Trao đổi
Thư tín ngày 7.10.2016
Hòa Ái, RFA
2016-10-07
Tuần lễ của những lời ta thán
Trong tuần qua có rất nhiều lời ta thán của dân chúng ở Việt Nam. Người dân Sài Gòn đón những ngày đầu tiên của tháng 10 bằng một cơn mưa tầm tã vào sáng đầu tuần trong cảnh tượng kẹt xe mà truyền thông trong nước mô tả là “khủng khiếp”. Nhịp sống bị xáo trộn từ những ngày cuối tháng 9 bởi các trận mưa được cho là kỷ lục trong vòng 40 năm,
nhiều khán thính giả và độc giả của Đài RFA gửi thắc mắc về Ban Việt ngữ với các câu hỏi rằng “Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại nắng thì kẹt xe, mưa ngập cũng kẹt xe; vậy thì văn minh phát triển kiểu gì?” hay “15 năm trước thành phố có nhiều điểm ngập. Với kính phí 24 ngàn tỉ đồng, giờ chỉ còn một điểm ngập duy nhất là toàn thành phố; vậy số tiền đó đi đâu”? Có lẽ hơn ai hết, chính những cư dân sinh sống ở thành phố này mới có câu trả lời xác đáng nhất.
Thành phố ngập nặng sau một
cơn mưa lớn ở Việt Nam.
Thính giả Tran Trung lên tiếng:
“Mọi con đường đến từng cái hẻm năm nào cũng
đào lên lấp xuống. Chủ yếu chỉ nâng mặt đường tráng nhựa tốn kém nhưng cống
không thông hay thay cống thoát mới có lưu lượng lớn hơn rất ít. Chưa nói thay
cống dỏm bị vỡ, làm nghẹt hẳn nước thoát. Lòng sông coi vét mà nản lòng, chi
phí 100 thì chia nhau 90. Càng nâng cấp thì tệ hại hơn mà tiền tốn thì vô tội
vạ. Mấy chục năm rồi vẫn theo phương châm ‘làm đường để bơi’.”
Thính giả Ta Hoang Quoc An nêu lên quan điểm
của mình:
“Vấn đề không thể giải quyết được nếu không
trốc tận gốc diệt tận rễ. Ai cũng biết muốn phòng chống ngập lụt hữu hiệu thì
phải có một hệ thống cống rãnh qui mô, phải được bảo trì và mở mang thường
xuyên để đáp ứng trước sự tăng trưởng của dân số. Đây là một trong những hạ
tầng cơ sở cần phải ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển đô thị. Thế mà từ
ngày gọi là ‘đổi mới’ tới giờ dường như chính quyền chỉ chú trọng đến xây cất ở
trên thì nhiều, chứ hạ tầng cơ sở thì bỏ ngỏ. Chung quy lại do quản lý yếu kém
mà ra. Lại thêm nạn tham nhũng đục khoét của công vô tội vạ thì có đến muôn đời
cũng chẳng giải quyết được gì.”
Số đông dân chúng ở Sài Gòn than thở tình trạng
trời mưa ngập đường xá như sông trong thành phố ngày càng trầm trọng nên họ
cũng phải tự an ủi không còn cách nào khác là phải “sống chung với ngập”. Tuy
nhiên, không ít người khẳng định chống được tham nhũng thành công thì sẽ không
cần chống ngập. Và chính những người này cũng nói rằng bao giờ công cuộc chống
tham nhũng ở Việt Nam thành công thì họ không biết.
Mọi con đường đến từng cái hẻm
năm nào cũng đào lên lấp xuống. Càng nâng cấp thì tệ hại hơn mà tiền tốn thì vô
tội vạ. Mấy chục năm rồi vẫn theo phương châm ‘làm đường để bơi’.
