BBT đăng loạt bài từ DCVOnline.net để tâm niệm rằng: Khi phục hồi cơ đạo hậu tấn sẽ đến Madagascar viết lại trang sử về Đức Hộ Pháp và các Chức sắc bị đày nơi đó. Khảo cứu vụ của Đạo Cao Đài cũng sẽ hợp tác với các nhân sĩ yêu nước để viết lại trang sử của những người yêu nước bị lưu đày ở các nơi khác.
Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp (Kết)
DCVOnline.net
Trần Giao Thủy
Đó cũng là một phần di sản lịch sử Việt Nam cận đại. Lịch sử không cần tô son, điểm phấn, đánh bóng, bôi mờ … hay photoshopped. Đừng vẻ rắn thêm chân. Đừng gắn sừng cho thỏ. Xán lạn hay xần xù, hãy để lịch sử là lịch sử.
https://dcvonline.net/2019/10/14/nhung-nguoi-bi-quen-lang-o-nha-tu-guiana-thuoc-phap-ket/
“Mục đích chính của DCVOnline, với trách nhiệm truyền thông độc lập, là cổ xúy dân chủ, nhân quyền và phát triển bền vững cho Việt Nam.”
(Tiếp thep p3)
Từ Saigon đến Cayenne: Người thật, chuyện thật
Ngày 17 tháng 5, 1931 cả Paris đổ về công viên Bois de Vincennes ở đông nam ngoại ô thủ đô nước Pháp để xem những gian hàng triển lãm thuộc địa. Cùng lúc đó trên biển Việt Nam, con tàu nhà tù La Marinière bắt đầu chuyến hải hành chở 535 phạm nhân Việt Nam, tuổi từ 18 đến 40, đi đầy khổ sai biệt xứ ở Guiana.
Trong số đó, khoảng 100 chính trị phạm bị đầy khổ sai biệt xứ chung thân vì “âm mưu chống lại nhà nước”. Dĩ nhiên “nhà nước” ở đây là chính quyền thực dân Pháp. Trong 100 chính trị phạm đó là một số trí thức tình nghi thân cộng sản và khoảng 80 binh lính và thường dân bị bắt sau vụ khởi nghĩa ở Yên Bái của V.N.Q.D.Đ. trong đêm 10 tháng Hai năm 1930.
Ba tháng trước, vào tháng 2 năm 1931, Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud cam đoan với các dân biểu Khối Công nhân Quốc tế Pháp (SFIO) và và đại diện của Liên minh Nhân quyền rằng không có chính trị phạm nào sẽ bị đầy khổ sai biệt xứ ở Guiana. Vì cách định nghĩa thường phạm tinh vi một cách lạ lùng của Reynaud, như đã trình bầy trước đây, nên năm 1931 mới có cả trăm chính trị phạm bị đầy sang Guiana, ở Nam Mỹ.
Hai sự kiện lớn trong năm 1939 ảnh hưởng đến tương lai của tù nhân Việt Nam ở Guiana, ngày 16 tháng 3, một sắc lệnh của Paris bãi bỏ lệ tù nhân có án dưới 8 năm, phải ở Guiana sau khi mãn hạn một thời gian bằng án tù, những tù nhân bị kết án 8 năm hay hơn phải ở lại Guiana cho đến chết. Loạt tù nhân đầu tiên đã mãn hạn đều mong muốn hồi hương. Chỉ ba tháng sau, ngày 3 tháng 9, năm 1939 Pháp tham gia thế chiến thứ hai, và ngưng việc cho hồi hương tù nhân Đông Dương. Năm 1945 có khoảng 150 tù nhân Việt Nam kể cả 50 chính trị phạm, chưa được trả tự do trước đệ nhị thế chiến, hay không được coi là người tù gương mẫu hoặc vẫn chưa chết vì tuyệt vọng hay bệnh tật ở những trại giam đặc biệt ở khu tự trị Inini. Họ phải đợi đến sau tháng 7, 1954 – Hiệp định Geneva ký kết: Đông Dương không còn là thuộc địa của Pháp, Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17 – mới được cho hồi hương và chương trình đó kết thúc vào năm 1963.
Ba mươi hai năm sau ngày bị đầy đến vùng đất hoang vu ở Guiana, một số cựu tù nhân Việt Nam đã hồi hương với vợ và con; một số khác về nước chỉ một mình, và cũng có những người ở lại, họ chọn Guiana là quê hương.
Trần Tử Yến
“Khi đó trại giam khoảng 300 tù nhân. Khung cảnh thật quyến rũ người ta sẽ muốn ở lại đây suốt cả đời.”
Đó là lời thuật lại của phóng viên tờ La Guyane tháng 4, 1934, nhân chuyến viếng thăm trại tù Crique Anguille ở Inini. Theo giám đốc trại tù Vũng Lươn, Đại úy Jourdan, sở dĩ trại tù được như vậy là nhờ công thức rất hiệu quả mà ông đã áp dụng đối với tù nhân, “kỷ luật, trật tự và có phương pháp”. Nhưng công thức sắt đá này vẫn cần được bổ túc. Ở trại tù Vũng Lươn còn có sân quần vợt, bàn ping-pong và bi-da cho tù nhân tiêu khiển. Và viên Đại úy gốc Chad này cũng là người biết hưởng của ngon.
Bẩy mươi năm sau Đại Úy Jourdan tái xuất, trên màn ảnh, như một nhân vật trong cuốn phim tài liệu tựa đề, “Au temps de l’Inini” (Một thời ở Inini). Theo lời kể của một cô gái tên Marcelle V. thì chẳng đêm nào vị sĩ quan đầy kỷ luật Jourdan đó chẳng bỏ trại tù tìm đến phòng của cô cách đó 7 cây số. Nhưng câu chuyện càng lý thú hơn khi Jourdan là giám đốc trại Hổ Nhẩy (Saut Tigre) từ cuối năm 1934. Khi đó nhà vô địch “kỷ luật, trật tự và phương pháp” mới có dịp thể hiện hết bản lĩnh của một vị chỉ huy.
Vào này 17 tháng Năm, 1936, Abdoulaye Taraore, anh lính Tập người Senegal quản thủ kho vũ khí của trại tù, nổi dóa, đã lấy hai khẩu súng lục để một sống một còn với ông sếp. Vị chỉ huy vô địch, một cách rất có phương pháp, nhảy ngay xuống một xuồng máy, cho chạy qua sông và ẩn trốn rất có trật tự ở làng Plomb đối diện. Jourdan phải trốn ở đó gần 12 tiếng, chờ đến khi một sĩ quan creole đến giải giới anh lính Tập vẫn chưa nguôi. Giây phút lầm lỡ này của viên đại úy đã khiến ông mất chức quận trưởng và làm thượng cấp của ông vô cùng xấu hổ. Tuy vậy, Jourdan đã làm cho cho đám tù nhân chứng kiến màn bi hài kịch vui được vài trống canh hôm đó.
Hơn 60 năm sau, Joseph Trần Tử Yến vẫn còn cười trước ống kính của Geneviève Wiels. Cái đêm định mệnh đó, người lái xuồng máy đưa đại úy Jourdan chạy nạn chính là Trần Tử Yến.
