Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

2337. Giải thích về danh sách đề nghị chế tài đợt 1 theo Luật Magnitsky Toàn Cầu ·

Hồ sơ đợt 2 sẽ công bố cuối tháng 4
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 12 tháng 4, 2017
Ngày 3 tháng 4, BPSOS công bố danh sách đợt 1, gồm 25 giới chức chính quyền Việt Nam từ cấp tỉnh thành xuống đến cấp địa phương, để đề nghị chính quyền Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài của Luật Magnitsky Toàn Cầu. Trong hơn một tuần qua, chúng tôi nhận nhiều ý kiến và câu hỏi từ người dân ở Việt Nam, đồng hương ở ngoài Việt Nam và giới truyền thông Việt ngữ. Tuy cố gắng trả lời trực tiếp trong một số trường hợp, chúng tôi thấy là tốt hơn nên trả lời chung qua bài viết này.

Các tiêu chuẩn để chọn hồ sơ
Trong hơn 3 năm qua, BPSOS đã thực hiện trên 100 bộ hồ sơ báo cáo vi phạm theo thể thức chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Các hồ sơ này đã nộp cho nhiều định chế nhân quyền của LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao Canada, một số cơ quan Liên Âu… và được chia sẻ với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Từ số hồ sơ này, BPSOS đã chọn ra 6 hồ sơ cho cuộc vận động năm 2017, dựa trên các tiêu chuẩn sau:
(1)    Nạn nhân là những người tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo.
(2)    Sự đàn áp mang tính nghiêm trọng vì có hành vi tra tấn hay đánh chết người.
(3)    Hồ sơ khả tín vì đã được quốc tế, kể cả chính quyền Hoa Kỳ, công nhận.
(4)    Trách nhiệm có thể truy đến những giới chức chính quyền, ở cấp thừa hành và cấp chỉ thị.
Danh sách công bố đợt 1 liên quan đến hồ sơ của Mục Sư Nguyễn Công Chính và Bà Trần Thị Hồng. Hồ sơ này hội đủ cả 4 tiêu chuẩn kể trên.  Hai tiêu chuẩn đầu thì đã rõ ràng. Dưới đây là phần giải thích về các tiêu chuẩn (3) và (4).

Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế chọn hồ sơ MS Nguyễn Công Chính và Bà Trần Thị Hồng để vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC.
Tính khả tín của hồ sơ
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng về hồ sơ này. Dưới đây là một số ví dụ mới  và đáng kể nhất.
Ngày 5 tháng 9, 2016, tổ chức Ân Xã Quốc Tế đã lên tiếng qua tài liệu “Viet Nam: Detained pastor on hunger strike since 8 August: Pastor Nguyễn Công Chính  (September 5, 2016)”. Xem:
Ngày 2 tháng 6, 2016, 6 chuyên gia về nhân quyền của LHQ ra bản tuyên bố chung gửi chính quyền Việt Nam. Xem: http://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=20054&LangID=E
Sát thời điểm này, bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2016, cũng nêu trường hợp của MS. Chính. Xem: https://www.state.gov/j/drl/rls/irf/religiousfreedom/index.htm#wrapper
Đồng thời, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế phổ biến bản phúc trình thường niên, qua đó họ nêu lên trường hợp của MS Chính và Bà Hồng. Xem: http://www.uscirf.gov/reports-briefs/annual-report/2016-annual-report
Ngày 6 tháng 4, 2017, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế chọn hồ sơ Ms. Chính và Bà Hồng làm hồ sơ tiêu biểu để vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC (quốc gia phải quan tâm đặc biệt). Xem: http://www.uscirf.gov/pastor-nguyen-cong-chinh-and-tran-thi-hong

Khả năng truy trách nhiệm
Các bản báo cáo vi phạm nộp cho LHQ đều nêu danh tính và thông tin về các thủ phạm trực tiếp. Họ là cấp thừa hành, nhận chỉ thị từ cấp trên. Truy trách nhiệm của họ không khó. Tuy nhiên truy trách nhiệm của cấp chỉ thị đòi hỏi nhiều công phu hơn.
Chẳng hạn, trong trường hợp của Bà Hồng, ngày 15 tháng 6, 2016 Bà Hồng đã viết đơn tố cáo gửi cho Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai và Giám Đốc Sở Công An Thành Phố Pleiku, và đã nhận lại giấy báo phát. Theo Luật Tố Cáo, điều 20 và 21, sau khi nhận đơn tố cáo, nơi tiếp nhận đơn trong vòng 10 - 15 ngày phải trả lời thụ lý hay không, và thời gian để thụ lý phải ở trong vòng 45 - 60 ngày; nếu vụ việc phức tạp thì không quá 90 ngày phải giải quyết.
Chờ quá 6 tháng không được trả lời, ngày 4 tháng 1 Bà Hồng gửi đơn tố cáo lần 2, ngày 1 tháng 1. Tính đến ngày 3 tháng 4, ngày chúng tôi công bố hồ sơ Số 1, Bà Hồng vẫn không nhận được trả lời.
Sự im ắng của các Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai và Sở Công An Thành Phố Pleiku cho thấy là họ đã lờ đi và dung túng cho thuộc hạ, hoặc tệ hơn, họ chính là những người ra chỉ thị đằng sau các hành vi tra tấn, vô nhân đạo và hạ nhân phẩm. Đó là cách chúng tôi truy trách nhiệm đến họ.

