Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

5437. VNTB – Chinh quyền Việt Nam phá hoại tôn giáo ra sao? (bài 1)

 

VNTB – Chinh quyền Việt Nam phá hoại tôn giáo ra sao?(bài 1)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Chiến lược đàn áp tôn giáo đồng loạt ở các nước cộng sản và biến tướng của chiến dịch này thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng mục tiêu phá hoại, thay đổi dẫn đến tiêu diệt tôn giáo truyền thống không thay đổi. 

 

https://vietnamthoibao.org/vntb-chinh-quyen-viet-nam-pha-hoai-ton-giao-ra-saobai-1/

Chủ nghĩa cộng sản xem mọi tôn giáo là kẻ thù không đội trời chung. Chiến lược đàn áp tôn giáo đồng loạt diễn ra trong các nước cộng sản và biến tướng của chiến dịch này thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng mục tiêu phá hoại, thay đổi dẫn đến tiêu diệt tôn giáo truyền thống không thay đổi. 

Tại Cuba, từ Fidel Castro đến nay, đảng cộng sản sử dụng một số tổ chức tôn giáo làm trợ cụ kiểm soát những tôn giáo chấp nhận sự chỉ đạo của nhà nước, trong khi vẫn đàn áp và hạn chế quyền tự do tôn giáo của những tổ chức không tuân theo chính quyền. 

Lào là một quốc gia Phật giáo truyền thống, nhưng chính quyền không hoàn toàn đàn áp tôn giáo tàn nhẫn như các nước cộng sản khác dù vẫn không ngừng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo. Lào thành lập Ủy Ban Trung Ương về Các vấn đề Tôn giáo do chính phủ điều hành, giám sát và quản lý các hoạt động của tất cả tôn giáo trong nước, tương đương với Ban Tôn Giáo Trung Ương  của Việt Nam. Hòa Thượng Nhất Hạnh gọi thẳng ra tổ chức này là Ban công an tôn giáo. 

Chính quyền sử dụng tổ chức này để điều phối các hoạt động tôn giáo, tránh những ảnh hưởng có thể gây nguy hiểm cho sự thống trị của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Giáo hội Phật giáo Lào là tổ chức Phật giáo chính thức tại Lào, được chính quyền quản lý và sử dụng để định hình và kiểm soát tư tưởng của người dân và tương đương với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Bắc Hàn là một trong những quốc gia đàn áp tôn giáo mạnh mẽ nhất trên thế giới. Chế độ của gia đình cha truyền con nối họ Kim hoàn toàn không khoan nhượng đối với các hoạt động tôn giáo độc lập và sử dụng các tổ chức tôn giáo nhà nước làm công cụ tuyên truyền. Thực tế, các tổ chức tôn giáo Bắc Hàn chỉ có trên danh nghĩa và phục vụ cho mục đích chính trị của đảng Lao Động Triều Tiên. 

Liên đoàn Kitô giáo Triều Tiên, Hiệp hội Phật giáo Triều Tiên, Liên đoàn Thiên Chúa giáo Triều Tiên-không quan hệ với Vatican-, hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính phủ. Những tổ chức này tạo hình ảnh có tự do tôn giáo ở Triều Tiên dù nằm trong tay chính phủ. Tuy nhiên mọi hoạt động của các tổ chức này đều bị kiểm soát chặt chẽ. 

Ngoài ra còn Hiệp hội Cheondo, hoạt động như một đảng chính trị nhỏ trong hệ thống chính trị Bắc Hàn, là tổ chức đại diện cho tôn giáo dân tộc bản địa Cheondo, một công cụ của nhà nước và không có bất kỳ quyền tự do nào trong việc thực hành tôn giáo.