Sinh năm 1909 tại Bắc Việt, trong một gia đình giàu có, tương lai của Trần Tử Yến gần như chắc chắn nằm ở bộ máy chính quyền thuộc địa nếu không vì vụ ấu đả với thầy giáo khiến Yến phải bỏ học Trường Thành chung Bảo hộ (Collège du Protectorat, 1908-1931). Vào giữa thập niên 1920, khi Hồ Chí Minh đã thành lập “Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội” (1925) huấn luyện cán bộ ở Quảng Đông, bên Tầu, rồi đưa về nằm vùng tại Việt Nam. Yến chính thức gia nhập tổ chức mà ông gọi là “Sô Viết” từ năm 1928. Và theo lời ông nói, “để thấy tận mắt sự cùng khổ”, Yến đi làm phu ở bến cảng Hải Phòng. Chính tại thành phố cảng ở đồng bằng châu thổ sông Hồng này, cuộc đời của Trần Tử Yến đi vào ngã rẽ vào cuối năm 1929. Khi cuộc cãi vã giữa Yến và một đồng chí “mắc nợ” với đảng đổ ra đường phố, một trung úy Pháp đến can thiệp và rút súng dọa Trần Tử Yến; Cũng có súng, Trần Tử Yến bắn chết viên trung úy Pháp. Con mồi đã mắc bẫy, anh đảng viên cộng sản trẻ người đã bị thẩm vấn, tra tấn dã man, người đầy những vết bỏng vì thuốc lá. Trước phiên tòa ngày 4 tháng Hai, năm 1931, Trần Tử Yến hô “Đả đảo Pháp!” và lãnh án tù khổ sai chung thân.
Năm 1936, khi lái xuồng chở đại úy Jourdan đi lánh nạn, Trần Tử Yến mới 27 tuổi đời nhưng đã được 6 năm rưỡi tuổi tù: 18 tháng tại nhà lao ở Việt Nam, 5 tháng ở nhà tù chính tại Cayenne, 33 tháng ở trại giam Vũng Lươn, trong đó có 8 tháng bị biệt giam vì đã vượt ngục 6 ngày, và 21 tháng ở trại tù Hổ Nhẩy. Saut Tigre là trại tù khủng khiếp nhất trong ba trại giam đặc biệt, có khoảng 200 tù nhân Việt Nam. Về sau Yến được cho làm đội trưởng đội “thợ rèn thợ mộc”, và đến năm 1939 được giao cho việc bảo trì chiếc xuồng máy chở bác sĩ trại giam có bệnh xá ở Sinnamary. Tháng Sáu, năm 1946 Trần Tử Yến được trả tự do và lập gia đình với một phụ nữ Sinnamary tên Eugénie Marcel. Đầu năm 1950, Yến với Eugénie về xây dựng gia đình ở làng Tầu tại Cayenne.
Lương Như Truật
Saut Tige là trại giam mà Trần Tử Yến đã gặp Lương Như Truật, một cựu lính Tập, nghĩa quân V.N.Q.D.Đ. bị bắt sau vụ khởi nghĩa ở Yên Bái. Lương Như Truật hơn Yến 9 tuổi. Tuy vậy anh cựu học sinh Trường Thành chung Bảo hộ, theo cộng sản, gốc Ninh Bình ở Bắc Kỳ và người chiến sĩ V.N.Q.D.Đ., gốc Đà Nẵng ở Trung Kỳ có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều là chính trị phạm nhưng được xếp là thường phạm theo định nghĩa của tòa án thuộc địa, và cả hai thuộc thành phần tri thức rất nhỏ trong số tù nhân Việt Nam ở những trại tù đặc biệt tại Inini (khoảng hơn 2% số tù nhân tại Inini biết đọc và viết được tiếng Pháp). Nhờ trình độ học vấn và khả năng Pháp ngữ họ đều không phải làm việc lao động cực nhọc. Khi Yến là đội trưởng đội “thợ rèn thợ mộc” thì Truật được giao việc thư ký đánh máy ở trại Saut Tigre rồi đến năm 1942 được biệt phái về văn phòng chính của hệ thống nhà tù đặc biệt EPS đặt ở Bến Cảng Cũ ở Cayenne.
Năm 1943, sau cuộc biểu tình “Giải phóng Pháp” (Le ralliement à la France Libre) ở Cayenne, Lương Như Truật đã đứng ra thảo một số thỉnh nguyện thư yêu cầu ân xá, thay mặt cho 38 tù nhân chính trị cuối cùng, còn bị giam ở những nhà tù đặc biệt tại Inini, kể cả người bạn đồng tù Trần Tử Yến ở trại Hổ Nhẩy. Tất cả những cố gắng kêu đòi của Lương Như Truật với ban giám đốc hệ thống nhà tù đặc biệt như nước đổ lá khoai. Đến tháng 6 năm 1946, Trần Tử Yến và Lương Như Truật được chính thức trả tự do. Cũng như Yến, Truật đã thành hôn với một phụ nữ ở Sinnamary, Florestine Némouthé, rồi cùng vợ về xây dựng gia đình ở làng Tầu tại Cayenne vào đầu thập niên 1950.
Tử Yến, Như Truật, đường đời đôi ngả
Tuy nhiên đến tháng 12 năm 1954, cuộc đời của hai bạn đồng tù đi vào hai ngả.
Sáu tháng sau khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, gia đình Lương Như Truật đến Paris trong mùa giá lạnh. Một trong những người con của ông nhớ lại,
“Cả nhà chúng tôi đều mặc quần áo đỏ do hội từ thiện Emmaüs[1] tặng, và mọi người tưởng chúng tôi là một gánh xiếc.”
Về đến Sài Gòn, vẫn đắm chìm trong hỗn loạn, gia đình hai sắc tộc của Truật và Florestine với những đứa con hai dòng máu nhiều lần đã là mục tiêu của các cuộc tấn công kỳ thị chủng tộc. Để rồi vào một ngày tháng 5 năm 1956, Florestine Némouthé bí mật dẫn năm đứa con mình lên tầu Cyrenia đi thẳng về Marseille. Bà Florestine Némouthé và năm con sau đó được chuyển đến Lot-et-Garonne, một thị trấn ở miền Tây Nam nước Pháp, tạm trú tại Trung tâm tiếp đón Người Pháp ở Đông Dương (CAFI) ở khu Sainte-Livrade, cùng với hai ngàn người “không thể phân loại” khác trở về từ những nước thuộc địa: góa phụ của tử sĩ Pháp, những người vợ lẽ bị bỏ rơi hoặc những đứa trẻ hai dòng máu Á-Âu không được công nhận … Ở những túp lều trong trại tạm cư này mọi người phải tuân theo những quy định đặc biệt nghiêm ngặt; người mẹ xứ Sinnamary đó đã một mình nuôi năm đứa con. Bà Florestine Némouthé cũng như không người con nào đã gặp lại chồng và cha, dù chỉ một lần. Ở Sài Gòn, nhờ tư cách cựu tù nhân chính trị bị đầy đi khổ sai biệt xứ, ông Truật đã được đưa vào làm công chức trọn đời tại Bộ Cải tiến Nông thôn.
Lương Như Truật lập gia đình mới ở Sài Gòn, có thêm 7 người con[2], và qua đời ở đó năm 1984.
