Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

41. CÁO LỖI & ĐIỀU CHỈNH.


CÁO LỖI & ĐIỀU CHỈNH.
“Trang bìa quyển Đức Tin Ký Sự”

Trong quyển ĐỨC TIN KÝ SỰ Ban biên soạn của Khối Nhơn Sanh đã vi phạm Chương Trình Hiến Pháp ngày  ngày 14 tháng 7 Mậu Thìn (28 -08- 1928) của Hội Thánh ĐĐTKPĐ.

Ðiều thứ 22: -Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh sách, Bố cáo, vân vân... hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không) nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt.

Châu tri ngày 30-02-Tân Mùi (18-04-1931) Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt có nhắc lại và dặn bổn đạo tuân hành.

 Ban biên soạn xin nhận lỗi đã in hình Thiên Nhãn thờ tại tư gia mẫu của Hội Thánh ĐĐTKPĐ ban hành từ ngày khai đạo. Ảnh thiên nhãn là hoàn toàn đúng với bản gốc còn cái sai đây là quyền ĐỨC TIN KÝ SỰ chưa được Hội Thánh phê duyệt mà sử dụng Thiên Nhãn để vào trang bìa. Cái sai không ở tấm ảnh mà sai ở cách dùng tấm ảnh chụp.
(Xin nói rõ vì một số bạn đọc có thắc mắc về số tia trên trên ảnh)
Ban biên soạn xin thay ảnh chụp Thiên Nhãn trên bằng ảnh con hạc hòa bỉnh nơi Đền Thánh.
Trong việc phục hồi cơ đạo Khối Nhơn Sanh chủ trương lấy văn bản Hội Thánh làm gốc để vãn hồi bản sắc trong lành của Đạo.
Một lần nữa xin nhận lỗi và sửa lỗi.
(Quí vị nào đã có quyển Đức Tin Ký Sự xin vui lòng lấy giấy trắng dán hình thiên nhãn lại. Khi có photo xin vui lòng che hình Thiên Nhãn bằng tờ giấy trắng ấy là quí vị giúp cho Ban biên soạn giảm nhẹ cái lỗi đã gây ra –
Xin thành thật cảm ơn)

Nay kính.

NGUYÊN VĂN CHÂU TRI 15.


TÒA THÁNH
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
-----
(Ðệ Lục Niên)
Số: 15




Tòa Thánh, le 18 Avril 1931
(Ngày 30 tháng 2 năm Tân Mùi).

CHÂU TRI


- Cho Chư Chức Sắc Thiên Phong,
- Chư vị Chủ Thánh Thất,
- Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự,
- Chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái.
 
Chư Hiền Hữu,
Ðạo có một, một gốc, một nguồn mà thôi. Hồi xưa Phật, Tiên, Thánh, mỗi khi truyền Ðạo có người trong Ðạo tẻ ra tự lập, chia phe, phân phái, rốt cuộc rồi vẽ rồng thành rắn; xin Chư Hiền Hữu xét kỹ coi, cổ hà, kim hà?
Từ hồi Ðại Ðạo Tam Kỳ hoằng khai tới giờ, trong nền Ðạo có lắm điều trắc trở truân chuyên là vì không giữ trật tự, không có hòa thuận với nhau, mà huyền bí trong Ðạo là hòa, là trật tự, khiêm cung lễ nghĩa.
Nhiều khi Ðấng Chí Tôn hỏi:
"Các con thấy trong Càn khôn Thế giới, nội trong vạn vật, Thầy hóa sanh ra có giống nào mà không trật tự, đẳng cấp chăng?"
Luôn dịp tôi cũng biên ra đây mấy lời khuyên đời của một vị hiền triết:
Ong kiến là loài rất tế vi,
Nó còn ưu ái chẳng quên nghì.
Làm người ví biết hai điều ấy,
Thử hỏi ai mà lại dám khi?
Chúng ta học làm được như loài kiến vậy, tưởng cũng tốt.
***
Hồi năm Mậu Thìn, Ðức LÝ GIÁO TÔNG giao cho Ông Phối Sư Thái Ca Thanh lập chương trình Hiến Pháp. Ngày 14 tháng 7 Mậu Thìn (28 Aout 1928) khi Lễ Trung Ngươn có nhóm Hội Thánh, có lập vi bằng ký tên. Tôi xin lục rút tờ Vi Bằng ấy ra sau đây cho Chư Hiền Hữu xem:
***
Tòa Thánh Tây Ninh, le 28 Aout 1928

