Trang

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

5473. VNTB – Phép thử về cơ bút trong Đạo Cao Đài

VNTB – Phép thử về cơ bút trong Đạo Cao Đài

Dương Xuân Lương

 

(VNTB) – Đạo Cao Đài có Kinh-Vào-Học mà không có Kinh Học Xong, thể hiện việc học hỏi là quyền tự do cá nhân và không có điểm dừng.

 

Từ xa xưa nhiều người tin rằng, có thế giới vô hình tồn tại song song với thế giới hữu hình. Nỗ lực liên lạc, tìm hiểu về thế giới vô hình gọi là Thông linh học và cơ bút là một trong những cách phổ biến. 

https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-co-but-trong-dao-cao-dai/

Cơ bút là sự hùn vốn của hữu hình và vô hình. Người dùng cơ bút, có đủ các thành phần tốt xấu, thiện ác nên tự thân đã phức tạp. Vô hình có Trời, Phật, Tiên, Thánh, Thần, ma quỷ, tà quái đều có thể nhập cơ mà không ai thấy được, kiểm chứng được. Cho nên cơ bút là một môi trường tự do về niềm tin và rất hỗn độn. 

Thông thường để có đàn cơ ngoài những phương tiện, và môi trường cần thiết còn có đồng tử phò cơ, có người đọc kinh, hầu bút để ghi chép lại, và có người hầu đàn, …. Trong đó đồng tử là trung tâm của đàn cơ.

Năm 1926, Thượng Đế dùng cơ bút để lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao Đài; như vậy Thượng Đế đã đưa môn đệ vào môi trường hỗn độn. Hiện nay có rất nhiều cơ bút xuất hiện với danh nghĩa ĐĐTKPĐ, do vậy người đạo có trách nhiệm cung cấp bảng cửu chương, cung cấp phép thử để xã hội nhận biết cơ bút nào là thật, cơ bút nào là giả.

1/- Cơ bút của Thượng Đế trong ĐĐTKPĐ. 

Đức Thượng Đế dạy: Kẻ phò cơ chấp bút cũng như Tướng-Soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường …. Vậy khi nào chấp cơ phải đợi lịnh THẦY rồi sẽ thi hành (TNHT quyển 1, bài 2, ngày 03-01-1926).

Theo lời dạy trên phải có lịnh của Thượng Đế mới được lập đàn cơ, đồng tử trong đàn cơ là Tướng Soái do Thượng Đế chọn.

Thượng Đế giao việc cơ bút cho Hiệp Thiên Đài (HTĐ). 

Pháp Chánh Truyền Chú Giải (PCT CG): Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo … (trang 71, bản in 1972).

PCT CG: Sở dụng thiêng Liêng là Hiệp Thiên Đài làm trung gian của Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, nghĩa là trung gian của Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài … (trang 75, bản in 1972).

Theo đó sở dụng Thiêng Liêng của HTĐ là phò cơ, chấp bút để Thầy và các Đấng giáng cơ dạy việc, Giáo Tông cũng phải đến HTĐ cầu huyền diệu cơ bút; cho nên chỉ có HTĐ có quyền về phò cơ, chấp bút trong Đạo Cao Đài.

Tướng Soái phò cơ (hay Đồng tử phò cơ).

Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959), Chưởng quản HTĐ nên có quyền điều động chung. HTĐ chia làm 3 chi: Pháp, Đạo, Thế.

Hộ Pháp cũng Chưởng quản chi Pháp, dưới quyền của Ngài có 4 vị Thời Quân chi Pháp: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng (1893-1965), Khai Pháp Trần Duy Nghĩa (1888-1954), Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1975), Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu (1892-1961).

Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929), Chưởng quản chi Đạo, dưới quyền của Ngài có bốn vị Thời Quân chi Đạo: Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (1897-1958), Khai Đạo Phạm Tấn Đãi (1901-1976), Hiến Đạo Phạm Văn Tươi (1896-1976), Bảo Đạo Ca Minh Chương (1850-1928).

Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971), Chưởng quản chi Thế, dưới quyền của Ngài có bốn vị Thời Quân chi Thế: Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh (1903-?), Khai Thế Thái Văn Thâu (1899-1981), Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh (1894-1970), Bảo Thế Lê Thiện Phước (1895-1975). (1).