Tại Trung quốc, từ thời Mao Trạch Đông đến nay, đảng cộng sản từng phá hoại, kiểm soát rất chặt chẽ tôn giáo. Mục đích của việc này là để chắc chắn mọi hoạt động tôn giáo phải tuân theo đường lối và sự lãnh đạo của đảng thông qua các tổ chức tôn giáo quốc doanh như Trung Quốc Thiên Chúa Giáo Ái Quốc Hội thành lập năm 1957. Đây là tổ chức Công giáo duy nhất được chính quyền Trung Quốc công nhận. Hiệp hội này không liên kết với Vatican. 

Những người Công giáo theo đường lối độc lập, trung thành với Vatican, thường gọi là Giáo Hội Hầm Trú bị đàn áp. Phong trào Tam-Tự Ái Quốc là tổ chức Tin Lành, cũng do chính phủ thành lập và kiểm soát. Các nhà thờ tham gia phong trào này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nội dung thờ phượng và giáo lý, đồng thời phải tuyên truyền lòng trung thành với Đảng Cộng sản. 

Hiệp hội Phật Giáo Trung Quốc là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính phủ Trung Quốc công nhận. Các tu viện và giáo sĩ Phật giáo phải tuân theo quy định của nhà nước và chỉ được phép thực hiện các hoạt động có sự chấp thuận từ chính quyền. Hiệp hội Hồi Giáo Trung Quốc được chính phủ Trung Quốc lập ra để  kiểm soát hoạt động của các cộng đồng Hồi giáo trong nước. Chính phủ đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế đối với các cộng đồng Hồi giáo, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tại Việt Nam, ĐCSVN cũng đặt ra, nuôi dưỡng và cầm tay chỉ bảo những tổ chức tôn giáo quốc doanh tương tự như các tổ chức kể trên của Trung Quốc, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, hay còn được gọi là Cao Đài 1997. Giáo Hội Tin Lành Miền Bắc, Miền Nam, và một số tổ chức trợ cụ nhỏ, lẻ tẻ khác. 

Với các tổ chức tôn giáo nhỏ, ít tín đồ, không có nhiều thế lực, chính phủ  dễ dàng can thiệp hay thuần phục bằng khuyến dụ, ban ơn,  đe dọa các người lãnh đạo hay cái cắm người vào thay đổi giáo lý, giáo luật. Những tổ chức tôn giáo này trở thành những cá thể hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Các trợ cụ tôn giáo thực hiện các mục tiêu chính trị, kiểm soát đời sống xã hội về cả tư tưởng và tôn giáo.

 

1. Kiểm soát quyền lực và hạn chế tự do tôn giáo

Tín đồ của mỗi tôn giáo luôn có khuynh hướng đoàn kết, chung lòng tin và gắn bó với đấng Tối Cao. Dù chỉ hoạt động hoàn toàn trong lĩnh vực tôn giáo hay niềm tin riêng, tôn giáo đó tự thân trở thành một thách thức đối với quyền lực chính trị của các chế độ cộng sản, toàn trị rất sợ sự giảm hay chia sẻ giá trị.

Bằng cách kiểm soát hoặc lập ra những tổ chức tôn giáo trung thành với chính quyền, chen chân vào mọi tôn giáo, các chế độ độc tài hạn chế quyền lực và sự ảnh hưởng của các giáo hội độc lập, dẫn đến giới hạn quyền tự do tôn giáo, sự đoàn kết giữa các tín đồ và của người dân có tôn giáo. Nhóm Giao Điểm và Sách Hiếm của Trần Chung Ngọc, Hoàng Hoa Cương-một dược sĩ trung úy của VNCH-, Nguyễn Đắc Xuân là điển hình của đặc tình tôn giáo hải ngoại của chính quyền Việt Nam.

 

2. Lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chính trị

Chính quyền rất muốn được góp mặt trong các tôn giáo mọi lúc mọi nơi, tận dụng cơ hội tuyên truyền cho bộ mặt của mình đồng thời khoe khoang về tự do tôn giáo. Những tổ chức này thường được hướng dẫn để ủng hộ các chính sách của nhà nước, tuyên truyền các giá trị và tư tưởng chính trị cũng như rất hãnh diện có được sự góp mặt của quan chức chính phủ và truyền thông nhà nước đề cập đến. 