VI BẰNG

Chiều ngày 14 tháng 7 Annam, năm Mậu Thìn, y theo tờ mời nhóm của Hiệp Lý "Cửu Trùng Ðài", các Quản Lý "Cửu Viện" tựu tại Tòa Thánh hồi 7 giờ tối với các Chức Sắc Thiên Phong có mặt kể ra sau này:
Ông Phối Sư Thái Ca Thanh đọc chương trình Hiến Pháp.

CHƯƠNG TRÌNH HIẾN PHÁP

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

CHƯƠNG THỨ V

Ðiều thứ 22: -Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh sách, Bố cáo, vân vân... hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không) nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt.
Ðiều thứ 23: -Ai phạm nhằm hai điều lệ trên đây thì các Kinh sách, Tượng ấy phải đem nạp cho Tổng Lý hủy bỏ. Người có lỗi ấy sẽ giao về Bình Viện phân đoán, chiếu theo điều lệ thứ 9 (Chương III)
Thảng như người ngoại Ðạo mà phạm nhằm điều lệ thứ 22 thì Quản Lý Nội Viện chạy tờ Châu Tri cho Chư Ðạo Hữu các nơi biết, mà không dùng đến Kinh sách, Tượng in sái phép ấy.
Ðiều thứ 24: -Kể từ ngày ban hành "Chương Trình Hiến Pháp" duy có một mình Hội Thánh "Cửu Trùng Ðài" được quyền in Kinh sách, Tượng để hiệu "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ".
Lập tại Tòa Thánh, ngày Rằm tháng bảy năm Mậu Thìn.
Ký tên:
Chưởng Pháp:
Trần Ðạo Quang
Ðầu Sư:
Thượng Trung Nhựt - Ngọc Lịch Nguyệt
Chánh Phối Sư:
Ngọc Trang Thanh - Thượng Tương Thanh - Thái Thơ Thanh
Phối Sư:
Thái Ca Thanh - Thái Bính Thanh
Giáo Sư:
Thượng Thành Thanh - Thượng Giảng Thanh -
Thượng Vinh Thanh (Nguyễn thế Vinh) -
Thượng Lai Thanh - Ngọc Tựu Thanh
Giáo Hữu:
Lê Châu Trì - Lê Văn Sanh - Ðỗ Quang Ngự -
Trần Quang Minh - Tuyết Tấn Thành
Lễ Sanh:
Nguyễn Văn Phùng
Lục rút y bổn chánh lưu tại Tòa Thánh.
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
***
Tôi cũng xin sao lục Thánh Ngôn của Ðấng Chí Tôn hồi năm 1928 cho Chư Hiền Hữu xem:
THẦY, các con.
Trung! Thầy đã nhiều phen để lời khuyên nhủ các môn đệ về việc dùng công tâm hòa thuận mà hành đạo cho vuông tròn phận sự, mà Thầy những buồn trông thấy các con chưa gì đã vội phân tay chia nẻo, mỗi đứa đều lấy sự háo danh cầu tiếng mà quên cả nghĩa vụ xứng đáng của Thầy đã lắm phen ký thác.
Thầy dẫn các con đến khỏi mấy nơi khốn cùng rồi, mà các con chưa để hết tấc thành, chung lo đặng ngăn ngừa những gay trở xảy đến sau nầy nữa, thì nền Ðạo thế nào lập thành cho kịp ngày giờ mà vớt muôn ngàn sanh chúng. Một đứa vun quén, mười đứa cản ngăn, nhỏ lớn chẳng phân minh, xem Thiên tước của Thầy ban, dường như một chức vô vị ở cõi trần. Lấy thế lớn, bực cao mà ép đè hạnh nhiều, đức cả.
