Trang

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

5445. VNTB – Tây Nguyên: Máu và nước mắt ( bài 10)

 

VNTB – Tây Nguyên: Máu và nước mắt ( bài 10)

Liêm Lý & Quang Nguyên

 

(VNTB) – Nhiều người Thượng Công giáo đã phải đối mặt với các cuộc đàn áp về các quyền tự do tôn giáo và cũng chịu chung số phận với người Thượng theo đạo Tin Lành. 

 

Bài 10: Số phận của cộng đoàn Công Giáo trên Tây Nguyên

https://vietnamthoibao.org/vntb-tay-nguyen-mau-va-nuoc-mat-bai-9/

 

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ.

Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?

Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ

Bài 4: Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên

Bài 5: Người Thượng Tây Nguyên – Con Giun bị xéo mãi

Bài 6: Hai cuộc biểu tình 2001, 2004 tại Tây Nguyên

Bài 7: Đàn áp tự do tôn giáo tại Tây Nguyên

Bài 8: Đàn áp tiếp nối đàn áp

 

 

Chính quyền Việt Nam đã áp dụng những chính sách tàn bạo để xóa bỏ lịch sử, văn hóa, tôn giáo và buôn làng người bản địa Tây Nguyên thế nào, thì với giáo hội công giáo và những người Thượng theo các tôn giáo khác cũng bị đàn áp như vậy. Với giáo hội công giáo tại đây, chính quyền cho đánh đập, giam giữ và giết nhiều vị lãnh đạo tu sĩ công giáo. 

Ngày 28 tháng 3 năm 2024 là ngày giỗ thứ 49 của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế – tác giả bản dịch trọn bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước từ tiếng Hipri, Aram và Hilạp ra tiếng Việt. 

Hôm đó là thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài từ Đà Lạt xuống Di Linh theo lời mời của cha Phùng Thanh Quang, cha sở Di Linh, giúp Tam Nhật Thánh. Trên đường xuống Di Linh, ngài bị việt cộng bắt, đập bằng búa và bắn vào đầu, vùi xác tại đồn điền Nguyễn  Ngọc, xã Châu Thành, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 

Xác ngài được một Hạ sĩ quan Truyền Tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chôn tạm ngay tại đó và nhiều năm sau được đưa về an táng tại nghĩa trang trên đồi thông của Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt. 

Nhưng theo một nguồn tin khả tín nhận được khi đang viết bài này, ngay ngày chiếm được Đà Lạt, quân “giải phóng” đã ra lệnh giết cha Phùng Thanh Quang, cha sở Di Linh. Không may, họ đã nhận lầm cha Nguyễn Thế Thuấn là cha Phùng Quang Thanh. Người Hạ Sĩ Quan chôn cha Thuấn hiện định cư Mỹ.

Mặc dù người Thượng Công giáo không tham gia hai cuộc biểu tình của đồng bào Tin Lành năm 2001 và 2004, nhưng cũng dự phần vào các cuộc đấu tranh rộng lớn hơn của cộng đồng người Thượng. Nhiều người Thượng Công giáo đã phải đối mặt với các cuộc đàn áp về các quyền tự do tôn giáo và cũng chịu chung số phận với người Thượng theo đạo Tin Lành. 

Hành hung linh mục

Sáng Chúa Nhật, ngày lễ Phục Sinh 8/4/2012, Đức Giám Mục giáo phận Kon-Tum Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Phê-rô Trần Thanh Chung, và một số linh mục bị công an chận đường, không cho đi đến giáo họ Turia Yôp, xã Đăk Hring để làm mục vụ. Cha Calisto Bá Năng Lý, chánh xứ Kon Hring đi trong đoàn này cũng bị ngăn cấm vào họ đạo của mình. 

