Chúng ta là một nền văn hóa tôn vinh sự sống hay cái chết?
Trong trường hợp an tử, tình huống càng ngày càng tồi tệ và đó cũng là điều được tranh luận.
Một bài báo gần đây đã làm nổi bật các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Úc về vấn đề an tử/trợ giúp an tử tự nguyện (VAD) cho những người mắc chứng mất trí nhớ.
Ngay cả khi mọi người tán thành biện pháp VAD thì nói chung họ vẫn thừa nhận rằng những người mắc chứng mất trí nhớ thường thiếu năng lực để đưa ra sự đồng thuận với những ca tử vong có sự trợ giúp về mặt y tế.
Tuy nhiên, những người khác lại dựa vào các bản tiền chỉ thị để biện minh cho các ca tử vong của những người mắc chứng mất trí nhớ. Họ nên nhớ lại trường hợp một phụ nữ Hà Lan đã ký vào một lá đơn như vậy.
Mặc dù người phụ nữ này lặp lại nhiều lần rằng bà không muốn chết nhưng các bác sỹ vẫn quyết định bà nên được an tử.
Bác sỹ thậm chí còn cho bà uống cà phê có thuốc ngủ để gây buồn ngủ. Khi bác sỹ thực hiện truyền thuốc độc, bà đã vùng vẫy rất nhiều nên ông đã yêu cầu gia đình giữ bà lại để ông có thể truyền hết liều thuốc.
Người ta thường quảng bá VAD với những mong muốn tốt đẹp nhất, và họ sẽ cho rằng phương pháp này nên được giới hạn ở những người mắc bệnh nan y, đau đớn không thể chịu đựng được, là những người trưởng thành có đủ năng lực, và những người tự nguyện đồng ý an tử.
Tuy nhiên, trường hợp như trên cho thấy rõ ràng là thực tế cụ thể thường rất khác biệt.
Ở Bỉ và Hà Lan, ngày càng có nhiều trường hợp trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã và đang bị an tử mà qua đời. Có ít nhất 1,000 trường hợp bệnh nhân mỗi năm tử vong sớm mà không có sự đồng thuận.
Được biết, tại hai quốc gia này, an tử ngày càng được thực hiện nhiều hơn đối với những người mắc bệnh tâm thần, tự kỷ, nghiện ngập, hoặc bị xâm hại tình dục.
Thông thường, người ta sẽ thận trọng trước những lập luận về “sự trượt dốc” vì chúng dựa vào những dự đoán có thể hoặc không thể trở thành hiện thực. Trong trường hợp an tử, tình huống càng ngày càng tồi tệ và đó cũng là điều được tranh luận.
Sau khi lúc đầu được giới thiệu cho một số ít cá nhân, an tử/VAD được mở rộng cho nhiều người hơn, gồm cả những người có thể được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, tâm thần, hoặc các dịch vụ chăm sóc khác tốt hơn.
Được trả tiền để chọn qua đời tự nguyện
Khi liên quan đến tiền bạc, thực tế nghiệt ngã của an tử trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Tiểu bang Oregon của Hoa Kỳ đã ban hành luật ủng hộ an tử vào năm 1997 và các tiểu bang khác cũng làm theo. Mặc dù an tử được giới thiệu là một lựa chọn dành cho những người trưởng thành có năng lực, nhưng có lẽ phương pháp này đã trở nên ít tùy chọn hơn.
Trường hợp của bà Stephanie Packer là một ví dụ.
Vì bà bị bệnh tự miễn mạn tính nên các bác sỹ đề nghị bà chuyển sang một loại thuốc hóa trị khác. Công ty bảo hiểm của bà từ chối thanh toán cho một loại thuốc đắt tiền như vậy, nhưng nói rằng họ sẽ thanh toán cho việc an tử với khoản đồng chi trả là 1.20 USD.
Những trường hợp tương tự như vậy xảy ra trên khắp Hoa Kỳ.
Một bác sỹ ở Nevada đã phàn nàn về nhiều trường hợp các công ty bảo hiểm từ chối chi trả cho phương pháp điều trị đắt tiền để cứu sống bệnh nhân, thay vào đó, họ đề nghị giúp bệnh nhân an tử.
Điều khiến người ta bàng hoàng đó là những trường hợp này không phải là những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Họ là những bệnh nhân có thể sẽ sống sót sau khi được điều trị.
Tuy nhiên thay vì sẵn lòng chi trả cho việc điều trị mà lẽ ra bệnh nhân có quyền được hưởng, thì các công ty bảo hiểm lại cố gắng khuyến khích lựa chọn kết liễu cuộc sống.
Chúng ta muốn xã hội trở thành như thế nào nào?
Phải chăng việc phản đối an tử/VAD nghĩa là khiến mọi người phải chịu đựng những đau đớn tột cùng?
Sau nhiều năm tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong khoa chăm sóc giảm nhẹ, hầu hết tôi được họ khẳng định rằng rất hiếm khi không thể làm dịu cơn đau một cách hợp lý.
Thực tế là quá trình chăm sóc giảm nhẹ tốt mang đến hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện chăm sóc cấp tính không có chuyên môn để cung cấp dịch vụ này. Chính phủ và các công ty bảo hiểm có thể không sẵn lòng đầu tư nguồn lực để bảo đảm rằng mọi người sống với sự quan tâm chăm sóc và phẩm giá [con người].
Một ví dụ điển hình về điều đó là ở Tây Úc khi VAD được đưa ra trước nghị viện tiểu bang hồi năm 2019.
Chính phủ đề nghị rằng họ có thể cung cấp một nhóm gồm sáu chuyên gia đi đến các cộng đồng xa xôi để thực hiện các ca an tử. Nhưng chính phủ sẽ không cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ thích hợp.
Việc chăm sóc này rất tốn kém, nhưng khi được thực hiện tốt — tức là nhân viên điều trị cho bệnh nhân chứ không phải điều trị triệu chứng — và khi họ dành thời gian để tìm hiểu, theo dõi bệnh nhân, cũng như khi họ có thể điều chỉnh các phương pháp điều trị, thay vì chấm dứt sự cô đơn và đau đớn, thì bệnh nhân sẽ trải nghiệm một môi trường mà họ được coi trọng.
Thật không may, những tranh luận về an tử và các vấn đề liên quan như phá thai chỉ dừng lại ở bề mặt—giải quyết các vấn đề khi chúng phát sinh.
Ở một tầng sâu hơn thì cuộc tranh luận này là về văn hóa.
Giáo hoàng John Paul II đã dự đoán về thực trạng này khi ông nhấn mạnh sự khác biệt giữa “văn hóa của sự sống” và “văn hóa của cái chết.”
Câu hỏi dành cho chúng ta là liệu nền văn hóa của chúng ta có phải là một nền văn hóa lựa chọn giữa sự sống hay cái chết, và rồi sẽ thấm sâu vào chính nền tảng của xã hội chúng ta hay không.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times