TS. Nguyễn Đình Thắng.
Ngày 5 tháng 10, 2016
Từ lâu rồi tôi đã kêu gọi những người tranh đấu cho đất nước,
nếu muốn hiệu quả, phải mang tâm thức “đầu tư”. Phải đầu tư để tăng nguồn lực
giới hạn đang có thì mới giải quyết được những vấn nạn mà chúng ta đang phải
đối mặt. Dưới đây là một chuyện thật về tăng nguồn lực.
Cách đây 5 tháng, tại một buổi tiệc gây quỹ cho BPSOS, tôi gặp
một người Việt làm chủ hãng sản xuất computers ở Bắc Virginia. Anh ấy rủ tôi đi
ăn trưa vào tuần sau đó để hỏi thăm cách nào giúp dân giúp nước cho hiệu quả.
Sau khi mô tả tình trạng của nhiều nhà hoạt động dân chủ, nhân
quyền hay tự do tôn giáo đang bị bách hại ở Việt Nam, tôi tâm sự:
“Chúng tôi đang tìm các nhà hảo tâm sẵn sàng đóng góp 15 nghìn
Mỹ kim cho một người làm việc toàn thời tại Thái Lan. Nếu hoạt động toàn năng
lực, người này có thể đem về 150 nghìn Mỹ kim tiền trợ cấp khẩn cấp cho các nhà
hoạt động lâm nạn.”
Kế hoạch đầu tư
Tôi giải thích rằng hiện có khoảng 20 tổ chức quốc tế có chương
trình trợ giúp khẩn cấp cho các nhà hoạt động bị lâm nạn, với ngân sách tổng
cộng khoảng 5 triệu Mỹ kim mỗi năm. Chúng ta chỉ cần 3% con số này dành cho
Việt Nam thì đã là 150,000 Mỹ kim mỗi năm. Nghĩa là 1 vốn 10 lời.
Anh bạn mới quen thắc mắc: “Nhưng làm sao có thể xin được sự trợ
giúp ấy?”
“Thảo đơn xin trợ cấp là công việc nhiêu khê vì mỗi tổ chức quốc
tế lại đặt ra những tiêu chuẩn và thể thức khác nhau. Do đó cần người toàn thời
quán xuyến. Người này sẽ phối hợp 10 toán tình nguyện đã được huấn luyện kỹ
lưỡng. Mỗi toán chỉ cần mỗi 2 tháng soạn 1 đơn thì 10 toán sẽ soạn được 60 đơn
trong năm,” tôi trả lời.
Và giải thích thêm: “Với tỉ lệ thành công 80%, thì chúng ta sẽ
có 48 hồ sơ được chấp thuận. Nếu khoản trợ cấp trung bình là $3,000 cho một hồ
sơ thì có phải rằng chúng ta sẽ thu về được xấp xỉ $150,000 cho các nhà hoạt
động đang lâm nạn ở Việt Nam?”
Anh ấy nói: “Để tôi về bàn với người đồng sáng lập công ty rồi
sẽ trả lời.”
Qua hôm sau, tôi nhận được email thông báo là hãng của anh ấy sẽ
đóng góp $1,500/tháng trong vòng 12 tháng, vượt hơn số tiền mà chúng tôi đang
cần cho kế hoạch.
Không những vậy, anh ấy và vị giám đốc tài chánh trong hãng còn
tình nguyện giúp chỉnh sửa các đơn xin trợ cấp trước khi nộp.
Thành tích đã có
Kế hoạch đề nghị hoàn toàn khả thi. Từ 2008 đến 2015, BPSOS đã
xin được 400 nghìn Mỹ kim trợ giúp khẩn cấp cho khoảng 100 người hoạt động bị
lâm nguy, trong đó có cả tù nhân lương tâm. Trung bình mỗi năm 50 nghìn Mỹ kim.
Và tỉ lệ nộp đơn thành công là 80%.
Giới hạn duy nhất là tôi đã phải tự mình lập hồ sơ mỗi khi tìm
được ít thời gian rảnh trên các chuyến bay xa, đang ngồi chờ chuyến bay ngoài
phi trường, hoặc vào những ngày cuối tuần không bận họp hành.