Thượng Đế cũng chọn thêm một vị nữa là ngài Cao Quỳnh Diêu (1884-1958) hay Cao Mỹ Ngọc, Tiếp Lễ Nhạc Quân (1927), sau thăng Bảo Văn Pháp Quân (1930). 

Như vậy có tất cả là 16 đồng tử do Thượng Đế chọn.

Cơ bút tạo nên Đạo Cao Đài, thì cơ bút cũng có thể diệt Đạo Cao Đài, nên muốn có một đàn cơ phải đợi lịnh của Thượng Đế. Khi có lịnh Thượng Đế, HTĐ căn cứ vào danh sách 16 đồng tử, và đề cử ra hai đồng tử phò cơ. 

Theo sự phân quyền trong Đạo Cao Đài, HTĐ phụ trách cơ bút nên có nhiệm vụ phò cơ, còn ban hành nội dung đàn cơ do Hội Thánh Cửu Trùng Đài (hành pháp).

Thượng Đế dạy kiểm soát trung tâm của cơ bút

Tiên sinh Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký, khi có Tề Thiên giả xuất hiện thì những người thân cận nhất như Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng cũng không nhận ra Tề Thiên nào là thật, Tề Thiên nào là giả. Thần thông quảng đại như Đức Quan Âm Như Lai, Thích Ca Như Lai cũng không phân biệt được. Tề Thiên thật chịu tai hại đủ đường rồi mới minh bạch được.

Thượng Đế dùng cơ bút lập ĐĐTKPĐ thì Ngài đủ quyền phép đưa cơ bút ra khỏi môi trường hỗn độn cho nên dạy môn sinh kiểm soát đồng tử. Đồng tử là trung tâm của đàn cơ, Thượng Đế dạy môn đệ kiểm soát đồng tử là dạy kiểm soát trung tâm vấn đề cơ bút, dạy kiểm soát và làm chủ cái nhân, giải quyết tính chính danh đàn cơ của ĐĐTKPĐ hay giả danh ngay khi mới phát sinh. Bài học căn bản Thượng Đế dạy cho môn đệ là kiểm soát đồng tử, kiểm soát cái nhân của cơ bút, giải quyết vấn đề cơ bút thật hay giả ngay khi nó mới phát sinh. 

Thượng Đế chọn 16 đồng tử và dạy công bố trước xã hội nên đồng tử là cờ hiệu của Thượng Đế về cơ bút, cờ hiệu cơ bút Thượng Đế ở đâu, thì nơi đó có đàn cơ của Thượng Đế. Do vậy đồng tử là bảng cửu chương, là phép thử của ĐĐTKPĐ về cơ bút.

Tây Du Ký là thời Nhị Kỳ Phổ Độ, khi có một Tề Thiên giả xuất hiện, thì việc phân biệt Tề Thiên thật và giả rất khó khăn. Thời Tam Kỳ Phổ Độ tinh vi hơn, nên có hằng hà sa số Tề Thiên giả xuất hiện, nhưng Thượng Đế dạy cho người đạo phép thử để nhận biết được Tề Thiên thật, do vậy có bao nhiêu Tề Thiên giả xuất hiện cũng biết ngay. Bảng cửu chương là phép thử về cơ bút thật và giả trong ĐĐTKPĐ, nên rõ ràng và không thể tranh cãi. Hiểu theo điều kiện ắt có và đủ thì đồng tử trong đàn cơ là điều kiện ắt có, là điều kiện tiên quyết nên đàn cơ phải đạt điều kiện ắt có thì mới xét tiếp.

Tóm lại: Thượng Đế giao nhiệm vụ phò cơ cho HTĐ, và đồng tử là trung tâm của đàn cơ. Thượng Đế chọn 16 đồng tử phò cơ, và công bố danh sách trước xã hội là dạy môn đệ kiểm soát cơ bút từ cái nhân, giải quyết thật giả từ cái gốc. Đồng tử chính là bảng cửu chương, là phép thử về cơ bút trong ĐĐTKPĐ.

2/- Thể hiện bản sắc trong lành của một tôn giáo pháp quyền.

Thượng Đế dùng cơ bút lập ĐĐTKPĐ, đồng thời đưa ra phương pháp trừ cái hại của cơ bút để gìn giữ bản sắc trong lành của đạo, mà vẫn tôn trọng niềm tin của nhân loại khi dùng cơ bút.

