Quả không thể xem thường sự mê muội của số đông vì nó có khả năng phá hủy một quốc gia tàn khốc hơn người ta nghĩ. Nhưng xét cho cùng, họ cũng là nạn nhân, là quân cờ của những cuộc tung hứng tinh vi, có hệ thống.
Cuối năm nghĩ về phước báu dân tộc
Nhã Duy
31-12-2023
Báo Tiếng Dân.
Một số tin tức về xá lợi Phật mà YouTube tự hiện lên, như: Pháp thoại “Phước báu cúng dường xá lợi Phật” của thầy Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, nơi đặt “xá lợi tóc” cho hàng vạn người đến chiêm bái, và là đề tài bàn luận trên mạng trong tuần qua.
https://baotiengdan.com/2023/12/31/cuoi-nam-nghi-ve-phuoc-bau-dan-toc/
Nghe tên và có đọc tin tức đó đây về vị sư này vài năm qua, nhưng tôi chưa bao giờ xem qua pháp thoại của ông, một phần vì cái tiêu đề của đoạn phim cũng đã ít nhiều lồng chứa ý đồ kêu gọi Phật tử về “phước báu cúng dường” nên xem thử một đoạn phim để biết thêm về ông và xem ông ta kêu gọi ra sao. Xem cho biết, chứ không phải để nghe “pháp thoại” từ một thanh niên xuất gia và tu tập trễ, lại chẳng mấy căn bản Phật pháp, lại trở thành một trong những vị sư được chú ý và gây tranh cãi ở Việt Nam.
Ở phút thứ 18, sư bảo rằng, khi hàng vạn người thiện tâm đổ về chùa Ba Vàng để học theo thánh tổ Trần Nhân Tông và phát tâm đảnh lễ xá lợi thì đó là một duyên lành, sinh ra phước báu và phước báu đó sẽ là phước báu chung của cả dân tộc, cả đất nước. Vị sư này bảo, “một dân tộc có phước báu thì không ai có thể làm gì được và dân tộc đó sẽ phát triển“.
Sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia đến từ “phước báu” và chỉ cần đảnh lễ, cúng dường là tạo ra “phước báu” hay sao? Sự phát triển một quốc gia dễ dàng đến vậy sao?
Một quốc gia phát triển là một quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng, có thể chế chính trị ổn định, có một xã hội văn minh và thu nhập cùng quyền tự do, nhân quyền của người dân cũng được phát triển và bảo vệ. Đó là vài điều căn bản nhưng không giới hạn ở ngần đó.
Tất cả những điều này đến từ hệ thống lãnh đạo quốc gia cùng trách nhiệm và sự đóng góp của người dân. Nó là chiến lược và những hành động cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ hay ru ngủ bằng sự huyễn hoặc hay “phước báu” như kiểu “pháp thoại” nói trên.
Nếu hàng vạn, hàng triệu người mà tin như vậy, đó là sự bất hạnh của một dân tộc chứ không phải là phước hạnh.
Một số người bảo rằng, lỗi là do những người mê muội, mê tín hơn là những người có đức tin tôn giáo đích thực. Mà sự mê muội có thể đến từ sự cuồng tín tôn giáo hay chính trị, đến từ sự sùng bái cá nhân hay tinh thần dân tộc hảo, hiện hữu tại bất cứ quốc gia nào. Đó là vấn nạn đầy thách đố của quốc gia đó.
Quả không thể xem thường sự mê muội của số đông vì nó có khả năng phá hủy một quốc gia tàn khốc hơn người ta nghĩ. Nhưng xét cho cùng, họ cũng là nạn nhân, là quân cờ của những cuộc tung hứng tinh vi, có hệ thống. Để rồi một lúc nào đó, hy vọng là họ cũng tự phát hiện ra mình là nạn nhân của những trò lừa đảo.
Còn phước báu dân tộc ư?
Hãy xác định vị thế của dân tộc mình đang ở đâu? Quốc gia mình đang tụt hậu hay phát triển so với thế giới về kinh tế và chính trị. Văn minh và đạo đức xã hội trong người dân như thế nào? Và đời sống, niềm vui và sự tự do trong những quyền căn bản của con người có được ra sao. Chiến lược phát triển và kế hoạch thực hiện là gì?
Bước vào năm mới, chừng nào một dân tộc còn đang loay hoay hay đang đối diện với quá nhiều vấn đề trong từng câu hỏi rất cũ như trên, phước báu dân tộc vẫn còn ở xa lắm, nếu đó là điều có thực.