10.588. Trách nhiệm quản lý
báo chí là của Nhà nước, nhưng dân lãnh đủ mọi hậu quả
Posted by adminbasam on 28/10/2016
FB Nguyễn Thị Oanh.
28-10-2016
Tôi vừa chia sẻ một bài viết trên VNExpress về
việc thu hồi tiền cứu trợ của dân. Ngay sau khi tôi chia sẻ, nhiều người (trong
đó có cả một số bạn bè và những người thân mà tôi rất quý) đã comment và nhắn
tin cho tôi nói rằng báo chí đưa tin như vậy là không đúng về bản chất sự vụ.
Đây thực chất là việc “phân phối lại” cho đều để tránh tình trạng người có
nhiều, người có ít hoặc thậm chí không nhận được quà cứu trợ.
Tôi cũng mới đọc được trên mạng một bài viết
nói bác Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ một thôn ở Quảng Trạch, Quảng Bình
(không phải thôn mà bài báo trên VNExpress đề cập) đang bị “nỗi oan thấu trời
xanh” vì vận động bà con đưa lại một phần tiền cứu trợ để chia cho các hộ
khác.
Xin nói rõ rằng tôi
không có ý định trở thành “quan toà phán xét, đòi thi hành ngay bản án” như ý
tác giả của status trên khi nói về phản ứng của cư dân mạng với việc này. Tôi,
cũng như nhiều người dân bình thường khác, tiếp cận với báo chí chính thống
của Nhà nước hàng ngày. Không thể bắt chúng tôi đừng tin vào báo chí để mà tin
vào giải thích của một cá nhân nào đó trên mạng. Còn nếu báo sai thì việc
chấn chỉnh lề thói làm việc của báo chí không phải và cũng không thể là trách
nhiệm của dân. Những vụ bê bối truyền thông như “cuộc chiến nước mắm” vừa qua
đã cho thấy rõ rằng cuối cùng vẫn chỉ có dân lãnh đủ mọi hậu quả, mặc dù trách
nhiệm quản lý báo chí là của Nhà nước.
Về việc “phân phối lại” quà cứu trợ, cũng xin
được chia sẻ chút suy nghĩ.
Trước tiên, cần nhắc lại rằng không chỉ riêng
một bài báo trên VNExpress phản ánh chuyện này. Tôi đã đọc ít nhất ba bài báo
nói về việc những người có quyền tại một số thôn ở Quảng Bình xuống tận nhà dân
để thu lại tiền cứu trợ (chứ không phải “vận động chia lại cho các hộ khác”
như nội dung của một stt mà có bạn đã chuyển cho tôi xem). Điều đáng đặt ra ở
đây là tôi không hiểu việc “thu lại” được diễn ra như thế nào? Về nguyên tắc,
khi một gia đình đã được nhận quà cứu trợ thì số quà (hoặc món tiền đó) đã
thuộc sở hữu của họ. Nếu cần một sự phân bổ cho công bằng thì bộ máy chính
quyền xã/thôn có thể đề xuất với các đoàn cứu trợ để chia quà cho hợp lý ngay
từ đầu. Việc nắm rõ hoàn cảnh từng hộ dân và có thể lập danh sách đề xuất cứu
trợ phù hợp là một việc chắc chắn nằm trong khả năng của chính quyền địa
phương. Thậm chí, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp các hoạt
động cứu trợ kiểu như thế này rồi, bởi đây chắc chắn không phải lần đầu!
Vì thế, việc biện minh rằng lấy lại tiền/quà
của các hộ dân sau khi những đoàn cứu trợ rời đi chỉ để phân phối lại cho công
bằng với các hộ khó khăn khác, theo tôi, đó là một lập luận thật khó thuyết
phục! Có câu thành ngữ: “Đi ngang ruộng dưa chớ sửa giày”, hàm ý đừng làm
những hành động gì có thể gây hiểu nhầm hoặc khiến người ta nghi ngờ rằng mình
là người không ngay thẳng. Việc tự cho mình có quyền đi thu hồi lại tài sản
đang thuộc sở hữu của người khác để thực hiện “sứ mệnh” phân chia lại cho công
bằng theo cách như vậy rất dễ bị hiểu là một hành vi thiếu quang minh chính
đại, thậm chí có thể bị suy diễn là một kiểu ăn chặn của bà con, hay nói thẳng
ra là xâm phạm tài sản cá nhân. Nếu có một chủ trương như vậy, trong trường
hợp này, thì đó phải là một chính sách chung của Nhà nước, được chỉ đạo thống
nhất từ trên xuống dưới và quan trọng hơn, phải nhận được sự đồng thuận cũng
như tự nguyện đóng góp của những người vừa được cứu trợ.
Đã có quá nhiều bài học trong quá khứ và ngay
cả hiện tại về nạn “cường hào mới” ở nông thôn. Xin đừng để sự tuỳ tiện vô
pháp từ chính quyền ở các địa phương mang lại thêm những hình ảnh chị Dậu bị
bóc lột bởi bọn ác bá ở làng quê theo kiểu thế này! Bản chất của xã hội dân sự
chính là thể hiện từ những việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ như vậy đấy!