Trang

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

4011. Đất đai của các tổ chức tôn giáo vẫn thuộc “Đảng và nhà nước”

 

VNTB – Đất đai của các tổ chức tôn giáo vẫn thuộc “Đảng và nhà nước”

VNTB – Đất đai của các tổ chức tôn giáo vẫn thuộc “Đảng và nhà nước”

 

Ngọc Lan

(VNTB) – Cần “phát huy nguồn lực của tôn giáo, trong đó có nguồn lực từ đất liên quan đến tôn giáo đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước.”

 

Nhà chức trách nói rằng vấn đề quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề lớn, khó, phức tạp và cần tu chỉnh trong cơ chế giao đất, sử dụng đất, quản lý, điều hành.

Chính sách quản trị vẫn chưa theo kịp…

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 11/2020, các tổ chức tôn giáo sử dụng khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng khoảng 5.801 cơ sở so với năm 2008. Số cơ sở trên bao gồm cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo, cơ sở phụ trợ, cơ sở hoạt động xã hội của tôn giáo. Trong đó có cả cơ sở đã được cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong chính sách, pháp luật về đất đai liên quan đến tôn giáo với chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và thực tế sử dụng đất đai của các tôn giáo đã có nhiều nội dung cần được tu chỉnh. Đơn cử, Chỉ thị số 1940 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ là một chỉ thị chuyên biệt về đất đai liên quan đến tôn giáo, nhưng mới chỉ “cơ bản tháo gỡ” được vấn đề đất đai tồn đọng giai đoạn trước để lại, chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013, đã có nhiều quy định cụ thể đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa và lâu dài.

Thực tế áp dụng Luật Đất đai năm 2013 còn những điểm khó và vướng trong công tác quản lý như về hạn điền; về giao đất; về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa có quy định việc tôn giáo sử dụng đất vào các hoạt động an sinh xã hội…

Đất đai tôn giáo và khoảng trống của luật pháp

Ghi nhận cụ thể từ tỉnh Thừa Thiên – Huế, đối với quy định công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, thì theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, cụ thể tại khoản 4 Điều 5 “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”;

Khoản 1 Điều 159 “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”; khoản 1 Điều 160 “ Đất tín ngưỡng gồm đất có công trình đình, đền, miếu am, từ đường, nhà thờ họ”.

Tại khoản 4 Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định: Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có rất nhiều cơ sở tôn giáo cùng với đó là nhiều hình thức, chủ sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất như của tổ chức tôn giáo, đơn vị cơ sở tôn giáo, công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư (chùa làng do cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng); chùa tư là do của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng trên đất của hộ gia đình, cá nhân.

Hai loại hình chùa làng, chùa tư vừa nêu là không thuộc đất đai và công trình của giáo hội, của tổ chức tôn giáo và thực tiễn cho thấy chùa làng, chùa tư đã tồn tại trong lịch sử.

Trong khi Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 có quy định về cơ sở tương tự khác là hướng mở cho các loại hình nêu trên, thì Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định về công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Điều này dẫn đến vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đối với chùa làng, chùa tư.

Đề xuất của chính quyền Thừa Thiên – Huế là cần bổ sung quy định đối với các công trình tôn giáo của cộng đồng dân cư, của hộ gia đình, cá nhân để phù hợp thực tiễn; góp phần thuận lợi trong việc giải quyết các vấn đề liên quan như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các đối tượng sử dụng đất; đồng thời đảm bảo thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.

Hệ lụy của ‘công an trị’?

Cùng với đó – theo xác nhận của Ban Tôn giáo Chính phủ, là bất cập trong quản lý đất đai tôn giáo như trong công tác lưu trữ và quản lý hồ sơ đất đai; bất cập trong công tác sử dụng đất đai liên quan đến tôn giáo; bất cập trong việc giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo; thiếu chủ động giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở liên quan đến tôn giáo; công tác hướng dẫn, tranh thủ chức sắc, vận động quần chúng ở một số nơi chưa hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận từ phía tôn giáo;…

Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành, trong đó có luật đất đai, để thống nhất, đồng bộ với luật tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo.

Đồng thời trong quản lý hành chính cần “phát huy nguồn lực của tôn giáo, trong đó có nguồn lực từ đất liên quan đến tôn giáo đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước; phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng ở địa phương”.

Hiện tại về mặt quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, và người giữ chức vụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ là ông Vũ Hoài Bắc.

Một chút về ông Vũ Hoài Bắc.

Sáng 20/10/2021, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an công bố Quyết định của Bộ trưởng về việc điều động đại tá Vũ Hoài Bắc, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh đến nhận công tác và giữ chức vụ Cục trưởng Cục An ninh điều tra.

Tháng 1/2022, ông Vũ Hoài Bắc được điều động giữ chức vụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.

Như vậy cả 2 quan chức được coi là đứng đầu cơ quan quản lý tôn giáo ở Việt Nam đều trong ngành công an – ông Vũ Chiến Thắng vốn là Cục trưởng An ninh Tây Bắc, Tổng cục An ninh, Bộ Công an được ‘điều động’.