho ra đời những ý tưởng về “tiến bộ” và “tiến hoá”. Những ý tưởng này cuối cùng đã là dấu ấn của nền văn minh phương Tây.
Những nền văn hoá phát sinh từ thế giới quan Giuđêô-Kitô Hữu và Hy Lạp-La Tinh sẽ được đánh dấu bởi khuynh hướng đưa đến một số tranh cãi vô tiền khoáng hậu so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngay từ thế kỷ thứ V, tại phương Tây đã có cuộc tranh luận về Thần Quyền và Thế Quyền phân lập: Giáo Hoàng và Đại Đế cuối cùng đã chia nhau mỗi người một phần đất riêng với quyền hành riêng biệt. Tại Trung Hoa, Hoàng Đế vẫn là Thiên Tử, là người được Trời ban cho mọi ơn phúc và tất cả mọi khuôn mẫu tổ chức chính trị; Đức Phật cũng đã từng là một Hoàng Tử; tôn ti trong Thiên Chúa Giáo tại phương Đông vẫn còn lẫn lộn với vương quyền, lâu dài hơn tại phương Tây…
Cuối thời Trung Cổ, một tầng lớp thương gia mới xuất hiện tại phương Tây đã nắm được sức mạnh kinh tế và đối đầu với quyền lực từ các lãnh chúa phong kiến và giới tu sĩ. Những nhà giàu mới này không chịu khuất phục luật pháp đặt ra bởi chính quyền đương thời nên đã lập ra những lề thói mới trong xã hội. Giới trí thức được sinh ra trong môi trường này đã khám phá trở lại những tác giả Hy Lạp và La Tinh. Họ đã khai sinh ra thời Phục Hưng, trong đó con người lại trở lại với vị thế trung tâm vạn vật. Con người không còn phải tuân theo một sức mạnh bên ngoài (nomoi), siêu nhiên, mà theo những luật do chính con người tự (auto) đặt ra theo Lý Trí.
Trái đất tròn trở lại. Mặt Trời không còn quay quanh Trái Đất. Những trang Kinh Thánh và những truyền thuyết được đặt trở lại vị trí thuộc về tín ngưỡng bởi các nhà khoa học như Copernic (1473-1543), Galilée (1564-1642), Giordano Bruno (1548-1600). Machiavel (1469-1527) tách rời chính trị khỏi đạo đức học Thiên Chúa Giáo. Luther (1483-1546) mời gọi các tín hữu Thiên Chúa Giáo tự đọc Thánh Kinh. Những triết lý của Descartes (1596-1650), Leibnitz (1646-1716) hoặc Spinoza (1632-1677) không còn mang dấu vết Thần Học. Grotius (1583-1645) đặt ra một bộ luật về Quyền tự nhiên không còn lệ thuộc vào Mạc Khải. Thomas Morus viết câu chuyện kể về Utopie, một nước được cai trị theo Lý Trí (1478-1535).
Các ngành hội hoạ và văn chương đề cập đến những vấn đề trần tục. Các tác phẩm nghệ thuật không chỉ miêu tả những thực tại khách quan, nhưng thể hiện những tình cảm đã gợi hứng cho tác giả sáng tạo nên tác phẩm. Khác với con đường nghệ thuật Trung Hoa không để dấu vết của tác giả trong tác phẩm, người nghệ sĩ phương Tây bắt tay vào vai trò tác giả, đứng ở vị trí đối diện với tác phẩm và từ đó, ký chính tên mình vào những sản phẩm tự làm ra. Con người không còn hiện hữu như một yếu tố phải phục tòng luật lệ của xã hội, mà trở nên một bản thể với một danh tính riêng, đối mặt với thiên nhiên và đối mặt với những con người khác.