Sự vui mừng của chi phái Cao Đài 1997 khi khoe ra sự hiện diện của hàng trăm giới chức quan quyền từ trung ương đến huyện, xã, với bao nhiêu bó hoa, tặng phẩm họ mang đến Lễ Hội Diêu Trì hàng năm là bằng chứng thảm hại sự cầu cạnh được xoa đầu ban ơn. Điều này có thể dẫn đến việc tôn giáo bị biến chất, khi các giá trị tinh thần và đạo đức bị thay thế bằng những lợi ích chính trị. Tín đồ bị lừa dối và tin rằng tuân thủ chính quyền là một phần của đức tin tôn giáo.

 

3. Dùng tôn giáo để hợp pháp hóa chính quyền

Chính phủ có thể sử dụng các lễ hội tôn giáo hay hình ảnh quan chức chính phủ đứng bên cạnh các lãnh đạo tôn giáo để đạt được sự ủng hộ và tính chính danh cho chế độ với các tín đồ. 

Nơi nhà cầm quyền dễ chen chân là các tổ chức tôn giáo giả mạo qua đó tạo ra hình ảnh của một chính quyền hợp pháp và được tín nhiệm. Các nghi lễ tôn giáo bị thao túng hoặc các sự kiện tôn giáo bị biến thành công cụ chính trị để củng cố quyền lực với những hình ảnh “tốt đạo, đẹp đời” nhan nhản trên truyền thông nhà nước.

 

4. Đàn áp các tổ chức tôn giáo độc lập

Chính phủ cần kiểm soát, đàn áp các tổ chức tôn giáo, hay các nhóm tín đồ, các tu sĩ độc lập hay thuộc nhóm tôn giáo không chịu sự kiểm soát của chính quyền và bị coi là mối đe dọa cho cả chính quyền và tổ chức quốc doanh, bởi họ có thể tổ chức những hoạt động vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. 

Chính quyền xây dựng, phát triển mạnh mẽ các tổ chức trợ cụ để đàn áp tôn giáo độc lập. Điều này dễ thấy nhất qua cách đối đãi của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam của nhà nước với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất độc lập.

 

5. Thao túng và kiểm soát tín đồ

Chia rẽ, thao túng và kiểm soát một tổ chức tôn giáo có tổ chức chặt chẽ để đạt được mục tiêu chính trị bằng cách sử dụng các nhà lãnh đạo tôn giáo làm công cụ tuyên truyền, lôi kéo tín đồ tin tưởng và tuân theo các chính sách của nhà nước. 

Chính quyền dựng nên một trợ cụ có vẻ hoàn toàn tuân phục tôn giáo, mời gọi các nhà lãnh đạo tinh thần tham gia, và bằng mọi thủ đoạn, biến những người này thành những Ngụy Tu Sĩ. 

Điều này đặc biệt nguy hiểm vì các tu sĩ có hưởng mạnh đối với niềm tin và hành động của tín đồ, khiến họ có thể bị điều khiển mà không nhận ra mình đang bị lừa dối. Chính tu sĩ đó bị lừa dối và vô tình hay cố ý lừa dối tín đồ của minh. Điều này dễ thấy qua Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo và nhiều tu sĩ thành viên.

 

6. Ngăn chặn sự nổi dậy hoặc phản kháng

Tôn giáo là một lực lượng có khả năng tập hợp và thúc đẩy sự phản kháng chống lại các chính quyền đàn áp. Hai tôn giáo nội địa ái quốc và có truyền thống chống cộng là Hòa Hảo và Cao Đài là rõ nét nhất. 

Lo sợ bị chống đối, chính phủ Việt Nam đã dựng lên các tổ chức tôn giáo giả hiệu, bù nhìn hoặc biến giáo hội thành công cụ của chính quyền đồng thời cho tiêu diệt Hòa Hảo chân truyền, lập nên Giáo Hội Hòa Hảo mới.

