Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

4950. Hãy bạch hóa báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV

 

VNTB – Hãy bạch hóa báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV

VNTB – Hãy bạch hóa báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, báo cáo riêng về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có nhiều nội dung ‘thiếu kiểm chứng’ với Việt Nam.


 

Thế nhưng quan sát tin tức này trên báo chí Việt Nam, người ta không thấy viện dẫn nội dung của báo cáo này về nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có những tình tiết nào đưa đến việc ‘thiếu kiểm chứng’ với Việt Nam; tức một khi đã nói là ‘thiếu kiểm chứng’ thì lẽ thường tình là bên phản đối sẽ nêu ra ‘chứng cứ’ đối với phần được cho là ‘thiếu’ đó để công luận xem xét, và đưa ra bình luận về đúng – sai.

Theo đó tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 11-4-2024, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Chúng tôi rất thất vọng trước việc mặc dù có sự hiện diện đầy đủ ở Việt Nam, có quan hệ hợp tác lâu dài với các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Chúng tôi cho rằng trong tương lai, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam cần được triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan cũng như các nhu cầu ưu tiên của Việt Nam”.

Với lời dẫn trực tiếp trên được báo chí đồng loạt đăng tải, xét về ngôn ngữ ngoại giao thì có thể hiểu kể từ khi có báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4, thì phía Việt Nam sẽ ‘định hướng’ lại trong làm việc với các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã tham gia trong chu kỳ 4 của UPR; và Việt Nam sẽ chỉ làm việc trên căn cứ nhu cầu cần ưu tiên của riêng Việt Nam; tức phía Việt Nam có quyền từ chối nội dung nào đó trong chu kỳ rà soát theo cơ chế UPR.

Trước đó trong phát biểu của Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi, có đoạn như sau (chuyển Việt ngữ):

“… Tôi nhân cơ hội này nhấn mạnh ba thông điệp chính thay mặt Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Đầu tiên, áp dụng cơ chế UPR như một cách để phản ánh và cải thiện tiến bộ nhân quyền trong nước. Trong Chu kỳ thứ 3 của UPR, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ 220 trong số 291 khuyến nghị nhận được, tăng 13% so với Chu kỳ thứ 2. Xu hướng tích cực này rất đáng khích lệ và chúng tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục trong Chu kỳ thứ 4.

Thứ hai, tiếp cận báo cáo quốc gia không phải là mục đích tự thân mà là một phần của một quá trình rộng lớn hơn nhằm giúp thúc đẩy việc thực hiện dần dần các quyền. Tương tự, quy trình UPR không phải là sự kiện xem xét một lần; nó kêu gọi các cam kết của chúng tôi vượt ra ngoài phạm vi báo cáo đơn thuần và tích cực tham gia thực hiện các khuyến nghị UPR.

Cam kết này cũng bao gồm việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế như các Cơ quan Hiệp ước và Thủ tục đặc biệt cũng như những nghĩa vụ được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững.

Về vấn đề này, tôi muốn ghi nhận chuyến thăm thành công của Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển hồi đầu tháng này. Chuyến thăm này cho thấy nỗ lực quan trọng hướng tới cam kết này và tôi hy vọng chúng ta có thể chứng kiến những chuyến thăm tiếp theo trong những năm tới.

Mặc dù bản thân việc đánh giá UPR, cuộc đối thoại tương tác thực tế giữa các Quốc gia Thành viên tại Geneva, luôn là một sự kiện quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là cuộc đối thoại này sẽ dẫn đến việc thực hiện các khuyến nghị.

Nhìn lại chu kỳ UPR lần thứ 3 của Việt Nam, Quy hoạch tổng thể quốc gia năm 2019 đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các khuyến nghị đã được phê duyệt. Tôi hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục thực hành tốt này bằng cách xây dựng Kế hoạch tổng thể quốc gia cho chu kỳ UPR lần thứ 4, nhằm vạch ra lộ trình rõ ràng cho việc thực hiện các khuyến nghị đã được chấp nhận trên toàn quốc.

Thứ ba, áp dụng cách tiếp cận toàn xã hội trong suốt quá trình UPR. Bằng cách tính đến mối quan tâm của các bên liên quan khác nhau, chúng ta có thể thúc đẩy một quá trình phản ánh liên tục dẫn đến việc nâng cao dần dần quyền con người. Việc đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa không chỉ đơn thuần là tư vấn cá nhân và cộng đồng.

Nó ngụ ý đặt con người vào trung tâm của mọi giai đoạn của UPR, trao quyền cho họ kiến thức, năng lực, mạng lưới và nền tảng để lên tiếng và tạo không gian cho họ tham gia vào quá trình. Không thể nhấn mạnh đủ vai trò vô giá của xã hội dân sự và cộng đồng trong việc đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm của họ từ thực tế thực tế” (dừng trích).

Với đoạn phát biểu ở hội thảo như trên cho thấy rõ một điều mà đến nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện: “đặt con người vào trung tâm của mọi giai đoạn của UPR, trao quyền cho họ kiến thức, năng lực, mạng lưới và nền tảng để lên tiếng và tạo không gian cho họ tham gia vào quá trình. Không thể nhấn mạnh đủ vai trò vô giá của xã hội dân sự và cộng đồng trong việc đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm của họ từ thực tế thực tế”.

Liệu có phải Bộ Ngoại giao Việt Nam đang muốn ám chỉ điều kiện trên mà UPR đặt ra với nhà cầm quyền Hà Nội?