Trần Tử Yến ở lại Cayenne và vợ nuôi 13 đứa con, trong đó có một cô con gái của một cựu tù nhân chính trị đã qua đời năm 1955. Từ những năm 1960, nhập tịch Pháp, người học trò cũ của trường Thành chung Bảo hộ tưởng chừng sẽ có một sự nghiệp huy hoàng, ngày nào đã bỏ học đi theo cộng sản, nay trở thành người làm vườn tại Viện Pasteur. Gia đình của Trần Tử Yến ở Việt Nam chưa bao giờ biết đích xác công việc của ông là gì. Mùa hè năm 1988, Josette, cô con gái kế út của ông lần đầu tiên sang Việt Nam, khi ấy vẫn không mấy cởi mở đối với người nước ngoài. Cuối cùng, mười một năm sau, Trần Tử Yến, mới đồng ý đi Việt Nam cùng con gái … trước khi quay đầu, bỏ cuộc. Ông biến mất vào năm 2001, lúc 92 tuổi, không trở lại quê hương.
Định mệnh đồng quy
Tháng 1 năm 2008, con út của Lương Như Truật và Florestine Némouthé đi công tác ở Cayenne. Trước một tiệm phở nổi tiếng ở chợ, ông ấy thấy một người trạc bốn mươi tuổi đang chằm chặp nhìn mình. Sau đôi câu trao đổi, hai người xa lạ cùng nhau xem hai tấm hình cũ và xác nhận trực giác của họ không sai: cha của họ là hai người bạn đồng tù trong quá khứ. Jean-Marie Lương Như Truật vừa gặp Josette Trần Tử Yến lần đầu.
Chính nhờ lời họ thuật lại, một phần chưa ai biết về tù nhân và lịch sử nhà tù Vũng Lươn, Hổ Nhẩy ở Inini mới được hồi sinh.
Trần Khắc Mẫn
Trần Khắc Mẫn, biệt danh Lâm Mãng Hổ là một người tù Việt Nam bị đầy biệt xứ khổ sai chung thân ở Guiana. Năm 1998 ông đã 95 tuổi nhưng vẫn còn đủ khỏe để trả lời báo chí và trở thành một trong bốn nhân vật điển hình trong cuốn phim tài liệu “Bóng địa ngục trần gian” (“Les Ombres Du Bagne”) do Patrick Barberis, và Tancrède Ramonet thực hiện và France 3 Limousin-Poitou-Charentes, History TV Canada, RFO, Temps Noir, ARTE France phát hành năm 2006. Cuộn phim cho biết Trần Khắc Mẫn qua đời năm 104 tuổi (2007) ở Guiana.
Trần Khắc Mẫn từng là công chức (quan viên) trong hệ thống cai trị của chính quyền thực dân ở Bắc Kỳ.
Từ năm 1887, Lào, Cam Bốt, Trung Kỳ, và Bắc Kỳ hợp thành Liên Bang Đông Dương và cả bốn đều là xứ do Pháp “bảo hộ” (bảo vệ) nghĩa là những xứ “tự trị”, có chủ quyền trên nguyên tắc và chỉ phụ thuộc vào Pháp ở hai phương diện Quốc phòng và Ngoại giao.
Tuy nhiên những chữ “bảo hộ”, “tự trị” trên thực tế không có nghĩa gì hết vì Pháp xâm nhập vào mọi tầng lớp trong hệ thống cai trị của những xứ bảo hộ. Kể từ tháng 11 năm 1925 tất cả mọi bổ nhiệm trong hệ thống chính quyền đều do một tay Toàn quyền Đông Dương quyết định, từ hàng bộ trưởng đến quan chức triều đình. Như vậy hoàng đế Annam (Trung Kỳ) chỉ là hữu danh vô thực, không có thực quyền ở cả hai mặt tư pháp và hành pháp. Quyền lực nằm trong tay Toàn quyền và công sứ tại mỗi tỉnh. Nhưng vị trí lãnh đạo khác cũng thuộc công chức người Pháp.
Trí thức Việt Nam, nhất là giới trẻ, đã phản đối mãnh liệt và đã nổi dậy chống chế độ thực dân này. Từ 1926 đến 1928, Toàn quyền Alexandre Varenne có chính sách khoan nhượng hơn những Toàn quyền tiền nhiệm; Varenne đã quyết định đưa người Đông Dương vào hệ thống cai trị của chình quyền ở những xứ bảo hộ, tạo ra Hạ viện ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, làm luật bảo vệ công nhân đồn điền, và đã lập “ngân hàng” tín dụng.
Trong thời đại đó, Lâm Mãng Hổ sinh năm 1903 tại làng “Pháp Co”, huyện “… Thủy”[3] ở Bắc Kỳ trong một gia đình quan lại. Lớn lên ông Mẫn nối bước cha cũng ra “làm quan” (công chức) trong hệ thống hành chánh của chính quyền thuộc địa thời đó. Trần Khắc Mẫn mặc y phục may bằng chỉ vàng, đính nút (cúc) bằng vàng. Đời sống giàu có của quan lại đưa Trần Khắc Mẫn vào vòng bài bạc. Ông hay mời đám bạn bài bạc đến những nơi xa hoa, sang trọng vì thế Mẫn luôn luôn phải có nhiều tiền.
Nhưng đường đời không bằng phẳng, và sự bất thường của lối sống phóng đãng xa hoa đó cùng với thay đổi trong hệ thống hành chánh ở địa phương đã đưa Trần Khắc Mẫn vào một con đường tìm vinh hoa phú quý bất chánh hơn nhiều. Mẫn trở thành một hải tặc, tên Lâm Mãng Hổ.
Cờ Đỏ hay “Tai họa trên biển cả”
Hon Cho Lo là vợ của một tướng cướp biển, lên thay chồng chỉ huy một đoàn 60 chiến thuyền gồm 6 đội khi trở thành góa phụ vào năm 1921. Trẻ và xinh đẹp, nhưng Hon Cho Lo đã lừng danh là một sát thủ không gớm tay. Sáu đội thuyền cướp biển đều có cờ hiệu riêng biệt màu đỏ, vàng, xanh lá thẫm, xanh dương và trắng, dưới quyền chỉ huy của một phó tướng; đúng với truyền thống của hải tặc ai cũng có biệt danh như “Cánh chim và hòn đá”, “Tai họa trên biển cả”, “Hòn ngọc cuả đội”, “Đồng cỏ của ếch”.
Tướng cướp biển Hon Cho Lo là một thủ lãnh có kỷ luật sắt. Ba điều luật tiêu biểu cho quân cướp biển dưới trướng của Hon Cho Lo là
- Nếu đổ bộ không có phép hay có hành vi “vượt cổng”, cướp biển sẽ bị chọc thủng hai tai trước toàn thể đồng đội. Nếu tái phạm sẽ bị tử hình.
- Cấm chỉ không dược lấy chiến lợi phẩm làm của riêng. Tất cả của cướp được đều phải ghi vào sổ; Cướp biển được 2 phần, 8 phần còn lại là của chung. Trộm của chung cũng lãnh án tử hình.
- Không được bắt đàn bà phụ nữ trong làng hay những người bị bắt lên thuyền để thỏa mãn dục vọng. Cướp biển chỉ có thể làm chuyện mây mưa sau khi được phép của viên quản lý, và phải lui xuống hầm tầu. Dùng bạo lực hãm hiếp phụ nữ không có phép sẽ bị tử hình.
