Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

2360. Chống cướp đất: Nhiều biện pháp để đối phó

Top of Form
Bottom of Form
·      Chống cướp đất: Nhiều biện pháp để đối phó
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 20 tháng 4, 2017
Trong 6 ngày qua, cuộc chống trả của dân làng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội là sự kiện nóng, không chỉ được chú ý bởi dư luận của người Việt ở trong và ngoài nước mà đã bắt đầu được một số tờ báo ngoại quốc có uy tín chạy tin. Một số luật sư có lòng, nhiều facebookers và nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng báo động; chính quyền do dó khó manh động. Cách đối phó khẩn cấp này là cần thiết.

Nhưng không đủ. Đối với những quan chức tham lam, cướp “đất vàng” để tham nhũng là mục đích cuộc đời. Nhiều khi họ đã gá bán đất của dân để lấy tiền bỏ túi thì nay bằng mọi cách phải cướp để còn giao đất cho chủ đầu tư. Họ có thừa xảo kế và sự kiên nhẫn để chờ người dân đuối sức thì đánh úp, vừa cướp đất vừa bịt miệng và trả thù. Những người muốn giúp cho dân ở Đồng Tâm cần chuẩn bị kế hoạch trường kỳ để cùng lúc bảo vệ dân và vô hiệu hoá vĩnh viễn âm mưu cướp đất. Đó là cách làm trong Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu, vụ cướp đất lớn ở Đà Nẵng, kéo dài đến nay đã là năm thứ 7.
Dưới đây là một số biện pháp mà chúng tôi đã nghiên cứu và một số đã thử nghiệm trong Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu. Trong đó có những biện pháp có thể áp dụng cho Đồng Tâm và cho nhiều vụ cướp đất nói chung đang diễn ra ở Việt Nam.
Luật Magnitsky Toàn Cầu
Luật này có 2 thành phần đối tượng: thủ phạm đàn áp nhân quyền và giới chức chính quyền tham nhũng. Vì có dấu hiệu tham nhũng lớn của các quan chức xã, huyện trong vụ Đồng Tâm, Luật Magnitsky Toàn Cầu có thể áp dụng. Theo ngôn ngữ của luật, đối tượng tham nhũng gồm có:
·         Các giới chức chính quyền, hoặc cộng sự viên của họ, có trách nhiệm hoặc toa rập trong việc chỉ thị, kiểm soát, hoặc điều động những hành vi tham nhũng đáng kể, kể cả cưỡng chiếm của tư hay công cho lợi ích cá nhân, tham nhũng trong các hợp đồng của nhà nước hoặc trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhận hối lộ, hoặc tạo điều kiện hay chuyển ra ngoại quốc lợi nhuận lấy được từ hành vi tham nhũng.
·         Những ai tiếp tay, bảo trợ hay cung cấp sự hỗ trợ tài chính, vật thể hay kỹ thuật, hoặc hàng hoá hay dịch vụ để hỗ trợ cho một hành vi tham nhũng lớn.
Để khai thác phần này của Luật Magnitsky Toàn Cầu, chúng tôi cần thông tin về các giới chức chính quyền tham nhũng, hoặc tiếp tay cho sự tham nhũng, như: danh tính, ngày sinh, sinh quán, chức vụ, hình chụp nhận diện, số chứng minh nhân dân, số passport (nếu có), địa chỉ… và các thông tin về tài sản nổi và chìm của họ. Các thông tin này phải cụ thể. Chẳng hạn, có tin là bí thư xã Đồng Tâm, Ông Nguyễn Văn Sơn, sở hữu lô đất trên 3 nghìn m2. Chúng tôi cần biết khu đất ấy ở đâu trên bản đồ, trị giá hiện nay là bao nhiêu, cách nào mà Ông Sơn có được lô đất ấy, v.v.  để chứng minh rằng tài sản này là do tham nhũng mà có.
Nhưng không chỉ có các giới chức xã, huyện. Luật Magnitsky Toàn Cầu còn có thể áp dụng đối với các giới chức Bộ Quốc Phòng liên can đến việc giao đất cho Viettel, một doanh nghiệp của Bộ Quốc Phòng, sử dụng. Nếu quả thực có sự liên can của những giới chức Bộ Quốc Phòng, chúng tôi cần thông tin cho thấy họ đã “tiếp tay, bảo trợ hay cung cấp sự hỗ trợ tài chính, vật thể hay kỹ thuật, hoặc hàng hoá hay dịch vụ để hỗ trợ cho một hành vi tham nhũng lớn.”
