Thiên đạo thù cần, địa đạo thù thiện, nhân đạo thù thành, thương đạo thù tín, nghiệp đạo thù tinh
Giúp NTDVN sửa lỗi
Cổ nhân gọi “vạn vật chi lý” là đạo, “Thiên đạo thù cần, Địa đạo thù thiện, nhân đạo thù thành, thương đạo thù tín, nghiệp đạo thù tinh”, tạm dịch: Đạo Trời đền đáp người cần cù, Đạo Đất đền đáp người thiện lương, Đạo Người đến đáp người chân thành, Đạo kinh doanh đền đáp người giữ chữ tín, Đạo nghề nghiệp đền đáp người tinh thông.
https://www.ntdvn.net/thien-dao-thu-can-dia-dao-thu-thien-nhan-dao-thu-thanh-thuong-dao-thu-tin-nghiep-dao-thu-tinh-538566.html
Xem nhanh
Đây là những nguyên tắc đạo nghĩa điển hình nhất trong văn hóa truyền thống Á Đông. Người có thể hiểu được và tuân theo các nguyên tắc đạo nghĩa này không chỉ có thể “độc thiện kỳ thân” mà còn có thể “kiêm tế thiên hạ”.
Thiên đạo thù cần - Đạo Trời đền đáp người cần cù
Từ “Thiên đạo” xuất hiện sớm nhất trong “Đại vũ mô - Thượng thư”: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thời nãi Thiên đạo”, có nghĩa là tự mãn sẽ dẫn tới thất bại, khiêm tốn sẽ nhận được ích lợi, đây là quy luật tự nhiên.
Thiên chỉ Trời, đạo chỉ lý lẽ, thù có nghĩa là đền đáp, cần có nghĩa là siêng năng, chăm chỉ. Người cần cù đại đa số là người có tư tưởng chịu khó, chịu khổ, cố gắng nỗ lực, cho nên họ luôn gắng sức làm tốt công việc.
Trong Kinh Dịch có viết: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, có nghĩa là Trời vận hành mạnh mẽ kiện toàn, bậc quân tử cần không ngừng gắng sức vươn lên. Có thể hiểu “Thiên đạo thù cần” có nghĩa là đạo Trời đền đáp người cần cù, thể hiện rõ chân lý rằng cần cù có thể xoay chuyển đời người.
Tăng Quốc Phiên là một vị đại thần nổi tiếng vào thời phục hưng của nhà Thanh. Tư tưởng và cách hành sự của ông cũng khích lệ hậu nhân, nhưng tư chất của ông lại không cao. Thuở nhỏ, trong lúc ông tự học hành ở nhà, có một tên trộm đã ẩn nấp trong nhà ông, hy vọng có thể kiếm được chút đồ sau khi Tăng Quốc Phiên đi ngủ. Nhưng đợi mãi, Tăng Quốc Phiên vẫn đọc đi đọc lại một bài văn. Tên trộm tức giận nhảy ra và nói: “Trình độ thế này thì đọc sách gì chứ?”, sau đó, hắn lập tức đọc thuộc một lượt bài văn đó rồi nghênh ngang quay người bỏ đi! Tăng Quốc Phiên không hề nhụt chí, vẫn chăm chỉ học hành, cuối cùng trở thành một vị hiền nhân, còn tên trộm lanh lợi kia thì bị chôn vùi trong dòng sông dài của lịch sử.
Thời kỳ Chiến Quốc có một vị Tung Hoành gia nổi tiếng tên là Tô Tần. Khi còn trẻ, Tô Tần muốn thuyết phục vua Tần thực hiện chính sách liên hoành, nên đã 10 lần dâng thư mà không được chấp nhận. Lúc này, y phục ông đã rách hết, lộ phí cũng đã tiêu hết, mặt ông gầy guộc như cành cây khô, đành phải bó chân, đi giày cỏ, cõng thư tịch và hành lý, mang theo nỗi lòng tủi hổ rời khỏi nước Tần.