Ngoài ra, Hon Cho Lo còn cấm cướp biển dưới trướng dùng những chữ “của cuớp được” mà phải gọi đó là “sản phẩm chuyển thuyền”. Kỷ cương giềng mối đó giúp đoàn hải tặc giữ được quan hệ tốt với dân chúng. Lấy rượu, gạo đến những sản phẩm khác của dân làng đều phải trả tiền; cướp của dân lành sẽ bị tử hình. Do đó đám hải tặc này luôn luôn có đủ lương thực và thuốc súng, với kỷ luật của thủy thủ đoàn gần như mẫu mực.
Nhờ kinh nghiệm thời làm việc như một quan viên và thương nhân, Lâm Mãng Hổ trở thành thủ quỹ và quản lý nhà kho cho đoàn hải tặc trong nhiều năm. Nhưng rồi nhóm cướp biển của Hon Cho Lo và Lâm Mãng Hổ suy thoái, sa đà trở thành đám cướp của dân làng, bắt thiếu nữ, và trở thành bọn buôn người.
Năm 1930 bọn cướp biển sa lưới chính quyền thực dân. Trước tòa, Hon Cho Lo, một thiếu phụ mảnh mai, yếu đuối được tòa tha bổng, còn Lâm Mãng Hổ lãnh án tù khổ sai chung thân và bị đầy đi Côn Lôn.
Lâm Mãng Hổ, một thường phạm, xung phong đi khổ sai biệt xứ ở Guiana trong số 535 phạm nhân lên tầu La Martinière rời Việt Nam ngày 17 tháng 5, 1931 đi Guiana. Sở dĩ Lâm Mãng Hổ “xung phong” đi khổ sai biệt xứ là vì cái nhãn “cướp biển”. Nó chẳng khác gì bản án tử hình trong nhà tù Côn Lôn.
Ngày 30 tháng 6 năm 1931, tầu La Martinière đến Guyana, cả ba trại La Forestière, Crique Anguille, và Saut Tigre đều chưa dựng xong để có thể giam tù nhân Việt Nam. Do đó, họ tạm thời bị giam tại nhà tù ở Mũi Buzaré bên bờ biển Cayenne. Ở đó, tù nhân làm quạt, đèn xếp, đèn lồng và thủ công bằng bìa cứng để bán ở chợ. Hàng ngày lính tập Senegal giải ba mươi tù nhân đến dọn dẹp và làm vườn tại dinh thự của Toàn quyền Guiana.
Ngày 19 tháng 9, 1931, 395 tù nhân Đông Dương chuyển sang trại Vũng Lươn, cách Mũi Buzaré 24 cây số đường chim bay (hay 47 cây số đường xe hiện nay). Số còn lại, vẫn bị tạm giam tại Cayenne cho đến tháng 1, 1932 mới bị đưa đi giam ở trại La Forestière (trừ năm tù nhân vẫn ở lại làm việc trong dinh Toàn quyền). Đến 1933, 200 tù nhân được chuyển từ trại Crique Anguille sang trại Saut Tigre và Saut Vata (gần Saut Tigre). Cuối cùng trại giam và đường xá ở Vũng Lươn và Hổ Nhẩy đều do tay tù nhân xây dựng cho đến khi hoàn tất.
Địa điểm của trại tù phải thỏa hai điều kiện, một là dễ di chuyển, bên cạnh sông, hai là Không quá xa nhà kho (chứa thực phẩm và dụng cụ). Trại La Forestière chỉ cách Saint-Laurent-du-Maroni 5 giờ đi thuyền độc mộc. Trại Saut Tigre cách Sinnamary 6 giờ chèo thuyền. Crique Anguille cách Cayenne chỉ hai tiếng.
Hiện nay chỉ còn một ít tàn tích của những nhà tù này lẩn khuất trong đám cây rừng che phủ. Ở Crique Anguille còn lại vài bức tường gạch đầy rêu, với hai hàng, 16 phòng giam, rộng 1m dài 2m, làm vật chứng lịch sử của những trại giam người tù Việt Nam ở Guiana, nhắc nhở đời sau rằng họ chỉ là những con tốt bị bộ máy chính quyền thực dân nghiền nát.
Những trắc trở khi đọc về lịch sử Việt Nam
Chính sử là gì? Lịch sử chính thức hay “chính sử” là một tác phẩm lịch sử được đối tượng của nó tài trợ, sáng tác hay chứng thực.
Thuật ngữ “chính sử” thường được dùng để gọi những sách sử được một chế độ, một chính phủ nào đó cho phát hành. Ví dụ, Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書, 1697) hay Toàn thư là bộ chính sử Việt Nam do Ngô Sĩ Liên và nhiều thế hệ sử quan của nhà Hậu Lê biên soạn. Toàn Thư lại là một tác phẩm bổ túc bộ sách Đại Việt sử ký (大越史記, 1272) trước đó do Lê Văn Hưu biên soạn dưới thời nhà Trần. Những bộ quốc sử đều biên soạn bằng Hán tự cổ cho đến đầu thế kỷ XX mới có cuốn Việt Nam sử lược do học giả Trần Trọng Kim biên soạn bằng quốc ngữ vào năm 1919. Trần Trọng Kim là một viên chức giáo dục của xứ Bắc Kỳ thuộc quyền cai trị của người Pháp, đứng đầu là Thống sứ Bắc Kỳ – Résident supérieur du Tonkin.
Vì quốc sử thường do sử quan biên soạn theo quan điểm của triều đại ban phát bổng lộc cho họ nên việc biên chép lịch sử qua nhiều thời đại không thể thống nhất. Ví dụ Vua Minh Mạng Nhà Nguyễn (1820-1841) coi bộ Đại Việt sử ký tục biên (大越史記續編) do Phan Phu Tiên và những sử quan khác biên soạn dưới triều đại Lê – Trịnh là sách yêu quái, không phải là sử tin được[4].
Một ví dụ khác cho thấy sự bất nhất trong sách sử Việt Nam quanh vụ ông Nguyễn Phi Khanh và giặc Minh. Ông quan nhà Hồ đã ra hàng giặc hay bị giặc bắt?
Gần như tất cả những người học lịch sử theo cuốn Việt Nam sử lược đều tin rằng ông Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải về Tàu:
“Ông Nguyễn Trãi là con ông Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh. Đời nhà Hồ, ông đã thi đỗ tiến sĩ (1400). Khi ông Nguyễn Phi Khanh bị nhà Minh bắt về Kim Lăng, ông theo khóc, lên đến cửa Nam Quan không chịu trở lại. Ông Phi Khanh bảo rằng: “Con phải trở về mà lo trả thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?””[5]
“Việt Nam Sử Lược”, Chương XIV, Mười Năm Đánh Quân Tàu, (1418 – 1427) – 1919.
Nhưng Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên biên soạn Toàn Thư lại viết khác.
“Còn bọn Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn, Đỗ Mãn đều đã đầu hàng từ trước.”[6]
“Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư”, Quyển IX, [1a], Kỷ Hậu Trần, Giản Định Đế – 1272
Người soạn chính sử thường có nhiều thuận lợi, như được truy cập thư khố, phỏng vấn người trong cuộc, và sử dụng các nguồn tài liệu nguyên thủy mà các sử gia độc lập có ít cơ hội hơn hoặc không thể có. Tuy nhiên, chính vì sự liên hệ gần gũi giữa soạn giả và đối tượng nên chính sử thường được coi là có tính bè phái, thiếu khách quan. Do đó, sử gia độc lập và người đọc sử cẩn trọng thường coi chính sử là tài liệu tuyên truyền, hoặc đón nhận nó với mọi sự dè dặt.
