Thâm như Tàu
18-6-2024. BÁO TIẾNG DÂN
Câu thành ngữ này đã ở trong kho tàng văn hóa Việt từ hàng ngàn năm, đứa trẻ nào lớn lên cũng được bố mẹ, ông bà truyền dạy.
Không dễ để bỏ qua các cụ.
Thâm có nhiều nghĩa hay. Nhưng thâm trong “thâm như Tầu” thì chỉ có vài cách hiểu: đểu; nham hiểm; xỏ lá; khó lường.
Phương Tây thường giải mã sai các quan điểm cũng như hành động của Tầu, vì họ đặt mọi thứ trên nền tảng minh bạch, duy lý khi phân tích. Minh bạch không có trong văn hóa chính trị Tầu. Tầu nói A phải hiểu B, thậm B cũng vẫn chỉ là cái bẫy, để che giấu ý nghĩ thật ở C?
https://baotiengdan.com/2024/06/18/tham-nhu-tau/
Trong toàn bộ thời gian diễn ra cuộc chiến Ngố – Ucraina, Tầu luôn nói họ đứng bên ngoài.
Phương Tây, chỉ căn cứ trên các cam kết hùng hồn, căn cứ trên ảnh vệ tinh, căn cứ trên các phân tích lợi ích lộ thiên, đã tin sái cổ vào những lời đó.
Cho tới tận mới đây, họ mới thừa nhận họ đã sai.
“Trung Quốc chỉ giả vờ là một bên trung lập trong cuộc chiến ở Ukraina, nhưng trên thực tế, họ đang thúc đẩy cuộc xung đột”.
Tổng thư ký NATO, ngài Jens Stoltenberg đã tuyên bố về điều này trong chuyến thăm Washington.
Đáng lẽ Phương tây phải có khả năng giải mật các thông điệp của Tầu cũng như những lợi ích to lớn của họ khi Putin xâm lược Ucraina ngay từ năm 2022, để có một đánh giá chính xác hơn về kẻ nguy hiểm và nham hiểm nhất vũ trụ.
Trước khi ồ ạt tấn công Ucraina, Putin sang thăm Tầu chủ yếu để tìm một hậu thuẫn tinh thần. Tại đó tân Thủy Hoàng vốn cáo già, chuyên ném đá giấu tay, đã đưa ra một cam kết bằng lối nói kiểu Tầu: “Hợp tác với Ngố không giới hạn”.
Trên thực tế, nếu xét tình hình tại thời điểm đó, đây là một thông điệp khích lệ chiến tranh tưởng không còn gì có thể rõ ràng và mạnh mẽ hơn?
Chỉ vài ngày sau, Putin tự tin đến ngạo mạn (vì thế mà ngu dốt đến tột đỉnh) tiến hành cuộc chiến.
Tầu cần gì và hưởng lợi gì từ cuộc xâm lược của Putin?
Từ lâu, nhất là sau cuộc xâm lược Việt Nam làm lộ ra điểm yếu lớn của quân đội Tầu, họ đã đầu tư hàng ngàn tỷ USD để hiện đại hóa các lực lượng chủ chốt cho một cuộc xâm lược quy mô lớn hơn trong tương lại. Họ rất cần đánh giá sức mạnh của họ, trong tương quan sức mạnh của kẻ thù?
Một cuộc chiến giả định, giả lập trên siêu máy tính, luôn khác xa khi nó thực diễn ra, nhất là cho mục tiêu đánh chiếm một đối thủ mạnh mà mình chưa hiểu hết và không chắc thắng. Thứ mà Tầu sợ nhất, như tôi từng viết, là không chắc thắng khi xuất binh.
Thì may quá, có nước Ngố của Pu tự nguyện đứng ra dùng máu để thị phạm cho Tầu. Ngố là cường quốc quân sự, mạnh gấp 10 đến 20 lần Ucraina, gần giống về thực địa chiến trường, cũng như tương quan lực lượng giữa Tầu và Fomosa. Ngố sát đường biên với Ucraina, việc chinh phục thuận lợi hơn trong khi Tầu cách Trung Hoa dân quốc 150 km mặt nước biển sẽ khó khăn hơn nhiều. Bù lại, thực lực của Tầu mạnh hơn Ngố hàng chục lần. Nếu Ngố thắng dễ Ucraina, thì cơ hội Tầu giành chiến thắng Fomosa một cách nhanh chóng sẽ rất cao.
Còn nếu trong trường hợp Ngố đại bại?