Trong thư gửi các lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước Việt Nam, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh viết 

Tự do tôn giáo không phải là một ân ban, mà là một quyền căn bản thánh thiêng!”, “Kể cả suốt mấy chục năm nay (1972-2012) Huyện Đăk Hà, đối với người công giáo, vẫn được mệnh danh một “Huyện[bị chính quyền] ghét đạo nhất” Tỉnh. Chuyện “hành hạ người có đạo” tinh vi.., “Như “con giun bị dày xéo” nó cũng quằn quại để thoát chết! Người có đạo chúng tôi, một khi bị dồn ép quá, bị dồn ép gần 40 năm rồi, cũng muốn được thở, được “sống cho ra sống”! “Có ai lại đi chụp cho con giun “cái mũ chống đối người giẫm lên nó” đâu! Đừng ai chụp cho cái mũ phản động hay chống đối người thi hành công vụ, cũng đừng ai vu cho cái tội âm mưu lật đổ Chính Quyền hoặc diễn tiến hòa bình này nọ! Oan lắm”(1)

Trong thư, ngài đã nhắc lại chuyện linh mục Nguyễn Quang Hoa, cha phó Giáo xứ Kon Hring, thuộc Giáo hạt Đăk Mót, phía bắc Tỉnh Kon Tum bị 3 tên côn đồ hành hung.

11 giờ, thứ Năm, ngày 23.02.2012, Sau khi đi dâng lễ an táng cho một cụ già người dân tộc ở làng Kon Hnong, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum về. LM Nguyễn Quang Hoa bị 3 tên côn đồ người Kinh, tóc xanh tóc vàng đuổi theo đánh Cha ngã xuống xe, Cha vội chạy vào rừng cao su, cũng bị bọn chúng rượt đuổi theo đánh, bị thương ở đầu và cả người, rất may, không nặng lắm. Sau đó bọn chúng ra đập phá hỏng xe máy của Cha Hoa ở đường và bỏ đi. 

Sự trả thù, đánh đập, bức hiếp, đánh đập người có đạo công giáo Tây Nguyên, đặc biệt các vị lãnh đạo người công giáo, thuộc giáo phận Kon-Tum, không chỉ có từ sau 1975 mà bắt đầu ngay từ năm 1965 khi tình hình an ninh bất ổn tại một phần Kon-Tum. 

Cha xứ Léon Dujon giáo xứ Kon Kơla bị việt cộng bắt từ ngày 23 đến 24 tháng 2 năm 1965, thả lỏng ngày 25 và bị bắt trở lại vào ngày 28, trước khỉ được thả vào ngày 02 tháng 08 năm 1965.

Năm 1972, miền Bắc Kon-Tum, vùng Đăk Tô rơi vào tay việt cộng. Cha sở Dujon giáo xứ Đăk Kơla và Cha Marcel Arnould xứ Kon Hơnong bị bắt dẫn vào rừng, phía đông về phía núi Ngọc Linh, bên Kon Pia và Kon Kơla. Các Linh Mục Carat và cha Brice bị bắt dẫn vào cùng một phía rừng, nhưng tách rời cho đến tháng 7 năm 1972. Sau đó các linh mục này trốn thoát.
Sau năm 1975, dân làng Đăk Jâk, Đăk Tuk cùng các làng khác dần quay trở về quê cũ sinh sống, một số cư dân phải định cư nơi khác, xa làng cũ, trong đó có một số làng công giáo vùng Đăk Sut và Đăk Kơla và tái lập Giáo xứ với tên gọi Đăk Jâk. 

Cha sở Léon Dujon, cùng 7 linh mục thừa sai khác bị qui tụ về Tòa Giám mục Kontum, và ngày 12/08/1975 tất cả bị trục xuất về nước. 

Từ 1975 đến 2004: không có linh mục hiện diện tại Địa sở ĐĂK KƠLA.
Các chú Yao Phu như Luy Nhah, G. Leonardi Glép, Simon Nhum, Liêm bị bắt tù tại trại giam T15 Plei Bông. Riêng chú Luy Nhah phải trải qua 2 nhà tù T20 và T15. Còn chú Giacôbê Bỉng và chú Luy Dum bị bắt cải tạo tại huyện Đăk Glei nhiều lần. Các chú Phô, Bôn, Binh, Tháo làng Đăk Nai và Chú Cosma Thim làng Đăk Jâk bị bắt cải tạo tư tưởng tại huyện Đăk Glei mỗi năm 2 lần.
Từ năm 2004-2011: 2 Giáo xứ này không có Linh mục hiện diện.
Ngày 11.11.2011, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum đã bổ nhiệm Cha Đaminh Trần Văn Vũ làm chính xứ Đăk Jâk với 13 làng và 1 giáo họ, số tín hữu 4.700 người dù chính quyền không công nhận.

