VNTB- Tạm kết thúc khủng
hoảng Đồng Tâm: Nhân dân giành thắng lợi chưa từng có!
22.4.17. Việt Nam Thời Báo. Phạm Chí Dũng
(VNTB) - Vào ngày
thứ 8 của cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm - 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người
dân thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc
trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch
sử tranh đấu của dân oan Việt Nam: chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội “bắt giữ người
trái pháp luật”.
Ngay lập tức, chính quyền
đã nhận được 19 cảnh sát cơ động còn lại từ phía người dân Đồng Tâm.
Bản cam kết có chữ ký của
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ĐBQH Đỗ Văn Đương, Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc.
Tiền lệ phòng vệ chính
đáng
Chỉ ngay trước ngày
22/4 trên, trong khi những luật sư bảo vệ nhân quyền đã chứng minh rằng việc
người dân Đồng Tâm bắt giữ công an chỉ là hành động mang tính phòng vệ chính
đáng, nhiều tin tức cho biết trong nội bộ chính quyền và đặc biệt trong giới
công an vẫn vừa hậm hực vừa hung hãn đòi hỏi “chúng nó bắt người của mình mà
cho qua thì tạo tiền lệ rất xấu, làm sao sau này trị được?”, cùng những “sáng
kiến” dùng lực lượng tinh nhuệ tấn công thôn Hoành trong làng Đồng Tâm để giải
cứu các “con tin”.
Nhưng cũng có nhiều nguồn
tin từ dư luận xã hội cho rằng “nội bộ các cơ quan thi hành pháp luật cãi nhau
như mổ bò nhưng cuối cùng chẳng có cơ quan nào dám xung kích đương đầu với
dân”.
Sau vụ giáo dân Hà Tĩnh
chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà vào tháng 3/2017, vụ nông dân Đồng
Tâm đặt dấu ấn trong lịch sử phản kháng chế độ bằng hành động bắt giữ cả một
trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức vừa công an vừa chính quyền đã
chính thức chấm dứt thời hoàng kim công an trị. Khác hẳn với cảnh trước đây
công an gần như muốn bắt ai thì bắt và không hề nương tay với dân oan đất đai,
bây giờ hầu như toàn miền Bắc, một phần miền Trung và có thể cả một số địa
phương ở miền Nam, đều tràn ngập “điểm nóng đất đai” mà có thể phát sinh việc bắt
giữ cá nhân công an hay đơn vị công an vào bất kỳ lúc nào nếu bị đàn áp.
Còn quân đội?
Không hề dễ dàng để một
cộng đồng nông dân đưa chính quyền vào thế buộc phải đàm phán và phải cam kết sẽ
không truy tố họ. Sau chuỗi tranh đâu gian khổ của nhiều cộng đồng dân oan đất
đai trước đây mà nhiều người trong số họ đã bị công an tống vào nhà giam từ năm
này sang năm khác, khủng hoảng xã hội Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và
người dân, điển hình là ngư dân Hà Tĩnh và nông dân Đồng Tâm, đã vượt qua ranh
giới sợ hãi trong lòng. Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ
môi trường sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng
vệ chính đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao
nhiêu, nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh
sát, an ninh càng run rẩy bấy nhiêu.
Sự nhượng bộ nhanh
chóng của chính quyền Hà Nội trước nhân dân Đồng Tâm cũng cho thấy Bộ quốc
phòng - được xem là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)
và có lợi ích mật thiết với diện tích đất nông nghiệp đang muốn thu hồi ở Đồng
Tâm - đã không dám dùng lực lượng quân đội để tấn công vào nhân dân, khác hẳn với
“trận đánh đẹp” công an và quân đội vào gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải
Phòng năm 2012.
Một sĩ quan quân đội giấu
tên đầy bức bối: đừng có nói quân đội chung chung mà tội nghiệp, mà hãy tách biệt
rõ ràng giữa những nhóm nhiều tiền lắm của, lợi dụng chính sách để trục lợi
trong quân đội, với một tỷ lệ lớn hơn hẳn là những sĩ quan, chiến sĩ không liên
quan gì đến các dự án kiếm tiền, càng không liên đới gì nạn tham nhũng trong
quân đội. Chính khối sĩ quan và chiến sĩ ấy sẽ không cam tâm nghe lệnh cấp trên
để quán triệt dân như lực lượng thù địch và tấn công dân. Quân đội Việt Nam vẫn
còn giữ được một cái gì đó không cho phép chủ nghĩa lợi ích lũng đoạn…
Thắng lợi của nhân dân
Đồng Tâm ngày hôm nay cũng chính là một chiến thắng trước các nhóm lợi ích tham
tàn ở Việt Nam.
Còn nhiều thử thách
Nhưng hãy đừng bao giờ
quên những bài học đau đớn trong lịch sử. Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh
Phụ, Thái Bình năm 1997 - những cuộc “khởi nghĩa” của người nông dân cũng bước
đầu giành thắng lợi, nhưng sau đó không lâu đã bị những đòn chơi bẩn của chính
quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.
Phía trước người dân Đồng
Tâm, cùng dân oan đất đai ở nhiều tỉnh thành khác, vẫn còn nhiều việc phải làm
và phải kiên tâm tranh đấu.
Thông thường, công an sẽ
chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không
khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả “bắt nguội”.
Kinh nghiệm xương máu đã là quá nhiều ở Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái
Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận... và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Còn nếu do e sợ phản ứng
cộng đồng của người dân cùng sự lên án vi phạm nhân quyền của cộng đồng quốc tế
mà chưa dám hồi tố bắt người, liệu công an có lặp lại những hành vi chơi xấu đối
với người dân, đặc biệt là người lãnh đạo của cộng đồng xã Đồng Tâm, như thường
làm trước đây?
Một bài học cận kề vào
năm 2011 là làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cũng từ cuộc đấu tranh
chống tham nhũng và trưng thu đất đai vô lối mà 13 ngàn người dân làng này đã
giành thắng lợi trogn một cuộc đấu tranh “rào làng kháng chiến”, bắt buộc chính
quyền Bắc Kinh thời Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải đàm phán và để cho Ô Khảm trở
thành làng đầu tiên trong cả Trung Quốc được bầu cử tự do, với kết quả trưởng
làng là một người được dân làng bầu lên chứ không phải là quan chức được chính
quyền ấn xuống.
Nhưng chỉ sau vài năm,
chính người trưởng làng đó đã bị chính quyền trả thù bằng việc vu tội và bắt
giam ông.
Đồng Tâm lại là một
hình ảnh của Ô Khảm, ở Việt Nam.
Hãy vững tin!