Trang

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

2042. VIỆT NAM: TRONG TRẬN CUỒNG PHONG BIỂN ĐÔNG...

Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh trong mối quan hệ ‘tay ba’ ở Biển Đông
26.10.2016. VOA.
Ông Đinh Thế Huynh đang có mặt tại Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry. Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Đinh Thế Huynh trong cương vị Thường trực Ban Bí thư mang ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc trước bối cảnh tranh chấp Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong buổi tiếp ông Đinh Thế Huynh hôm 25/10 đánh giá cao sự phát triển trong mối quan hệ hai nước, đồng thời cho biết hai nước đã có những sáng kiến trong nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Kerry nói:

“Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong các lĩnh vực ứng phó khẩn cấp, hợp tác chống khủng bố, tăng cường khả năng thúc đẩy pháp quyền ở Biển Đông”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thủ đô Washington, ngày 25 tháng 10 năm 2016 [Bộ Ngoại giao / Public Domain]
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thủ đô Washington, ngày 25 tháng 10 năm 2016 [Bộ Ngoại giao / Public Domain]


Trước khi đến Washington, ông Đinh Thế Huynh cũng đã tới Bắc Kinh từ ngày 19-21/10 và có các cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và một số giới chức trong Bộ Chính trị Trung Quốc.
Trong buổi tiếp ông Đinh Thế Huynh hôm 20/10, ông Tập Cận Bình được tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nói “Trung Quốc và Việt Nam cần coi trọng những “giá trị tích cực” trong quan hệ song phương và “xử lý đúng đắn các tranh chấp”.
Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi “2 trong 1” lần nay của ông Đinh Thế Huynh tới Bắc Kinh và Washington là cách làm quen thuộc của các lãnh đạo Việt Nam từ trước tới nay, nghĩa là hoặc thực hiện cùng một lúc hoặc 2 chuyến đi liên tiếp nhau đến hai “trụ” trong mối quan hệ “tay ba” Việt-Mỹ-Trung.
Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giáo sư Jonathan London của Trường Đại học Leiden, cho rằng chuyến đi của ông Huynh nhằm gửi đi một thông điệp về tầm quan trọng của Mỹ trong chiến lược của Việt Nam. Ông nói:
“Rõ ràng theo nhận xét của nhiều người thì chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á là yếu so với trước đây, nhưng tôi và nhiều người khác không đồng ý. Tôi thấy là phía Việt Nam thì vẫn có quan điểm rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phải là một yếu tố trung tâm của chiến lược giữ chủ quyền trong thời gian tới. Vì thế, tôi nghĩ chuyến đi này như là một thông điệp của chính phủ Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là lãnh đạo của Việt Nam, là vẫn xem Mỹ là một nước hợp tác cần thiết và có vị trí trung tâm. Và cũng hàm ý rằng Việt Nam vẫn chấp nhận vai trò trung tâm của Mỹ đối với vấn đề giữ ổn định trong khu vực”.
Giáo sư Jonathan London cho rằng trong giai đoạn “phức tạp” và “rất khó đoán” hiện nay, có thể thấy Trung Quốc vẫn duy trì tham vọng “đô hộ” cả Biển Đông. Vì vậy, theo Giáo sư London, dù các lãnh đạo Việt Nam có đi Bắc Kinh bao nhiêu lần đi nữa thì quan điểm trong việc quản lý mối quan hệ “tay ba” cũng sẽ không thay đổi, trong đó Mỹ vẫn phải là một đối trọng rất quan yếu cho việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
“Lãnh đạo của Việt Nam thì vẫn thấy là không thể để cho Trung Quốc làm những gì mà họ muốn làm. Mà nước duy nhất có khả năng để bảo đảm một Biển Đông được phát triển theo hướng cân nhắc với nguyên tắc trong luật pháp quốc tế chính là Mỹ. Vì thế tôi nghĩ dù Bắc Kinh có nói gì hoặc các lãnh đạo của Việt Nam có sang Bắc Kinh bao nhiêu lần, thì thực tế vẫn là chỉ có Mỹ mới là nước mà có liên minh với Mỹ thì có thể bảo đảm một Biển Đông phát triển theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry cho biết cuộc gặp của ông Đinh Thế Huynh với các lãnh đạo Mỹ cũng sẽ bàn về Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số vấn đề về nhân quyền, bao gồm việc cho phép lập công đoàn độc lập tại Việt Nam.

Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh tới Mỹ kéo dài từ ngày 23 đến ngày 31/10.