Phá nhà thờ Giáo xứ Dak Jak

Giáo xứ Đăk Jâk có 5059 giáo dân. Trong đó có 4819 giáo dân thuộc 3 sắc tộc Xê-đăng, Hơlăng và Jeh cùng 240 giáo dân người Kinh.Mặc dù số giáo dân khá đông và Tòa Giám mục Kontum nhiều lần đệ đơn để khôi phục Giáo xứ, nhưng Nhà nước vẫn chưa công nhận. Nhà nước không cho linh mục cư trú,
giáo dân phải dầm mưa dãi nắng dâng lễ.
Nhiều lần trình bày với chính quyền không được thỏa mãn nguyện vọng, tháng 4.2013, cả xứ đồng lòng dựng một “nhà thờ tạm” bằng cột tròn, lợp tôn, không thưng vách, thô sơ, với diện tích 1000 mét vuông để che nắng che mưa. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh vào ngày 23.6.2013 đã làm lễ dâng hiến nhà thờ này lên Thiên Chúa.
Căng thẳng giữa Giáo xứ và Chính quyền, đã âm ỉ từ lâu, nay bắt đầu có lý do bùng phát. Chính quyền ngay sau đó, tháng 5.2013, đã ký quyết định tháo dỡ nhà thờ này.
Đối với Nhà nước đây là ngôi nhà thờ bất hợp pháp. Nhưng đối với giáo dân, đây là nơi gặp gỡ Chúa, là nơi sinh hoạt tôn giáo. Căng thẳng giữa Chính quyền và Giáo xứ ngày một tăng, khi một bên quyết dỡ và một bên quyết giữ.
Tòa Giám mục Kontum và giáo dân đã nhiều lần làm việc với Chính quyền huyện Đăk Glei và tỉnh Kontum để tìm ra một giải pháp tốt nhất cho vấn đề Nhà thờ Đăk Jâk.
Và cuối cùng giải pháp đã được tìm ra giữa Tòa Giám Mục Kontum và Chính quyền Huyện Đăk Glei cùng Sở Nội Vụ tỉnh Kontum vào ngày 22.8.2014. 

Trong giải pháp này, Tòa Giám mục đồng ý tháo dỡ ngay ngôi “nhà nguyện tạm” này khi có giấy của Huyện Đăk Glei cho phép dựng tạm một nhà khác 200 mét vuông trên đất của Giáo xứ đề nghị. Cả 2 bên đều thống nhất giải pháp này.

Mọi chuyện tưởng chừng xong, nhưng, thật đáng tiếc! Chính quyền vẫn chỉ hứa mà không thực hiện.

Bức xúc của bà con giáo dân Đăk Jâk càng bùng phát mãnh liệt hơn khi Chính quyền huyện Đăk Glei không những không cho làm nhà thờ mà còn nhiều lần trục xuất Linh mục Quản xứ ra khỏi địa bàn.

Vào chiều ngày 07.01.2015, Giám mục Giáo phận Kontum họp với Ban Tôn Giáo Sở Nội Vụ tỉnh để bàn về vấn đề Đăk Jâk. Cuộc đàm phán kéo dài trong sự căng thẳng. Đến 2h30’ chiều, quyết định ký từ ông Phạm Văn Long, Phó Giám Đốc Sở Nội Vụ Tỉnh Kontum và bà Y Thị Bích Thọ, Chủ Tịch UBND Huyện Đăk Glei là “từ ngày 07-17.01.2015 phải dỡ cho được ngôi nhà tạm nói trên và từ nay tới tháng 3 sẽ trục xuất cho được Linh mục Quản xứ ra khỏi giáo xứ và không cho bất kỳ Linh mục nào lên làm mục vụ tại huyện Đăk Glei này”.