Về đến nhà, vợ ông không nghênh đón, vẫn ngồi bên khung cửi dệt vải, chị dâu cũng chẳng nấu cơm cho ông ăn, cha mẹ cũng chẳng đáp lời ông. Nhưng Tô Tần không oán trách người nhà, cũng không thoái chí nản lòng. Tối hôm đó, ông mở mấy chục bộ thư tịch ra, chọn lấy bộ “Âm Phù Kinh” của Khương Tử Nha rồi đi tới bàn đọc sách ngồi đọc, ông chọn lọc những phần hữu dụng trong đó, không ngừng đọc đi đọc lại. Khi đọc đến nửa đêm, mệt nhọc buồn ngủ, ông chỉ đành dùng dùi đâm vào đùi để có thể tỉnh táo đọc tiếp.
Trải qua một năm khắc khổ học tập, nghiên cứu kỹ càng, cuối cùng Tô Tần đã nắm bắt được những tinh túy trong sách, lập ra sách lược khắc chế Tần. Sau đó, ông lại đi chu du các nước, thuyết phục sáu nước như Triệu, Ngụy, Tề... hợp sức chống Tần. Ông được đeo ấn tướng quốc của sáu nước, trở thành vị tướng quốc của sáu nước, một việc xưa nay chưa từng có.
Đối với học thức và sự thành công của một người thì nhân tố bên ngoài rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cần dựa vào sự cần cù và nỗ lực của bản thân. Cuộc đời như cuộc thi chạy đường dài, không chỉ thử thách về tốc độ, mà quan trọng hơn là khảo nghiệm sức bền bỉ. Trắc trở và thất bại là những trải nghiệm không thể thiếu trong cuộc đời. Sự cần cù hậu thiên có thể bù đắp sự thiếu hụt tư chất. Cần cù, nỗ lực và khắc khổ mới là bảo bối của sự thành công.
Địa đạo thù thiện - Đạo Đất đền đáp người thiện lương
“Địa đạo thù thiện” bắt nguồn từ quẻ từ trong Kinh Dịch: “Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, có nghĩa là thế đất là quẻ Khôn, bậc quân tử dùng đức dày mà mang chở vạn vật, có ngụ ý trợ giúp người khác hành thiện, gặp dữ hóa lành.
Thiện lương, làm việc thiện khiến người người đều vươn lên, nâng cao phẩm hạnh. Bản tính tiên thiên của con người là thiện lương, người người đều có. Từ xưa đến nay, mọi người đều cho rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo, như câu cổ ngữ: “Họa phúc không có cửa, chỉ do con người tự chiêu mời. Thiện ác có báo ứng, giống như hình với bóng”.
Vào thời Xuân Thu, Triệu Thuẫn nhìn thấy một người đàn ông sắp chết vì đói ở Ế Tang, nên vội vàng cho người này đồ ăn. Người đàn ông lại chỉ ăn một nửa, Triệu Thuẫn hỏi anh nguyên do. Người đàn ông nói rằng anh muốn để lại thức ăn cho người mẹ của mình. Triệu Thuẫn thương xót lòng hiếu thảo của anh, nên đã để anh ăn cho thỏa cơn đói, còn chuẩn bị cho anh một cái giỏ đựng đầy cơm và thịt.
Sau này, Tấn Linh Công truy sát Triệu Thuẫn, trong lúc giao chiến, một trong các binh sĩ của Tấn Linh Công đột nhiên phản chiến và giải cứu Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn hỏi binh sĩ này tại sao lại làm vậy, binh sĩ này trả lời: “Tôi chính là người suýt chết đói ở Ế Tang năm xưa”.
Khi Triệu Thuẫn tiếp tục hỏi danh tính của binh sĩ này, nhưng binh sĩ này không từ mà biệt. Hóa ra, binh sĩ này tên là Linh Triếp, một trong những hiệp sĩ nổi tiếng thời Xuân Thu.
Có một loại phẩm đức, nhìn không thấy, sờ không được, nhưng lại có thể lĩnh hội bằng trái tim, đó chính là thiện lương. Trong quá trình nỗ lực vươn lên, người lương thiện tự hoàn thiện mình thì cũng sẽ tạo ra lợi ích cho người khác và được người người ca tụng. Nếu họ có thể tự nguyện vứt bỏ những thứ đáng có được như công danh, lợi lộc và đem những thứ đó đóng góp cho xã hội, vậy thì họ đã tích lũy phúc đức cho mình. Thiện lương không cần sắp đặt, không cần sách lược, thiện lương chỉ là một loại tu dưỡng xuất phát từ nội tâm. Một người thiện lương thì tấm lòng rộng lớn như biển xanh. Chỉ cần gieo hạt giống thiện lương, truyền đi hơi ấm tình người thì trong tâm sẽ rộng mở như một thảo nguyên bát ngát.
