Posted by adminbasam on 17/10/2016
Trần Long Vi
17-10-2016
Qua 8 lần chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đã công bố dự thảo Luật về Hội ngày 10/10/2016, đây được cho là dự
thảo sẽ trình Quốc hội thảo luận và thông qua vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Tuy nhiên, dự thảo này tồn tại với nhiều quy định thắt chặt quyền tự do hiệp
hội, đến mức chỉ vài giờ sau khi Nhóm làm việc về sự tham gia của người dân
(PPWG) phát động chiến dịch kêu gọi Quốc hội hoãn thông qua, đã có
hàng trăm người ký tên hưởng ứng.
1. Không được nhận tài trợ, liên kết với tổ
chức nước ngoài
Khoản 5, Điều 8 của dự thảo ghi rõ: “Hội
không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài;
trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”.
Thực tế là trong khi Mặt trận Tổ quốc, Hội liên
hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM và rất nhiều hội công lập khác đã và
đang ‘bú mớm’ bầu sữa ngân sách hàng chục năm nay, thì hầu hết các hội phải tự
thân gây quỹ. Nguồn quỹ này chủ yếu đến từ đâu, nếu không phải là nước ngoài?
Hơn nữa, quy định “trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định” là sự bất bình đẳng trong tiếp cận
nguồn lực giữa các hội độc lập và công lập. Nó tạo ra hai loại hội khác nhau:
một loại được nhận tiền nước ngoài, một loại không được nhận tiền nước ngoài.
Điều này còn gây khó khăn cho các tổ chức nước
ngoài khi họ muốn tài trợ. Đáng lý ra họ phải được tự do lựa chọn tài trợ cho
những hội hoạt động tốt, đủ năng lực và mang lại giá trị cho xã hội thì bây giờ
lại bị giới hạn.
Quy định này còn cho thấy Việt Nam đang đi
ngược lại với chủ trương đối ngoại “hòa bình, hợp tác, phát triển”. Trong những
năm qua, tài trợ nước ngoài không chỉ giúp ích cho các hội phát triển, giảm
gánh nặng bao cấp, chuyển giao kỹ thuật mà còn tăng uy tín của Việt Nam trên
trường quốc tế.
2. Người khuyết tật, người bệnh sẽ không được
lập hội
Dự thảo quy định một trong những điều kiện
thành lập hội phải có đủ 7 thành viên sáng lập, từ đủ 18 tuổi, có sức khỏe và
uy tín trong lĩnh vực hoạt động.
Điều kiện thành viên sáng lập có sức khỏe và uy
tín sẽ rất khó xác định. Tại sao lại quy định điều này khi có rất nhiều người
cao tuổi, người khuyết tật, người bệnh có nhu cầu thành lập các hội để làm từ
thiện, chơi thể thao, tự chăm sóc sức khỏe? Và ai sẽ là người có thẩm quyền
phán xét xem liệu một công dân có đủ uy tín hay không?
Bên cạnh đó, thanh thiếu niên, học sinh dưới 18
tuổi không được quyền lập hội, ví dụ như các hội nghiên cứu, nghệ thuật, học
thuật. Điều này vi phạm Điều 15, Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, theo
đó, trẻ em được tự do lập hội, hội họp ôn hòa và không được cản trở.
3. Nghi phạm và tù nhân mất quyền lập hội
Dự thảo bắt buộc những người đang bị truy cứu
trách nhiệm hình sự, người bị phát tù nhưng được hưởng án treo; người đang chấp
hành hình phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục
tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt
buộc thì không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành
hoạt động hội.
Nếu như bạn đang bị truy cứu trách nhiệm hình
sự thì bạn vẫn không phải là phạm tội cho đến khi bị kết tội bởi tòa án. Ngoại
trừ quyền tự do thân thể bạn vẫn phải được đảm bảo các quyền tự do khác trong
đó có quyền lập, lãnh đạo , điều hành hoạt động hội.
Kể cả việc bạn có đang ở trong tù hay cơ sở cai
nghiện hay giáo dục bắt buộc bạn vẫn tham gia đời sống ở đó, bạn vẫn có quyền
thành lập hội để sinh hoạt, giao lưu, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Nhà nước lấy
lý do gì để cấm tù nhân lập các hội đồng hương hay câu lạc bộ học tập trong tù?
Đối với các cán bộ, công chức làm việc trong
một số ngành, lĩnh vực nhất định và vũ trang nhân dân có liên quan đến bí mật
nhà nước thì chỉ được thành lập, điều hành hội sau 5 năm nghỉ hưu hoặc thôi
nhiệm vụ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lập hội của cán bộ, công
chức sau nghỉ hưu. Ví dụ sau khi nghỉ hưu tôi muốn lập các hội từ thiện, thể
thao thì phải đợi sau 5 năm mới được thành lập?
4. Người nước ngoài ở Việt Nam không được lập
hội
Nếu dự thảo ngày 16/09/2016 quy định quyền lập
hội cho cả người nước ngoài thì dự thảo mới này chỉ áp dụng với công dân Việt
Nam. Trong khi đó tồn tại rất nhiều hội, nhóm người nước ngoài. Những người này
vào Việt Nam làm việc, sinh sống và thậm chí kết hôn.