Đối phó với sự kiên trì, bình tình trong tinh thần bất bạo động dài ngày của giáo dân, chính quyền tỉnh, sở nội vụ, ban tôn giáo tỉnh phải lùi bước. Tòa Giám mục được cấp giấy phép xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ Đăk Jâk sau 40 năm mong mỏi, chờ đợi của giáo dân và tòa Giám Mục Kon-Tum.(2)

Bà Y Thị Bích Thọ, còn được cho là nhân vật chính trong một câu chuyện xảy ra sau đó làm xôn xao dư luận người công giáo trong và ngoài nước, đánh động lương tâm những cá nhân, tổ chức ủng hộ tự do tôn giáo.

Phá thánh lễ ở Kontum

Ngày 22/3/2023, một nhóm công an mặc sắc phục và lãnh đạo xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào một điểm  tạm đang diễn ra thánh lễ của giáo dân Công giáo và giât sách lễ, rút điện, lớn tiếng yêu cầu vị linh mục đang cử hành thánh lễ “về làm việc” với lý do “chưa có giấy phép” làm lễ.

Theo các trang tin Công giáo, sự việc quấy rối thánh lễ diễn ra vào lúc 6:15 chiều 22/3 tại một giáo điểm ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, thuộc giáo xứ Đắc Giấc, giáo hạt Đắk Mót, giáo phận Kontum.

Người la lối cản trở buổi dâng lễ của cha Lê Tiên tự xưng “Tôi, Thạch, Phó chủ tịch xã nè, chịu trách nhiệm buổi làm việc hôm nay nè. Tôi tôn trọng mời ông xuống xã làm việc nè”. Người đàn bà đến bàn thờ lấy cuốn kinh thành, mà linh mục đang đọc, ôm vào người và bỏ đi bị nhiều người nhận mặt là bà Y Thị Bích Thọ. 

Hạ sát cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Sự kiện khủng khiếp hơn cũng tại giáo xứ Dăk Mốt, Thị trấn Plei Kan, Huyện Ngọc Hồi, Giáo Phận Kon Tum. Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, phó xứ nhà thờ Dăk Mốt, đang ngồi giải tội cho giáo dân dịp cuối năm thì bị sát hại. Ngài bị chém 2 phát rất nặng vào đầu và được cấp cứu ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi. Ngài qua đời tại bệnh viện lúc 23h30′, Thứ 7 ngày 29/1/2021, khi vừa tròn 41 tuổi.

Cái chết đau đớn của Cha Thanh dấy lên nghi vấn về một bàn tay lông lá hành động hèn nhát và gây ra sự phẫn uất lớn trong lòng các xứ đạo Kom-Tum nói riêng và giáo dân công giáo thế giới nói chung. 

Tuy nhiên phía chính quyền nhanh chóng cho biết kẻ thủ ác là một người mắc bệnh tâm thần.

Thông báo kết luận giám định số 303/TB-CSHS ngày 05/10/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum, do ông Trung tá Đinh Quốc Tuấn, Phó thủ trưởng ấn ký, cho biết Cơ quan đã nhận được Kết luận giám định pháp y tâm thần lại theo trưng cầu số: 267/KLGĐ ngày 15/9/2022 của Viện pháp y tâm thần Trung ương tại thành phố Hà Nội đối với: Giám định lại tình trạng sức khỏe tâm thần của bị can Trần Văn Kiên trong vụ án Giết người xảy ra ngày 29/01/2022 tại thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Nội dung kết luận giám định như sau: “Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội [chém cha Thanh] và tại thời điểm giám định bị can Nguyễn Văn Kiên bị bệnh Rối loạn hoang tưởng. Hoang tưởng trực tiếp chi phối hành vi. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F22.0.

Đâm trọng thương linh mục Trần Quang Truyền

Một linh mục khác cũng thuộc giáo phận Kontum bị đâm trọng thương và thủ phạm vụ này cũng lại là một kẻ tâm thần.

