Trang

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

1083. ĐẠO CHẲNG PHẢI HỘI LO CHÔN THÂY...


Đức Chơn Cực Lão Sư dạy ngày 18/07/1928:... Đạo chẳng phải một hội để lo chôn thây, cũng chẳng phải mối hàng để nhóng giá, mà chư Đạo hữu hiện thời đã thấy Đạo có ích về hai sự ấy mà thôi.... (Thánh ngôn hiệp tuyển Q 2 bản in 1963 trang 57 dòng 19).
1/- Thế nào là hội để lo chôn thây?

Nhìn vào tang tế sự của Đạo Cao Đài chúng ta thấy các nghi thức dành cho người quá cố từ khi tắt hơi đến khi đưa ra phần mộ đều được người đạo kết hợp với Bàn Trị Sự sở tại thực hiện trang nghiêm và chu đáo. Tất cả các nghi thức đều được thực hiện trong tinh thần công quả (không nhận tiền thù lao).
Việc thực thi nhân nghĩa qua tang tế sự của Đạo được xã hội đón nhận rất thân thiện và trân trọng. Với sự thuận lợi như thế người hành đạo phải có ý thức để đưa những giá trị căn bản của Đạo đến với nhơn quần xã hội.
Về mặt xã hội người hành đạo phải hiểu rằng Đạo thực hành tang tế sự là thể pháp còn bí pháp là an ủi và thức tỉnh nhơn quần xã hội:  ... Với người nghèo khó họ được an ủi rằng dù thế nào đi nữa thì vẫn còn Đạo chia xẽ khó khăn với họ, lo cho người quá cố không để cảnh chạy nợ, chạy nần lo ma chay, tống tán diễn ra... Với người bình thường họ đừng nên nghĩ đến việc kiếm tiền từ cái chết của đồng loại mà nên giúp đở trong tinh thần bất vụ lợi... Đó là một đầu cầu để cảm hóa và thu phục nhân tâm từ đó xây dựng tinh thần xã hội ngày một thân thiện, biết chia xẽ, biết giúp đở nhau hơn...
Khi Đức Chúa Jesu gặp các Thánh Tông Đồ còn đang đánh cá nơi mé biển để mưu sinh Ngài nói rằng: Hãy bỏ nghề đánh lưới bắt cá đi, Ta sẽ chỉ cho các ngươi cách đánh lưới bắt người... Các vị bừng tỉnh và lập tức bỏ thuyền, bỏ lưới lại đó đi theo...
Theo đó mà hiểu thì Đức Chí Tôn an bày tang tế sự trong tinh thần công quả như vậy để Đạo Cao Đài không nhận thù lao bằng tiền mà nhận thù lao bằng việc có thêm người hiểu đạo và muốn góp phần hành đạo.
Tiếng khóc than trong giờ hạ rộng,... cha con, chồng vợ, anh em, bằng hữu phân chia âm dương lưỡng lộ... từ đây có gặp nhau chăng chỉ còn trong giấc mộng vàng... tử biệt là khổ cảnh của kiếp nhân sinh và ai cũng phải trãi qua. Đức Chí Tôn đến để dụng cái chết đó để mở đường cho môn đệ lập công quả, dụng cảnh chết tạo ra cảnh sống tốt đẹp cho xã hội...
Từ công quả đó tạo nên nề nếp văn hóa Cao Đài. Văn hóa Cao Đài hình thành thì đó là tài nguyên và môi trường để nhiều người khác thức tỉnh và bước vào con đường công quả của chính mình....
Đạo Cao Đài không từ chối bất cứ một đám tang nào khi họ nhờ đến. Nhưng cần phải hiểu rằng: Tang tế là phương tiện để đi đến cứu cánh. Cứu cánh đó là giúp nhân loại hiểu được những giá trị căn bản của đạo và đi đến thực hành.
Hành đạo mà không hiểu được cứu cánh của tang tế sự là đã biến nền đạo của Đức Chí Tôn thành hội để lo chôn thây người chết.
2/- Những giá trị căn bản của Đạo Cao Đài là gì?
Công thức xây dựng xã hội của Đạo Cao Đài:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Theo đó thì hòa bình, dân chủ, tự do là những giá trị căn bản mà người theo Đạo Cao Đài có bổn phận thực hiện. Đó cũng chính là những giá trị căn bản, phổ quát và tất yếu trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, hay các công ước dân sự quốc tế mà nhân loại ngày nay đang hướng tới và tìm mọi cách để thực hiện.
Hòa bình thì Đạo có hòa bình chung sống. Dân chủ thể hiện qua 03 Hội lập quyền vạn linh, đó là dân chủ có nhân quyền. Tự do với công thức tự do trong đạo đức. Đạo đức và tôn giáo là hai mặt của một bàn tay. Không thể có bề nầy mà thiếu bề kia. Tự do tôn giáo là một gói quyền bao gồm quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do thông tin và quyền văn hóa....
Đạo đức phải thể hiện qua hành động. Hiện nay dân tộc Việt Nam đang sống trong ách nạn độc tài, người dân không có nhân quyền, tôn giáo không có tự do. Hội Thánh Anh của Đạo Cao Đài đã bị cốt, tang tế sự bị gây khó dễ... nhiệm vụ của người đạo là phải vận dụng mọi cánh cửa, mọi phương tiện để xây dựng lại Hội Thánh Anh; góp phần đem lại dân chủ, tự do cho dân tộc bằng phương pháp hòa bình (không dùng vũ lực).
Những người theo chánh giáo chơn truyền mà hiu hiu tự đắc rằng:... chúng tôi chỉ biết lo cúng kiến, lo cho đám tang đồng đạo mà thôi, lo đi xin tiền về lo cho chổ thờ phượng tốt đẹp... không cần biết đến xã hội có dân chủ, có tự do, có bất công hay không... đó chính là những người đã hiểu Đạo Cao Đài là hội để chôn thây.
Cả gan hơn họ còn lớn tiếng cáo buộc người đạo Cao Đài lo tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, lo cho dân chủ, tự do của dân tộc là làm chính trị. Lập luận nầy thể hiện rằng:
./- Họ không hiểu giá trị căn bản của đạo là hòa bình, dân chủ, tự do và người đạo có bổn phận phải thực hiện.
./- Họ đã chối bỏ nhiệm vụ của người đạo là đem công lý đánh đổ cường quyền. Họ chối bỏ lời dạy: Ngày nào còn bất công thì Đạo Cao Đài chưa thành nên lo tụng kinh hằng ngày và gỏ mõ thâu đêm...bỏ mặc cường quyền dày xéo đồng loại...
./- Hoặc là họ hiểu nhưng không dám thi hành bổn phận vì sợ nhà cầm quyền động chạm đến chén cơm manh áo, bóp nghẹt công ăn việc làm của họ thậm chí sợ ảnh hưởng đế công danh sự nghiệp của con cháu họ.

Dù ở diện nào đi nữa họ cũng là những người đã xúc phạm đến những giá trị căn bản của đạo và biến Đạo Cao Đài thành hội chôn thây./.