Trang

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

3792. Quyết nghị của hội đồng nhân dân tỉnh là văn bản tư pháp?

 Quà xuân đầy ý nghĩa với người Đạo Cao Đài 1926. Xin cảm ơn tác giả Hoài Nguyễn. BBT Blog.

VNTB – Quyết nghị của hội đồng nhân dân tỉnh là văn bản tư pháp?

VNTB – Quyết nghị của hội đồng nhân dân tỉnh là văn bản tư pháp?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật.

 

Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đúng nguyên tắc, phù hợp sẽ dẫn đến kết quả xử lý công việc được chính xác và ngược lại, nếu áp dụng văn bản quy phạm pháp luật sai nguyên tắc thì sẽ dẫn đến sai sót, làm ảnh hưởng đến đối tượng bị áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo cách hiểu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì văn bản đăng trên báo Tây Ninh có tên là “Quyết nghị về cuộc vận động quần chúng cách mạng trấn áp một số tên phản động đội lốt tôn giáo Cao Đài Tây Ninh và chấn chỉnh củng cố lại đạo Cao Đài đi vào tu hành thuần túy”, không phải là văn bản tư pháp mang giá trị thi hành của một bản án dân sự.

Có thể ai đó biện minh rằng thời điểm của bài báo “Quyết nghị về cuộc vận động quần chúng cách mạng trấn áp một số tên phản động đội lốt tôn giáo Cao Đài Tây Ninh và chấn chỉnh củng cố lại đạo Cao Đài đi vào tu hành thuần túy” do Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 6, Khóa I Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, ký ngày 13 tháng 12 năm 1978, là câu chuyện của chính quyền lúc đối mặt với đe dọa của ‘thù trong giặc ngoài’, nên các vấn đề liên quan pháp luật về tôn giáo chỉ là thứ yếu, và giá trị thực hiện chủ yếu phục vụ mục đích giữ gìn trật tự trị an ở cụ thể thời điểm.

Nếu đồng ý với lập luận trên, có lẽ chính quyền tỉnh cần thiết phát hành một văn bản thông báo xác nhận thời điểm cụ thể của tính pháp lý của “Quyết nghị về cuộc vận động quần chúng cách mạng trấn áp một số tên phản động đội lốt tôn giáo Cao Đài Tây Ninh và chấn chỉnh củng cố lại đạo Cao Đài đi vào tu hành thuần túy”, ký ngày 13-12-1978.

Trên thực tế, ngay cả khi không có văn bản xác nhận như đề xuất trên thì các nội dung của văn bản quyết nghị Khóa I Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, cũng không còn giá trị cho các viện dẫn tư pháp về vấn đề quản lý tôn giáo Cao Đài.

Ở đây sử dụng cụm từ “không còn giá trị” là cách diễn giải nhẹ nhàng để khép lại vụ việc vốn tạo làn sóng phản đối suốt thời gian dài của những tín đồ Cao Đài, vì nếu căn cứ theo Hiến pháp 1959 thì rõ ràng quyết nghị là văn bản vi hiến, khi Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh lại chấp nhận Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ra bản án cáo buộc, thay vì đó là trách nhiệm tư pháp của tòa án được quy định tại Chương 8, Hiến pháp 1959 (hiến pháp này về sau được thay thế bằng Hiến pháp 1980).

Sau khi nghe và thảo luận các báo cáo, bản án của Ủy ban nhân dân tỉnh về vụ án của một số tên phản động trong giới cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh, cũng như kết quả cuộc vận động quần chúng cách mạng đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng đội lốt đạo Cao Đài Tây Ninh nhằm chấn chỉnh lại nền đạo, đưa Cao Đài Tây Ninh đi vào đường tu hành thuần túy, để tập trung lực lượng đẩy mạnh xây dựng kinh tế, bảo vệ an toàn lãnh thổ của tỉnh, làm cho thể đồng bào tín đồ, chức việc, chức sắc đạo Cao Đài Tây Ninh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà Nước. Toàn thể đại biểu Hội Đồng Nhân Dân trong phiên họp kỳ 6 khóa I ngày 13 tháng 12 năm 1978 đã hoàn toàn nhất trí các báo cáo, bản án của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

Đó là đoạn mở đầu của “Quyết nghị về cuộc vận động quần chúng cách mạng trấn áp một số tên phản động đội lốt tôn giáo Cao Đài Tây Ninh và chấn chỉnh củng cố lại đạo Cao Đài đi vào tu hành thuần túy”, ký ngày 13-12-1978. Cái sai rất rõ ở đây về quyền tư pháp, là Ủy ban nhân dân tỉnh lại được quyền tự cho mình phát hành bản án cáo buộc mang màu sắc chính trị.

Một cái đáng lo khác là trình độ hiểu biết về pháp luật nói chung của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh thời điểm đó, bởi một khi họ đã nhất trí các báo cáo, bản án của Ủy ban nhân dân tỉnh mà không thông qua quy trình tố tụng theo trình tự pháp luật, vậy thì trong nhiều vấn đề tương tự về quyết nghị có liên quan đến pháp lý khác, ai dám đoan chắc không có những sai lầm tương tự?

Có lẽ vì những lý do trên nên tác giả Dương Xuân Lương hoàn toàn không quá lời khi tái khẳng định rằng “Cộng sản Việt Nam xuyên tạc ý nghĩa, chủ trương Quốc Đạo của đạo Cao Đài”.

Căn cứ vào các Điều 4.2, Điều 14.1, Điều 24,Điều 28 của Hiến pháp 2013, cần thiết ở đây đối với ông Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026, biết dũng cảm cầu thị sửa sai về những nội dung cáo buộc của tiền nhiệm trong “Quyết nghị về cuộc vận động quần chúng cách mạng trấn áp một số tên phản động đội lốt tôn giáo Cao Đài Tây Ninh và chấn chỉnh củng cố lại đạo Cao Đài đi vào tu hành thuần túy”, ký ngày 13-12-1978.