Hai bài viết, một cách nhìn rất sâu. BBT (xem thêm bài trước đó)
Về ba chuyến đi của Putin
24-6-2024
ĐI TẦU
Pu đến Tầu trong bối cảnh nền kinh tế Nga hoàn toàn phụ thuộc Tầu. Về phía Pu, việc Tầu không rút ống thở, là tối cấp thiết. Vì thế, Pu sẵn sàng nhượng bộ tối đa về giá khí đốt, giá dầu và các lợi ích khác, như mở đường thủy cho Tầu trên con sông, dọc biên giới hai nước để ra biển.
https://baotiengdan.com/2024/06/24/ve-ba-chuyen-di-cua-putin/#google_vignette
Nhưng với Tầu, đó lại là thời điểm phương Tây bắt đầu dò ra con đường Tầu hỗ trợ ngầm Nga để sản xuất vũ khí và đe dọa trừng phạt không thương xót.
Tầu có hai lựa chọn: Chơi tất tay với Phương Tây bằng cách phớt lờ những cảnh báo của họ, tiếp tục ủng hộ Nga không giới hạn; hoặc đặt lên bàn cân xem lợi ích nghiêng về bên nào sẽ nghe theo bên ấy.
Đấy là nói cho văn vẻ, chứ không cần chiếc bàn cân nào thì Tầu cũng biết một bên là núi, một bên chỉ là hòn non bộ, dù to mấy cũng không có gì để so sánh.
Nhờ chiến tranh mà thương mại Nga – Tầu từ khoảng 170 tỷ vọt lên 240 tỷ USD năm 2023. Báo chí Đông Vạn Tượng lên cơn cực khoái, giãy rụa gào rú, cho rằng phương Tây thất bại thê thảm trong trừng phạt Nga!
Họ quên rằng mỗi năm thương mại hai chiều giữa Tầu với Mỹ và EU ngót nghét 1.500 tỷ USD. Chỉ riêng Mỹ, năm ngoái, xuất khẩu của Tầu vào thị trường này, dù sụt giảm, vẫn ở mức hơn 500 tỷ USD. Với EU, ngoài 800 tỷ trao đổi thương mại trong đó Tầu luôn xuất siêu, đầu tư hai chiều năm 2023 khoảng 270 tỷ USD.
Giữa 240 tỷ USD nhờ chiến tranh, với 1.500 tỷ USD đều đều mỗi năm, trẻ con Tầu mới học gẩy bàn tính cũng đưa ra ngay mức chênh lệch lợi ích lớn là ngần nào.
Việc làm tại quốc gia hơn 1,4 tỷ dân vốn là vấn đề được xem là “Nguồn gốc của thịnh vượng và nền tảng của an sinh xã hội” (Lý Khắc Cường). Mỗi năm Tầu cần thêm từ 11,5 đến 13 triệu việc làm mới. Theo lý thuyết, cứ 1% GDP tăng thêm tại Tầu, giải quyết được 2 triệu việc làm. Nghĩa là Tầu cần tăng trưởng hàng năm tối thiểu 6,5%. Tụt xuống dưới 5% là rủi ro lớn về an sinh, bởi sẽ có thêm 3 đến 4 triệu người bổ sung vào đội quân thất nghiệp vốn đã ở mức 21,3% số người từ 16-40 tuổi. Tầu đang lo sốt vó vấn đề việc làm, bởi cứ đà này, đến năm 2028 sẽ có từ 50 đến 70 triệu thanh niên Tầu chỉ còn mỗi việc cầm dao phóng lợn, súng tự chế đi làm loạn để trả thù xã hội.
Trong khi đó tăng trưởng của Tầu phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Cho dù vớ bẫm từ cuộc chiến do Pu phát động, thì cũng chỉ là một thứ trúng mánh theo kiểu đánh quả gặp may, không bao giờ đủ làm nên sự thịnh vượng.
Đến đây ta đã có thể hiểu, lời đe dọa trừng phạt Tầu của Phương Tây có sức nặng ghê gớm như thế nào!
Tầu không có lựa chọn nào khác là hy sinh thằng bạn “Không giới hạn”.
Vì thế, nói thẳng ra chuyến đi Tầu của Pu thất bại thảm hại. Các yêu cầu của Pu, dù đã hạ mình hết mức, chịu thiệt hết mức vẫn bị nhẫn tâm từ chối.
Do vậy hai chuyến đi sau của Pu có vẻ như là phản ứng bực bội, uất ức của ông ta với gã bạn lớn.
