Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

3982. Đừng chính trị hoá tôn giáo nữa

BBT đoán rằng năm con cọp này số bài về tự do tôn giáo sẽ tăng lên thấy rõ, nghĩa là nhà nước Việt Nam sẽ phải động não để giải quyết. Đừng chính trị hóa tôn giáo nữa sẽ là một chủ đề chính. 

VNTB – Tôn giáo và vấn đề sắc tộc ở Tây nguyên

VNTB – Tôn giáo và vấn đề sắc tộc ở Tây nguyên
 

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Đừng chính trị hoá tôn giáo nữa

 

Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo đã được công nhận về mặt thủ tục hành chính, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số 1.753.761 tín đồ, chiếm 34,7% dân số, gần 3.500 nhà tu hành, khoảng 840 cơ sở thờ tự.

Mức sống chênh lệch nhau dẫn đến mâu thuẫn sắc tộc?

Tại khu vực Tây Nguyên hiện nay có 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc thiểu số có 375.825 người, chiếm tỷ lệ 7,48%; có 8 dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 0,01% dân số.

Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán và sự phát triển không đều nhau về kinh tế – xã hội. Tổ chức xã hội duy nhất ở đây là làng. Đó là cơ sở tập hợp những người đồng tộc cùng cư trú, với một lãnh thổ nhất định.

Có một thực tế là từ việc quản lý thủ tục hành chính theo hướng hạn chế quyền độc lập của tôn giáo dẫn đến chuyện người dân sử dụng quyền tự do tôn giáo được hiến định để tham gia một số loại hình sinh hoạt tôn giáo mà chính quyền nhiều địa phương vì tránh đụng chạm, nên dùng từ “đạo lạ” với cách hiểu đây là biến tướng từ tôn giáo truyền thống.

Kịch bản tuyên truyền định hướng dư luận kế tiếp của chính quyền rằng “đạo lạ” đã tác động, ảnh hưởng đến tín lý và tổ chức của tôn giáo truyền thống, do “đạo lạ” phê phán chính tôn giáo gốc của mình, dẫn đến mâu thuẫn giữa “cốt cán” của “đạo lạ” với các chức sắc, chức việc của tôn giáo truyền thống, giữa người theo “đạo lạ” với người theo tôn giáo truyền thống.

Tuy nhiên có một thực tế mà nhà chức trách địa phương tránh né, đó là quần chúng tham gia các “đạo lạ” tại Tây Nguyên phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có nhóm Canh Tân Đặc Sủng có số người tin theo là dân tộc Kinh.

Họ là những người có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thí dụ, làng H’Ra và Lơ Pang thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có khoảng 100 người tin theo “đạo lạ” của bà Y Gyin, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây chiếm trên 60%; phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, nhà rông tại các làng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân.

“Lạ” không có nghĩa là “tà”

Một báo cáo ghi nhận từ cơ quan an ninh tôn giáo, viết: “Việc xuất hiện các “đạo lạ” chỉ riêng cho người dân tộc thiểu số còn ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với dân tộc Kinh, có xu hướng hình thành nên những cộng đồng dân tộc – “tôn giáo mới” cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Thí dụ,“đạo lạ” của bà Y Gyin tuyên truyền “Người Kinh có Đức mẹ La Vang thì người dân tộc thiểu số có Đức Mẹ Hà Mòn”.

Với trường hợp Ban Cầu nguyện Phong trào Phục hưng Tin lành xuất hiện ở tỉnh Đăk Lăk vào khoảng giữa năm 2009 trong bối cảnh Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đang có dấu hiệu phân hóa, mâu thuẫn, một số chi hội, điểm nhóm Tin lành của người dân tộc thiểu số tại chỗ kêu gọi bầu Ban Chấp sự vùng, lập “Hội thánh Tin Lành người dân tộc thiểu số Tây Nguyên” tách ra khỏi các Hội thánh của người Kinh.

Mục sư Y Nham Niê Trei người dân tộc Ê Đê, quản nhiệm Chi hội Tin lành Buôn Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pach, tỉnh Đăk Lăk nhân đó tuyên truyền vận động thành lập “Ban cầu nguyện Phục hưng Tin lành” để tách ra sinh hoạt riêng.

Nhiều nơi, các “cốt cán” của “đạo lạ” lôi kéo, kích động những người tin theo thực hiện “5 không”, bất hợp tác với chính quyền: không biết, không nghe, không nói, không làm theo chính quyền, không nhận tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương.

(…) “Đạo lạ” của bà Y Gyin lúc đầu xuất hiện chỉ ý đồ chống lại chủ trương di dân làm công trình thủy điện Plei Krông, về sau là “Theo Đức Mẹ Pluk ở Hà Mòn để đấu tranh đòi Nhà nước Việt Nam công nhận là tôn giáo riêng của người dân tộc, nhờ quốc tế can thiệp thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên do Ksor Kơk đứng đầu”.