Về tín ngưỡng: Các Đấng cao trọng nhập cơ được thì tà quái, ma quỷ cũng có thể nhập cơ được, khi tà quái, ma quỷ nhập cơ nó đâu xưng là ma quỷ, nó phải mượn danh Thần, Thánh, Tiên, Phật thậm chí cả danh Thượng Đế nó mới lừa được người phàm. Tà quái nhập cơ rồi xưng danh ĐĐTKPĐ, thì không có cách chi giải nạn cho những người mê tín. Nhờ vào phép thử mà Đạo Cao Đài trừ được mê tín dị đoan.

Về xã hội: Cơ bút là phương tiện công cộng, nếu có người không thích Đạo Cao Đài, rồi cũng ăn mặc như người Đạo Cao Đài, dàn dựng đàn cơ y như Đạo Cao Đài, nhưng có nội dung trái ngược với Đạo Cao Đài, rồi đem truyền bá thì làm sao kiểm chứng và giải quyết? Nhờ có phép thử mà Đạo được an toàn.

Về quyền tự do học hỏi: Đạo Cao Đài có Kinh-Vào-Học mà không có Kinh Học Xong, thể hiện việc học hỏi là quyền tự do cá nhân và không có điểm dừng. Hội Thánh Cao Đài không cấm người đạo dùng cơ bút để học hỏi riêng, nhưng cấm đem cơ bút ấy truyền bá dưới mọi hình thức. Do vậy liệt kê 16 đồng tử của Thượng Đế chọn, giúp người đạo ý thức về trách nhiệm trong quyền tự do về cơ bút.

Tự thân tôn giáo: Thượng Đế dạy lập ĐĐTKPĐ là lập QUỐC ĐẠO, theo đó đạo có tổ chức như cách tổ chức một quốc gia, có tam quyền phân lập với hiến pháp minh bạch, có bộ máy hành chánh, có chánh trị đạo …. 

Tự thân ĐĐTKPĐ là một tôn giáo pháp quyền, lại dụng Nho Tông Chuyển Thế nên mọi việc phải chánh danh. Liệt kê 16 đồng tử của Thượng Đế rất quan trọng về tính chánh danh và pháp lý đạo. Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền, nên đồng tử của Thượng Đế chọn trong ĐĐTKPĐ phải có đủ pháp lý đạo trước chúng sanh.

3/- Hoa và củi mục.

Ngày 14-1-1926, ngài Đoàn Văn Bản, Đốc học Cầu Kho thấy cơ bút huyền diệu nên xin tập làm đồng tử. Thượng Đế dạy:

Bút nở mùa hoa đã có chừng,
Chẳng như củi mục hốt mà bưng,
Gắng công ắt đặng công mà chớ,
Buồn bực rồi sau mới có mừng.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 2, trang 209, bản in 1972)

Đạo Sử ghi chú: Ông Ðốc Bản xin chấp bút, Thầy cho bài thi nầy ám chỉ Thầy định cho ai thì nấy đặng, chớ không phải ai cũng có thể cầu cơ chấp bút đặng.

Thượng Đế dạy rằng cơ bút từ 16 đồng tử được chọn đem hoa cho đàn cơ, đồng tử không phải từ 16 vị được chọn đem củi mục cho đàn cơ. Cùng một phương tiện là cơ bút, nhưng do cái nhân (hạt giống) nên tạo ra giá trị khác nhau; đồng tử phò cơ được chọn tạo ra hoa, đồng tử phò cơ không do Thượng Đế chọn tạo ra củi mục.

Trong ĐĐTKPĐ, đồng tử phò cơ không phải của Thượng Đế chọn thì chẳng có pháp lý gì trong đạo. Đàn cơ không có pháp lý là sai với phép thử về cơ bút, cho dù có phủ lớp sơn hào nhoáng, bóng bẩy thế nào, thực chất vẫn là củi mục. 

4/- Trách nhiệm của người Đạo Cao Đài. 

Mỗi khi cúng, người Đạo Cao Đài đọc lời nguyện thứ nhứt: Đại Đạo hoằng khai; thứ hai: phổ độ chúng sanh … nên xác định bảng cửu chương, giới thiệu phép thử về cơ bút ĐĐTKPĐ đến xã hội là nghĩa vụ của người đạo. Bài viết đã dẫn chứng, Thượng Đế giao nhiệm vụ cơ bút cho HTĐ, và chọn 16 đồng tử với tên tuổi rõ ràng; ngoài 16 đồng tử kể trên thì các đồng tử mạo danh ĐĐTKPĐ tạo ra củi mục.