Than ôi! Các con xa Thầy chưa mấy ngày thì mối Ðạo lớn lao đã thành nên một bàn hội vô giá trị ở cõi trần thế nầy. Mấy đứa mong chác sự phá hoại ấy lại là mấy ngọn đèn của Tòa Tam Giáo khêu lên để dìu đường cho cả chúng sanh nữa thì con phải nghĩ đến hành trình của Ðạo phải đến thế nào? Công chỉ dẫn của Thầy đã lững đững theo giọt thủy triều mà rốt cuộc lại, bến khổ cũng chưa xa, ngôi xưa còn lánh mãi. Thảm thay! Tiếc thay! Thầy đã nói bầy hổ lang, lũ quỉ mị đã sẵn bên mình của mỗi đứa, mà con lớn nhỏ gì cũng chẳng để ý đến, Thầy nắm cân Thiêng Liêng, há dễ để tay sửa nét công bình sao? Nhiều đứa lại chẳng kể đến lời Thầy gì cả. Ôi! Con ngỗ nghịch tránh sao chẳng vướng Thiên Ðiều khổ đọa, chúng nó đã gieo ác cảm lừng đến Tam Giáo Ðài, thế thì bước đường sau nầy Thầy khó cứu rỗi được.
Con đã để hết tấc thành vào Ðạo, thế mà cũng khó gỡ sự rối rắm ấy, buộc Thầy phú rủi may của chúng nó cho Tòa Tam Giáo định liệu. Còn sự tự hối của mỗi đứa sau nầy ra sao, thì cân tội phước cũng vì đó mà châm chế.
Trước khi ngưng cơ, Thầy cho lịnh DÙNG CƠ BÚT THẾ NÀO, Thầy tưởng mỗi Thiên Phong đều đặng Thánh Ngôn của con ban hành, sao còn có ra đến việc bất minh ấy, là con chẳng nói tất cho mỗi Thiên Phong rõ và ban hành Thánh ý, để cho chúng nó chác lỗi vào mình, thì con cũng không khỏi chia một phần trong ấy.
Từ đây sao lục Thánh Ngôn nào không có con ký tên và không có con dấu ấn tích của con, thì Chư Tín Ðồ của Thầy được phép không nhìn nhận.
Sao lục y bổn chánh,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT
***
Ngày nay, nhiều Chức Sắc Thiên Phong tự tôn, tự đại, chấp bút cầu cơ rồi in Thánh Ngôn, Kinh sám, không màng, không do Hội Thánh.
Như quyển Tu Chơn Thiệp Quyết, Thánh Giáo Chơn Truyền, Thánh Ngôn về Chánh Tà Yếu Lý (Thánh Thất Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho) cũng lấy danh Ð.Ð.T.K.P.Ð. để ngoài bìa cho Ðạo Hữu Lưỡng Phái và Nhơn sanh tin tưởng lầm của Ðại Ðạo Tam Kỳ nảy ra.
Nhiều vị cũng chấp bút, cầu cơ, phong Giáo Sư, Giáo Hữu, Lễ Sanh, rồi sắm sắc phục và đi các nơi cho Ðạo Hữu biết tước phẩm mình và khoe khoang chỉ cho người luyện Ðạo, khoe mình huyền diệu, vân vân...
Những sự việc xảy ra đây làm cho tôi nhớ lời Thánh Giáo của Ðức Thái Thượng nói tiên tri rằng:
"Rồi đây có kẻ muốn tẻ nẻo, người toan tự lập, trường công quả lao nhao lố nhố.
Người hành đạo không tôn ti cao hạ, tranh tranh, lấn lấn khác nào như nước không vua, nhà vắng chủ. Cái chất mảy mún thiêng liêng của Ðức Chí Tôn gieo vào lòng dạ; vì Tà Thần, lần hồi tiêu tan theo luồng gió. Nhìn lại cho rõ, thì ai cũng còn mang nặng trịu xác thịt, thân phàm.
Xảo trá chưa sánh đặng cùng Tào Mạnh Ðức, chí lớn lo xa chưa bì với Tôn Quyền, đoạt máy Thiên Cơ chẳng bằng muôn một của tài Gia Cát, mà nền Ðạo đã khởi muốn chia ba".
***
Bởi các cớ ấy, nên Ðức Lý Giáo Tông dạy phải lọc lừa Chức Sắc Thiên Phong lại.
Bởi muốn ngăn ngừa mấy việc bất chính ấy.
Bởi muốn cho Ðạo Hữu lưỡng phái đừng lầm nghe những người, vì hờn riêng, nên đi gieo ác cảm đặng chia lìa con cái của Thầy ra tan tành, manh mún, dường như khuấy tan niềm ân ái, công trình Thầy un đúc xưa nay.