Ở một mức độ không chính thức hay ít phức tạp như lịch sử quốc gia thời cổ đại, những câu chuyện lịch sử thời cận đại và đương đại cũng gây khó khăn không kém cho người đọc.
Tác quyền, nguồn chính, và sự bịa đặt lịch sử
Hãy nhìn qua những bài viết hay bài chép lại gần đây câu chuyện đời Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu, những chí sĩ Đông Du miền Nam.
Thứ nhất, Nguyễn Đình Đầu, trong bài “Một kiếp thề ghi với nước non” trong loạt bài về “Nhà lao An Nam ở Guyane” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 30/04/2008, viết về Nguyễn Quang Diêu – không ghi nguồn tham khảo – chỉ là sự xào nấu lại những gì Nguyễn Văn Hầu đã viết trong cuốn “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thi ca và Cuộc đời một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”[7] (1964). Viết sau Nguyễn Văn Hầu 44 năm, hiện là một Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam, Nguyễn Đình Đầu không có thêm bất kỳ một thông tin nào mới khám phá; có thể vì ông bận viết sách về địa lý?
Thứ hai, trang VUSTA (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), ngày Thứ tư, 12/04/2006, đăng bài “Lý Liễu và phong trào đại Đông Du”, không ghi tên tác giả, cuối bài ghi, “Nguồn: Xưa và Nay, số 248, 11/2005, tr 13 – 16”.
Đây là một bản chép lại nguyên văn bài “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, đăng trên tạp chí Bách Khoa số 145, 15-1-1963, trang 39-50, của tác giả Nguyễn Văn Hầu.
Nếu trang VUSTA chép lại “nguyên bản” từ Tạp chí Xưa và Nay (số 248, 11/2005, tr 13-16) của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thì rõ ràng đây là một vụ đạo văn, ăn cắp bản quyền của tác giả Nguyễn Văn Hầu. Và kẻ cắp là một Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam!
Nếu trang VUSTA “vô tình” bỏ sót tên tác giả và nguồn chính khi chép lại bài trong Tạp chí Xưa và Nay, thì đó là một lỗi không thể chấp nhận được về nguyên tắc tôn trọng tác quyền và trích dẫn. Hành vi vi phạm tác quyền cũng như không dẫn nguồn chính trong trường hợp này lại là của cả một Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Cách làm việc vô trách nhiệm và thiếu lương thiện như thấy trong hai giả thiết trên đây không thể gọi là khoa học được. Sự thật chỉ có thể là một trong hai trường hợp nêu trên. Và trường hợp nào là sự thật đi nữa thì cũng rất tội nghiệp cho nhóm chữ “Khoa học” và “lịch sử” trên bảng tên của những Hội và Liên hiệp các Hội nêu trên.
Thứ ba, câu chuyện về chí sĩ Đông Du Lý Liễu do Nguyễn Văn Hầu viết trên Bách Khoa năm 1963 chấm dứt khi ông bị thực dân bắt lần thứ hai, kết án 15 năm khổ sai, giam ở Côn Lôn vào năm 1933 và chết ở đó. Hơn nửa thế kỷ sau, Lorraine M. Paterson, trong “Empire’s Exile: The Story of Lý Liễu” (2016) và “Ethnoscapes of Exile: Political Prisoners from Indochina in a Colonial Asian World” (2018), cũng xác định là Lý Liễu đã qua đời tại nhà tù Côn Đảo khi ông mới 40 tuổi. Paterson cho biết, có một số rất ít tài liệu trong Centre des Archives d’Outre Mer in Aix en Provence (ANOM) ở Pháp liên quan đến Lý Liễu, nhưng đã đề cập hai lần ông bị thực dân kết án vào năm 1913 và 1933; tài liệu thứ ba là thư riêng của lãnh sự Pháp ở Hong Kong, Gaston Liebert, viết cho Toàn Quyền Đông Dương, nói về chuyện Lý Liễu là học sinh trường St. Joseph (Trung Anh học đường) khi ông và các đồng chí bị cảnh sát Anh bắt. Nguyễn Văn Hầu, Lorraine M. Paterson là những người viết sử dựa vào tài liệu với tất cả kiến thức và sở học.
Nhưng những người cộng sản Việt Nam không làm như vậy. Lý Liễu bị thực dân đầy đi Guiana trước khi cộng sản có mặt ở Việt Nam. Và cả 100 năm họ không biết, không viết gì về người chí sĩ Đông Du này. Nhưng họ bịa sử.
Phan Lương Minh trong bài “Đi tìm quãng đời còn lại của Lý Liễu” một phần trong cuốn “Phong trào Đông du ở miền Nam”[8] và Nguyễn Ngọc trong bài “Tình yêu đất nước của cụ Lý Liễu”[9] đều đem một cán bộ cộng sản Lý Phùng Xuân nào đó, năm 1933 không bị tù, lấy vợ, có con (1935) rồi đến 1936 mới bị đầy ra Côn Đảo và cho là đó là ông Lý Liễu. Người chí sĩ Đông Du miền Nam dù đã qua đời, vẫn bị cộng sản bắt làm cộng sản, được họ đem ra khỏi nhà tù Côn Đảo vào năm 1945 và sống đến năm 1964.
Hơn nữa Trong luận văn tựa đề “Các chí sĩ Đông Du Nam kỳ hoạt động ở Nhật Bản” của Đoàn Lê Giang (tên thật là Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM) đăng trên Tạp chí Phát triển KH&CN, Tập 15, Số X1-2012) trích dẫn Phan Lương Minh, cho rằng Lý Liễu là du học sinh ở Nhật Bản và dĩ nhiên có cả cái đuôi Lý Phùng Xuân tham gia kháng chiến sau 1945!
“Lý Liễu tức Lý Phùng Xuân, còn gọi là Lý Joseph, quê Tam Bình, Vĩnh Long, du học Nhật Bản từ năm 14 tuổi, sau qua Trung Quốc, Anh, từng bị giam ở Côn Đảo, Hoả Lò. Sau 1945 có tham gia kháng chiến và mất ở quê.”
Đoàn Lê Giang trích dẫn Phan Lương Minh, Ibid.
Sau khi công bố Trần Huy Liệu bịa ra câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám nào đó tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét, Phan Huy Lê[10] đã phải viết,
“Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.”
Phan Huy Lê
Câu chuyện phản khoa học do Trần Huy Liệu bịa đặt đã thành bài bản tuyên truyên, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dù nhà bịa sử có nói “đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám” thì mọi sự đã rồi. Việt Nam cộng sản ngày nay vẫn có đường Lê Văn Tám, trường Lê Văn Tám, công viên với cả tượng đài Lê Văn Tám!
Câu chuyện Lý Phùng Xuân cho thấy một lần nữa, tất cả đều có thể là phương tiện tuyên truyền của đảng cộng sản để đạt mục đích kích động quần chúng, ngay cả trong thời bình.
Đôi điều về cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”, Nhà xuất bản Sống Mới, Saigon, 1957 của Hoàng Văn Đào
Dường như bịa đặt sử không chỉ là phương tiện tuyên truyền kích động của riêng đảng cộng sản. Cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An” là một bịa đặt lịch sử một cách trắng trợn của một tác giả sống ở miền Nam dưới thời Cộng Hòa. Hoàng Văn Đào là ai? Văn học sử Việt nam không có đủ thông tin để xác định tiểu sử của tác giả cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”. Khi viết cuốn “Từ Yên-Bái…” Hoàng Văn Đào xưng là nghĩa viên, sau đó ở cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng, Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954” (1967) thì Hoàng Văn Đào trở thành đảng viên, người sáng lập V.N.Q.D.Đ.