Tề Thiên thật tạo ra những bông hoa đầy đủ hương sắc thì rất nhiều Tề Thiên giả đem củi mục cho xã hội. Có những tổ chức liên quan đến Đạo Cao Đài hay đội lốp Cao Đài đã mạo danh ĐĐTKPĐ để sản xuất ra củi mục.

Thí dụ: Năm 1965, các điệp viên cộng sản lập Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (CQPTGL) 171B Cống Quỳnh Sài Gòn để hoạt động thành. CQPTGL nhân danh ĐĐTKPĐ lập ra Hiệp Thiên Đài, chọn đồng tử để phò cơ và phát hành mấy chục quyển Thánh Giáo Sưu Tập với danh nghĩa Đạo Cao Đài. 

Vậy Thánh Giáo Sưu Tập của CQPTGL là hoa hay củi mục?

Căn cứ vào phép thử cho thấy: HTĐ của CQPTGL không nằm trong Pháp Chánh Truyền; đồng tử phò cơ của CQPTGL không có trong danh sách 16 đồng tử được Thượng Đế chọn. Do vậy mấy chục quyển Thánh Giáo Sưu Tập của CQPTGL là củi mục trong ĐĐTKPĐ. (2)

Tin Tề Thiên giả hay Nạn nhân của củi mục.

Phần lớn nhân sự CQPTGL là người có khoa bảng như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhà văn, chính trị gia, …. Đặc biệt là Đinh Văn Đệ, là Dân biểu Hạ Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa, cũng là điệp viên cao cấp của cộng sản có bí danh U4, là Đạo Trưởng Thiên Vương Tinh, lãnh đạo chủ chốt của CQPTGL; cho nên các vị có đủ mỹ từ để phủ lên củi mục. Do đó nhiều trường đại học, nhà nghiên cứu về Đạo Cao Đài, nhưng không hiểu phép thử về cơ bút, nên không biết đâu là hoa, đâu là củi mục. Các vị lại bị thu hút bởi lớp sơn khoa bảng của CQPTGL, nên căn cứ vào củi mục để nghiên cứu, ấy là nạn nhân của Tề Thiên giả, nạn nhân của củi mục. 

Nhà văn, nhà nghiên cứu Huệ Khải, là nhân sự của CQPTGL viết bài: Từ Khai tịch đến Khai minh góp phần tạo ra củi mục (3)

Giáo Sư Nguyễn Khắc Tiến Tùng (Đức quốc) viết bài: CAO ĐÀI, “CHI PHÁI” hay “TRUYỀN THỐNG”? Giáo Sư Tùng đã dọc ngang trong cơ bút của CQPTGL, để tìm hiểu, góp ý về Đạo Cao Đài. Đó là điều rất đáng tiếc. (4).

ĐĐTKPĐ phát xuất từ cơ bút, 16 đồng tử phò cơ được Thượng Đế chọn là pháp lý, là phép thử đúng về cơ bút trong ĐĐTKPĐ, nên tạo ra vườn hoa đầy hương sắc. Những đàn cơ mà đồng tử phò cơ không do Thượng Đế chọn là không có pháp lý trong Đạo Cao Đài, nên không qua được phép thừ về cơ bút và tạo ra củi mục. 

__________________________

Chú thích:

(1)/- Thư Ngài Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh gởi cho Ngài Thái Ca Thanh ở Cầu Vỹ Mỹ Tho. Thầy đã dạy: Đạo khai tà khởi, nó cũng dám lấy tên Thầy mà cám dỗ lựa là Tiên Phật nên Thầy đã căn dặn ngoài Thập Nhị Thời Quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng nơi này nơi nọ mà phải lầm mưu tà quái cám dỗ. (Ngày 01-11-1932).

(2)/- https://vietnamthoibao.org/vntb-co-but-cua-co-quan-pho-thong-giao-ly/

(3)/- https://thienlybuutoa.org/Giaoly/TuKhaiTichDenKhaiMinh.htm

(4)/-  https://thienlybuutoa.org/Giaoly/CaoDai-ChiPhai-TruyenThong.htm