Nên từ đây:

Chư Chức Sắc Thiên Phong, Ðầu Họ, Ðầu Quận Ðạo, đi phổ thông thì có Tờ Thuyên Bổ của Tòa Thánh ban quyền.
Mấy Tờ Thuyên Bổ trước khi lập Tòa Tam Giáo, thì hủy bỏ hết. Tòa Thánh nhìn nhận Tờ Thuyên Bổ ra sau khi Tòa Tam Giáo. Nghĩa là: từ ngày mồng một, tháng chạp, năm Canh Ngũ (1930) sắp tới mà thôi.
Còn tại Tòa Thánh có sai ai đi việc chi trong Ðạo, thì có giấy "Ordre de route". (Lộ trình thơ)
Bất luận Thiên Phong, Chức Sắc hay là Ðạo Hữu đi truyền hay là nói chuyện chi mà không có trình giấy tờ nói trên đây thì là người giả dối, mạo quyền hay là vì hờn riêng mà đi sanh chuyện phá rối trong Ðạo.

Xin lưu ý:

Tòa Thánh không nhìn nhận mấy quyển "TU CHƠN THIỆP QUYẾT, THÁNH GIÁO CHƠN TRUYỀN, THÁNH NGÔN" của (Thánh Thất Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho).
Ai không tuân thì sẽ bị tội.
Rồi đây sẽ lọc lừa Thánh Thất không tùng Tòa Thánh, thì Tòa Thánh không nhìn Thánh Thất ấy là của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ nảy ra.
Xin Chư Hiền Hữu rán lập thế phát Châu Tri nầy ra cho nhiều cho Chư Ðạo Hữu lưỡng phái lãm tường.
Nay kính,
Thượng Ðầu Sư
THƯỢNG TRUNG NHỰT.  
(Ấn Ký)

BAN BIEN SOẠN LƯU Ý.
Lưu ý: Chương trình hiến pháp ra năm 1928. Đến năm 1931 Ngài Thượng Trung Nhựt nhắc lại. Câu: Một đứa vun quén, mười đứa cản ngăn,...nghĩ mà đau lòng...KÍNH.





TRANG  BÌA ĐỨC TIN KÝ SỰ ĐÃ ĐIỀU CHỈNH.


NAM MÔ
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG
ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.






ĐỨC TIN KÝ SỰ
“PHÁI ĐOÀN KHỐI NHƠN SANH
HÀNH ĐẠO MIỀN TRUNG TỪ 16/22-06-GIÁP NGỌ”.

                         BẢN IN LẦN 02: 27-07- GIÁP NGỌ (22-08-2014).
(ĐÃ THAY HÌNH THIÊN NHÃN
BẰNG HÌNH CON HẠC HÒA BÌNH)
                                                          
                                                                     KÍNH BIẾU.