Điều lý thú ở đây là, khi thanh tra phát hiện chứng cớ tham nhũng, thì thông tin này sẽ giúp củng cố đề nghị chế tài của chúng tôi. Như vậy, dù không chủ ý, cấp trên tự động hợp tác với chúng tôi để chế tài cấp dưới. Còn như bao che cho cấp dưới thì cấp trên có thể sẽ tự nạp mình vào danh sách chế tài.
Các luật chế tài chính quyền ngoại quốc
Năm 2010, khi chúng tôi phát động Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu thì chưa có Luật Magnitsky Toàn Cầu – luật này chỉ được ban hành cuối năm 2016. Chúng tôi đã khai thác hai luật khác của Hoa Kỳ. Tổng Thống Hoa Kỳ, theo Tu Chính Án Hickenlooper (22 U.S. Code § 2370) trong Luật Ngoại Viện năm 1961, phải ngưng mọi khoản viện trợ và, theo Luật Mậu Dịch năm 1974 (19 U.S. Code Ch. 12), không được nới rộng mậu dịch với quốc gia nào soán đoạt tài sản của công dân (hay công ty) Hoa Kỳ. Điều luật thứ hai này ảnh hưởng đến quy chế biệt đãi về mậu dịch mà Việt Nam cầu cạnh: Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (Generalized System of Preferences, hay gọi tắt là GSP) trước đây và Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, hay gọi tắt TPP) sau này.
Ngay khi phát động Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu vào tháng 7 năm 2010, chúng tôi cố gắng tìm ít ra một trường hợp để áp dụng hai luật này. Số gia đình Cồn Dầu đến Hoa Kỳ định cư lúc ấy không nhiều, vậy mà chúng tôi đã tìm ra một trường hợp thích hợp: một cựu chiến sĩ VNCH là công dân Hoa Kỳ và trước khi qua đời bố mẹ đã để lại di chúc cho người ấy toàn bộ đất đai và bất động sản ở Giáo Xứ Cồn Dầu. Chúng tôi đã dùng hồ sơ này để tạo lúng túng cho chính Hành Pháp Obama khi thương thảo GSP và rồi TPP với Việt Nam; họ không thể nhắm mắt trước tình trạng công dân Hoa Kỳ bị đe doạ cướp tài sản. Hồ sơ này, và một số hồ sơ nữa mà chúng tôi tìm ra thêm sau này, đặt chính quyền Việt Nam vào thế phải chọn lựa giữa dung túng cho các quan tham của Thành Phố Đà Nẵng và bảo vệ lợi ích về mậu dịch với Hoa Kỳ.
Liệu có trường hợp nào tương tự ở Đồng Tâm?
Có thể. Chúng ta có thể tìm các trường hợp tương tự nơi những người di cư từ xã Đồng Tâm vào Nam năm 1954 và rồi rời Việt Nam đến Hoa Kỳ định cư năm 1975 hay sau đó. Đất và nhà cửa của họ để lại ngoài Bắc đã bị chính quyền tiếp quản và sử dụng hoặc phân phối lại cho người khác. Tuy nhiên, có xác suất cao là các bất động sản này chỉ bị chính thức quốc hữu hoá theo Luật Đất năm 2003. Ở thời điểm ấy, nhiều chủ nhân của chúng đã thành công dân Hoa Kỳ. Quốc hữu hoá tài sản của công dân Hoa Kỳ mà không bồi thường thoả đáng thì bị xem là soán đoạt theo định nghĩa của các luật kể trên. Đây là cách để kéo chính quyền Hoa Kỳ nhập cuộc, dù miễn cưỡng, vì trách nhiệm bảo vệ tài sản của công dân.
Tìm cho ra những trường hợp này không khác nào tìm cây kim trong đống rơm, cho nên cần sự tiếp tay đắc lực và phối hợp hai chiều của người dân ở Đồng Tâm và những người Việt ở hải ngoại. Biết đâu, giống như trường hợp Cồn Dầu, chúng ta sẽ gặp may.