Theo Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Việt Nam
đang có hơn 76.000 nghìn lao động nước ngoài. Đời sống hiệp hội của họ rất đa
dạng, lập hội để giúp đỡ nhau, làm từ thiện, chơi thể thao, dạy học miễn phí,
tổ chức các hoạt động môi trường… mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
Dự thảo này nên bao quát đối tượng người nước
ngoài, để quyền của họ được đảm bảo, cũng là cơ hội để cho thấy Việt Nam cởi
mở, tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh sống và làm việc.
5. Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn
Khoản 3, điều 10 của dự thảo là một quy định
mập mờ và cản trở thành lập hội. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của hội được xác
định rõ theo ngành nghề, lĩnh vực quản lý nhà nước. Đời sống hiệp hội thì đa
dạng, một hội có thể tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc xác định lĩnh vực
của hội theo lĩnh vực, ngành nghề quản lý của nhà nước là rất khó khăn. Quy
định này khi đưa vào thực tế có thể nảy sinh, một là không thể thành lập được,
hai là phải giới hạn lĩnh vực, hoạt động của hội.
Nếu bạn muốn thành lập hội bạn phải qua 2 lần
“xin-cho” với cơ quan có thẩm quyền. Lần “xin-cho” đầu tiên là hồ sơ đăng ký để
được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội. Có hai thứ mà người thành lập
hội dễ dàng bị bác hồ sơ.
Một là lý do cần thiết để thành lập hội và dự
thảo điều lệ hội. Hồ sơ đăng ký phải nêu rõ việc cần thiết của việc thành lập
hội. Cơ quan có thẩm quyền có thể nói việc thành lập hội của bạn là chưa cần
thiết và không cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội.
Hai là dự thảo điều lệ hội. Theo Điều 13, dự
thảo quy định 12 nội dung chi tiết về điều lệ của hội như cơ cấu tổ chức, người
đứng đầu, quản lý tài chính, tài sản, tiêu chuẩn của hội viên… Cơ quan có thẩm
quyền có thể cho rằng điều lệ hội chưa đầy đủ nên không thể cấp giấy chứng nhận
đăng ký.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận thành lập, bạn
phải tiến hành Đại hội thành lập trong 60 ngày, sau đó gửi kết quả của Đại hội
đến cơ quan có thẩm quyền. Trong 30 ngày tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền mới
quyết định có công nhận điều lệ hội và người đứng đầu hay không. Nếu không thì
phải tiến hành lại Đại hội thành lập, nếu hết thời hạn 60 ngày của Giấy chứng
nhận đăng ký thành lập thì hội phải đăng ký lại từ đầu. Đây là lần “xin – cho”
thứ hai.
Dự thảo quy định rất chặt chẽ việc tổ chức Đại
hội nhiệm kỳ và bất thường, phải thông báo nội dung về tổ chức Đại hội trước 30
ngày cho cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến và báo cáo kết quả Đại hội. Điều
này lại tiếp tục “xin – cho”, gây mất thời gian và không cần thiết. Dự thảo còn
quy định cơ cấu tổ chức của hội gồm Ban lãnh đạo và Ban kiểm tra, nhiệm vụ và
quyền hạn rất cụ thể, chi tiết.
Các rào cản về thành lập, can thiệp quá sâu từ
nhà nước này là không cần thiết, nên để cho các hội tự quyết định trong khả
năng, nguồn lực và mục tiêu của hội.
6. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể sẽ không bị
Luật Hội điều chỉnh
Dự thảo này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ
quốc, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên
hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Chưa từng phải đăng ký
thành lập, Mặt trận Tổ quốc và rất nhiều tổ chức đoàn thể công lập khác mỗi năm
tiêu tốn 14 nghìn tỷ đồng, tương đương tổng dự toán thu ngân sách năm 2016 của
ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cộng lại. Ảnh: TTXVN.
Giải trình lý do này, Ủy ban thường vụ Quốc hội
cho rằng việc không áp dụng là phù hợp với lịch sử phát triển, vai trò đặc biệt
quan trọng của các tổ chức này và phù hợp với thể chế chính trị hiện nay. Hơn
nữa đã có các luật điều chỉnh như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công
đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh.
Thực tế, các tổ chức quần chúng này do nhà nước
thành lập, kéo dài từ trung ương đến địa phương. Hoạt động của họ gắn liền với
đường lối của Đảng và Nhà nước. Họ được nhà nước bao cấp, chỉ làm những gì nhà
nước yêu cầu.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và
Chính sách (VEPR), mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi cho các tổ chức đoàn thể
này đến 14.000 nghìn tỷ đồng, gấp đôi dự toán cho Bộ Giáo dục, Y tế và gấp 5
lần cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Không bị Luật Hội điều chỉnh có nghĩa là MTTQ
và các đoàn thể nêu trên sẽ không bị ‘siết cổ’ như các hội khác, mà trái lại,
người dân còn phải đóng thuế nuôi họ.
Trong khi đó, các hội thuần khiết dân sự như từ
thiện hay các tổ chức phi chính phủ tự vận động các nguồn lực, góp phần cùng
nhà nước giải quyết các vấn đề chung, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong
việc đăng ký tư cách pháp nhân, cấp phép triển khai các hoạt động.
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cho rằng: “Nếu như
quyền con người là bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội thì giữa các hội,
nhóm cũng vậy, vì thực chất, hội là do các cá nhân liên kết mà thành”.
Vậy thì việc chia ra các loại hội có những
quyền khác nhau có phải là gián tiếp thừa nhận trong xã hội chúng ta có những
loại công dân khác nhau?