Ghi nhanh ngày đầu của hội nghị tự do tôn
giáo ở Á Châu
Ts. Nguyễn Đình
Thắng
Ngày 18 tháng 2,
2016
Hôm nay, ngày đầu
của hội nghị 4 ngày, dầy đặc sinh hoạt từ 8 giờ sáng đến gần 10
giờ khuya. Chúng tôi thu hoạch được nhiều kết quả. Nhiều tổ chức
quốc tế rất ngạc nhiên và phấn khởi khi lần đầu tiên tiếp xúc với
người của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam mà họ ít biết đến: Cao
Đài, Phật Giáo Khmer Krom, và Hồi Giáo Chăm.
8:00 am – Phái đoàn
Việt Nam tề tựu tại nơi ăn sáng để họp bàn kế hoạch thành lập “bàn
tròn” tự do tôn giáo Việt Nam. Bà cựu Phó Tổng Thống Annette Lu đến
bàn của chúng tôi để bắt tay hỏi thăm từng người và chụp hình chung.
Ít lâu sau, tôi thấy Ts. Katrina Lantos-Swett, Uỷ Viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ
về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Chủ Tịch tổ chức Lantos Foundation for
Human Rights and Justice, bước vào; tôi giới thiệu Cô Katrina, một người
tôi quen biết từ lâu, với các người trong phái đoàn. Một chốc sau lại
gặp Anh Daniel Nadel và Cô Victoria Thoman của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và
Cô Tina Mufford, nhân viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc
Tế. Năm ngoái Cô Victoria đến Việt Nam cùng với Đại Sứ Lưu Động David
Saperstein; sau đó ít lâu Cô Tina Mufford cũng đến Việt Nam cùng phái
đoàn của Uỷ Hội. Khi chúng tôi vừa ăn xong thì Ts. Scott Flipse xuất
hiện – có lẽ anh ta ngủ dậy trễ. Anh Scott và tôi quen nhau từ 20
năm nay khi anh ta là nhân viên lập pháp cho DB Frank Wolf và góp phần
biên soạn Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Bây giờ anh Scott là nhân viên
của Uỷ Hội Trung Quốc mà DB Christopher Smith là chủ tịch.
9:30 am – Hội nghị
khai mạc với lời chúc của vị đại diện Toà Thánh Vatican, một mục sư
Tin Lành và vị giáo chủ, Thầy Huen-yuan, của một tôn giáo đặc thù
của Đài Loan: đạo Weixin. Sau này tôi được biết thêm về tài tiên đoán
của vị giáo chủ này. Bà cựu Phó Tổng Thống Annette Lu, rồi Ts.
Katrina Lantos-Swett phát biểu khai mạc hội nghị. Trong phần phát biểu Cô Katrina đã nhắc
đến phái đoàn Việt Nam trước cử toạ lên đến 200 người. Tiếp đến là cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Mark
Lagon, nay là Chủ Tịch Freedom House. Và cuối cùng là Ts. Bob Fu, Chủ
Tịch tổ chức China Aid. Tôi biết anh Bob từ chục năm nay khi anh
ấy nhờ giúp cho một nhà tranh đấu Trung Quốc xin tị nạn ở Hoa Kỳ.
Anh Bob là một lãnh đạo sinh viên tranh đấu tại quảng trường Thiên An
Môn năm nào và cũng là người tị nạn. Freedom House và China Aid đồng
tổ chức hội nghị này.
Ts. Thắng và Ls.
Greg Mitchell trình bày về "bàn tròn đa tôn giáo", ngày
18/02/2016 (ảnh BPSOS)
12:00 pm – Mọi người
dùng bữa trưa. Ban tổ chức cho ăn toàn các món chay. Phái đoàn Việt
Nam được xếp ngồi rải ra ở nhiều bàn khác nhau, tiện cho việc làm
quen và nối kết. Tôi làm quen với 2 tổ chức tranh đấu cho quyền tự do
tôn giáo đã nghe danh từ lâu: Stefanus Alliance International ở Na Uy và
Open Doors ở Hoà Lan. Ts. Heiner Bielefeldt, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của
LHQ về tự do tôn giáo hay niềm tin, gởi lời chào qua video. Ts.
Bielefeldt kể về hội nghị về tự do tôn giáo hay niềm tin ở Đông Nam Á
mà BPSOS đồng tổ chức ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 10 năm ngoái.
1:50 pm – Về phòng
đánh răng rửa mặt rồi đến dự buổi khoáng đại kế tiếp, bắt đầu lúc
2 giờ. Đây là phần chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu quốc hội
đến từ nhiều quốc gia. Họ cho biết về mạng lưới những đại biểu
quốc hội toàn thế giới quan tâm về nhân quyền. Kết luận là cần có
sự phối hợp giữa các nhà lập pháp vì nhân quyền và các tổ chức
xã hội dân sự để tăng hiệu quả cho cả hai bên.
4:30 pm – Đây là
phần giới thiệu công thức “bàn tròn đa tôn giáo” do Anh Greg Mitchell,
luật sư nhân quyền, và tôi trình bày. Từ 2 năm qua, tôi vẫn gặp
anh Greg ở các buổi họp “bàn tròn đa tôn giáo” Hoa Kỳ. Anh ta chia sẻ
kinh nghiệm về bàn tròn này, còn tôi thì trình bày nỗ lực để mở ra
các bàn tròn tương tự ở Đông Nam Á, qua hội nghị ở Bangkok mà Ts.