Dùng bạo lực, ngay cả cầm tù, giết các chức sắc, chức việc và tín đồ đạo Cao Đài chân truyền 1926 để dựng nên chi phái Cao Đài 1997. Chính phủ Việt Nam cũng tìm cách cài cắm những tu sĩ, lãnh đạo tôn giáo làm gián điệp để theo dõi và báo cáo tình hình tôn giáo, thậm chí lợi dụng tôn giáo để dập tắt những mầm mống nổi dậy.

 

7. Phân hóa và chia rẽ cộng đồng tôn giáo

Các tổ chức tôn giáo công cụ của chính quyền lập nên có hai mục đích. Thứ nhất, nhằm phân hóa cộng đồng tín đồ và làm suy yếu các giáo hội độc lập. Thứ hai, liên kết với nhau phục vụ chính quyền. 

Bằng cách tạo ra những nhóm tôn giáo giả mạo, thân chính quyền, chính phủ có thể gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng tôn giáo, làm giảm khả năng đoàn kết và sức mạnh của tín đồ. 

Điều này giúp chính quyền kiểm soát tốt hơn và ngăn chặn bất kỳ sự đoàn kết nào giữa các nhóm tôn giáo có thể đe dọa quyền lực của đảng cầm quyền. Ví dụ ông Thích Nhật Từ vu khống Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, chính quyền phối hợp cho truy tố nhóm tu tại gia này hòng xóa bỏ luôn Thiền Am.

 

8. Sử dụng tôn giáo để kiểm soát đời sống xã hội

Tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin cá nhân mà còn tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Bằng cách dựng nên các trợ cụ và tập đoàn ngụy tu sĩ để kiểm soát các tổ chức tôn giáo, và lung lạc tinh thần tín đồ, chính quyền có thể chi phối văn hóa, xã hội, và đạo đức của người dân. 

Những chuẩn mực về đạo đức và xã hội có thể bị bóp méo để phục vụ cho các mục tiêu chính trị, trong khi tín đồ không còn khả năng phân biệt giữa tôn giáo và chính trị.

 

9. Kiểm soát tài nguyên và kinh tế của tôn giáo

Một số tổ chức tôn giáo có tài sản lớn và nguồn lực kinh tế đáng kể. 

Chính quyền có thể tìm cách kiểm soát những nguồn lực này bằng cách dựng lên các tổ chức tôn giáo giả mạo hoặc thâu tóm các giáo hội có sẵn. Khi đã kiểm soát được nguồn lực kinh tế của tôn giáo, chính quyền có thể sử dụng chúng để phục vụ cho các mục tiêu tài chính và chính trị của mình, đồng thời làm suy yếu bất kỳ sự phản kháng nào từ các tổ chức tôn giáo độc lập. 

GHPGVN sở hữu hơn 18 ngàn chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện… và tiền thu qua cúng dường, vé vào cửa lễ Phật, tham quan chùa, tiền giữ xe… lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

 

10. Bóp méo và biến đổi giáo lý tôn giáo

Một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc chính quyền kiểm soát tôn giáo là sự biến đổi, cố tình bóp méo giáo lý tôn giáo. 

Khi các tổ chức tôn giáo là trợ cụ của chính quyền và với các ngụy tu sĩ, giáo lý, giáo pháp có thể bị thay đổi để phù hợp với các mục tiêu chính trị. Những giá trị tinh thần và đạo đức ban đầu có thể bị bóp méo để phục vụ cho quyền lực chính của đảng. 

Hiến chương của GHPGVN phá vỡ hết điểm quan trọng của Phật Giáo nguyên thủy, truyền thừa từ Đức Phật và các tổ sư.

Đưa ra ánh sáng các tổ chức trợ cụ của chính quyền Việt Nam và các khuôn mặt ngụy tu sĩ phá hoại tôn giáo thiết tưởng là trách nhiệm của mọi người Việt Nam yêu nước, tôn trọng sự thật, tự do và nhân quyền.