-Tran Trung
-Tran Trung
Trong khi dân chúng Sài Gòn than thở về tình
cảnh nhà cửa, đường xá ngập lụt hôi thối thì cư dân thủ đô Hà Nội ta thán về
mùi tanh tưởi của 200 tấn cá chết bất thường ở Hồ Tây trong mấy ngày đầu tháng
10. Rất nhiều khán thính và độc giả Đài Á Châu Tự Do bày tỏ sự bất nhẫn đối với
lời tuyên bố của các cơ chính quyền rằng cá Hồ Tây chết có thể do bị ảnh hưởng
bởi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường. Tiếp theo là một vài ý kiến
liên quan:
“Lãnh đạo phát ngôn sao mà khó nghe quá! Đường
xá ngập lụt đổ cho Trời mưa. Giờ cá chết tại thời tiết.”
“Thiếu ô-xy do thời tiết à? Tại sao các hồ khác
trong nội thành tù túng nhỏ hơn mà cá không chết? Chắc là tại ‘rong-rêu nở hoa”
rồi chăng?”
“Vụ này thì chắc chắn có tác động của nhiễm
độc. Làm gì mà có nguyên nhân do thiếu ô-xy? Ô-xy có trong không khí mà diện
tích Hồ Tây rất lớn, rộng đến 300 héc-ta và từ trước đến giờ có vấn đề gì đâu.
Hiện giờ các nhóm khoa học còn đang nghiên cứu nhưng nếu có phát hiện ra thì
các thế lực đứng phía sau cũng sẽ yểm đi hoặc lái vấn đề sang hướng khác. Cho
nên nhất định là có tác động của chất độc thì cá mới chết như thế. Rõ ràng có
sự đầu độc mặc dù không biết cách thức đầu độc như thế nào. Đâu phải riêng Hồ
Tây, sau vụ Formosa thì một số con sông đầu nguồn có cá chết rất nhiều. Sức tàn
phá của chất độc này rất kinh khủng”.
“Ở Việt Nam, nơi nào cũng đều bị ô nhiễm, đâu
có riêng gì nước Hồ Tây đâu? Vì sức khỏe chung cho toàn dân, để đừng nghe mỗi
ngày đang có 106 người ra đi vì bệnh ung thư, xin hãy tích cực tổng vệ sinh
toàn bộ đi!”
Kêu gọi đồng hành cùng ngư dân
miền Trung
Cá vừa đánh bắt được ở biển
Vũng Tàu. Ảnh chụp trước đây. AFP photoCá vừa đánh bắt được
ở biển Vũng Tàu. Ảnh chụp trước đây. AFP photo
Lời kêu gọi “Xin
hãy tích cực tổng vệ sinh toàn bộ đi” của
thính giả Thuyen Nguyen cũng là ý nguyện của ngư dân ở vùng biển 4 tỉnh Bắc
miền Trung, nơi gánh chịu hậu quả thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa
xả thải có chất độc ra biển.
Vào 7 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 2 tháng 10 hàng
ngàn giáo dân và người dân địa phương tập trung trước hai cổng của nhà máy
Formosa đặt tại Vũng Áng, Hà Tĩnh biểu tình, đòi được bồi thường thỏa đáng và
đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam cũng như yêu cầu chính quyền làm sạch biển để họ
có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
Qua cuộc biểu tình này, Ban Việt ngữ nhận được
rất nhiều ý kiến đồng tình và ủng hộ của quý khán thính giả cùng độc giả khắp
nơi. Nhiều thính giả cho biết cảm thấy đau lòng và phẫn nộ khi thấy cảnh hàng
trăm cơ động và các lực lượng cùng phương tiện súng ống đối đầu với người dân
trong khi họ chỉ thể hiện ý nguyện hoàn toàn hợp lý. Thính giả Minh Mai chia
sẻ:
“Hãy là người Việt Nam thì thương lấy dân mình.
Người dân không làm gì bạo động, không nổi loạn, chỉ đòi hỏi chính đáng. Hãy
bảo vệ họ!”