Nhân đạo thù thành - Đạo Người đền đáp người chân thành
Trong Kinh Dịch có viết: “Hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố lục”, có nghĩa là có đạo Trời, có đạo người, có đạo đất, gồm cả ba ngôi mà nhân lên hai, thành ra sáu hào.
Trong Phật giáo có thuyết “Lục đạo luân hồi”, nhân đạo là một trong lục đạo luân hồi. Sau khi Nho giáo phát triển không ngừng, từ nhân đạo mang hàm ý nhân văn cao, là giá trị cơ bản để làm người, là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có xứng đáng với danh xưng làm người hay không.
Sách Trung Dung viết: “Thành chi giả, nhân chi đạo”, có nghĩa là chân thành là đạo của con người. Con người cần phải chân thành trong bất kể công việc gì, làm người cũng như vậy. Làm người cần chân thành, làm việc như làm người, học cách làm người trước rồi mới học cách làm việc.
Yến Thù là tể tướng và nhà thơ nổi tiếng triều Tống. Khi Yến Thù còn nhỏ, Trương Tri Bạch đã tiến cử ông vào triều với danh nghĩa “Thần đồng” và gọi ông đến gặp Hoàng đế, đúng lúc Hoàng đế đang đích thân khảo thí tiến sĩ, ông ra lệnh cho Yến Thù làm một đề thi. Khi Yến Thù nhìn thấy câu hỏi bèn trả lời: “Mười ngày trước, thần đã làm câu hỏi này rồi. Thần có đem theo bản thảo tới đây, xin Bệ hạ hãy chọn câu hỏi khác”.
Hoàng đế Tống Chân Tông vô cùng tán thưởng sự trung thực của ông và ban cho ông danh hiệu “Đồng tiến sĩ xuất thân”.
Sau khi vào triều làm việc, thiên hạ khi đó thái bình vô sự, bá quan đều được phép chọn thắng cảnh để tổ chức yến tiệc, tất cả các sĩ đại phu đều hân hoan hưởng thụ yến tiệc. Nhưng Yến Thù lại ở nhà giảng học thi thư cùng các huynh đệ. Một ngày nọ, khi Hoàng cung tuyển chọn quan văn giảng dạy cho Thái tử, bỗng nhiên, Hoàng đế trao cho Yến Thù đảm nhiệm chức quan này. Hóa ra, Hoàng đế nói rằng: “Gần đây, ta nghe nói các đại thần quán các đều vui vẻ hưởng thụ yến tiệc, chỉ có Yến Thù và các huynh đệ bế quan đọc sách, người cẩn thận trung hậu như vậy mới có thể dạy Thái tử đọc sách”.
Sau khi Yến Thù nhậm chức, ông có cơ hội diện kiến Hoàng đế, Hoàng đế đã nói ra lý do bổ nhiệm ông, Yến Thù thẳng thắn chất phác trả lời: “Không phải vi thần không thích hưởng tiệc vui chơi, chỉ là gia cảnh bần cùng, không có tiền để vui chơi. Nếu thần có tiền, thần cũng sẽ đi hưởng tiệc, chỉ vì không có tiền nên mới không thể ra ngoài”.
Cũng vì vậy mà Hoàng đế ngày càng tán thưởng và quý trọng ông hơn. Sau khi Hoàng đế Tống Nhân Tông lên ngôi, Yến Thù nhận được sự trọng dụng, về sau, ông được phong làm Tể tướng.
Người thành thật có thể trung thực với bản lai diện mục của sự vật, nói lời chân thật, đồng thời cũng không che giấu suy nghĩ của mình. Thành thật không chỉ là tiêu chuẩn đạo đức xã hội mà còn là yêu cầu cơ bản của việc làm người.