Người viết chỉ ghi lại ở đây một số nhỏ những bịa đặt ngớ ngẩn đến những phần sao chép không ghi nguồn trong cuốn “Từ Yên-Bái…” của tác giả Hoàng Văn Đào một cách vắn tắt. Chỉ có 87 trang nhưng nó chứng tỏ tác giả viết như viết tiểu thuyết, hay tuyên truyền kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường điệu, dựa trên cao trào bài thực của người Việt Nam ở đầu thế kỷ thứ 20.
Hoàng Văn Đào chắn chắn biết đọc tiếng Pháp vì ít nhất một một số chi tiết trong tập sách là những trích dẫn từ tài liệu của chính quyền thực dân hay báo chí những năm 1930.
Trước nhất, về khẩu phần và y phục của tù nhân Việt Nam ở Guiana (trang 30-31), Hoàng Văn Đào ghi chép khá đủ chi tiết từng gram trà, gram muối, v.v. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện tù nhân có thể nhớ được khi trở về Việt Nam kể lại chuyện tù đầy hơn 20 năm trước. Nếu muốn, người ta có thể tìm đọc những chi tiết này trong Sắc lệnh của bộ trưởng về Điều lệ về hệ thống nhà tù đặc biệt EPS[11] đã đăng trên công báo của Guiana ngày 19 tháng 5 năm 1931.
Kế đến là hải trình của tầu La Martinière. Hoàng Văn Đào bắt con tầu nhà tù đi qua Thái Bình Dương, ghé đảo Hawaii rồi vòng xuống Nam Mỹ để sang Ấn Độ Dương rồi mới đến Guiana (trang 27). Đoạn mô tả hành trình của con tầu La Martinière chỉ ra vài điểm. Một, tác giả rõ ràng không biết hải trình của con tầu; hai tác giả dù không có kiến thức về địa dư thế giới nhưng lại cường điệu và bịa đặt việc tầu ghé lại đảo Hawaii để tù nhân lên bong tầu hóng gió; Sự thật thì con tầu La Martinière rời Việt Nam đi qua Ấn Độ Dương trước khi băng Đại Tây Dương để đến Guiana ở Nam Mỹ[12] (chỉ bằng 2/3 hải trình Hoàng Văn Đào bịa đặt). Một người tù cộng sản cùng đi trong chuyến tầu đó đã ghi lại trong nhật ký[13]:
“Tàu Martiniere của Pháp chuyên chở tù nhân sang Mỹ châu, không chở thuê hành khách. Khi ấy chúng sợ anh em thợ thuyền các bến ghé qua biểu tình phản đối việc đưa chúng tôi đi đày nên chúng không dám cho tàu cập bến nào cả.
Tàu khởi hành từ Côn Đảo trong bờ biển Đông (Thái Bình Dương), qua Ấn Độ Dương sang Đại Tây Dương, chiếu đường biển đi Cayenne, thủ phủ của Guyane, ròng rã 45 ngày đêm…”
Lương Duyên Hồi
“Ăng-ghi vị-trí thuộc phía Bắc đất I-ni-ni cách Thủ-đô cayenne gần 100 cây số, nơi đây là khu rừng thiêng nước độc, nơi đây chưa hề có dấu chân người.”
Hoàng Văn Đào, Ibid., trang 48
Câu trên mô tả Vũng Lươn (Crique Anguille) một lần nữa chứng tỏ Hoàng Văn Đào bịa chuyện vì trại giam này chỉ cách Cayenne 25 cấy số đường chim bay, hay khoảng hơn 40 cây số đường rừng.
Thứ ba, Hoàng Văn Đào cường điệu và phóng đại con số chính trị phạm, “chiến sĩ Yên-Bái”, trên chuyến tầu sang Guiana:
“… 535 người, trong số có 200 chiến-sĩ Yên-Bái, còn 335 là thường phạm, …”
Hoàng Văn Đào, Ibid., trang 27
Thực ra, trong nhật ký, Lương Duyên Hồi viết,
“Chuyến tàu này tất cả có 537 người. Anh em chính trị phạm có hơn 100 người, đa số là anh em tham gia các vụ bạo động Yên Bái, Phú Thọ, Kiến An, Vĩnh Bảo, Phụ Dực… Hầu hết bị kết án tù chung thân, 20 năm, 15 năm cho đến 10 năm.”
Lương Duyên Hồi
Tương tự, Christèle Dedebant, một người có học, chuyên nghiên cứu lịch sử, viết trong bài “Saïgon-Cayenne les derniers déportés politiques de la Guyane”[14] cũng xác định con số chính trị phạm khoảng 100 người đa số là nghĩa quân V.N.Q.D.Đ.,
“Une centaine d’entre eux a écopé des travaux forcés à perpétuité pour “ complot contre l’État”: quelques intellectuels suspectés de sympathies communistes y côtoient plus de 80 soldats et civils impliqués dans la rébellion de Yen-Bay survenue dans la nuit du 10 février 1930.”
Christèle Dedebant, “Saïgon-Cayenne les derniers déportés politiques de la Guyane”
Thứ tư, Hoàng Văn Đào bịa rất nhiều chuyện hoang đường như dẫm vào nấm “cỏ huyết” thì sẽ bị sốt rét hộc máu mồm, hay nuôi bồ câu để lấy vàng. Hoàng Văn Đào kể, tù nhân Việt Nam dùng thuốc phiện nuôi 50 con chim bồ câu và đem chúng lên đồi, xuống bãi “ăn vàng” rồi sau đó họ lọc phân chim lấy vàng nộp cho nhà tù! Cũng như Hoàng Văn Đào cho “nước suối lạnh như giá băng” và quên mất đây Guiana thuộc vùng nhiệt đới, nhiệt độ trung bình, lạnh nhất là 21-23 độ C, khi nóng thì khoảng 29-32 độ C. (Trang 41-44).
Đào đất tìm vàng ở Guiana. Nguồn: Les Colonies françaises, Paris: Hélio Sadag de France; Flammarion, éditeur, 1931. (7 août.) | gallica.bnf.fr
Thứ năm, có lẽ là một bịa đặt mỉa mai nhất, là khi Hoàng Văn Đào lập ban đại diện tù nhân ngay khi con tàu La Martinière còn đang ở Đại Tây Dương. Trong ban đại diện tù nhân, Hoàng Văn Đào cho Trần Tử Yến làm một thành viên của “đội quyết tử ném bom Hà Nội” của VNQDĐ (trang 27).
Như Christèle Dedebant đã viết, theo tài liệu và nhân chứng trong gia đình Trần Tử Yến, thì ông là một học trò trường Thành Chung Bảo hộ, bỏ học, theo cộng sản, làm phu ở bến cảng Hải Phòng, bắn chết một trung úy Pháp, hô đả đảo thực dân trước tòa để cuối cùng lãnh án chung thân khổ sai. Không rõ Hoàng Văn Đào đã lấy tài liệu ở đâu hay nằm mơ lúc nào để xếp một người theo cộng sản vào hàng ngũ VNQDĐ? Điều chắc chắc là Hoàng Văn Đào chưa hề gặp Trần Tử Yến. Khi tác giả viết tiểu thuyết giả tưởng “Từ Yên-Bái…” thì Trần Tử Yến đang sống với vợ con ở Cayenne.
