Trang

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

1064. GS NGÔ BẢO CHÂU: TAY BÀI TRÁO SIÊU HẠNG.

Trên trang web BBC ngày 19/01/2016 đăng bài Yêu nước  của
Bài viết của GS Châu có 04 trang giấy A4 (Font chữ Times New Roman; size 14). Trong đó 03 tấm ảnh của GS Châu với nụ cười tươi tắn (chiếm hơn một trang giấy).

Ảnh thứ nhất ghi chú: GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam duy nhất cho tới nay được giải thưởng Fields năm 2010. Ảnh thứ ba: ... GS Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục trong một cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2014. Chúng tôi thấy các ảnh hầu như không góp phần làm sáng tỏ nội dung. Như vậy phần nội dung nằm ở các con chữ chỉ còn chưa đầy 03 trang.
1/- Giáo sư đại học viết đại.
Trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, các Thầy, Cô thường dạy khi cầm một văn bản trên tay phải xác định xem nó thuộc thể loại gì? Nhận định giá trị trong một bài viết, một tác phẩm nên căn cứ vào những nội dung nội tại của nó (kể cả nội dung đàng sau các con chữ) đừng bị ám ảnh bởi danh tiếng hay địa vị tác giả...  Văn dĩ tải đạo (văn chương dùng để chuyên chở đạo lý). Nên xét nội dung phải theo chuẩn: Chân, Thiện, Mỹ.
Bài viết của GS Châu không thuộc về thể loại nào. Không phải ký sự, không phải nghị luận, không phải bình luận, không phải phê bình...  Nó tổng hợp các thể loại trên trong bài viết chưa đầy 03 trang giấy. GS Châu đã đem cùng lúc nhiều vấn đề lớn vào trong đó: lòng yêu nước, vị trí nước Việt Nam, sự mở rộng của văn minh, sợi dây lơ lững Trung hoa, chật chội Khổng giáo....cho tới Đại Hội Đảng, khế ước xã hội... và tình thương mấy thanh niên....
Do khả năng có hạn chúng tôi chỉ xin nhận xét, làm rõ phần rất khiêm tốn: Thủ phạm đã đưa mấy tốp thanh niên vào bi kịch. Và tại sao GS nhận định Khổng giáo chật chội. Còn những vấn đề khác chúng tôi không muốn bị cuốn hút theo cách của GS Châu: nhốt Paris vào trong một cái chai.
2/- Đánh tráo thủ phạm.
GS Châu viết:  Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.
Theo đó GS Châu đã qui kết yếu tố Trung Hoa và Khổng giáo là thủ phạm tạo ra nhân cách các thanh niên đáng thương ở sân bay. Bởi vì nếu không qui kết thì chẳng có lý do gì GS Châu lôi yếu tố Trung hoa và đặc biệt là Khổng giáo vào đây cả.  
Về căn bản thì nhân cách hay cách xử thế của con người là sản phẩm của giáo dục. Chủ nghĩa cộng sản tuyên bố: tạo nên con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ đã thẳng tay dẹp bỏ văn hóa và ảnh hưởng của Nho giáo (Khổng giáo) nói riêng và Tam giáo nói chung. Khi cướp được chính quyền họ đã tịch thu sách vở, phá bỏ văn hóa đình làng, tinh thần tam giáo...(miền Bắc từ 1945, miền Nam từ 30/04/1975).
Như vậy nhân cách số thanh niên trên đây được nên hình từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa (kể cả GS Châu cũng vậy). Vậy thì tốt xấu gì cũng do XHCN mà ra đâu có quan điểm sống nào của Nho giáo xen vào đó. Có nhà nho nào đến lớp giảng dạy chăng? Khổng giáo quan niệm quan lại là phụ mẫu chi dân. Nhà nước nói rõ cán bộ là đầy tớ của dân. Hai đàng khác nhau đã hẳn nhiên.