Bielefeldt nói đến. Sau đó là phần thảo luận rất sôi nổi. Nói chung
mọi người tỏ ra phấn khởi với công thức “bàn tròn đa tôn giáo” –
chúng tôi trao đổi danh thiếp với nhiều người trong cử toạ. Người đặc
trách bộ phận Á Châu của tổ chức Heritage Foundation, một tổ chức
chuyên về nghiên cứu chính sách có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn, hẹn gặp
riêng với chúng tôi để bàn việc hợp tác. Trong suốt buổi hội thảo,
tôi nhờ Giáo Sư Reg Reimer, người Canada, giúp phần thông dịch cho Cô Kim,
thành viên Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài. Gs. Reimer nói tiếng Việt lưu
loát. Cô Kim rất chịu khó phân phối bản lập trường của Khối Nhơn Sanh
đến mọi người tham dự hội thảo. Cô Kim được sự trợ giúp của hai
người bạn cùng phái đoàn: Anh Huy thuộc cộng đồng Chăm Hồi Giáo, và
anh Son thuộc cộng đồng Khmer Krom Phật Giáo.
6:30 pm – Mọi người
được 30 phút nghỉ ngơi, trả lời email. Trên đường về phòng tôi gặp
phái đoàn của Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo
quốc tế đang đợi thang máy. Thế là chúng tôi ráp vào nói chuyện. Họ
cho biết là rất thích công thức “bàn tròn đa tôn giáo”. Tôi biết ra
anh Daniel Nadel, Giám Đốc Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ, trước đây là luật sư của tổ chức Lawyers’ Committee
for Human Rights. Tôi kể cho anh ta vụ LAVAS, chương trình pháp lý cho
thuyền nhân Việt Nam do tôi đồng sáng lập dưới tán dù của BPSOS, đã
kiện Bộ Ngoại Giao lên đến tận Tối Cao Pháp Viện năm 1997 theo gợi ý
của tổ chức Lawyers’ Committee for Human Rights. Anh ta nói là có
nghe đến vụ này và tỏ ra thích thú. Đấy, ở Hoa Kỳ người dân kiện
chính phủ khi vi luật là bình thường và rồi hai bên lại vui vẻ làm
việc thân thiết với nhau. Tôi hẹn họ sáng mai cùng ăn sáng với phái
đoàn Việt Nam.
Ts. Thắng cùng với
Cô Anastasia Lin, Hoa Hậu Thế Giới Canada, ngày 17/02/2016 (ảnh BPSOS)
7:00 pm – Bữa cơm
chiều do Thị Trưởng Cheng Wen-tsan của thành phố Đào Viên khoản đãi.
Ông ta mở lời chào đón mọi người. Điều này cho thấy chính quyền Đài
Loan làm việc rất chặt với xã hội dân sự, một kinh nghiệm mà tôi đã
trải qua khi hợp tác với chính quyền và các tổ chức tư nhân Đài Loan
để chống buôn người. Tôi được xếp ngồi cạnh Cô Anastasia Lin, Hoa Hậu
Thế Giới Canada năm 2015. Cô ta là dân Canada gốc Hoa, sống ở Toronto. Cô
trở thành nổi tiếng trong giới đấu tranh nhân quyền khi cô dùng vị
thế hoa hậu để lên tiếng chỉ trích việc buôn nội tạng ở Trung Quốc.
Thế là gia đình cô ở Trung Quốc bị trả thù bởi chính quyền. Cô bị
cấm nhập cảnh để dự thi Hoa Hậu Thế Giới được tổ chức ở Trung
Quốc. Vụ này tạo sự phẫn nộ trong dư luận quốc tế đối với Trung
Quốc. Cô Anastasia ngạc nhiên khi tôi kể về tình trạng bắt cóc phụ nữ
và trẻ em để mổ lấy nội tạng bán sang Trung Quốc ngày càng tăng ở Việt
Nam. Cô cũng ngạc nhiên khi được tôi cho biết về tình trạng buôn người
từ Việt Nam sang Đài Loan. Cô xin thêm thông tin và hứa sẽ vận động
giới truyền thông quốc tế để lên tiếng về các vấn đề này. Giữa
những món ăn, tôi đi “chào bàn” để làm quen thêm với các bạn bè
quốc tế.
9:30 pm – Tôi “chuồn”
sớm về phòng để viết bài này, trả lời email và phối hợp với tổ
chức nhân quyền ở Âu Châu trong lá thư chung lên tiếng về vụ Ls. Nguyễn
Văn Đài và đồng sự Lê Thu Hà bị bắt giam tuỳ tiện.
11:00 pm – Tắt đèn
đi ngủ để sáng mai còn dậy rất sớm, lúc 4 giờ, để hoàn tất một số
công việc ở Hoa Kỳ, trước khi các công sở bên ấy đóng cửa.
Bài liên quan:
Những giòng ghi vội
trong ngày “tiền hội nghị:
Phái đoàn Việt Nam
tham gia diễn đàn tự do tôn giáo Á Châu
http://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2016/02/17/2003639544