Thương đạo thù tín - Đạo Kinh doanh đền đáp người giữ chữ tín
“Thương đạo thù tín” bắt nguồn từ Luận ngữ: “Dân vô tín bất lập”, có nghĩa là người không giữ chữ tín thì không thể tạo dựng chỗ đứng trong xã hội. Thương đạo thù tín có ngụ ý rằng thành tín trong kinh doanh thì mọi việc đều thuận lợi.
Hồ Tuyết Nham, một thương nhân mũ đỏ, kinh doanh buôn bán nhờ chức quan, thịnh vượng từ chức quan, nhưng cũng lụn bại vì chức quan. Mặc dù sau khi đế chế thương nghiệp của ông bị tàn phá, nhưng cửa hàng thuốc của ông vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay. Sở dĩ như vậy là do ông đã thiết lập cái gốc “thành tín” từ khi bắt đầu mở cửa hàng và bán thuốc với hàng thật giá thật. Ví dụ, có một loại thuốc gọi là “Kim lộc hoàn”, để làm ra loại thuốc này cần hơn 30 loại nguyên liệu từ loài hươu. Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, Hồ Tuyết Nham đã không ngại công sức và tiền của mở một trang trại nuôi hươu.
Sách Chính Thanh tạp ký có ghi chép rằng: Ở bên Phiền Lâu, Đông Kinh đời Tống có một quán trà nhỏ, mặt tiền phóng khoáng, trà cụ trang nhã thanh khiết, làm ăn rất hưng thịnh. Những năm Nguyên Phong đời Tống Huy Ninh (1068 - 1085), một nhân sỹ họ Lý cùng bằng hữu uống trà trong quán này, lúc rời khỏi quán trà, ông sơ ý để quên túi tiền đựng mấy chục lạng vàng trên bàn. Mấy năm sau, ông Lý lại đến quán trà này, trong lúc trò chuyện với bằng hữu có kể lại câu chuyện của mấy năm trước. Chủ quán nghe thấy lập tức nói: “Túi tiền mà quan nhân nói đến, tiểu nhân nhặt được. Nếu ngài nói đúng số lượng thì ngài có thể nhận lại”.
Ông Lý kinh ngạc phấn khích nói: “Nếu quán thực sự nhặt được, tôi xin tặng lại một nửa”.
Chủ quán trà chỉ cười mà không nói gì. Trong quán có một cái gác nhỏ, chủ quán vịn lan can leo lên. Trong gác nhỏ thấy có một lượng lớn những đồ khách hàng để quên như ô, giày, y phục, đồ sành sứ... Trên mỗi đồ vật đều có mảnh giấy ghi rõ ngày tháng năm, hình dáng của người để quan đồ. Ở góc căn gác, chủ quán lấy ra một cái túi nhỏ, cái túi vẫn còn nguyên như trước. Chủ quan lấy xuống rồi hỏi ông Lý, ông Lý nói số lượng và trọng lượng vàng bên trong. Khi mở ra kiểm đếm, quả đúng như vậy, chủ quán lập tức trả toàn bộ vàng cho ông Lý. Ông Lý lấy ra một nửa số tiền tặng cho chủ quán trà. Chủ quán trà từ chối và nói: “Nếu tiểu nhân trọng tài khinh nghĩa thì đã sớm giấu đi rồi”.
Ông Lý vô cùng cảm động, tất cả khách trong quán trà đều vỗ tay ca ngợi.
Là người kinh doanh, muốn đạt được thành công thì không thể không dựa vào sự tín nhiệm và ủng hộ của khách hàng. Những thương nhân thành công trong lịch sử, không ai là không coi chữ tín làm đầu. Chữ tín là tài sản vô hình quý giá của thương nhân. Giữa doanh nhân, doanh nghiệp và dân chúng, tuyệt không được gian dối, cần lấy chữ tín làm cái gốc để lập thân.
Nghiệp đạo thù tinh - Đạo Nghề nghiệp đền đáp người tinh thông
“Nghiệp đạo thù tinh” bắt nguồn từ “Tiến học giải” của Hàn Dũ: “Nghiệp tinh ư cần, hoang ư hi”, có nghĩa là học tập tinh thông bởi chuyên cần, hoang phế bởi ăn chơi. Cho biết rằng cần học khổ luyện thì tài nghệ học thuật mới tinh thông.