Chính quyền Việt Nam đã cấp phép cho những công ty đưa các thanh niên trên đây xuất khẩu lao động. Thời xưa buôn bán nô lệ có tiêu chuẩn chọn lựa khác. Thời nay xuất khẩu lao động có nhà nước đưa ra qui định và chứng nhận mới được đi. Công ty nào được quyền tuyển lao động xuất khẩu phải có phép của nhà nước. Vậy thì từ A đến Z đều do một tay của nhà nước và các công ty tạo nên chớ Khổng giáo đâu có can dự trực tiếp hay gián tiếp chi trong đó.
Phương chi cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, nòi giống tương tàn kết thúc đã 40 năm. Đảng ta lãnh đạo, nhà nước ta quản lý đổi tiền mấy lần, gom góp tài sản của cải về quản lý... sạch sành sanh... Trong ngần ấy năm khai thác mỏ dầu, các tài nguyên rừng, biển.... với hàng hà sa số thuế, phí.... mà để dân chúng nghèo khó phải tha hương cầu thực. Đổi mới đã mấy mươi năm mà cuộc sống của ông chủ (người dân) so với lân bang thua kém quá xa (đứng chót Asean) thì công lao hay tội lỗi đó là của họ can chi tới Khổng giáo... Nhà nước là thủ phạm trực tiếp đẩy các thanh niên vào bi kịch mà GS Châu đã nhìn thấy; Khổng giáo không liên quan chi trong bi kịch đó. Còn như gắng gượng qui kết do ảnh hưởng Khổng giáo (giả dụ mà có thật chăng nữa) thì cũng là rất gián tiếp chớ đâu đã là thủ phạm.
Tóm lại bi kịch của mấy thanh niên trên đây là do Đảng Cộng sản, do chính quyền cộng sản và các nhóm lợi tạo nên. GS Châu lôi Khổng giáo vào rồi đổ thừa do  Khổng giáo chật chội là không công bằng; là đánh tráo thủ phạm.
Sự việc đánh tráo nầy còn được che chắn rất tinh vi khi GS lôi cả Đại Hội Đảng ra (rồi nói GS không liên quan tới họ)... và không đề cập tới trách nhiệm của nhà nước đã đưa các thanh niên kia vào bi kịch.
3/- Tại sao GS Châu cả quyết rằng Khổng Giáo chật chội?
Tôi không thảo luận việc GS Châu nhận định Khổng giáo chật chội là đúng hay sai? Trang Tử từng nhận xét trong Nam Hoa Kinh: Phải là một cái lý vô cùng, quấy cũng là một cái lý vô cùng.... theo đó mà suy thì bàn luận chật chội hay không chật chội sẽ sanh ra những lý luận triền miên không hồi kết và không ai chịu ai...
Thực tế cho thấy cùng một chiếc áo người nầy mặc vào nó chật chội; người khác mặc vào nó rộng phùng phình. Vậy thì chật chội hay rộng rãi cũng chỉ là những từ ngữ không định lượng. Muốn nói chiếc áo chật hay rộng phải nói cụ thể với người nào, theo qui chuẩn nào?
Cùng tìm hiểu, nhận định về Khổng giáo mà người thì cho là chật chội; người thì cho là trái lại cũng là chuyện thường tình. Theo đó thì GS Châu đã đem hành tàng của GS ra so sánh với  Khổng giáo và kết luận: Khổng giáo chật chội. Trong thế giới tự do thì quyền tự do ngôn luận cần được tôn trọng.   
Chúng tôi nhận xét GS Châu thuộc về một trong ba diện:
Thứ nhất GS Châu không hiểu gì về Khổng giáo. Nhưng thấy một phần nhân loại tôn sùng, kính trọng Khổng giáo nên ganh tị và nhận định như vậy. GS Châu có thể được dựng tượng ở một vài nơi nhưng tượng Đức Khổng Tử thì khó mà thống kê hết, mấy ngàn năm nay qua bao thử thách nó vẫn tồn tại. Tôi xin nói rõ rằng cái Viện Khổng Tử do Trung Cộng mang đi truyền bá nhiều nơi trên thế giới hiện nay nó không đúng với tư tưởng, tinh thần Khổng Tử (nên đang bị tẩy chay). Nó là Viện phản Khổng Tử; bởi vì tự thân người cộng sản, văn hóa cộng sản (không chấp nhận tinh thần thân thiện của nhân loại) đã phản lại Khổng Tử (Tứ hãi giai huynh đệ. “Người trong bốn biển đều là anh em”). Không biết có ai thắp nhang cầu nguyện GS Châu ban phước lành cho họ không, nhưng Tôi biết có rất nhiều người kính cẩn xin với Đức Khổng Tử ban phước lành và phù hộ cho họ được sống theo lời dạy của Ngài. Hằng năm có nhiều tổ chức, nhiều người tưởng nhớ đến Đức Khổng Tử... Sử gia Tư Mã Thiên tôn vinh Đức Khổng Tử là Tố Vương (vua đẹp). Người đời tôn vinh Ngài là Vạn thế sư biểu (người Thầy tiêu biểu ngàn đời). Thiên hạ tự nguyện thờ ai thì không bao giờ sai.
