21.4.17. VOA. Việt Nam Thời Báo.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã chuyển
thư của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn
Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 20/4 tại thủ đô Washington.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald
Trump (bên trái) chính thức mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm
Hoa Kỳ.
Hãng tin Reuters tường trình ông McMasster chuyển
lời cảm ơn của Tổng thống Donald Trump và khẳng định Tổng thống Trump sẽ sang
thăm và tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11
năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi tiếp ông Phạm
Bình Minh hôm qua cũng bày tỏ hy vọng sẽ có dịp ghé thăm Việt Nam trong thời
gian tới.
Nhận định về mối quan hệ Việt-Mỹ hiện nay, ông Phạm
Trần Anh, sử gia kiêm Chủ tịch Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt
Nam tại California cho VOA biết chính quyền ông Trump sẽ giúp góp phần “chuyển
đổi lịch sử” của Việt Nam:
“Tôi hy vọng rằng ông Donald Trump với chủ trương
đường lối quyết liệt sẽ đóng góp vào chuyển đổi lịch sử. Với tình hình khách
quan của thế giới tác động, nhất là khi Hoa Kỳ đã ký một hiệp định khai thác dầu
khí Exxon Mobil với Việt Nam, lúc này quyền lợi của Hoa Kỳ đã cùng với quyền lợi
của Việt Nam, thì họ sẽ là đồng minh của chúng ta.”
Ngày 26/3 vừa qua, Tập đoàn Exxon Mobil của Hoa Kỳ
đã chính thức ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam một thỏa thuận hợp tác đầu tư dự
án mỏ khí Cá Voi Xanh, một dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ nằm
ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1
giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi và 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm
có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối với bờ biển Chu Lai.
Trả lời phỏng vấn VOA trong cuộc họp báo hôm
20/4, Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Nam Á Patrick Murphy nói rằng
mặc dù Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP nhưng Hoa
Kỳ “vẫn không thay đổi cam kết mạnh mẽ của mình đối với khu vực.”
Trong các cuộc họp với ngoại trưởng các nước
Malaysia, Singapore, và Việt Nam, ông Murphy cho biết ông Tillerson đã trao đổi
các vấn đề về thương mại, an ninh khu vực, khủng bố, vũ khí giết người hàng loạt,
tranh chấp lãnh hải, buôn người, buôn ma tuý, động vật hoang dã, bệnh truyền
nhiễm, thực thi pháp luật và nhiều vấn đề khác.
Theo báo Tuổi trẻ, trong cuộc họp với ông Phạm
Bình Minh, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh McMaster khẳng định tầm
quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại Biển
Đông. Ngoại Trưởng Tillerson ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng
biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở
luật pháp quốc tế.
Được biết trong cuộc gặp với ông Phạm Bình Minh,
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói Hoa Kỳ ủng hộ việc Việt Nam tiếp tục được
hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới.
Ông Phạm Trần Anh nói rằng dù các giới chức trong
chính quyền Donald Trump ít khi đề cập đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam,
nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền đương nhiệm Hoa Kỳ không quyết tâm
bảo vệ nhân quyền. Ông nói:
“Cái quan trọng nhất: không phải nói nhiều về
nhân quyền là bảo vệ nhân quyền; không phải không nói về nhân quyền là không bảo
vệ nhân quyền.”
Cùng quan điểm với nhà sử học Phạm Trần Anh, bà Đỗ
Thị Minh Hạnh, đại diện cho Phong trào Lao động Việt tại Việt Nam nói rằng bà
nghĩ rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục quan tâm đế nhân quyền Việt
Nam:
“Tổng thống Trump lên làm tổng thống thì có nhiều
chuyển biến và chính vì những chuyển biến này họ không kịp thời quan tâm vấn đề
nhân quyền của nước khác, nhưng tôi tin rằng trong tương lai thì Mỹ sẽ tiếp tục
quan tâm tới vấn đề nhân quyền, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.”
Tổng thống Donald Trump đã ra dấu hiện cho thấy
ông có ý định phục hồi quan hệ Mỹ-Việt. Theo báo USA, bức thư vào đầu tháng này
của Tổng thống Donald Trump gửi cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể “làm giảm
bớt lo ngại của Hà Nội rằng Washington đã tạm ngừng hỗ trợ cho Việt Nam, mặc dù
các nhà phân tích cho rằng điều đó không có nghĩa là quan hệ hai nước sẽ có bất
kỳ bước đột phá nào.”
Việt Nam đang tìm kiếm một thoả thuận thương mại
song phương với Hoa Kỳ để thay thế Hiệp định TPP.
Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc nói với một phái đoàn doanh nhân Mỹ hôm 9/3 rằng ông đã sẵn sàng để thăm
Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng ông hy vọng sẽ gặp Tổng thống Donald Trump trong các
cuộc đàm phán về thương mại và các vấn đề khác.
Ông Phúc được VGP News dẫn lời khẳng định rằng
chính phủ Việt Nam “coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ
theo hướng thực chất, toàn diện, ổn định và lâu dài trên cơ sở tôn trọng thể chế
chính trị của nhau…”
Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook dẫn lời
ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống
Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New
York”.
Theo báo New York Post, dưới chính quyền cựu Tổng
thống Hoa Kỳ Barack Obama, Việt Nam đã vun đắp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên một tầm
cao mới, với mong muốn Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện an ninh ở châu Á trước những
tuyên bố lãnh thổ của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Naval Today đưa
tin rằng tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của lực lượng Tuần duyên Mỹ đã được loại
khỏi biên chế vào ngày 18/4 và sẽ được chuyển giao cho Việt Nam theo chương
trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).
Theo dữ liệu của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc
phòng (DSCA), phía Việt Nam đã đề nghị mua lại 3 tàu tuần tra cỡ lớn của Tuần
duyên Mỹ, tuy nhiên, phía Mỹ cho biết chỉ chuyển giao một chiếc trong lúc này.