Thiết tưởng, những điểm vừa trình bầy trên đây đủ để chứng minh sự bịa đặt trắng trợn của Hoàng Văn Đào khi viết cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”. Đây chỉ là một tập mỏng viết để tuyên truyền cho một mục đích chính trị. Nó phản bội sự thật và nó phản bội cả những người tù Việt Nam bị đầy khổ sai biệt xứ ở Inini.
Tuy vậy cuốn sách đó của Hoàng Văn Đào đã được NXB Việt Quốc tái bản năm 2011 và đã tổ chức ra mắt sách tại Đức. Trong một bài tường thuật buổi ra mắt sách[15] tác giả viết
“…cụ Hoàng văn Đào, là một trong những người đồng thành lập VNQDĐ, là lãnh đạo của VNQDĐ bị bắt sau vụ án “Ám sát Ba-Danh” tên trùm mộ phu nổi tiếng tàn ác tại Bắc kỳ thời đó, bị kết án lưu đày ra Côn Đảo rồi bị đày qua Guyane Nam Mỹ, ông cũng là một trong những người được may mắn trở về quê hương Việt Nam sau những năm lưu đày biệt xứ tại Guyane Nam Mỹ vào năm 1945 […]
Sách của cụ Hoàng Văn Đào, một tác phẩm “đã bị lãng quên”, được viết từ năm 1957 mà cho đến nay chưa chính thức phát hành đến tay độc giả.”
Võ Thi Trúc Giang lúa 9, “Buổi Ra Mắt Sách và đọc: Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An của Tác giả Hoàng văn Đào”
Trích đoạn trên đây cho thấy người viết bài tường thuật không hề đọc sách của Hoàng Văn Đào. Ở “Lời Nói Đầu” trong cuốn “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An” chính Hoàng Văn Đào đã xác nhận ông chỉ viết theo lời người tù kể lại. Hoàng Văn Đào chưa khi nào bị tù, nói chi chuyện bị đầy biệt xứ.
Hơn nữa cuốn sách của Hoàng Văn Đào đã được cấp “Giấy phép số 2133-XB ngày 7-12-57 của Nha Thông tin Nam phần. Tổng Phát Hành Nam Cường, giá 80 đồng”, như những dòng chữ in ở trang cuối cuốn sách. Tóm lại chỉ một bài tường thuật về buổi ra mắt sách, người viết đã bịa chuyện về tiểu sử tác giả, cường điệu, không cần biết và xem thường sự thật.
Bạn đọc, nếu muốn hiểu rõ hơn về nhà tù ở Inini có thể theo dõi phim tài lệu “Bóng địa ngục trần gian” (“Les Ombres Du Bagne”) do Patrick Barberis, cùng Tancrède Ramonet thực hiện và France 3 Limousin-Poitou-Charentes, History TV Canada, RFO, Temps Noir, ARTE France phát hành năm 2006 ở cuối bài. Phim tài liệu thứ hai về nhà tù ở Guiana do Geneviève Wiels thực hiện tựa đề “Au temps de l’Inini” (Vào thời của Inini), FMC và RFO phát hành năm 2001.
Hình xử chém 13 liệt sĩ Yên Bái và 13 thủ cấp
Như nhà báo Louis Roubaud đã tường thuật trên tờ Le Petit Parisien và viết thành cuốn sách nổi tiếng tựa đề “Vietnam Indochinese Tragedy” (Librairie Valois, 1931), và tái bản năm 2010, ông không kèm theo bất kỳ một tấm ảnh nào về cuộc xử tử hình 13 liệt sĩ VNQDĐ vào sáng sớm ngày 17 tháng 6, năm 1930 tại Yên Bái. Tấm hình duy nhất về cuộc xử chém ngày hôm đó là một tấm hình vẽ dùng làm bìa cho tờ báo “Le Petit journal illustré”, ngày 29 tháng 6, 1930 (Số 2062). Đó là hình vẽ cảnh nghĩa quân Đào Văn Nhít, 20 tuổi, đứng cạnh linh mục Méchet, bên lề đường là mẹ của Nhít, bị lính khố xanh giữ lại, khi bà đang khóc lời vĩnh biệt. Cuối con đường là máy chém.
Nhưng dạo gần đây, trong những bài viết của VNQDĐ và ngay cả ở một số những buổi thuyết trình người ta thường thấy hai tấm hình, một là hai hàng 13 thủ cấp, và hai là cảnh pháp trường thực dân đứng cạnh những xác người vừa bị trảm thủ.
Một tấm ảnh khác chụp trong một buổi “Lễ Tưởng niệm Liệt sĩ Yên Báy” (14/6/2015 Sheraton hotel, Anaheim), dưới đảng kỳ, trên bàn thờ là ảnh của cựu Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, và bên cạnh là tấm ảnh 13 thủ cấp lộng khung vàng.
François Guillemot đã viết bài “Décryptage 3 : Besoin D’image, Besoin De Sens – À Propos D’une Image Iconique Associée À La Lutte Pour L’indépendance Du Viêt-Nam” đăng ở trang Mémoires d’Indochine phân tích tỉ mỉ cho thấy tấm hình 13 đầu người đó không phải là thủ cấp của 13 liệt sĩ Yên bái. Guillemot trưng dẫn nguồn tấm hình đã đăng trên tạp chí L’ILLUSTRATION, số 2685 (năm thứ 52), Thứ Bảy, ngày 11 tháng 8 năm 1894, ở trang 121. Dưới tấm hình chú thích:
Đây là tấm hình có từ 35-36 năm trước ngày 13 liệt sĩ bị xử tử trên đoạn đầu đài ở Yên Bái.
Tấm hình thứ hai được cho là ảnh chụp cảnh pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6, năm 1930 cho thấy những người mặc âu phục hoàn toàn không giống như Louis Roubaud mô tả và cũng không thấy máy chém ở pháp trường đó như tấm hình bìa tờ báo “Le Petit journal illustré”, ngày 29 tháng 6, 1930. Tấm ảnh đó trông như cảnh những tử tội bị đao phủ chém đầu khi đang quỳ dưới đất.
Dùng tấm hình thủ cấp (rất phản cảm) của 13 tên cướp biển làm hình của 13 liệt sĩ Yên Bái có ích gì? Tất cả những liệt sĩ vị quốc vong thân như 13 chiến sĩ bị chém đầu hôm 17 tháng 6, hay 4 nghĩa quân bị xử chém ngày 8 tháng 5, 1930 (ít người biết đến) hay những người làm cách mạng đã bị đầy khổ sai biệt xứ chung thân đều là anh hùng, hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước. Không cần hình, thật hay giả, lịch sử Việt Nam luôn ghi nhớ những người vì nước quên mình. Có ảnh hay không có ảnh cuộc xử chém 13 liệt sĩ Yên Bái chắc chắn không làm thay đổi thái độ của người dân Việt Nam đối với thực dân hay bất kỳ một kẻ ngoại xâm nào.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác tưởng cũng cần có câu trả lời. Tại sao chính quyền Pháp, với khả năng ghi giữ tài liệu và hình ảnh rõ ràng, cẩn thận và có hệ thống như vậy lại không công bố những tấm hình rất quan trọng trong lịch sử thuộc địa của họ? Hay chính quyền Pháp không chụp hình cuộc xử chém ngày 17 tháng 6, 1930? Đã gần 100 năm, người Việt Nam cần có câu trả lời từ phía chính phủ Pháp hay từ giới hàn lâm nghiên cứu lịch sử.