Luật miễn truy tố chính quyền ngoại quốc
Luật này, Foreign Sovereign Immunity Act (FSIA) ban hành năm 1976, ấn định những trường hợp mà một chính quyền ngoại quốc không được miễn truy tố. Khi hành động của chính quyền ấy mang tính cách kinh doanh và có ảnh hưởng trực tiếp tại Hoa Kỳ, thì công dân hay công ty Hoa Kỳ bị ảnh hưởng có quyền kiện chính quyền ấy ra toà án Hoa Kỳ để đòi bồi thường. Trường hợp của các công dân Hoa Kỳ bị chính quyền Đà Nẵng soán đoạt tài sản ở Cồn Dầu và giao cho Tập Đoàn Mặt Trời (Sun Group) phát mãi nằm gọn trong luật này.
Đã có những tiền lệ thú vị về việc áp dụng luật này. Một hồ sơ nổi tiếng là vụ cụ bà Maria Altmann, 83 tuổi, kiện chính quyền Áo năm 1998 để đòi 5 bức tranh của danh hoạ Gustav Klimt, tổng trị giá được ước tính là 327 triệu Mỹ kim khi ấy. Năm 1938 chính quyền Đức Quốc Xã cướp 5 bức tranh này của người chú của bà Altmann và sau khi Đức bại trận, chính quyền Áo giữ luôn, không trả lại. Người chú không có con nên bà Altman hưởng quyền thừa kế. Chính quyền Áo lập luận rằng sự việc xảy ra năm 1938 trong khi Luật FSIA chỉ được ban hành năm 1976 cho nên không thể dùng luật này để hồi tố. Năm 2004 Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết là luật FSIA không có giới hạn về hồi tố và yêu cầu toà dưới tiếp tục thụ lý đơn kiện của Bà Altmann. Thay vì tiếp tục kiện tụng ở toà Hoa Kỳ, hai bên đồng ý qua thủ tục tài phán ở Áo. Hội đồng tài phán phán quyết chính phủ Áo phải trả cả 5 bức tranh Klimt cho Bà Altmann. Vụ kiện này đã được đưa lên màn bạc: phim The Rape of Europa năm 2006, phim Stealing Klimt năm 2007, và phim Woman in Gold năm 2015 (có trên Netflix).
Tuy nhiên, vụ Ông Gustavo Villoldo, cư dân Miami, kiện chính phủ Cuba và hai anh em lãnh tụ Fidel và Raul Castro có lẽ gần gũi hơn với trường hợp các giáo dân Cồn Dầu. Năm 2009, toà án tiểu bang Florida xử Ông Villoldo thắng kiện và buộc chính quyền Cuba và 2 anh em Castro phải bồi thường 1 tỉ Mỹ kim vì đã tịch thu tài sản của gia đình Ông năm 1959, dẫn đến việc bố của Ông đã tự sát vì trầm cảm. Không ngưng ở đó, Ông Villoldo kiện tiếp, dùng luật Bảo Vệ Nạn Nhân Tra Tấn (Torture Victim Protection Act), để đòi bồi thường vì nửa thế kỷ trước chính quyền Cuba đã tra tấn Ông trong 5 ngày. Ông lại thắng kiện và toà án Florida buộc Cuba phải bồi thường thêm 2.8 tỉ Mỹ kim. Nay luật sư của Ông Villoldo đang tìm cách xiết tài sản của chính quyền Cuba. Xem: http://www.dailymail.co.uk/news/article-2846301/Bay-Pigs-vet-families-seek-billions-Cuba.html
Trong mấy tháng qua, chúng tôi đã cùng các gia đình Cồn Dầu ở Hoa Kỳ họp với một số tổ hợp luật sư để chuẩn bị nhiều vụ kiện cùng lúc ở các toà tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ. Và không chỉ riêng các gia đình Cồn Dầu. Từ năm 2012, BPSOS đã thu thập và lọc lựa một số hồ sơ thích hợp cho các vụ kiện tương tự. Năm nay là thời điểm thuận lợi để chúng tôi khai thác Luật FSIA.
Nếu tìm ra được những trường hợp công dân Hoa Kỳ có tài sản ở Đồng Tâm như kể trên, thì cũng có thể áp dụng luật này vì Viettel là một doanh nghiệp quốc doanh, nên các hoạt động của nó đương nhiên mang bản chất kinh doanh.
Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC
Chính quyền Việt Nam, đặc biệt là Thành Phố Đà Nẵng, đang ráo riết chuẩn bị để đón tiếp nguyên thủ của 20 quốc gia đến tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương (APEC), sẽ diễn ra ngày 11 – 12 tháng 11 năm nay tại Thành Phố Đà Nẵng. Phần lớn các sinh hoạt của hội nghị sẽ được tổ chức tại khu du lịch 5 sao InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.
Tại buổi họp ở Bộ Ngoại Giao đầu tháng 4, chúng tôi nhắc nhở rằng Thành Phố Đà Nẵng là thủ phạm của vụ cướp đất đẫm máu ở Cồn Dầu và soán đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ; còn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort là của Tập Đoàn Mặt Trời, nhóm thủ lợi từ vụ cướp đất ấy. Chúng tôi đề nghị chính phủ Hoa Kỳ:
(1)    Yêu cầu Việt Nam dời địa điểm tổ chức sang thành phố khác;
(2)    Nếu không thể dời địa điểm, thì phải dời hội nghị sang một khách sạn khác; và
(3)    Dứt khoát không thuê phòng cho phái đoàn Hoa Kỳ tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.
Chúng tôi không ngừng ở đây mà đang chuẩn bị một chiến dịch, sẽ bắt đầu cuối tháng 6 này, để vận động các quốc gia khác, như Canada, Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan… có hành động tương tự. Như vậy, Việt Nam và Thành Phố Đà Nẵng quảng cáo sự kiện APEC thì cũng là quảng cáo vết nhơ cướp đất và tham nhũng. Với sự kiện đang diễn ra ở Đồng Tâm, chúng tôi có thể sẽ đề nghị các quốc gia này kêu gọi Việt Nam tránh tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC ở Đà Nẵng và cả Hà Nội.
Cần sự tiếp tay và chia việc
Năm nay BPSOS đặt nạn cướp đất ở Việt Nam thành một trọng tâm quốc tế vận, sau nhiều năm chuẩn bị. Các biện pháp kể trên đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, và có một số đã được thử nghiệm trong một vài trường hợp thí điểm. Và đây là thời điểm thuận lợi để chúng tôi ứng dụng tất cả các biện pháp này nhằm đẩy lùi nạn cướp đất ngày càng tràn lan ở Việt Nam.
Ứng dụng các biện pháp này đòi hỏi sự quan tâm tập trung và dấn thân trường kỳ. Chúng tôi hiện không đủ năng lực để quán xuyết nhiều hồ sơ cùng lúc. Ngoài Cồn Dầu, chúng tôi còn đang lo hồ sơ Đông Yên (Hà Tĩnh) và hồ sơ Chùa An Cư (Đà Nẵng). Nay lại có thêm vụ Đồng Tâm (Hà Nội), vụ thôn Vọng Đông (Bắc Ninh) và nhiều nữa. Cách duy nhất để vừa tập trung vừa trường kỳ là có nhiều nhóm ở trong nước hay ngoài nước chia nhau mỗi nhóm “kết nghĩa” với một cộng đồng người dân đang là nạn nhân của nạn cướp đất. Sự kết nghĩa này bao gồm:
(1)    Thu thập và phối kiểm các thông tin cần thiết, lập hồ sơ và cập nhật hồ sơ;
(2)    Yểm trợ và hướng dẫn cho người dân cách tự phòng vệ;
(3)    Duy trì sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước;
(4)    Theo dõi mọi diễn tiến để kịp thời báo động cho chúng tôi can thiệp nếu cần.
Có chia việc như vậy, chúng tôi mới có thể dồn thời gian và công sức để ứng dụng các biện pháp phù hợp cho từng hồ sơ, nhằm bảo vệ người dân và vô hiệu hoá vĩnh viễn âm mưu cướp đất nhắm vào họ.
Mọi thông tin xin liên lạc: bpsos@bpsos.org
Bài liên quan:
Các bài viết về sử dụng luật Hoa Kỳ để đẩy lùi nạn cướp đất:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&new_topic=38
Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu thắng lợi: Trả “đất vàng” lại cho dân
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1206-2017-04-19-03-34-59.html
BPSOS: Nạn “cướp đất” là trọng tâm thứ 3 trong năm 2017
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1200-2017-03-26-18-50-53.html