Việt Nam bơm 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng tư nhân SCB là điều chưa từng có. BBT
Việt Nam thuê công ty ở Washington để gây ảnh hưởng lên Quốc hội Mỹ về chính sách thương mại
khách sạn ở Washington DC gần Đồi Capitol trong dịp Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ ngày 22/6/2007.
Một công ty vận động hành lang ở thủ đô Mỹ đã được Bộ Công Thương Việt Nam thuê để gây ảnh hưởng tới các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong lúc Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá lại yêu cầu của quốc gia Đông Nam Á để được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường.
Bộ Công Thương đã nộp đơn lên Bộ Thương Mại Mỹ để yêu cầu đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua. Bộ này nộp đơn chỉ 1 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.
Một bản đăng ký theo Đạo luật Đăng ký Đại diện cho nước Ngoài (FARA) trình lên Bộ Tư pháp Mỹ, mà VOA xem được, cho thấy Steptoe LLP, một công ty luật quốc tế có trụ sở ở Washington DC, đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho Bộ Công Thương Việt Nam trong vấn đề thương mại.
Bản đăng ký, đề ngày 5/1/2024, cho biết luật sư của công ty có tên Jeffrey Weiss được thuê làm “đối tác” trong việc “trợ giúp Bộ Công Thương và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường trong quá trình tố tụng chống bán phá giá.”
Bộ Thương mại Mỹ có 270 ngày để xem xét và đánh giá yêu cầu của Việt Nam được Bộ Công thương nộp ngày 8/9/2023. Trong tuyên bố chung đưa ra sau khi Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cấp quan hệ, Mỹ nói rằng sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.
Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách 12 nước có nền kinh tế phi thị trường khi Hoa Kỳ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam vào năm 2002. Mỹ đã áp thuế chống phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ nông sản cho đến công nghiệp, trong hơn 2 thập kỷ qua. Danh sách này, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, được Mỹ áp dụng cho những quốc gia bị cho là có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.
Steptoe cho biết trên trang web chính thức của họ rằng công ty này đã hoạt động trong 100 năm qua và đại diện cho các khách hàng trước các cơ quan chính phủ, vận động thành công trong kiện tụng và trọng tài cũng như tư vấn. Công ty cho biết các luật sư và nhà vận động hành lang của họ “giúp khách hàng giành được sự thông qua của các đạo luật nhằm nâng cao lợi ích kinh doanh của họ trước các cơ quan tiểu bang, cơ quan lập pháp tiểu bang và Quốc hội Hoa Kỳ.”
Ông Weiss, người đăng ký làm “đối tác” của Bộ Công Thương, được mô tả trên trang web này là người “tư vấn và vận động cho khách hàng trước Quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ về nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế.” Ông đã có hơn 15 năm đảm nhiệm các vai trò pháp lý, chính sách, ngoại giao, đàm phán và chính trị cấp cao trong chính phủ Hoa Kỳ qua ba chính quyền – gồm tại Nhà Trắng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Văn phòng Bộ trưởng Bộ Thương mại. Phần giới thiệu về ông Weiss còn cho biết vị luật sư này “hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp của mình và văn phòng nước ngoài của Steptoe để giúp khách hàng định hướng và tác động đến sự phát triển trong các lĩnh vực”, bao gồm cả tiếp cận thị trường.
Ông Weiss không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về sự trợ giúp của ông đối với Bộ Công thương Việt Nam tại Mỹ. VOA cũng đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Công Thương Việt Nam.
Các chuyên gia nói với VOA trong tháng này rằng họ tin là Việt Nam đang vận động mạnh mẽ tại Washington để có được sự công nhận của Mỹ trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11, mà có thể có sự thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng.
Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra nhận định như vậy khi nói về việc Việt Nam thuê công ty vận động hành lang tại Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Còn nhà nghiên cứu Murray Hiebert của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump, nếu thắng cử nhiệm kỳ 2 để trở lại Nhà Trắng, có thể sẽ khởi động lại một cuộc điều tra đối với việc phá giá của Việt Nam.
Ông Trump, người đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ khi còn đương nhiệm, hiện đang là ứng viên mặc định của đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống Mỹ với ông Biden trong năm nay.
Các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong nhiều tháng qua đã kêu gọi Mỹ cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cho đến Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm, các lãnh đạo này đã vận dụng mọi cơ hội để đưa ra lời kêu gọi đến các quan chức chính quyền Mỹ nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Việt Nam nói họ đã có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng chục nhà lập pháp của Mỹ đã kiến nghị lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường vì cho rằng quốc gia Đông Nam Á chưa cải thiện được các tiêu chuẩn lao động, trong đó có việc “bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.”
Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7 tới.