ĐI BẮC HÀN
Bắc Hàn thì có gì để giúp Nga ngoài đạn pháo, tên lửa công nghệ cũ kỹ thì cũng không phải là vô tận? Những cam kết hùng hồn, to tát giữa Nga và Bắc Hàn càng chả mấy giá trị vì nó hữu danh, vô thực. Tuy nhiên nếu để ý phản ứng tinh vi của Tầu, một mặt “hoan nghênh mối quan hệ Nga-Triều” bởi vì “chúng tôi (Tầu-Triều) cũng có mối quan hệ thân thiết, gắn bó từ lâu” sẽ thấy họ nhắc cả Nga: “Chớ qua mặt nhau”, và nhắc Triều về một núi xương máu họ đã đổ ra trong quá khứ. Một sự tức giận được che giấu bằng vỏ bọc ngôn ngữ ngoại giao.
Trên thực tế Tầu đang bị bóp cà, bởi nếu Triều, nhờ Nga, mà thành cường quốc hạt nhân, sẽ là thất bại chiến lược đau đớn, lâu dài của Tầu. Nhưng đấy chính là nhân quả: Kẻ thực dụng dùng hạt nhân Triều làm giá với phương Tây suốt bao nhiêu năm, rốt cuộc trở thành nạn nhân tự ôm bom về chính nhà mình.
ĐI ĐÔNG VẠN TƯỢNG
Quan điểm nhất quán của tôi: Một nước Nga hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hướng theo ánh sáng, đối thủ truyền kiếp của Tầu, là lợi ích chiến lược của xứ này. Và cho đến trước năm 2014, tôi là người yêu xứ sở bạch dương hùng vĩ.
Chính Pu làm hỏng mong ước và tình yêu đó của tôi. Nhưng nghiêm trọng hơn, ông ta là người chà đạp công lý, gây chiến tranh xâm lược đầy tội ác. Vì thế, tôi sẽ không nhìn mặt ông ta ở bất cứ đâu.
Nhưng tôi không phản đối việc bắt buộc phải đón tiếp ông ta tại phủ Tống Bình, bởi tôi biết rõ không phải lúc nào mọi việc cũng chiều theo ý mình khi mong đạt được lợi ích dân tộc lớn nhất.
Nói thẳng ra là Pu đòi sang bằng được, chứ chủ nhà phải đón vì không có cách nào từ chối. Phương Tây tất nhiên là không thích, nhưng họ nên hiểu và thông cảm. Đặt bất cứ ai vào vị trí giáo sư Trọng, thì cũng không thể làm khác nếu xét tới mối quan hệ lịch sử với Nga. Lần đầu tiên báo chí loan báo trước chuyến thăm của Pu dựa trên tuyên bố, xác nhận từ phía khách? Động thái này khá cao tay chứ không vừa đâu. Nó đánh tiếng rằng chuyến thăm quan trọng với khách hơn là chủ. Chỉ sát ngày Pu đến, mới có vài dòng “thông báo của Bộ ngoại giao”. Lần đầu tiên tôi đánh giá cao chiến thuật ngoại giao rất tinh vi và uyển chuyển của chủ nhà.
Tinh vi ở chỗ nào?
Báo chí tha hồ tung tin một chiều trong đó Nga chiến thắng như chẻ tre ở mọi chiến trường, mọi mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao… trong khi Ucraina và phương Tây thất bại ê chề. Người mát lòng nhất là Đại sứ quán Nga cùng những dư luận viên của Nga, chứ báo chí đăng gì thì cũng chả mấy ai ở xứ này quan tâm. Vài hôm lại về với chủ thuyết cây trúc trong thông tin cũng chả chết ai.
Tinh vi ở chỗ nào?
Đón tiếp rất long trọng nhưng không ầm ĩ. Các cổ động viên của Pu có lẽ đau buồn nhất, vì họ chờ bao lâu mới đến ngày thể hiện tình cảm cuồng điên với Pu nhưng phải giữ im lặng, phải cấm khẩu tạm thời. Không có lệnh nhốt tạm vào chuồng, cấm sủa, họ còn lâu mới không tràn lên như nước vỡ bờ!
Hình thức đón tiếp rất hoành tráng nhưng nội dung của chuyến thăm chả có gì. Vài thỏa thuận, tuyên bố thì hoặc đều là những việc đã hay đang thực hiện, hoặc những việc chả biết bao giờ thành hiện thực, hoặc những việc ngoài khả năng của Nga, nói ra cho bớt tự ti! Khách khó lòng trách chủ, tuy miệng ngậm bồ hòn nhưng không dám nhăn mặt mà vẫn phải tấm tắc khen ngọt!
Tóm lại, giá trị lớn nhất chuyến thăm thứ ba của Pu là phô trương hình ảnh. Hết.
Nếu những gì tôi phán đoán là đúng, thì cho đến khi rời ghế tổng thống, Pu không quay lại Đông Vạn Tượng thêm lần nào nữa, kể cả để nghe 210 phát đại bác chào mừng?