Người theo Đạo Cao Đài hằng ngày cúng Tứ Thời có đọc bài kinh NHO GIÁO (Khổng Thánh chí tâm qui mạng lễ). Cuối bài khi lạy có niệm: Nam Mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn. Hằng năm đều có ngày Vía Đức Khổng Thánh (27/08/Âm Lịch).
 Thứ hai GS Châu hiểu rõ Khổng giáo và thấy nó nguy hại cho hành vi nào đó của GS nên ra tay đánh phủ đầu bằng chiêu cho rằng nó chật chội.
Thứ ba GS Châu đã bị người đời đem khuôn thước của Khổng giáo ra vấn nạn về một hay nhiều hành vi cụ thể và GS không thể biện minh được. Cho nên chờ lúc thuận tiện nào đó cho rằng Khổng giáo chật chội... đừng có đem Khổng giáo ra soi chiếu với hành tàng của GS.
GS Châu ở vào diện nào thì Tôi không rõ nên không dám kết luận.
GS viết:.... dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”. Tôi không tin rằng GS không liên quan đến họ.
Thứ nhất: chính họ đã quyết định lấy tiền ngân sách quốc gia mua căn hộ cao cấp tại tòa nhà cao tầng Vincom B quận Hai Bà Trưng Hà Nội cấp cho GS. Căn hộ đó rất nhiều tỷ GS đã nhận tài sản như vậy mà nói không liên quan đến họ...vậy thế nào mới là liên quan?
Thứ nhì: tấm ảnh thứ ba trong bài viết của GS ghi rõ.... GS Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục trong một cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2014. Gở tấm ảnh đó ra, giá trị bài viết không thay đổi. Vậy việc đưa tấm ảnh vào bài báo là để làm gì? Phải chăng là để giới thiệu mối quan hệ của GS với Thủ tướng???
Thứ ba: không liên quan đến họ cớ chi GS lôi Khổng giáo vào để chịu tội thay cho họ??? Thường thì phải hưởng cái lộc của họ mới tìm cách che chắn và chạy tội cho họ... GS Châu có là ngoại lệ hay không?
Tôi không tin một nhà khoa học tầm cở như thế mà không thấy mối quan hệ rõ ràng như thế. Tôi nhìn thấy đây là thủ đoạn của tay bài tráo siêu hạng.
4/-   Bài học từ Đạo Cao Đài.
Nhìn cách GS Châu đánh tráo thủ phạm để chạy tội cho cộng sản và úp bộ cho Khổng giáo chúng tôi thấy giống hệt như cách nhà cầm quyền hiện nay đánh tráo thủ phạm và nạn nhân trong Đạo Cao Đài. Diễn tiến được ghi nhận như sau:
Ngày 20/07/1978  nhà cầm quyền hiện nay ban hành Bản Án Cao Đài. Trong đó kết tội: ...hệ tư tưởng Cao Đài là phản động, các chức sắc Đại thiên phong có công khai đạo là tay sai thực dân, đế quốc... nên đó là những người phản quốc...
Ngày 13/12/1978 ra quyết nghị thi hành án.
Điều III: giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức hành chính đạo từ trên đến cơ sở, xóa bỏ và nghiêm cấm cơ bút, chính quyền sẻ quản lý toàn bộ cơ sở vật chất mà đạo đang quản lý kinh doanh không thuộc chức năng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích xã hội. Đồng thời căn cứ vào tính chất tu hành, chính quyền sẽ quy định cụ thể số cơ sở để lại cho Đạo quản lý và số người trong từng cơ sở để chuyên lo việc tín ngưỡng.
