VNTB – Nhân quyền ở Việt Nam từ góc nhìn dân dã
Hoài Nguyễn
(VNTB) – Trong những vụ án chính trị, Việt Nam hạn chế quyền tiếp cận luật sư của nghi phạm trong suốt giai đoạn điều tra.
https://vietnamthoibao.org/vntb-nhan-quyen-o-viet-nam-tu-goc-nhin-dan-da/
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho rằng báo cáo của các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các bên liên quan về Việt Nam có rất nhiều nội dung dựa trên những thông tin “chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam.
Ông Việt phát biểu như trên tại cuộc họp báo hôm 15-4 vừa qua khi ông công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông Việt viện nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng thể chế chính trị của nhau, nhấn mạnh: “Tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc này”.
Trước đó trong báo cáo đề ngày 27-2-2024 được công bố trên trang web của Liên Hiệp Quốc, tin tức cho biết nhóm chuyên trách Việt Nam của Liên Hiệp Quốc cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cần chỉ vì ôn hoà thực hiện các quyền cơ bản của họ trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.
Báo cáo nêu rõ “Nhiều người bị giam cầm và kết án tù dài hạn theo những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự”, đồng thời đề nghị Việt Nam bãi bỏ các điều luật mơ hồ đó như Điều 113 về tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân”.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin còn hạn chế, với việc nhiều hành vi phạm tội liên quan đến phát ngôn phải chịu mức án tù nặng theo Bộ luật hình sự.
“Chính phủ Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kép để đối xử với những công dân bị nghi ngờ vi phạm hình sự. Trong những vụ án liên quan đến những tội phạm được cho là có động cơ chính trị, chính phủ hạn chế quyền tiếp cận cố vấn pháp lý của nghi phạm trong mấy tháng, thậm chí mấy năm; không cho người nhà đến thăm bị cáo trong thời gian tạm giam trước khi xét xử; và không cho người thân, các nhà hoạt động và bạn bè tham dự phiên tòa xử họ.
Ngược lại, đối với một số vụ án hình sự phi chính trị mà cơ quan chức năng muốn gửi thông điệp tới cộng đồng, các phiên tòa được xét xử công khai để bêu tên và hạ nhục các bị cáo (cũng như gián tiếp hạ nhục cả gia đình họ), đồng thời “giáo dục” công chúng.
Trong nhiều vụ án, tòa án đã xác định bị cáo có tội trước khi diễn ra các phiên tòa công khai. Trong cả các vụ án chính trị và phi chính trị, công an, công tố viên và tòa án đều vi phạm các nguyên tắc pháp lý cốt lõi nhất: suy đoán vô tội trong một phiên tòa công bằng trước một tòa án độc lập” – trích tóm lược của tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) về bản Kiểm điểm định kỳ phổ quát về Việt Nam, tại phiên Đánh giá định kỳ toàn cầu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 46.
Bản tóm lược còn dẫn chứng việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam: Tháng 8-2021, Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm “21 đối tượng” theo đạo Tin Lành. Chính quyền huyện khi đó đã buộc “các đối tượng này thừa nhận hành vi sai trái của mình và ký cam kết từ bỏ đạo Tin lành”.
Tháng 1-2022, chính quyền tỉnh Lào Cai khoe rằng họ đã “ kiên trì” thuyết phục được “nhiều gia đình tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà giáo và quay qua sinh hoạt theo tôn giáo được pháp luật cho phép; nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo”.
Vào tháng 9-2023, công an cho biết đã dùng nhiều “biện pháp” khác nhau để “loại bỏ Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” ở tỉnh Phú Yên. Cũng trong tháng 9, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu “đấu tranh xóa bỏ Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ, một nhóm tôn giáo của Hàn Quốc và đến Việt Nam vào năm 2001.
Công an theo dõi và đôi khi đàn áp thô bạo các nhóm tôn giáo không do chính phủ kiểm soát. Các nhóm tôn giáo độc lập không được công nhận bị giám sát, quấy rối và đe dọa liên tục, còn tín đồ của các nhóm tôn giáo này có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ tuỳ tiện, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.
Như vậy chỉ từ góc nhìn thuần dân dã, người ta khó thể nào phủ nhận các nhận xét trên.