Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

4946. đây là một ông già tâm thần, hay một nhà sư chống chiến tranh?

 

VNTB – Giáo chủ đạo Dừa Nguyễn Thành Nam

VNTB – Giáo chủ đạo Dừa Nguyễn Thành Nam

Định Tường

 

(VNTB) – Đạo Dừa không gõ mõ tụng kinh mà chỉ ngồi thiền cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam.


https://vietnamthoibao.org/vntb-giao-chu-dao-dua-nguyen-thanh-nam/

Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam tạo lập ra tại Cồn Phụng, tỉnh Bến Tre. Chủ trương của đạo Dừa là hòa đồng tôn giáo, mục đích chấm dứt chiến tranh, tạo hòa bình cho Việt Nam và thế giới. Ông Nam chỉ ăn trái cây, dừa và chỉ uống nước dừa nên được gọi là ông đạo Dừa. Đạo Dừa không gõ mõ tụng kinh mà chỉ ngồi thiền cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam.

Theo lời kể của người dân xứ Cồn Phụng thì Giáo chủ đạo Dừa là ông Nguyễn Thành Nam (còn gọi là “Cậu Hai”) sinh ngày 25 tháng Chạp, năm Kỷ Dậu (giấy khai sinh ghi là ngày 22-4-1910), tại xã Phước Thạnh, tổng An Hòa, huyện Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Ông Nguyễn Thành Nam được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, nhiều quyền thế. Mẹ là bà Lê Thị Sen. Cha là ông Nguyễn Thành Trúc – là một cựu cai tổng thời Pháp thuộc từ những năm 1940 đến năm 1944. Vị cai tổng này có tới ba người vợ và Nguyễn Thành Nam là con của người vợ cả. Vì thế ông được thừa hưởng rất nhiều quyền lợi, còn được tạo điều kiện để đi sang Pháp du học.

Việc Nguyễn Thành Nam có thực sự lấy được bằng kỹ sư hóa học hay không thì cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, chỉ biết rằng trong tiểu sử xin ứng cử Tổng thống của mình, Cậu Hai Nguyễn Thành Nam ghi là đã từng học qua các trường ở Pháp như: Pensionnat des lazaristes tại Lyon, Saint Joseph et Saint Marie tại Cannes… và cả trường cao đẳng hóa học Rouen.

Vào năm 1945, đây là năm bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Nguyễn Thành Nam, là giai đoạn sơ khai hình thành “đạo Dừa”. Theo đó, ngày mùng 3 tháng 9 năm Ất Dậu (1945), ông quy y cầu đạo với Hòa thượng Thích Hồng Tôi ở chùa An Sơn, núi Tượng thuộc vùng bảy núi, Châu Đốc, An Giang.

Kể từ năm 1945 trở về sau, tên gọi “Đạo Dừa” thường được mọi người nhắc đến. Bởi vì trong thời gian tu đạo của mình, Cậu Hai chỉ toàn ăn trái cây và uống nước dừa xiêm. Nguyễn Thành Nam cũng từng nói rằng: “25 năm bần đạo không uống nước sống, nước mưa, chỉ uống nước dừa xiêm và nước mía”. Thậm chí ông còn dùng nước dừa để rửa hoa quả ăn, “Đài bát quái” mà Cậu Hai dựng đầu tiên cao 14 mét ở xã Phước Thạnh cũng toàn bằng dừa. Người đời thường gọi “Đạo Dừa” từ thuở đó.

Sau thời gian tu tập trên núi, ông trở về và bắt đầu truyền bá cách hành đạo của mình. Năm 1948, tại Định Tường (Tiền Giang) ông ngồi thiền ở nhiều nơi từ bờ sông cho đến trước mái hiên nhà… mặc cho mọi người qua lại dòm ngó.

Những năm 1950, người ta thường thấy Cậu Hai chỉ khoác trên mình một manh áo mỏng, đêm ngày ngồi tịnh khẩu hành đạo trên “Đài bát quái”, và thiên hạ đồn rằng mỗi năm Cậu Hai cũng chỉ… tắm một lần vào ngày Phật đản (8-4 âm lịch). Ông còn mua cả xà lan loại nhỏ, hai tàu chở khách để thuận tiện cho việc hành đạo cũng như đưa rước các tín đồ.