Và quan trọng hơn cả tiền bạc là sự can thiệp quốc tế. Vì các tổ
chức có chương trình trợ cấp khẩn cấp cũng là những tổ chức nhân quyền quốc tế,
sau khi nhận hồ sơ họ thường hợp tác với BPSOS để lên tiếng đòi tự do nếu đối
tượng là tù nhân lương tâm, hoặc lên án sự đàn áp của chính quyền nếu đối tượng
là nạn nhân của chính sách bạo lực hay đàn áp tôn giáo.
Kết quả ra sao?
Với sự hỗ trợ tài chánh của nhà hảo tâm kể trên, chúng tôi đã
mướn ngay một người toàn thời làm việc ở Đông Nam Á. Tính đến nay, số tiền chi
ra là $6,000, 8 toán thiện nguyện đã được huấn luyện, 14 hồ sơ đã được nộp, 9
hồ sơ được chấp thuận với số tiền tổng cộng là $37,000, 1 hồ sơ bị từ chối và 4
hồ sơ chưa có kết quả.
Như vậy ít ra đã 1 vốn 6 lời. Nếu 3 trong số 4 hồ sơ chưa kết
quả sẽ được chấp thuận thì sẽ là 1 vốn 8 lời. Một khi có đủ cả 10 toán tình
nguyện để lập hồ sơ thì kế hoạch “đầu tư” sẽ đạt kết quả y như dự tính: 1 vốn
10 lời.
Có lẽ vừa là một doanh gia hoạt động trong ngành kỹ thuật, người
bạn mới quen của tôi đã nắm ngay được “lô-gích” của vấn đề.
Người này là ngoại lệ. Đầu năm 2014 tôi đã đề nghị kế hoạch “đầu
tư” này với mấy nhóm mà tôi biết là đàng hoàng và hay gây quỹ cứu giúp tù nhân
lương tâm: Thay vì gây quỹ được bao nhiêu là gởi đi hết, thì mỗi nhóm nên trích
ra một khoản tiền để gom lại cùng nhau mướn một người toàn thời chuyên thực
hiện hồ sơ như kể trên. Không nhóm nào đồng ý. Có thể người Việt mình chưa quen
cách suy nghĩ kiểu “đầu tư” trong hoạt động nhân quyền và dân chủ.
Thế nhưng “đầu tư” là cách duy nhất để giải quyết vấn nạn. Khi
đối mặt với vấn nạn thì đương nhiên là nguồn lực sẵn có thấp hơn rất nhiều so
với mức cần thiết để giải quyết vấn nạn. Bởi nếu không thì vấn đề đã được giải
quyết từ lâu trước khi thành vấn nạn. Do đó chúng ta có nhu cầu tăng vốn sẵn
có. Muốn vậy thì phải đầu tư.
Thay lời kết
Trong gần 9 năm qua, BPSOS đã chuyển gần nửa triệu Mỹ kim cho
110 nhà hoạt động lâm nạn và gia đình của họ. Song song, chúng tôi còn hợp tác
với nhiều tổ chức quốc tế để can thiệp cho sự an nguy của từng đối tượng.
Không mấy ai trong cộng đồng biết về chương trình hoạt động này
của BPSOS vì chúng tôi chưa hề tổ chức gây quỹ hay vận động đóng góp từ đồng
hương. Chỉ những ai tinh mắt thì thấy được trong hồ sơ khai thuế của BPSOS,
tiền chi ra cho các hoạt động hướng về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cao hơn
số tiền gây quỹ hay do các nhà hảo tâm đóng góp. Phần trợ cấp khẩn cấp cho các
nhà hoạt động lâm nạn là một lý do -- nó đến từ những nguồn khác hơn sự đóng
góp của đồng hương, nhưng không là lý do duy nhất. Khi có giờ tôi sẽ lại chia
sẻ về một cách nữa để tăng thêm nguồn lực cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam.
Trở lại với chương trình trợ cấp khẩn cấp cho các người hoạt
động lâm nạn, chỉ tiêu của chúng tôi là tăng gấp 3 nỗ lực trong 12 tháng tới so
với trước đây để đạt mức 150 nghìn Mỹ kim một năm, tương đương 3% của tổng số
ngân quỹ trợ cấp khẩn cấp trên thế giới mà chúng tôi biết được.
Sau 4 tháng thực thi, những kết quả ban đầu cho thấy kế hoạch
đang tiến triển như hoạch định.