(Lưu ý là Quyết nghị ghi rõ:... giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức hành chính đạo từ trên đến cơ sở  và không có khoản nào cho tái lập hành chánh đạo).
Ngày 01/03/1979 Hội Thánh Cao Đài ra Đạo Lịnh 01.
Điều một: Giải thể hành chánh 05 cấp.
Điều hai: Tái lập hành chánh 02 cấp...
Rõ ràng là Hội Thánh đã can đảm và sáng suốt lập hành chánh 02 cấp (trong khi nhà nước đã ra lịnh cấm).
Nhưng lập tức có bọn dư luận viên rĩ tai người đạo và tạo dư luận: Hội Thánh ra Đạo Lịnh 01 giải thể đạo.... và cài một số người đạo quay ra chống Đạo Lịnh 01, chống Hội Thánh...  để che dấu sự thật là Bản Án và Quyết nghị đã tử hình hành chánh đạoHọ đã dùng thủ đoạn đánh tráo nạn nhân (Đạo Lịnh 01) thành thủ phạm để che dấu thủ phạm thực sự là Bản án và Quyết nghị. Đây quả thật là một thủ đoạn rất cao tay và thâm độc; nhiều người Đạo Cao Đài đến nay vẫn dính cái bẫy nầy quay ra mắng chưỡi đồng đạo (nhìn nhận Đạo Lịnh 01 là phản đạo)... đó là một bi kịch đầy máu và nước mắt... rất đau đớn và tủi nhục...
GS Châu trong bài viết trên cũng đánh tráo thủ phạm để che chắn cho cùng một đối tượng: nhà nước cộng sản. Đây là việc ngẫu nhiên hay có sự sắp xếp rất tinh vi???
5/- Khổng giáo & Đạo Cao Đài: Nho Tông chuyển thế.
Mở Đạo Cao Đài Đức Thượng Đế có dạy:
Thiên thơ dĩ định nhứt danh qui,
Tam giáo qui nguyên giử cộng đồng.
Phật pháp khuyến nhơn qui mỹ tục,
Nho Tông phục thế hưởng thuần phong...
((Sách Trời định chỉ có một danh gọi. Lấy cái gốc “tinh hoa” của tam giáo: Phật, Tiên, Nho để phụng sự nhơn loại. Phép Phật giúp con người có những tục lệ tốt đẹp. Đạo Nho là cái gốc để tổ chức xã hội tốt đẹp)).
Cho nên Đạo Cao Đài dùng Nho Tông để chuyển thế (không dùng Tiên Tông hay Phật Tông). Bởi vì  nguyên lý của Tam Kỳ đi từ hữu hình đến vô vi. Nho là căn bản nên lấy Nho tông để chuyển thế.
Chủ nghĩa Cao Đài theo cách của Nho Tông để xây dựng con người và xã hội (chuyển thế). Chính danh, minh bạch, dĩ công diệt tư... là những khuôn mẫu quan trọng của Khổng giáo đã đồng hành với Đạo Cao Đài.
Một trong những mục tiêu xã hội của Đạo Cao Đài là:
Can qua vĩnh tức, giáp mã hưu chinh.
(Chiến tranh vĩnh viễn không còn, binh sĩ và phương tiện chiến tranh sẽ được giải trừ)
Lãng tử cô nhi tảo hồi hương lý
(Những người sống không cố định, phiêu bạt giang hồ, những người côi cút sẽ trở về quê hương. Bởi vì quê hương của họ đã có công ăn việc làm, cường quyền bị đẩy lùi....  không cần phải tha hương cầu thực...).
Đạo Cao Đài đem công lý đánh đổ cường quyền nhờ vào công thức:
Cầu xin trăm họ bình yên,
NƯỚC GIÀU, DÂN MẠNH thanh nhàn muôn năm.
DÂN MẠNH cũng là hòn đá tảng cho nhiều công thức khác như: Lập quyền dân, thực hiện trường học, nhà dưỡng Lão, Ấu...