Chưa vội bàn đến các kinh nghiệm, bài học đắt giá Tầu sẽ phải rút ra, bản thân sự thất bại của Ngố luôn là điều quá tuyệt vời với Tầu. Một nước Ngố yếu kém, tan nát nhưng không tan rã hẳn, có nền chính trị độc tài, nghèo đói… là lợi ích chiến lược khổng lồ của Tầu. Lịch sử giữa hai quốc gia cho thấy đó là hai kẻ thù truyền kiếp. Mọi quan hệ bằng hữu chỉ là tạm thời. Cho đến trước ngày 24.2.2022, Ngố luôn ở “cửa trên” trong quan hệ quân sự với Tầu. Nỗi uất ức này, sau thất bại của Ngố, đã được giải tỏa. Quan trọng hơn là Tầu không cần phải đầu tư tốn kém vào việc phòng thủ phía Bắc vốn vẫn là nơi Tầu canh cánh nhất về an ninh.
Đó là chưa kể lợi ích lâu dài, thuộc về đại mộng Trung Hoa: Tầu hóa nước Ngố mênh mông.
Một cái lợi tưởng vô hình nhưng vô cùng lớn, là qua cuộc chiến, Tầu giật mình nhận ra vũ khí của họ, phần lớn mua của Ngố, hoặc sản xuất theo công nghệ ăn cắp của Ngố không thể so được với vũ khí Phương Tây. Những S300, S400, tên lửa siêu thanh…chỉ hiện đại trên giấy, thậm chí không khác gì đồ rởm.
Món lợi phái sinh: Phương Tây, nếu vì cuộc chiến Ucraina mà suy yếu, nhất là nếu khối NATO bị chia rẽ, Mỹ quay về chủ nghĩa biệt lập, bỏ mặc châu Âu, bỏ rơi châu Á thì còn hơn món quà khổng lồ trời tuột tay đánh rơi xuống đất Tầu.
Nghĩa là Ngố và Phương Tây, bên nào thất bại cũng là lợi ích chiến lược của Tầu, còn khi họ tiếp tục đánh nhau, thì bên nào cũng đang ĐẦU QUÂN CHO TẦU.
Có thể Putin cũng vừa muộn màng nhận ra trò chơi lưỡng lợi này trong chuyến chầu Thiên triều mới đây, nhưng ông ta không còn có quyền lựa chọn. Nước Ngố mênh mông, giàu tài nguyên nhờ ông ta mà “vĩ đại trở lại” như lời tâng bốc phát ngượng nào đó, đang lao dốc thảm hại và không cách gì tránh khỏi bị suy tàn, chỉ còn cách bám chặt lấy Tầu như bám vào chiếc máy thở.
Không tốn một viên đạn, không mất một mạng người mà hai kẻ thù địa chính trị lớn nhất đều suy yếu và đều phải ve vãn mình; chỉ việc ngồi uống Đại hồng bào bàn việc gây loạn thiên hạ mà thu về cả một nền kinh tế hơn 2000 tỷ, biến một kẻ thù lớn thành thuộc địa tài chính, thành chư hầu, thành bãi rác chứa hàng thải loại. Không ai có thể làm được chuyện đó, ngoài nước Tầu.
Ngần ấy món lợi khổng lồ, không giới hạn, mà lại mong nước Tầu tìm cách chấm dứt chiến tranh để tự cắt bỏ nó đi, thì xin nói thật với các ông da trắng là các ông cứ ngồi đó mà mơ nhé. Các ông thua xa các cụ tổ tiên chúng tôi.
Cũng giống như việc kí kết “Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC), các ông da vàng mũi tẹt cứ ngồi đó mà mơ nhé. Tầu chưa cướp thêm được vài hòn đảo, thì cái văn bản đó mãi chỉ là giấy lộn.
Phương Tây cay đắng một, Ucaraina cay đắng hai, thì Ngố cay đắng mười. Kẻ chiến thắng tuyệt đối trong cuộc chiến này là Tầu. Kẻ thua tuyệt đối là Ngố. Ucraina và Phương Tây sẽ cố gắng để không thất bại.
Nhưng Phương Tây luôn có những con bài đủ sức bắt Tầu phải trả giá, phải nôn món lợi đó ra. Vấn đề là các ngài có sẵn sàng chấp nhận thua thiệt tạm thời để dám chơi và chơi sát ván hay không.
Thời gian sẽ không kiên nhẫn ở bên các ông mãi mãi, khi mà thời cơ đến các ông để tuột mất.