“Người Việt Nam nói chung và người miền Trung
nói riêng, họ có tội tình gì đâu để để cho họ khổ sở quá. Có một chút xíu biển
để người ta sống mà bây giờ để cho Formosa chiếm hữu hết của họ là làm sao? Từ
xưa đến giờ họ chịu nhiều cơn bão tố lắm rồi. Nay lại bị nhiễm độc, hết cá thì
lấy gì mà sống? Xin đừng dồn họ vào chân tường. Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
người trong một nước hãy thương nhau cùng.”
“Lãnh đạo và Chính phủ Việt Nam cũng là người
Việt Nam, cũng có ăn có học! Chắc họ hiểu câu ca dao tự ngàn xưa cha ông ta để
lại?”
“Nếu họ hiểu thì sao lại không bảo vệ nhân dân?
Người dân 4 tỉnh miền Trung chẳng còn gì để mất. Họ đòi cuộc sống và hơi thở.
Trước sau gì cũng chết. Họ chọn cái chết để đổi lấy môi trường sống cho con
cháu họ.”
“Ai trong chúng ta cũng điều hiểu rằng ý nguyện
của người dân đó là Formosa phải đền bù thích hợp, thỏa đáng, đúng pháp luật và
đóng cửa vĩnh viễn. Chúng ta hãy chung sức cùng những người dân 4 tỉnh miền
Trung đang trực tiếp chịu đựng mọi khó khăn và nguy hiểm đang đổ lên đôi vai
của họ. Nếu cứ để Formosa hoạt động, tôi tin chắc một ngày không xa, tôi và
chính bạn cùng người thân của bạn cũng sẽ phải chịu những điều tương tự như
họ.”
Trong tuần qua, tình hình đời sống xã hội tại
Việt Nam liên quan đến cá và nước. Hòa Ái xin được trích một đoạn ngắn trong
bài viết có tựa đề “Con cá sống nhờ nước” của thính giả Phan Văn Song, đăng
trong mục “Bạn đọc viết” trên trang nhà của Ban Việt ngữ, Đài RFA:
Cá sống nhờ nước, dân Việt sống
nhờ nước Việt. Toàn dân Việt hãy cùng nhau sống vì nước Việt Nam của chúng ta với
tâm huyết, hy sinh, mở mang và phát triển giữ gìn
-Phan Văn Song
-Phan Văn Song
Cá sống nhờ nước, dân Việt sống nhờ nước Việt.
Không biết con cá có sống vì nước không? Chớ người dân Việt phải sống vì nước
Việt. Sống vì nước Việt là do đạo Việt dạy con dân đất Việt biết ơn Đất nước và
Đồng Bào. Tổ tiên bốn ngàn năm giữ nước, giữ biển, giữ đất, giữ quê hương thì
mới có mình bây giờ. Toàn dân Việt hôm nay, hãy cùng nhau trả cái ơn Đất nước,
cái ơn Tổ tiên-Đồng bào-Cha mẹ là phải sống vì nước Việt Nam của chúng ta với tâm
huyết, hy sinh, mở mang và phát triển giữ gìn”.
Và Hòa Ái xin được kết thúc mục “Trao đổi Thư
tín” hôm nay với lời nguyện cầu của thính giả Anna ThanhDieu rằng “Xin cầu cho quê hương luôn trung
kiên trong mọi gian nan khốn khó”.
Hòa Ái xin được thông báo chương trình phát
thanh hàng ngày của Ban Việt ngữ bắt đầu từ ngày 3 tháng 10 chỉ còn chương
trình phát thanh buổi tối, từ 21 giờ đến 22 giờ, giờ Việt Nam, trên làn sóng
ngắn 25 và 31 mét. Nửa giờ đầu của chương trình phát thanh cũng được phát trên
làn sóng trung bình 1503 KHz.
Hiện nay vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ
Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực
tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.
Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem. Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý
vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương
trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng
hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực.
Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org,
hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.