Chính quyền Pháp nhìn vào cơ cấu tổ chức, chiến lược, phương án thực thi và nhân sự hành đạo đã phải nhìn nhận: Đạo Cao Đài lập một quốc gia trong một quốc gia.
Công cuộc xây dựng vùng Châu Thành Thánh Địa với 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh là một dấu ấn của văn hóa Cao Đài. Nhà cửa, đường xá, ăn mặc, cách đối đãi với xóm giềng đều có sự vận dụng từ Nho Tông để tạo ra BẢN SẮC CAO ĐÀI.
GS Châu đi nhiều nơi trên thế giới... do vậy chúng tôi dám thách thức GS Châu tìm trên đất nước Việt Nam và cả thế giới xem:
./- Có nơi nào tạo được nếp sống văn hóa dùng thảo mộc (ăn chay) nhiều như vùng Châu Thành Thánh Địa  tạiTây Ninh nước Việt Nam chăng?
./- Có nơi nào xây dựng được nếp sống tương thân tương trợ hào hiệp trong tang tế sự như Châu Thành Thành Thánh Địa hay chăng?
./- Có nơi nào qui tụ được nhiều thành phần trong xã hội tự nguyện ăn chay, hành đạo để xây dựng một xã hội mới như bộ máy Hội Thánh Cao Đài hay chăng?
Đó là những điều kiểm chứng được, thống kê được, nhìn thấy, sờ đụng nên chúng tôi mạnh dạn đánh cược với GS Châu.
Ngày nay nhân loại không phân biệt màu da sắc tóc, ngôn ngữ, chính kiến mà hướng tới những giá trị căn bản, tất yếu và phổ quát để xây dựng hòa bình, dân chủ, tự do. Nhân loại không kỳ thị điều hay lẽ phải đến từ địa phương nào hay sắc dân nào nhưng nhân loại không chấp nhận cái gian ác, xão trá, không chấp nhận cường quyền đàn áp công lý. Cho nên nhiều tổ chức phi chánh phủ ra đời, phạm vi hoạt động của họ là đa quốc gia.
Mấy ngàn năm trước tổ tiên ta đã quí trọng cái đúng mà không kỳ thị, phân biệt nó xuất phát từ đâu. Tiền nhân quyết liệt chống ngoại xâm phương bắc là chống nhà cầm quyền xâm lược. Nhưng tiếp thu những cái tiến bộ từ mọi phía, là tinh hoa từ các dân tộc để chắc lọc ra thành cái riêng phù hợp với Việt tộc. Tổ tiên ta đã nhận ra cái tạm thời (là chính quyền và uy quyền của họ) và cái lâu dài (là văn hóa của nhân loại, là quyền lực mềm) để xử thế rất minh bạch. Chữ Nôm là một bằng chứng của tinh thần tiếp thu, chắc lọc và sáng tạo của tổ tiên ta.
Chữ quốc ngữ hiện nay phát xuất từ các vị Giám mục truyền đạo (truyền bá tin mừng). Sau đó thực dân Pháp muốn dùng chữ quốc ngữ để nô dịch dân tộc Việt Nam. Các nhà Nho yêu nước lúc đầu tẩy chay nhưng sau đó đã rất sáng suốt nên chuyển thế cờ: dùng chữ quốc ngữ để nâng cao dân trí, dân đức, dân sinh. Dân tộc Việt Nam có được chữ quốc ngữ rõ ràng là có sự đóng góp  nhãn tiền từ Nho học vậy thì Khổng giáo có chật chội chăng? Các vị tiên Nho có cổ hủ như như nhiều người gán ghép chăng?
Tiếp thu Nho giáo và tinh thần nho giáo rồi chắc lọc để xây dựng con người và xã hội Việt Nam là một di sản quan trọng của dân tộc. Đạo Cao Đài xuất phát từ Việt Nam sẽ tiếp tục truyền thống của dân tộc...   
GS Châu cho rằng Khổng giáo chật chội là quyền tự do của GS, chúng tôi không tranh luận. Nhưng GS đánh tráo thủ phạm: lôi Khổng giáo ra để chịu tội thay cho nhà nước là sai với đạo đức làm người, sai với luật công bằng.
