Phá hơn 100 ha rừng để…
kịp thi hoa hậu!
22.4.17/ Pháp luật TP.HCM
(PL)- Phú Yên cho doanh nghiệp phá hơn 100 ha rừng phòng hộ ven biển để làm sân golf khi chưa giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng…
(PL)- Phú Yên cho doanh nghiệp phá hơn 100 ha rừng phòng hộ ven biển để làm sân golf khi chưa giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng…
Ngày 21-4, ông Mai Kim
Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, xác nhận UBND tỉnh đã cho phép phá
116 ha rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, TP Tuy Hòa để Công ty TNHH New
City Việt Nam thực hiện dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam.
Điều đáng nói là khu rừng
phòng hộ ven biển này bị phá trắng nhưng đến nay vẫn chưa trình hồ sơ lên Thủ
tướng để xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Chặt trước, báo sau
Theo ghi nhận của PV, cả
một dải rừng phi lao ven biển tại xã An Phú đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Khắp
nơi xe múc hối hả san ủi để công nhân trồng cỏ.
Một cán bộ UBND xã An
Phú cho biết đây là rừng phòng hộ do người dân địa phương trồng từ năm 1976 nhằm
chắn cát, chống sóng biển xâm thực. “Người ta ồ ạt đến chặt hạ, đào bới hết gốc
phi lao rồi san ủi trồng cỏ. Việc triệt hạ khu rừng là để làm sân golf chín lỗ
- một hạng mục của dự án du lịch trên” - một cán bộ xã An Phú nói.
Theo ông Lộc, trong giấy
chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Phú Yên cấp cho Công ty TNHH New City Việt Nam hồi
tháng 9-2014, dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam được thực hiện tại xã
An Phú trên diện tích 122,5 ha, trong đó có 116 ha rừng phòng hộ. “Đến nay toàn
bộ diện tích rừng phòng hộ này vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng” - ông cho hay.
Dù chưa chuyển mục đích sử dụng nhưng rừng phòng hộ ven biển xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị ồ ạt chặt phá, san ủi. Ảnh: TẤN LỘC
Theo quy định, với trường
hợp chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở
lên, phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, từ tháng 10-2016, tỉnh
đã cho phép chặt phá khu rừng trên và đến cuối tháng 2-2017, UBND tỉnh mới có
công văn giao Sở TN&MT rà soát các thủ tục để UBND tỉnh bổ sung hồ sơ tài
liệu trình Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích đất rừng phòng hộ.
Đến ngày 12-4, Sở
TN&MT mới kiến nghị UBND tỉnh giao cho sở này tổng hợp để UBND tỉnh báo cáo
các bộ TN&MT, NN&PTNT trình Thủ tướng xem xét, quyết định chuyển mục
đích rừng phòng hộ. Đến nay, Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến với đề nghị này của tỉnh
Phú Yên. “Năm 2007, tỉnh quyết định phê duyệt ba loại rừng, khu vực rừng ven biển
TP Tuy Hòa vẫn là rừng phòng hộ. Giờ danh chính ngôn thuận nó vẫn là rừng phòng
hộ” - ông Lộc nói.
Phó giám đốc Sở
TN&MT tỉnh Phú Yên cũng thừa nhận hiện Bộ TN&MT chưa phê duyệt đánh giá
tác động môi trường dự án trên. Đến nay, chủ đầu tư chưa làm thủ tục thuê đất,
tỉnh cũng chưa xác định giá đất, chưa làm thủ tục giao đất cho doanh nghiệp.
“Theo quy định của Luật Đất đai, khi chủ đầu tư lập đủ thủ tục hồ sơ thuê đất
thì Sở TN&MT phối hợp các ngành chức năng xác định giá đất, đưa ra hội đồng
thẩm định giá đất rồi trình UBND tỉnh phê duyệt. Giờ họ chưa hoàn tất thủ tục
nên vẫn chưa xác định giá đất!” - ông Lộc nói và cho biết thêm dù chưa giao đất
nhưng UBND tỉnh đã chấp thuận phương án trồng rừng thay thế bằng việc cho chủ đầu
tư nộp hơn 6 tỉ đồng. Phó giám đốc Sở KH&ĐT nói rằng do đánh giá tác động
môi trường chưa được Bộ TN&MT phê duyệt nên các thủ tục khác liên quan đến
dự án này cũng chưa có.
“Để kịp thi hoa hậu!”
Vì sao rừng phòng hộ
chưa chuyển mục đích sử dụng, chưa giao đất, chưa phê duyệt đánh giá tác động
môi trường đã cho chặt phá, san ủi? Ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT
tỉnh Phú Yên giải thích: Do UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư vừa dọn rừng vừa tiến
hành các thủ tục.
Theo tài liệu của PV
thu thập, từ tháng 10-2016, chủ đầu tư đã ký hợp đồng thuê Công ty CP Môi trường
đô thị Phú Yên và Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm triệt hạ, san dọn diện tích rừng
phòng hộ trên. Sau khi cho chặt phá rừng, ngày 31-10-2016, lãnh đạo tỉnh đến tận
khu rừng đã bị triệt hạ tặng bằng khen cho hai doanh nghiệp này và chủ đầu tư!
“Năm nay, cuộc thi hoa
hậu hữu nghị ASEAN tổ chức tại Phú Yên nên lãnh đạo tỉnh chủ trương đẩy nhanh dự
án để quảng bá các điểm du lịch. Do tính chất cấp bách, tính cần thiết nên tỉnh
cho doanh nghiệp vừa thi công vừa làm các thủ tục. Nếu căn cứ đúng quy định,
làm từng bước thì lâu lắm. Nếu đợi các thủ tục hoàn tất thì có khi mất cả một
hai năm chứ đâu ít. Trong khi tháng 6 đã thi hoa hậu rồi nên tỉnh có cơ chế để
tạo điều kiện cho nhà đầu tư” - ông Lộc nói.
Còn ông Nguyễn Duyên,
Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT - đơn vị cũng quản lý một phần diện tích rừng
trong dự án, nói: “Dự án này cũng nằm trong chương trình thanh tra việc thực hiện
chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh
Phú Yên do Tổng cục Lâm nghiệp đang tiến hành thanh tra nên phải chờ kết quả
thanh tra”.
Trao đổi với Pháp
Luật TP.HCM vào cuối chiều 21- 4, ông Đào Mỹ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh
Phú Yên, cho biết tỉnh đã có công văn giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các sở
Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT cùng các cơ quan, địa phương liên quan rà soát
quá trình thực hiện dự án, tổng hợp, có báo cáo tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh
trước ngày 26-4.
“Thủ tục chưa chặt chẽ,
chưa hoàn chỉnh!”
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ
tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận dự án này từng kéo dài thời gian triển
khai, đến khi bắt đầu thực hiện thì còn một số thủ tục chưa chặt chẽ, chưa
hoàn chỉnh. “Tỉnh muốn thúc đẩy phát triển du lịch. Thế nhưng trong quá trình
triển khai thực hiện nếu có sai sót thì phải sửa thôi. Nhanh thì nhanh nhưng
không ai nói nhanh thì phải làm sai, làm thiếu cả…” - ông Trà nói.
|
TẤN LỘC