Trang

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

4976. VNTB – Tăng, ni và việc cất thất sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

VNTB – Tăng, ni và việc cất thất sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam

VNTB – Tăng, ni và việc cất thất sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Tăng, ni tự dựng am, cốc, thất cho chuyện tu hành là một nhu cầu mà tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho là… trái giới luật.


 

Theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng, ni không được cư trú và hoạt động tôn giáo tại các nơi không phải là cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: đình, đền, phủ, miếu, không được cư trú tại tư gia Phật tử. Trường hợp đặc biệt, tăng, ni cư trú ở ngoài cơ sở tự viện của Giáo hội phải có ý kiến của Thầy Nghiệp sư, Y chỉ sư, Ban Trị sự huyện, Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú và nơi tạm trú (Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2018).

Quy chế hoạt động Ban Quản trị cơ sở tự viện, theo quy định, thì phải là những tăng ni được sự bổ nhiệm của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quy định này cũng đang làm khó một số tự viện theo truyền thống của người Hoa, đang có Ban Quản trị đa số là cư sĩ quản lý các tự viện này, trong khi đó Quy chế quy định người trụ trì là tăng, ni làm Trưởng ban Quản trị tự viện.

“Tăng ly chúng Tăng tàn/ Hổ ly sơn hổ bại” là câu nhắc quen thuộc mỗi khi sách tấn đệ tử.

Ở đây theo chủ ý của người viết thì “am, cốc, thất” là một truyền thống lâu đời của Phật giáo, do vậy không nên ràng buộc tăng, ni chỉ được phép “hoạt động tôn giáo” ở tự viện. Việc ràng buộc này, theo hướng tiêu cực, thì đây là chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham vọng về quyền sở hữu, bởi nếu “am, cốc, thất” là bất động sản sở hữu tư nhân, chủ sở hữu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì tài sản đó không thể được coi là… “đất chùa”.

Sâu xa hơn, cơ sở tôn giáo do tu sĩ thành lập một khi trở thành “nhà riêng thờ Phật”, thì tất yếu sẽ hình thành ngày càng nhiều cơ sở tôn giáo dưới bề ngoài là nhà riêng, nằm ngoài sự kiểm soát của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và hình thành xu hướng thiết lập hệ thống cơ sở Phật giáo ngoài tổ chức này.

Thời gian trôi qua, lâu dần, số “am, cốc, thất” kể trên chắc chắn sẽ tăng mạnh, vì việc thành lập đơn giản, chỉ là “nhà riêng thờ Phật”. Khi đó, ắt hẳn Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng.

Một số ý kiến cho rằng việc cất am, cốc cũng là một hình thức khai sơn tạo tự, nhưng với quy mô nhỏ. Thế nhưng nếu như khai sơn tạo tự và vị cư sĩ đó đồng ý đưa tài sản này gia nhập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì được nhìn nhận là tự viện; với đơn cử như đền Tứ Ân – chùa Tam Chúc.

Như vậy liệu khi muốn tu hành một mình tại am, cốc, thất thì có cần sự đồng thuận từ cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Câu trả lời ở đây là “có”, bởi nếu chọn cất am, cốc, thất mà không liên quan đến hoạt động tôn giáo thì vị tu sĩ đó cần phải làm giấy cam kết với chính quyền địa phương về chuyện này.

Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì, “Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo” (khoản 11, Điều 2). Mà khi tu tại am, cốc, thất thì làm sao ngăn trở tiếp xúc, trao đổi với đại chúng; và như vậy cũng được xem là “hoạt động tôn giáo” cần phải nằm trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Việc ràng buộc trong giới hạn cách hiểu “hoạt động tôn giáo”, cho thấy quyền tự do biểu đạt được Hiến định tại Điều 24.1 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”, đã bị pháp luật chuyên ngành dựng lên một “hàng rào kỹ thuật” ngăn trở.