Việt Nam ngày 02/02/2016.
Dương Xuân Lương.

HẾT.
BÀI GỐC.


Yêu nước

·                     19 tháng 1 2016
Image copyrightAFP Getty Hoang Dinh NamImage captionGS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam duy nhất cho tới nay được giải thưởng Fields năm 2010
K. là giáo sư toán ở đại học Yale, có quốc tich Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào.
Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K. nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga.
Trường hợp của K. không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt.
Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra.
Một vài lần quá cảnh ở sân bay Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, tôi bắt gặp vài tốp thanh niên Việt Nam, có vẻ như đến từ nông thôn, có vẻ như nói giọng Nghệ An, họ túm năm tụm ba, ngồi bệt uống bia, đánh bài, có vẻ như không quan tâm đến xung quanh, nhưng kỳ thực mắt vẫn nhìn quanh với một vẻ nửa hoang mang, nửa thách thức. Những lúc đó bỗng dưng tôi thấy quặn lòng thương đồng bào của mình.
Ai trong số họ đã nợ ngập cổ để mua cho bằng được một suất đi xuất khẩu lao động, ai trong số họ sẽ phải làm lụng vất vả mấy năm trời để trả hết số tiền đã vay, ai trong lúc bần cùng, nghe bạn bè rủ rê, sẽ đi ăn trộm ăn cắp?


Image copyrightAFP Getty Hoang Dinh Nam
Tại sao lại đồng cảm với họ?
Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ? Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa.
Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình.
*****
Tôi rất thích xem bản đồ. Nhìn cái quả cầu xanh xanh nhớ lại chỗ này chỗ kia mình đã đi qua. Nhớ cánh đồng lúa xanh mướt, nhớ con đường nho nhỏ chạy thẳng ra biển mà ở ven ven thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Nhớ những đỉnh núi hùng vĩ quanh năm tuyết trắng, nhớ những cánh rừng thông xào xạc chạy dọc bờ biển Đại tây dương. Chỗ nào cũng cảm thấy như nhà mình, trái đất là nhà mình, dù rằng có một vài điểm hình như thân thương hơn các điểm khác.
Nếu hay xem bản đồ thế giới, đến một lúc nào đó, bạn sẽ có một phát hiện rất lạ lùng. Hoá ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất. Đi tiếp sang phía đông, hay xuống phía nam là biển rộng, là đại dương.

Image copyrightvietnamtoday.netImage captionGS Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục trong một cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2014
Văn minh nhân loại được mở rộng và phát triển nhờ vào những cuộc viễn chinh, những làn sóng di dân. Chiến tranh và những cuộc di dân, vừa là tai hoạ cho cuộc sống con người, lại vừa là phương tiện chuyên chở tôn giáo, những tư tưởng nhân văn, những kiến thức về tổ chức xã hội, những phát kiến khoa học và kỹ thuật. Những cuộc chiến tranh, những cuộc di dân, những thảm hoạ đã từng cầy xới châu Âu cũng đã là một nguyên nhân làm cho nó trở nên phồn thịnh, văn minh.
Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa sự phát triển của văn minh của nhân loại. Chiến tranh, thực ra không nhiều, hầu như đều đến từ phương Bắc, người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, văn minh Trung Hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc Bộ.
Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung Hoa, họ cũng hiểu rõ họ cần thoát ra ngoài cái khung đó để mưu cầu hạnh phúc, và họ muốn thoát ra bằng mọi giá.
*****
Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt nam.
Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến Đại hôi lần này hơn hẳn so với những Đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.
Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.
Tôi không định nói chúng ta phải quay lưng lại với cốt cách của con người Việt Nam truyền thống. Đối với tôi, cậu thanh niên Nghệ An quần áo xộc xệch dáng vẻ lấm lét ở sân bay Narita, dường như thân thương hơn nhiều so với các nam thanh nữ tú Hong Kong dán mắt vào cửa kính các quầy hàng duty free.
Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.
Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.
Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của người viết, giáo sư hiện giảng dạy tại Hoa Kỳ.