Gần 170.000
hộ dân Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước chứa chất gây ung thư
07.10.2016
Một kết quả giám sát mới vừa được công bố trên báo chí Việt
Nam hôm 6/10 cho biết hiện có gần 170.000 hộ dân sinh sống tại Sài Gòn đang sử
dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm, chứa chất Amoni có thể gây ung thư.
Theo số liệu được Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ghi nhận
trong 8 tháng đầu năm, mặc dù đa số người dân thành phố hiện đang sử dụng nguồn
nước máy, nhưng vẫn có tới 168.635 hộ sử dụng nguồn nước tự khai thác như nước
giếng, nước mưa.
Hệ thống lọc nước đặt trong nhà ở làng Chàng Sơn. (Ảnh minh
họa)
Những mẫu nước giếng được cơ quan y tế thành phố kiểm tra ở
các điểm tại quận 12, quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn có hàm lượng
Amoni vượt mức giới hạn cho phép (9.14%). Chất Amoni khi gặp không khí sẽ
chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể sẽ tạo ra tình
trạng thiếu oxy trong máu, kết hợp với các axit amin trong cơ thể tạo thành
chất nitrosamine gây bệnh ung thư.
Hàm lượng sắt tổng số trong mẫu nước ở một số điểm tại quận
12, Hóc Môn cũng không đạt chỉ tiêu vi sinh. Độ pH trong hầu hết các mẫu nước
đều thấp, gây ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa, dễ làm hư hỏng vật
dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ bệnh ngoài da…
Ngoài ra, kết quả giám sát còn cho biết nguồn nước ngầm ở
nhiều khu vực trong thành phố bị nhiễm vi sinh E. Coli và Coliform từ nước thải
ngấm vào. Sử dụng nguồn nước này sẽ dễ bị các bệnh về đường ruột, có thể dẫn
tới nhiễm khuẩn huyết, suy thận…
Chị An, một bà mẹ trẻ đang sống tại Sài Gòn, tỏ ra không mấy
ngạc nhiên về những kết quả vừa được công bố. “Sợ” và “không biết làm sao” là
cảm giác hiện nay của chị và nhiều người dân khác trước thực trạng ô nhiễm tràn
lan.
Chị cho biết: “Quá sợ luôn! Vì bây giờ cái gì cũng độc hại,
cái gì cũng gây ung thư, gây đủ thứ bệnh hết. Thực phẩm cũng nhiễm, cũng bị
thuốc này kia, rồi rau thịt tất cả luôn, rồi nước, cá biển giờ cũng không dám
ăn, rồi không khí nữa, nói chung cái gì cũng ô nhiễm hết rồi. Mình sống ở đây
thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ”.
Dù ô nhiễm xảy ra khắp nơi, nhưng người dân đa số vẫn chấp
nhận “sống chung với lũ”. Ngoài chuyện kém ý thức, chị An cho rằng cuộc sống
vất vả mưu sinh khiến nhiều người không có điều kiện để tìm hiểu hay biết đến
những vấn đề môi trường đang xảy ra.
Chị nói: “Một số người, giống như khu An ở, người dân lao
động nhiều lắm, người ta đi làm từ sáng tới tối, người ta đâu có lên mạng, đâu
có đọc báo gì nhiều đâu nên người ta không biết những chuyện đó. Người ta cũng
không biết cái ảnh hưởng của môi trường lên con người nghiêm trọng như thế nào
nữa. Dân trí mình quá thấp đi!”
Theo báo Người Lao Động, nguyên nhân nhiều hộ dân vẫn không
chịu dùng nguồn nước máy, được gọi là nước sạch, là vì giá nước máy cao và
người dân chưa tin nước sạch thật sự sạch. Một số người cho biết nước máy nhiều
lúc bị cặn đỏ, đục, váng và có mùi hôi nên nhiều hộ gia đình tuy có gắn đồng hồ
nước nhưng lại không sử dụng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn được Người
Lao Động trích lời cho biết nguyên nhân nước đục ở các trạm cấp nước thuộc Xí
nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn là do nguồn nước ngầm đầu vào ở một số trạm
cấp nước bị ô nhiễm mà không thể xử lý được. Giới chức này cho biết các trạm
này đã được yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước và xử lý trước khi đưa
vào mạng lưới cấp nước. Tin cho hay đến năm 2025, các trạm này sẽ đóng cửa theo
quy hoạch cấp nước.