Khi Vương Hiến Chi lên bảy, lên tám, ông đã học thư pháp từ cha mình là Vương hi Chi. Có lần, ông xin cha chỉ dạy bí quyết thư pháp, Vương Hi Chi chỉ vào 18 lu nước lớn trong sân và nghiêm túc nói: “Bí quyết viết chữ nằm trong các lu nước này, con viết xong 18 lu nước này thì sẽ biết”.
Vương Hiến Chi cứ vậy mà kiên trì cần học khổ luyện, cuối cùng đã viết cạn 18 lu nước, tài nghệ thư pháp của ông không chỉ kế thừa thành tựu của cha mình, mà còn khai sáng ra một thời đại mới.
Khi Khổng Tử còn trẻ, ông bái vị quan nhạc nước Lỗ là Sư Tương làm thầy dạy đàn. Khổng Tử rất chăm chỉ, vừa học vừa suy ngẫm. Ban đầu ông học gảy một bản nhạc, hơn mười ngày sau vẫn không ngừng luyện tập, Sư Tương thấy vậy bèn nói với Khổng Tử: “Cũng được rồi, trò có thể học sang khúc nhạc mới”.
Khổng Tử nói: “Nhưng học trò chỉ vừa mới học được nhạc điệu của bản nhạc, vẫn chưa nắm vững kỹ xảo diễn tấu”.
Sau một thời gian, Sư Tương nói với Khổng Tử rằng: “Bây giờ trò đã nắm vững kỹ xảo diễn tấu khúc nhạc này rồi, có thể học sang khúc nhạc mới”.
Khổng Tử nói: “Học trò vẫn chưa lĩnh hội được ý cảnh của khúc nhạc này”.
Một thời gian sau, Sư Tương nói: “Trò đã lĩnh hội được ý cảnh khúc nhạc này rồi, có thể học sang khúc nhạc mới”.
Khổng Tử lại nói: “Học trò vẫn chưa biết ai là người sáng tác ra khúc nhạc này”.
Cứ như vậy, Khổng Tử vẫn chỉ luyện tập chơi một khúc nhạc. Một hôm, trong khi Khổng Tử đang chơi đàn thì trong tâm bỗng có sở ngộ, ông liền đứng lên nhìn về phía xa nói: “Học trò đã biết ai sáng tác khúc nhạc này rồi. Người này da ngăm đen, thân thể cao thanh mảnh, tấm lòng rộng lớn, chí hướng cao xa. Con nghĩ, ngoài Chu Văn Vương ra thì không còn ai nữa”.
Sư Tương nghe thấy thế vội vàng đứng dậy, nói với Khổng Tử: “Trò quả là bậc Thánh nhân. Thầy dạy ta nói cho ta biết khúc nhạc này là khúc ‘Văn Vương tháo’ (Tiết tháo của Văn Vương) do Chu Văn Vương sáng tác”.
Khổng Tử là bậc tài hoa uyên bác, không chỉ là học đàn mà trong bất cứ việc gì ông cũng đều tìm hiểu rõ tường tận gốc rễ.
“Nghiệp đạo thù tinh”, vậy làm thế nào mới đạt được ‘tinh’? Đầu tiên là phải tinh thông kiến thức, gây dựng được tinh thần say mê kiên trì với công việc, cần có tinh thần mong cầu tinh thông hơn nữa, tinh tế và tỉ mỉ, có như vậy mới có thể thấu hiểu và tường tận tất cả tri thức trong thiên hạ.
Con người ở trong đạo mà không biết đến sự tồn tại của đạo, cũng giống như cá trong nước mà không biết đến sự tồn tại của nước. Nhưng cũng giống như cá không thể rời xa nước, con người không thể tồn tại nếu rời xa đạo. Vạn sự vạn vật trên thế gian đều chiểu theo quy luật mà thành, trụ, hoại, diệt. Thuận theo đạo thì hưng thịnh, trái với đạo thì suy tàn, người có thể hiểu được và tuân theo các nguyên tắc đạo nghĩa này không chỉ có thể bồi dưỡng đạo đức cho mình, mà còn có thể giúp ích cho cả thiên hạ.
Gia Ý biên dịch và tổng hợp từ SOH và NTDVN