Vì biến động của thời cuộc, vào năm 1963, Cậu Hai dời toàn bộ cơ sở về mũi phía đông Cồn Phụng (thuộc xã Tân Thạch, Châu Thành) gần bến phà Rạch Miễu cũ. Tại đây ông cho xây dựng chùa Nam Quốc Phật – có cả Cửu Đỉnh, sân Rồng, phi thuyền Apollo, bản đồ hình chữ S, tháp Chuông Hòa Bình, khu vực Thất Sơn… Ông còn mua thêm xà lan lớn 3 tầng, trên đó có cả tháp đài, nhà khách, vườn hoa… Và từ đây, Giáo chủ Nguyễn Thành Nam bắt đầu những tháng ngày truyền bá tư tưởng đạo pháp của mình.

Cuối thập niên 60 ở thế kỷ trước, báo chí Sài Gòn đưa tin Cậu Hai Nguyễn Thành Nam ra ứng cử Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nhằm mục đích duy nhất là đem lại hòa bình cho dân tộc, cứu rỗi nhân loại. Với khẩu hiệu “Liên danh dân tộc hòa bình thống nhất”, Cậu Hai đưa ra một lời cam kết đanh thép rằng: “Nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ đem lại hòa bình cho Việt Nam và Đông Dương trong vòng 7 ngày”, sau đó “tân đại Tổng thống sẽ từ chức”.

Đạo Dừa nói ra điều này nhằm chứng tỏ rằng ông không phải là người “trần” ham mê thế lực, mà Cậu Hai chính là vị thánh sống xuất hiện để cứu giúp dân tộc, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả này thì sẽ ra đi.

Tương truyền, sáng ngày 1-8-1971, một toán Giang cảnh (là đơn vị thuộc quân đội Sài Gòn, phụ trách an ninh đường sông) trong lúc chốt chặn tại ngã ba sông Tiền và kênh Chợ Gạo đã tiến hành kiểm tra một chiếc ghe giăng đầy những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, trên mui ghe có tấm biểu ngữ nền vàng chữ đỏ: “Tôn giáo hòa đồng – Ứng cử tổng thống”. Trước mũi ghe, một người đàn ông tuổi trạc 40, mặt mũi quắt queo, đầu trọc nhưng phần tóc sau ót lại được để dài rồi vấn thành một vòng ngang trán.

Ông ta ở trần, mình khoác tấm vải màu vàng, có dây thắt ngang lưng và kèm theo là một chiếc chìa khóa to đùng, ngồi xếp bằng, hai tay chắp trước ngực. Sau lưng ông có 6-7 người khác, quần áo nâu, tóc búi tó củ hành, đầu bịt khăn, đứng thành hai hàng như thể đang hộ giá ông áo vàng kia. Khi toán Giang cảnh lên ghe kiểm soát giấy tờ, mới hay người khoác tấm vải màu vàng là Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, từ cồn Phụng, xã Phước Thạnh, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa lên Sài Gòn để vào Tối cao Pháp viện nộp 1 triệu đồng tiền ký quỹ ứng cử tổng thống, sẽ diễn ra vào giữa tháng 9-1971. Một cây vàng lúc ấy giá khoảng 7 ngàn đồng. Lục soát ghe, toán Giang cảnh phát hiện hàng chục chiếc cần xé, chiếc nào chiếc nấy đựng đầy những đồng tiền kim loại. Sau này khi kiểm đếm thì đúng là ghe chở theo 1 triệu đồng thật, nhưng mà toàn loại bạc cắc 1 đồng (!?).

Cậu Hai Nguyễn Thành Nam khép lại cuộc đời từ sự việc chiều ngày 12-5-1990, công an Bến Tre phối hợp với công an Mỹ Tho đến thực hiện lệnh bắt ông. Hai tín đồ của ông quá khích, chống lại công an. Hai bên xô xát, Cậu Hai bị té chấn thương sọ não.

Một ngày sau đó, Cậu Hai từ trần, thọ 81 tuổi.

Hiện nay tại cồn Phụng còn nhiều di tích đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500 m², hiện được cố gắng bảo tồn nguyên trạng những gì còn lại từ các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời trước: sân chín con rồng, tháp Hòa Bình (cửu trùng đài). Một khu được sửa thành nơi điều dưỡng và du lịch. Còn chiếc xà lan lớn làm nơi hành đạo cũ được đưa về làm nhà hàng nổi trên sông Bến Tre.

Vậy là qua bao biến thiên thời cuộc, những dấu tích xưa vẫn hiển hiện như chứng nhân của một thời vang bóng ở miệt sông nước Kiến Hòa – Bến Tre, với câu hỏi đây là một ông già tâm thần, hay một nhà sư chống chiến tranh?.