21.4.17. Việt Nam Thời Báo.
Thiền Lâm
(VNTB) - Không
thể tin lời cam kết của ông Nguyễn Đức Chung, nếu không có một cam kết bằng văn
bản, do chính Giám đốc Công an Hà Nội và Bộ trưởng công an cùng ký, khẳng định
sẽ không truy tố người dân Đồng Tâm sau khi cuộc khủng hoảng này tạm kết thúc.
Trong vụ Dương Nội, Hà Nội, thủ lĩnh dân oan Cấn
Thị Thuê đã bị chính quyền và công an dùng nhiều tiểu xảo và thủ đoạn để chơi xấu
và sau đó bắt giam.
Chỉ sau khi bao vây, phong tỏa xã Đồng Tâm đến 5 ngày, bồi
thêm bởi một trận đánh lén của 300 “quần chúng tự phát” mà ai cũng nhìn rõ là
côn đồ mang dao kiếm mà không thể khiến nhụt chí người dân Đồng Tâm, nhà cầm
quyền Việt Nam mới phải hạ mình đưa cựu thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung đến
“đối thoại” với dân vào chiều 20/4/2017.
Nhưng rõ ràng là chủ tịch Hà Nội sợ. Rất logic với một đoạn
trong cuộc trao đổi trước đó qua điện thoại của ông Nguyễn Đức Chung với một
người dân Đồng Tâm rằng “Nếu tôi xuống xã Đồng Tâm thì liệu người dân có bắt
tôi không?”, ông Chung đã không hề dám đặt chân vào “vùng chiến sự”, mà chỉ cho
huyện Mỹ Đức mời người dân Đồng Tâm đến trụ sở huyện cách Đồng Tâm đến 15 km để
đối thoại.
Nhưng đã không một người dân nào muốn bén mảng đến huyện. Như
nhiều người dân Đồng Tâm đã bộc lộ, họ mất hoàn toàn niềm tin vào chính quyền
và không còn tin vào bất kỳ lời hứa hẹn hay cam kết nào từ giới quan chức. Họ
còn sợ rằng khi huyện ủy mời 100 người đại diện của xã Đồng Tâm đến trụ sở huyện
ủy, những chiếc xe chở họ có thể chạy thẳng vào… trại giam.
Rốt cuộc, chỉ còn là cuộc “đối thoại” giữa ông Chung với… huyện
ủy Mỹ Đức.
Trong cuộc “đối thoại” trên, ông Nguyễn Đức Chung vội vàng
thông báo hai việc quan trọng: thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá
trình sử dụng đất khu vực sân bay Miếu Môn, Hoài Đức, Hà Nội; và cam kết không tấn công vào thôn ở Đồng
Tâm.
Liệu có tin được không?
Việc thanh tra quá
trình sử dụng đất khu vực sân bay Miếu Môn, đáng lẽ chính quyền Hà Nội đã phải
làm từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ - khi đã xảy ra hậu quả quá lớn
cho người dân - mới thanh tra.
Còn lời cam kết sẽ không tấn công vào xã Đồng Tâm liệu còn
chút giá trị gì khi ngay đêm 19/4 đã có đến 300 côn đồ, mà nhiều người rất nghi
rằng phần lớn trong đó là lực lượng công an trà trộn đóng giả, đã tìm cách “thọc
sâu” để tấn công công bà con Đồng Tâm?
Trong thực tế áp chế dân oan đất đai ở Việt Nam từ mấy chục
năm qua, đã có quá nhiều bằng chứng về việc chính quyền nuốt lời: khi cưỡng chế
không được và bị dân phản ứng quyết liệt, liền hứa hẹn hoặc cam kết sẽ cho kiểm
tra, thanh tra và làm một số động tác xoa dịu người dân; nhưng sau vài ba tháng
khi không khí phản ứng của người dân lắng xuống, chính quyền và công an lập tức
ra tay, ban hành lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bớ hàng loạt người
dân.
Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Dương Nội - Hà Nội… và
nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam là những bằng chứng quá sống động để minh chứng
về một chính quyền không cần biết liêm sỉ khi đưa ra hứa hẹn hoặc cam kết.
Vậy ai có thể tin lời cam kết của ông Nguyễn Đức Chung? Hoặc
giả dụ ông Chung có cam kết thật, nhưng nhiều cấp trên của ông ta lại âm thầm
ra tay bắt bớ người dân Đồng Tâm, sau khi dân chịu thả vài chục cảnh sát còn lại?
Để tất yếu sau đó, khi đã nắm đằng chuôi, chính quyền sẽ kéo dài bất tận quá
trình “thanh tra sân bay Miếu Môn”, chẳng cần quan tâm gì đến các vụ đất của
dân Đồng Tâm bị chiếm và thu hồi trái phép, đồng thời ra lệnh khởi tố và bắt
giam hàng loạt người dân Đồng Tâm - tái hiện vụ đàn áp Thái Bình 1997 mà trong
đó nhiều lãnh đạo nông dân đã rơi vào cảnh bị hồi tố tàn khốc…
Không thể tin lời cam kết của ông Nguyễn Đức Chung, nếu không
có một cam kết bằng văn bản, do chính Giám đốc Công an Hà Nội và Bộ trưởng công
an cùng ký, khẳng định sẽ không truy tố người dân Đồng Tâm sau khi cuộc khủng
hoảng này tạm kết thúc.