Như đã trình bầy từ đầu, thực dân Pháp đã đầy phạm nhân Việt Nam khổ sai biệt xứ từ trước khi xẩy ra vụ khởi nghĩa ở Yên Bái.
Tài liệu sau đây cho thấy 17 phạm nhân ở Bắc Kỳ đã bị đầy sang Guiana trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái gần nửa thế kỷ. Trong suốt lịch sử là thuộc địa của Pháp, phần lớn tù nhân Việt Nam bị đầy khổ sai biệt xứ có lẽ là thường phạm hơn là chính trị phạm.
Bulletin officiel de l’Indochine française, 1889/12 (PART2,T1,N12), p. 783, Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, F-26973 | gallica.bnf.fr
Bulletin officiel de l’Indochine française, 1889/12 (PART2,T1,N12), p. 784, Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, F-26973 | gallica.bnf.fr
Lời kết
Đến nay, hậu duệ của những phạm nhân này, đa số là những người mang hai dòng máu; họ vẫn là một thành phần của cộng đồng người có gốc Việt sống rải rác khắp những thuộc địa cũ của đế quốc Pháp, đế quốc Anh. Có thể họ đã bị lịch sử lãng quên một giai đoạn, nhưng không thể mãi mãi. Những người gốc Việt đó không khác gì những thế hệ mai sau của một triệu người tị nạn cộng sản đã bỏ nước ra đi từ năm 1975 và sau đó. Hiện nay con cháu của những người làm cách mạng Đông Du Lý Liễu, VNQDĐ Lương Như Truật hay cộng sản, hoặc những thường phạm như Trần Tử Yến, Trần Khắc Mẫn, v.v. đang chung sống với người di cư tị nạn ở khắp nơi trên thế giới như hàng ngàn người H’mong tị nạn cộng sản định cư tại Cacao, thị trấn phía nam thủ đô Cayenne, xứ Guiana thuộc Pháp.
Đó cũng là một phần di sản lịch sử Việt Nam cận đại.
Chúng ta là những phần tử của một tập hợp, hiện thân của những thay đổi liên tục. Mỗi thế hệ đều có trách nhiệm truyền tải sự thật, bồi đắp cho nền tảng trung thực của lịch sử, cùng lúc phát huy giá trị đạo đức và trách nhiệm của người tri thức. Đã có một số thay đổi trong việc ghi chép lịch sử; nhưng nhiều thứ vẫn như cũ.
Lịch sử không cần tô son, điểm phấn, đánh bóng, bôi mờ … hay photoshopped. Đừng vẻ rắn thêm chân. Đừng gắn sừng cho thỏ. Xán lạn hay xần xù, hãy để lịch sử là lịch sử.
Mùa Lễ tạ Ơn năm 2019.
Xem tiếp Epilogue
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.
Tài liệu tham khảo:
- Christèle Dedebant, “Saïgon-Cayenne les derniers déportés politiques de la Guyane”, Une Saison en Guyane, No 13 (Aout 2014): 82-90.
- Jean-Lucien Sanchez, “Les convois de forçats en direction des bagnes coloniaux: l’exemple du Martinière”, in Pierre Prétou (dir.), Fureur et cruauté des capitaines en mer, Rennes, Presses universitaires de Rennes, 2012, p. 236-251. (ISBN 978-2-7535-2112-4).
- Floriane Guégan, “Transportations nantaises à travers l’océan Indien (1884-1914)”, Sillages sur l’océan Indien, pp. 29-34.
- Agence Générale Des Colonies, “La Guyane Francaise et le territoire de l’Inini”, Melun, Imprimerie administrative, 1933.
- Patrick Barbéris và Tancrède Ramonet, “Les ombres du bagne” (2006), Production / Diffusion: France 3 Limousin-Poitou-Charentes, History TV Canada, RFO, Temps Noir, ARTE France.
- Yvan Marcou, “Dossiers. Les Ombres Du Bagne”. Un film documentaire diffusé courant 2006 sur les chaînes: ARTE – RFO et FRANCE 3 (Limousin-Poitou Charente). Image Plus, 8 Decembre, 2006.
- Geneviève Wiels, “Au temps de l’Inini”(2001), Production / Diffusion: France Mexique cinéma (FMC), RFO Guyane, RFO Martinique.
- Patrick Barbéris &Tancrède Ramonet, “Les Ombres du bagne” (2006), France 3 Limousin-Poitou-Charentes, History TV Canada, RFO, Temps Noir, ARTE France.
- ENAP, Le Rouge et Le Blanc, Lé Peintres du bagne, Catalogue rédigé par André Bendjebbar
[1] Emmaüs là hội từ thiện do linh mục Abbé Pierre thành lập tại Paris năm 1949 để giúp người nghèo khổ vô gia cư.
[2] Tuổi Trẻ, “Nhà lao An Nam ở Guyane – Kỳ 6: Từ Thái Bình đến Guyane”, 30/04/2008.
[3] Tài liệu trong thư của Pháp thường có vấn đề khi phải viêt nhân danh hay địa danh tiếng Việt. Trừng hợp của Trần Khắc Mẫn không phải là ngoại lệ.
[4] George Dutton, “The Hoàng Lê Nhất Thống Chí and Historiography of Late Eighteenth-Century Đại-Việt”, Journal of Southeast Asian Studies 36.2 (June 2005): p.171 (20).
[5] Trần Trọng Kim, “Việt Nam Sử Lược”, Chương XIV, Mười Năm Đánh Quân Tàu, (1418 – 1427) – 1919.
[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư”, Quyển IX, [1a], Kỷ Hậu Trần, Giản Định Đế – 1272).
[7] Giải Văn Chương toàn quốc, bộ môn biên khảo năm 1966. (Nguồn: Huỳnh Ái Tông, VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975) p. 339.
[8] Văn hoá Sài Gòn và Tạp chí Xưa và Nay xuất bản năm 2007 tại Tp Hồ Chi Minh.
[9] Cần Thơ Online, ngày 17/09/2017, truy cập 15 tháng 9, 2019.
[10] Phan Huy Lê, “Về câu chuyện Lê Văn Tám”, Tạp chí Xưa & Nay số ra tháng 10 năm 2009.
[11] Yvan MARCOU, “DOSSIERS. LES OMBRES DU BAGNE”. Un film documentaire diffusé courant 2006 sur les chaînes: ARTE – RFO et FRANCE 3 (Limousin-Poitou Charente).
[12] Floriane GUÉGAN, “Transportations nantaises à travers l’océan Indien (1884-1914)”, Sillages sur l’océan Indien, pp. 29-34. “Nantaise de Navigation à Vapeur” là hãng chủ con tầu La Martinière.
[13] Lương Duyên Hồi, Nhà lao An Nam ở Guyane , Cuộc đày ải giữa đại dương. Báo Tuổi Trẻ, 01/05/2008.
[14] Tạp chí Une Saison en Guyane, No 13 (2014): 82-90.
[15] Võ Thi Trúc Giang lúa 9, “Buổi Ra Mắt Sách và đọc:Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An của Tác giả Hoàng văn Đào”, 12.03.2011. Tác giả (Võ Thị Tường Vi) đăng lại trên Facebook ngày 22 tháng 6 2017