Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

4962. VNTB – Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phản đối báo cáo nhân quyền Việt Nam

 Việt Nam hứa hẹn đến năm 2099 sẽ cải thiện nhân quyền mà phản đối cái chi??? BBT

VNTB – Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phản đối báo cáo nhân quyền Việt Nam

VNTB – Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phản đối báo cáo nhân quyền Việt Nam

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên hiệp quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch.

Vào ngày 7-5 tới đây, đoàn Việt Nam sẽ tham dự phiên đối thoại về báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Chiều 15-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

“Báo cáo Quốc gia UPR chu kỳ IV trình bày tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trên tất cả lĩnh vực kể từ lần rà soát trước và chúng tôi cũng rà soát một cách toàn diện việc thực hiện những kiến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, tính đến tháng 1-2024. Trong số 241 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị chiếm 86,7%; thực hiện một phần là 30 khuyến nghị, chiếm 12,4% và còn hai khuyến nghị chúng tôi đang xem xét thực hiện vào một thời điểm phù hợp”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ một số thông tin có trong báo cáo. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 11-2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, gia nhập Công ước 105 của ILO về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán và chính thức tham gia Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM).

Kể từ 2019 đến nay, GDP tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 92% năm 2022. Các phương tiện truyền thông, báo chí, Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, của các tổ chức xã hội, và là công cụ giám sát thực thi chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có khoảng hơn 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với năm 2019; số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu, tăng 38% so với năm 2019. Hiện nay, có khoảng 72000 hội đang hoạt động ở Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết Báo cáo đã được thực hiện một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp kiến của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, đối tác phát triển và người dân, các ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo tham vấn do Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành tổ chức hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Ngoại giao.

“Với những cách làm như vậy, có thể nói Báo cáo Quốc gia Việt Nam là sản phẩm chung của các bên liên quan có trách nhiệm trong việc triển khai các khuyến nghị UPR cũng như thụ hưởng thành quả của quá trình này”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói.

Trong khi đó thì theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên hợp quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như là cách của Việt Nam tiến hành đối với Báo cáo Quốc gia của Việt Nam.

Có một tình tiết được Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết là “toàn văn báo cáo bằng tiếng Anh và tiếng Việt đã được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao”, thế nhưng theo kiểm chứng của người viết thì trên trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyên mục “Tổ chức – Diễn đàn quốc tế”, tính đến tối ngày 15-4-2024 vẫn không tìm thấy được nội dung này, mà chỉ có “Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3 _ bản pdf”.