Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

2037. Hãy giành một nửa quyền làm chủ


Đặt tiếng nói của “dân bầu” lên các vị đại biểu do “đảng cử”
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 13 tháng 10, 201
Còn đúng một tuần nữa Quốc Hội Việt Nam sẽ họp. Các đại biểu sẽ bàn thảo một số vấn đề chính sách và luật pháp ảnh hưởng đến người dân. Liệu người dân có tiếng nói và ảnh hưởng gì lên tiến trình lập pháp ấy?
Cách đây gần 3 năm lần đầu tôi đề nghị một số người hoạt động xã hội dân sự hãy dùng tư cách cử tri để vận động các đại biểu Quốc Hội về các vấn đề nhân quyền. Tôi cho rằng các đại biểu tuy do “đảng cử”, nhưng trên nguyên tắc vẫn do “dân bầu” nên phải có trách nhiệm với cử tri. Thế thì tại sao các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền không thử giành lấy 50% ảnh hưởng của “dân bầu” đối với các vị đại biểu Quốc Hội?

Thuở ấy chẳng ai hưởng ứng vì 2 lý do: (1) vô ích vì các đại biểu chỉ là công cụ của chế độ; (2) sẽ bị các nhà hoạt động khác lên án là thoả hiệp với chế độ.
Tôi không nghĩ là vô ích. Trong những năm qua chúng ta hẳn đã thấy một số vị đại biểu Quốc Hội dám nói thẳng nói thật, dám đặt vấn đề “nhạy cảm”, dám đứng về phía người dân. Số nhỏ này chứng tỏ là họ có lương tri, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm. Hãy bắt đầu với họ. Kể cả những đại biểu còn cố chấp hay rụt rè, rồi cũng sẽ có những người dần dà nhìn ra vấn đề nếu được trình bày có lý có tình.
Lý do thứ hai không xác đáng. Trong thời gian gần đây nhiều tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự từng gởi ra thư ngỏ về các dự luật đang được Quốc Hội Việt Nam soạn thảo, như luật hội hay luật tín ngưỡng tôn giáo. Họ lên tiếng nhưng đâu có nghĩa là thoả hiệp? Tôi đề nghị là hãy đi xa thêm một bước: thay vì chỉ lên tiếng qua văn thư thì hãy gặp trực tiếp các đại biểu Quốc Hội để bảo đảm rằng họ lắng nghe và hiểu ý kiến của mình. Dĩ nhiên sẽ ít triển vọng có kết quả tức khắc vì sự chuyển đổi ý thức con người là một tiến trình nhiều năm, và do đó cần bắt đầu càng sớm càng tốt.
Nhớ lại cuối năm 1997 tôi cùng với anh bạn là cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, lúc ấy đang là Cố Vấn Trưởng của Tiểu Ban Nhân Quyền Hạ Viện Hoa Kỳ mà Dân Biểu Christopher Smith là chủ tịch, đến thăm cựu Trung Tướng Trần Độ ở Hà Nội. Sau hơn một tiếng đồng hồ trao đổi, chúng tôi chuẩn bị chia tay thì anh bạn của tôi hỏi một câu bất ngờ: “Theo Ông, Quốc Hội Hoa Kỳ có thể làm gì để giúp đem lại những thay đổi tốt đẹp cho Việt Nam?”

Cựu Tướng Trần Độ trả lời không do dự: “Hãy giúp cho các đại biểu Quốc Hội hành xử đúng vai trò và trách nhiệm lập pháp. Chúng tôi nào có ai được đào tạo và trang bị để làm đại biểu đâu. Ngay tôi từng là Phó Chủ Tịch Quốc Hội mà còn lơ mơ. Mỗi năm 2 lần khi nhận giấy gọi thì chúng tôi bỏ công việc thường nhật để về họp Quốc Hội, chẳng có thời gian nghiên cứu trước các vấn đề sẽ được bàn thảo hay biểu quyết. Chúng tôi có muốn chọn thái độ độc lập và làm đúng vai trò đại biểu cũng thật khó vì thiếu kiến thức.”
Lời yêu cầu chân tình và khẩn khoản ấy đã để lại dấu ấn trong tôi. Trở lại Hoa Kỳ, tôi nhiều lần khuyến khích cả bên Hành Pháp và Lập Pháp tạo cơ hội để tiếp xúc các vị đại biểu Quốc Hội Việt Nam, thực hiện các chương trình trao đổi và đối tác giữa Quốc Hội của 2 quốc gia, mời một số đại biểu Quốc Hội Việt Nam có đầu óc cấp tiến đến nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Tôi cũng đề nghị như vậy với một số giới chức Liên Hiệp Quốc khi họ đến Việt Nam. Gần đây nhất, tôi đề nghị tổ chức Các Đại Biểu Quốc Hội ASEAN cho Nhân Quyền mời một số vị đại biểu Quốc Hội Việt Nam làm thành viên.
Những ai thực sự mưu cầu dân chủ phải tìm mọi biện pháp ôn hoà để tăng ảnh hưởng của dân lên việc hình thành chính sách, ban hành luật, và thực thi luật pháp. Muốn thế, tiếp xúc và đặt vấn đề với các đại biểu Quốc Hội là việc đương nhiên và cần thiết. Hãy hướng dẫn họ về các nguyên tắc về nhân quyền, về lợi ích của xã hội dân sự, về hệ thống pháp trị cần thiết để hoà nhập quốc tế…  Hãy góp ý cho họ về giải pháp trong những vấn đề khúc mắc. Hãy cung cấp cho họ các hồ sơ vi phạm và yêu cầu họ chất vấn các giới chức và cán bộ nhà nước vi phạm luật.
Trường hợp tệ nhất là sẽ có những vị đại biểu không lắng nghe vì thủ cựu, hoặc lắng nghe nhưng không làm gì vì rụt rè. Dù trong trường hợp tệ nhất ấy, thông điệp đến với họ vẫn là: người dân đã ý thức tư cách cử tri và nhất quyết thực thi quyền cử tri từ đây.
Tôi không ngây thơ để không biết rằng có những vị đại biểu đã chạy chọt và sẵn sàng cúi gập mình để được chức đại biểu. Họ không hành xử theo lương tri mà cho lợi ích riêng. Tuy nhiên tôi tin rằng có những người có lương tri. Họ sẽ “ngộ” ra những điều mà trước đây không hề ý thức đến, sẽ tìm hiểu vấn đề sâu thêm vì hiếu kỳ, và có thể sẽ hành động vì tinh thần trách nhiêm. Số người như vậy có thể rất ít lúc đầu nhưng tiếng nói của họ sẽ có tác dụng của vết dầu loang.
Tôi mong rằng những nhà hoạt động ở trong nước sẽ chú ý hơn việc khai thác phần 50% quyền của mình trong tư cách cử tri. Đó là cơ hội không nên loại trừ đi khi chưa thử nghiệm.