Tự Lực-Tự Cường đã bắt đầu như một phong trào khai phóng con người khỏi sức mạnh siêu nhiên. Khoa học chia ra làm nhiều ngành và tách khỏi thần học. Những mặt khác nhau trong đời sống con người đã đạt được mức tương đối độc lập với nhau. Mỗi mặt được coi là một môi trường đặc thù, cần được bảo vệ bởi những luật phù hợp. Francis Bacon (1561-1626) đã ấn định ranh giới giữa các chuyên môn trong các ngành khoa học khác nhau.
Dần dần, sự độc lập này lan rộng ra toàn bộ cuộc sống của con người, nay là những chủ thể của chính cuộc đời mình. Lý trí, chuyển từ vị thế một nét đặc thù của con người, trở thành một phần của chính mỗi cá nhân. Tất cả mọi người đều có lý trí và đều có thể quyết đoán điều gì là tốt cho chính mình. Nhắm mắt vâng lời không còn là chuẩn mực; và không ai có quyền cấm mỗi cá nhân thực hiện tự do ý thức. Lý trí cũng đã tạo ra bình quyền giữa tất cả mọi chủ thể, và bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như việc thiết lập nền dân chủ là kết quả của tiến trình đi tìm sự công nhận của mỗi cá nhân trước quyền lực của tôn giáo và chính trị trên đời sống của mỗi người.
Tiến trình này đã được hoàn thành với rất nhiều nhắc nhở về lý trí và khoa học; tinh thần độc lập mới này có ảnh hưởng đến cách mỗi cá nhân khi tự so mình với tập thể. Nó đâm rễ sâu trong khả năng tự lùi lại để có một khoảng cách với chính mình và với thế giới chung quanh, trong khả năng tự nhìn mình trong hành động, với cái nhìn như từ một người nào khác, ngay cả suy nghĩ về chính mình về mặt tâm lý cũng như tri thức, chẳng hạn như phát triển khả năng phán đoán, ngay cả tự phê bình.
Những thể hiện rõ ràng
Sự tiến triển của những ý tưởng và những cấu trúc rất rõ ràng qua những thay đổi sâu đậm trên nhận thức về con người, về các mối liên hệ giữa người với người và những cấu trúc xã hội và chính trị. Ban đầu, tinh thần tự lập vẫn còn là một phần của tập thể hoặc có liên quan đến những mảng sinh hoạt nào đó. Dần dần, tính tự lập lan ra tới từng cá nhân.
Danh tính trong xã hội và tiếng nói
Sự việc đáng kể nhất có thể thấy được là vấn đề danh tính trong xã hội một cách tổng quát. Sau khi ổn định về cơ cấu trong các xã hội cổ, con người, và cả những nhóm trong toàn xã hội, được nhận diện qua chức tước và vai trò trong xã hội nói chung. Chức tước và vai trò của mỗi người được định hình qua giới tính, vị trí xã hội của gia đình, tuổi tác, ngôi thứ trong anh em… chứ không phải từ khả năng của chính cá nhân đó. Cá nhân, ngoài các vị lãnh đạo, chỉ được biết đến như là con ông này, hay con bà nọ. Hầu hết các văn hoá trên thế giới đều có những tầng lớp giam hãm cả đời những cá nhân theo định hướng xã hội và gia đình.
Còn tiếp phần 2:……….
Trích dịch từ Carrefours de l’éducation 2002/2 (số 14), Tr 60 – 74
_____________
Ghi chú:
(*) Gilles Verbunt, một nhà giáo (GS đại học Paris XII) và là một nhà nghiên cứu trong ngành đào tạo Cán Sự Xã Hội tại Pháp, với chuyên đề hội nhập của người di dân và các vấn đề xuyên văn hoá.
(**) Anh Phong: Giáo sư Pháp văn. Cựu giảng viên phân khoa sư phạm Đại Học Quebec tại Outaouais (UQO). Cựu nghiên cứu gia chuyên đề về Quá Trình Tự Lực/Tự Cường cá nhân (autonomization) (UQO). Dịch giả và tác giả nhiều viết bài cho báo Đồng Hành, đang sống và làm việc tại Canada.