Có nơi “đạo lạ”này hình thành khung tổ chức, vô hiệu hóa chính quyền ở buôn làng, khống chế quần chúng; khi cơ quan chức năng tổ chức đấu tranh, nhiều đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt.

Cây Thập giá Chúa Giêsu Christ tuyên truyền người dân tộc thiểu số phải thường xuyên cầu nguyện cho “Nhà nước Đêga”, cho những người bị “Nhà nước Kinh” bắt ở tù; phải luôn yêu Chúa và chỉ có tin theo “Tin lành Đêga” mới giải phóng được cho người Đêga; cầu nguyện để được quốc tế can thiệp cho người dân tộc thiểu số…” (dừng trích).

Hiện nay, đạo Tin Lành là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong các tôn giáo ở Tây Nguyên. Theo số liệu, các tỉnh Tây Nguyên có tới 47 hệ phái Tin Lành, trong số đó nhiều hệ phái chưa được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo theo quy định về thủ tục hành chính.

Đừng chính trị hóa tôn giáo nữa

Cũng theo tài liệu trên, một khuyến cáo được đưa ra cho thấy không rõ vì sao đến nay vẫn chưa được thực thi (trích): “Vấn đề nhận thức của hệ thống chính trị ở Tây Nguyên về hiện tượng “đạo lạ” còn nhiều bất cập.

Không ít địa phương,cấp ủy, chính quyền còn đánh đồng giữa “đạo lạ”, “hiện tượng tôn giáo mới” với tà giáo dẫn đến nặng về xử lý, đấu tranh loại bỏ,làm cho những người tin theo lo sợ, càng lén lút hoạt động, hoặc quay lại phản ứng với chính quyền khiến cho tình hình càng thêm phức tạp.

Do đó, cần nhận thức đúng đắn về “đạo lạ”,“hiện tượng tôn giáo mới”.

Việc tin theo các “đạo lạ” từ nơi khác đến hoặc xuất hiện ngay tại địa phương cho thấy nhu cầu tôn giáo của người dân, là một trạng thái chung về chuyển biến niềm tin tôn giáo đang diễn ra không chỉ ở Tây Nguyên hay ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới.

Nó đã là một thực thể xã hội nên cần phải nhìn nhận và ứng xử đúng đắn đối với từng trường hợp cụ thể, bởi “lạ” chỉ là chưa “quen”chứ không có nghĩa là “tà”, vì “tà” là không “chính”, là mờ ám, mang nghĩa tiêu cực, và “mới” là để phân biệt với cũ chứ mới không phải là tà, là xấu.

Đơn cử, những người Công giáo gọi là “đạo Hà Mòn” vì phát sinh tại xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum, còn chính quyền gọi là “Tà đạo Hà Mòn”. Chúng tôi đề xuất nên gọi là “đạo lạ” của bà Y Gyin – gắn với tên người tự tung tin Đức Mẹ hiện hình” (dừng trích).

Theo ghi nhận của cơ quan an ninh tôn giáo, tại làng Kon Mar Hah và Kon Nát thuộc xã Hà Đông,huyện Đăk Đoa có đến 90% hộ theo “đạo lạ” của bà Y Gyin thuộc diện đói nghèo, sống khép kín, trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đi học hoặc phải bỏ học để theo cha mẹ đi làm rẫy.

Cấp ủy, chính quyền địa phương không nắm chắc tình hình “đạo lạ”, không có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh phức tạp ngay từ đầu. Thậm chí còn có cả đảng viên tham gia “đạo lạ”, như trường hợp hai xã H’Ra và Pơ Lang có tới 22 cán bộ, đảng viên liên quan đến hoạt động “đạo lạ” của bà Y Gyin, hoặc có thân nhân liên quan đến “đạo lạ” này.

“Điều đó cho thấy, trong công tác đối với “đạo lạ”, phải nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với phát triển kinh tế – xã hội và quan tâm giải quyết nhu cầu tinh thần cho nhân dân; bảo đảm vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, vừa hướng hoạt động tôn giáo của người dân theo hướng lành mạnh, đúng pháp luật, kịp thời ngănchặn những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của tôn giáo và “đạo lạ” gây ra” – báo cáo có đoạn đề xuất như vậy.

Đề xuất ở trên dường như cũng là ý kiến được đặt ra từ tháng 6-2015 trước chuyến công cán Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nhận định, “Báo chí chính thống của Việt Nam thể hiện rõ rằng việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số là chính sách nhà nước”, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Chính quyền Việt Nam cần vứt bỏ não trạng thời Chiến tranh lạnh khi coi những người theo tôn giáo khác là ‘thù trong’ và tôn trọng các quyền tự do tôn giáo cơ bản của họ”.

(Tham khảo: https://www.hrw.org/vi/node/278444/printable/print)