VNTB – Cần khởi tố hình sự vụ án phá rối và xúc phạm Thánh Lễ tại Nhà thờ Vụ Bản, tỉnh Hoà Bình
Hà Nguyên – Cát Tường
(VNTB) – Nếu không xem xét trách nhiệm hình sự thì đây là một dẫn chứng rất rõ cho chuyện Việt Nam công khai đàn áp tôn giáo.
Chứng cứ được xác lập bằng văn bản
Theo thông báo đề ngày 24 tháng 02 năm 2022, do linh mục Anphongsô Phạm Hùng, Chánh Văn phòng Toà Tổng Giám mục Hà Nội ký phát hành có toàn văn như sau:
“Văn phòng Toà Tổng Giám mục Hà Nội trân trọng thông báo tới Quý Cha, Quý Tu sĩ và Anh Chị Em giáo dân.
Theo chương trình mục vụ của năm Truyền giáo, hồi 10 giờ sáng Chúa nhật, ngày 20/02/2022, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã dâng lễ tại Nhà thờ giáo xứ Vụ Bản, thuộc thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Thánh lễ tới phần rước Mình Thánh Chúa thì hai người trong trang phục bất xứng (một người mặc áo mưa và đội mũ bảo hiểm) xông thẳng lên cung thánh. Họ ngang nhiên đoạt micro ở giảng đài, yêu cầu giáo dân phải giải tán, bất chấp sự can ngăn của một số giáo dân và linh mục đồng tế. Được biết hai người này là Phạm Hồng Đức, Bí thư thị trấn Vụ Bản và Phạm Văn Chiến, phó Chủ tịch UBND thị trấn Vụ Bản.
Đây là hành động thiếu văn hóa, vô nhân bản, lạm dụng chức quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, quyền thực hành tôn giáo của Giám mục, Linh mục và giáo dân, cũng như xúc phạm đến nghi lễ thánh thiêng nhất và niềm tin của các tín hữu Công Giáo.
Hành động này không thể chấp nhận trong một đất nước có pháp quyền, gây bức xúc và đau buồn cho các tín hữu có mặt cũng như mọi người xem hình ảnh lưu truyền trên các trang mạng.
Ngay hôm sau, ngày 21/02/2022, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã gửi văn thư khiếu nại khẩn cấp đến các cấp chính quyền về vụ việc rất đáng lên án này, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tôn trọng tự do tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu Công Giáo trong tỉnh.
Tỉnh Hoà Bình là một địa bàn thường xuyên bị chính quyền địa phương gây khó dễ trong các hoạt động tôn giáo, mặc dù Toà Tổng Giám mục đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương.
Xin thông báo tới Quý Cha và Anh Chị Em trong Tổng Giáo phận. Chúng ta cùng cầu nguyện để những khó khăn về thực hành đức tin của các Linh mục và giáo dân trong tỉnh Hòa Bình mau chóng được giải quyết”.
Đảng đang bị phân hóa?
Theo thông báo nói trên thì cụ thể hai đảng viên là Phạm Hồng Đức, Bí thư thị trấn Vụ Bản và Phạm Văn Chiến, phó Chủ tịch UBND thị trấn Vụ Bản có dấu hiệu vi phạm nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” được quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự 2015.
Xét về địa lý, Hòa Bình là một trong chín tỉnh của Việt Nam mà trong đó có người Việt (Kinh) không chiếm đa số, đồng thời tỉnh này cũng được coi là thủ phủ của người Mường, vì phần lớn người dân tộc Mường sống tập trung chủ yếu ở đây. Người Mường xét về phương diện văn hóa – xã hội là dân tộc gần gũi với người Kinh nhất. Địa bàn cư trú của người Mường ở khắp các địa phương trong tỉnh, sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác.
Như vậy hành vi của hai đảng viên kể trên cần xem xét cặn kẽ về yếu tố về tình tiết tăng nặng.
Ở đây có một lưu ý là Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015 có điểm mới so với Điều 87 Bộ luật hình sự năm 1999, đó là bổ sung, tội phạm hóa hành vi gây ly khai dân tộc (điểm b khoản 1) và hành vi chia rẽ giữa người theo các tôn giáo khác nhau (điểm c khoản 1); Sửa quy định hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm: gây chia rẽ nhân dân với các tổ chức xã hội thành gây chia rẽ nhân dân với các tổ chức chính trị – xã hội (điểm a khoản 1); gây chia rẽ các tín đồ tôn giáo với các tổ chức xã hội thành gây chia rẽ các tín đồ tôn giáo với các tổ chức chính trị – xã hội (điểm c khoản 1).
Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên để phù hợp thực tế diễn biến của loại hành vi phạm tội này, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm phá hoại chính sách đoàn kết trong tình hình mới. Nâng mức hình phạt tối thiểu của khoản 1 là 05 năm lên thành 07 năm và quy định cụ thể hình phạt áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội từ 06 tháng đến 03 năm tù.
Sở dĩ đặt nặng vấn đề “quan điểm chính trị” ở đây về nghi vấn Đảng đang bị phân hóa nghiêm trọng, vì trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề đặc biệt quan trọng, theo Hồ Chí Minh thì có sự đoàn mới đem lại thắng lợi cho đất nước trước giặc xâm lược.
Kế thừa và phát huy tư tưởng đó, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, bất kỳ hành vi phá hoại chính sách đoàn kết nào cũng bị pháp luật nghiêm trị.