Phản ứng của chính quyền Việt Nam
Thái độ đúng đắn nhất của chính quyền Việt Nam ở cấp trung ương là phải điều tra ngay các Giám Đốc Sở Công An cấp Tỉnh và Thành Phố đã bị nêu đích danh.  Chính quyền cấp trung ương có trách nhiệm thực thi Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn mà họ đã ký kết. Tuy nhiên, rất ít triển vọng là chính quyền Việt Nam sẽ chọn cách hành xử đúng đắn này.
Cách thứ hai là phản đối hay lên án. Trong tình huống hiện nay, làm vậy chính là giúp chúng tôi truy trách nhiệm đến cấp trung ương vì đấy là chỉ dấu của sự bao che, dung túng và có thể là đồng loã. Hơn nữa, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng chọn hồ sơ của MS Chính và Bà Hồng để vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC; phản đối hay lên án lúc này sẽ chứng minh thái độ ngoan cố trong chính sách đàn áp tôn giáo, đáng để bị đưa vào danh sách CPC.
Xác suất cao là chính quyền Việt Nam sẽ im lặng trong sự bị động, nhưng ngấm ngầm cho “dư luận viên” đánh phá để làm loãng sự chú ý của người Việt ở trong và ngoài nước.

Giấy báo phát đơn tố cáo gửi Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai ngày 15/06/2016


Giấy báo phát đơn tố cáo gửi Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai ngày 01/01/2017

Các bước tiếp theo
Về hồ sơ của MS Chính và Bà Hồng, sắp tới đây nhiều tổ chức quốc tế sẽ đồng loạt lên tiếng đòi hỏi chính quyền Việt Nam:
(1)    Chấp nhận để MS Chính được khám và trị bệnh;
(2)    Trả tự do vô điều kiện cho MS Chính;
(3)    Điều tra và trừng phạt các thủ phạm đã có các hành vi tra tấn, vô nhân đạo và hạ nhân phẩm đối với MS Chính và Bà Hồng.
BPSOS sẽ dùng hồ sơ này cho Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2017 vào cuối tháng 6 năm nay. Hàng năm, khoảng 500 đến 850 người Mỹ gốc Việt từ nhiều thành phố và tiểu bang tập trung tại thủ đô Hoa Kỳ để cùng nhau vận động Quốc Hội. Tiếp sau đó sẽ là nỗ lực vận động Hành Pháp kéo dài đến Ngày Quốc Tế Nhân Quyền (10 tháng 12), là thời hạn Bộ Ngoại Giao phải phúc trình với Quốc Hội về việc thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu.
Từ giờ đến tháng 9, BPSOS sẽ lần lượt công bố 5 hồ sơ còn lại. Hồ sơ Số 2 sẽ được công bố vào cuối tháng 4 này. Theo yêu cầu của Quốc Hội, ngày 30 tháng 4 năm nay là thời hạn mà Bộ Ngoại Giao nộp bản phúc trình tiên khởi về thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu. Tuy nhiên, Hành Pháp đã báo cho Quốc Hội sẽ không kịp nộp bản phúc trình vào thời hạn này vì vẫn chưa hoàn tất việc biên soạn các thủ tục, thể thức, và điều lệ chấp pháp. Dù vậy, chúng tôi vẫn công bố hồ sơ Số 2 vào cuối tháng 4 để cho thấy là chúng tôi đã sẵn sàng. Hơn nữa, ngày 30 tháng 4 có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt tị nạn không riêng ở Hoa Kỳ mà khắp thế giới tự do.
Song song, chúng tôi tiếp tục thực hiện các bản báo cáo vi phạm mới. Từ đầu năm đến giờ hơn chục bản báo cáo vi phạm đã được chuyển cho LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, các định chế nhân quyền trong khối Liên Hiệp Âu Châu, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Bản báo cáo mới nhất là về chính sách cưỡng chế của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào Chùa An Cư ở Sơn Trà.
Chúng tôi tiếp tục tăng cường đội ngũ những người ở trong và ngoài nước chuyên về báo cáo vi phạm. Mục tiêu của BPSOS trong năm 2017 là huấn luyện thêm 500 người, và như thế nâng tổng số lên thành 1,500 người có khả năng báo cáo các sự kiện vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Số hồ sơ càng nhiều, chúng tôi càng dễ leo thang việc truy trách nhiệm đến các cấp ngày càng cao hơn.

Bài liên quan:
Hồ sơ Số 1: MS. Nguyễn Công Chính và Bà Trần Thị Hồng
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Summary-Report-on-Pastor-Nguyen-Cong-Chinh.pdf
Thư tố cáo của Bà Trần Thị Hồng gửi các cấp chính quyền
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/TrThHong-Don-To-Cao-2016-06-15.pdf
Tài liệu về MS. Nguyễn Công Chính và Bà Trần Thị Hồng để dùng trong Ngày Vận Động Cho Việt Nam
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/BPSOS-01-Global-Magnitsky-Act-Pastor-Nguyen-Cong-Chinh-Mrs.-Tran-Thi-Hong.pdf
Công Bố Đợt 1 Danh Sách Đề Nghị Chế Tài Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1201-2017-04-03-01-58-05.html