Khoảng 11 giờ ngày 22/4/2020, Trần Trọng Ca (30 tuổi, trú P.An Phú, TX.An Khê) điều khiển xe tải nhỏ BS 77C – 034.30 vào sân Nhà thờ giáo xứ An Khê (thuộc tổ 2, P.An Phú, TX.An Khê). Ca mang theo 2 dao rựa, 1 con dao bầu cán dài, đi tới nhà để xe của nhà thờ chém vào 2 ô tô làm vỡ kính chắn gió.
Sau đó, Ca đi vòng ra phía sau nhà thờ, đến khu vực phòng ở, thấy linh mục Trần Quang Truyền (70 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tùng (44 tuổi, trú P.An Phú, là người bán nước bình trong nhà thờ) liền lao vào đuổi chém. Linh mục Truyền và anh Tùng bỏ chạy được 50 m thì bị Ca đuổi kịp. Ca dùng dao đâm vào bụng linh mục Truyền và anh Tùng làm cả hai người bị thương, ngã xuống đất.

Lúc này, ông Nguyễn Tấn Kiệt (73 tuổi, trú P.Tây Sơn, TX.An Khê) chạy vào can ngăn cũng bị Ca dùng rựa chém trúng cùi chỏ tay, bị thương nhẹ rồi Ca lái xe đi.
Người trong nhà thờ phát hiện linh mục Truyền, anh Tùng và ông Kiệt bị thương liền chạy qua trụ sở Công an P. An Phú (nằm đối diện Nhà thờ giáo xứ An Khê) trình báo.

Khoảng 11 giờ 15, Trần Trọng Ca quay lại nhà thờ, mang theo khoảng 18 lít xăng vừa mua ở cây xăng gần đó và dùng hung khí đe dọa những người xung quanh. Trần Trọng Ca tưới xăng vào cửa chính nhà thờ, châm lửa đốt rồi điều khiển xe bỏ chạy trên QL 19, theo hướng Bình Định – Gia Lai. Công an phường, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã kịp thời dập tắt đám cháy ở Nhà thờ giáo xứ An Khê.

Sau khi chạy ra khỏi Nhà thờ giáo xứ An Khê, Trần Trọng Ca lái xe đến Nhà thờ giáo xứ An Sơn (xã Tân An, H.Đắk Pơ), tông cổng nhà thờ, chạy vào sân, lấy xăng mang theo châm lửa đốt nhà thờ rồi chạy về nhà.
Rất may, thời điểm này có một nhóm thợ hồ đang làm việc đã kịp thời dập lửa nên thiệt hại không đáng kể. Đến khoảng 11 giờ 45 cùng ngày, Trần Trọng Ca bị Công an An Khê bắt giữ tại nhà riêng. Tang vật thu giữ gồm 2 dao rựa, 1 dao bầu và xe bán tải mà nghi phạm dùng khi gây án

Về động cơ, mục đích gây án, cơ quan điều tra chưa làm rõ được vì từ khi gây án đến tối muộn ngày 22.4, Trần Trọng Ca chỉ nói cười, hát nên chưa thể khai thác được.
Toàn bộ vụ án Trần Trọng Ca phóng lửa đốt nhà thờ, đâm linh mục và 2 người khác đã được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai thụ lý, điều tra làm rõ.(3)

Chủ nghĩa cộng sản xem mọi tôn là kẻ thù không đội trời chung, tất cả hành động phá hoại tôn  giáo từ ngày cướp được chính quyền cho đến nay đều minh chứng điều đó. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy, trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã nới lỏng bàn tay và một số tổ chức tôn giáo có vẻ dễ thở hơn. Thực tế đã chuyển chiến lược đàn áp trực tiếp thô bạo qua tinh vi nhẹ nhàng, nhưng vô cũng nguy hiểm và đặc biệt qua các tổ chức tay sai như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ủy Ban Đoàn Kết Cộng Giáo, Giáo, Chi Phái Cao Đài 1997 …và các ngụy tu sĩ để bôi bẩn và phá đạo.

Tham khảo

(1)https://www.youtube.com/watch?v=tj0CLz6Nke0&t=131s

(2) https://www.youtube.com/watch?v=tj0CLz6Nke0&t=131s

(3) https://conggiao.vn/gia-lai-dot-nha-tho-dam-linh-muc-va-2-nguoi-khac-bi-thuong/