VNTB – Hơn 160 ngàn đồng cho một liều vắc xin Vero Cell
Mai Lan
(VNTB) – 3.231,698 tỉ đồng được chuyển cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.
Với tỷ giá hối đoái USD/ VND ngày 30-9-2021 là 22.760,00 VND, cho thấy một liều Vero Cell được mua cấp nhà nước giữa Trung Quốc và Việt Nam là 7,1 USD/ liều. Giá này được ghi nhận là mắc hơn rất nhiều so với vắc xin AstraZeneca.
https://vietnamthoibao.org/vntb-hon-160-ngan-dong-cho-mot-lieu-vac-xin-vero-cell/
Theo báo Thanh Niên số phát hành hôm 26-8-2021, thì mỗi liều vắc xin Covid-19 do Oxford/ AstraZeneca phát triển hiện chỉ có giá khoảng 3 USD. “Các nước có thể mua vắc xin của Oxford/ AstraZeneca với giá chưa đến 3 USD/liều” – báo Thanh Niên đã viết như vậy.
Giá vắc xin của Oxford/ AstraZeneca được thông báo là vẫn sẽ được giữ nguyên với các nước đang phát triển, kể cả khi đại dịch kết thúc.
Theo đánh giá của Tổ chức Ngân hàng Thế giới, thì Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Như vậy, về nguyên tắc thì nhà nước Việt Nam có thể đặt mua vắc xin của Oxford/ AstraZeneca ngay từ cuối tháng 11-2020 khi Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca công bố thông tin quan trọng với thế giới: vắc xin ngừa Covid-19 do họ hợp tác sản xuất có hiệu quả từ 70-90%. Trước đó, hai hãng dược Pfizer và Moderna đã công bố hiệu quả của loại vắc xin họ đang phát triển lần lượt là 95% và 94,5%.
Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam – VNVC, một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại Sài Gòn đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin của Oxford/ AstraZeneca ngay sau khi có công bố trên của Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca. Tuy nhiên đến quý 2-2021 khi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở Việt Nam thì Thủ tướng Phạm Minh Chính ‘đề nghị’ mua lại ‘không lợi nhuận’ toàn bộ số vắc xin của Oxford/ AstraZeneca mà VNVC đã bỏ tiền ra mua, được cho là canh bạc đầy mạo hiểm vì phải đến quý 1-2021, Bộ Y tế Việt Nam mới phê duyệt đây là vắc xin được sử dụng khẩn cấp.
Rất có thể phía VNVC đã cho ra 90 triệu USD cho đơn hàng 30 triệu liều vắc xin của Oxford/ AstraZeneca. Như vậy nếu mang so sánh với đơn hàng 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc thì xem ra chính phủ Việt Nam phải chi đến số tiền tương đương 141 triệu 990 ngàn 246 đồng Mỹ kim.
Số tiền gần 142 triệu đô la Mỹ này để mua vắc xin của Trung Quốc mà ngân sách Việt Nam phải ‘bóp bụng’ chi ra là lớn lắm.
Số bạc đó được lấy từ các nguồn sau: ngày 29-9-2021 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 1639/QĐ-TTg. Quyết định nêu rõ bổ sung 3.231,698 tỉ đồng cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản ngày 28-9 và Bộ Y tế tại văn bản ngày 29-9.
Trong đó, sử dụng 1.237 tỉ đồng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế đã được Quốc hội đồng ý cho chuyển nguồn để mua vắc xin phòng Covid-19, và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021 theo nghị quyết của Quốc hội. Sử dụng 1.994,698 tỉ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.
Trước đó, ngày 21-9, chính phủ ban hành nghị quyết về mua vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo Luật Đấu thầu, để mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell.
Ý kiến phản biện cho chuyện chọn mua vắc xin Vero Cell đã được Bộ Y tế ‘bỏ ngoài tai’, đó là vắc xin hiện nay đa số được nghiên cứu và sản xuất khi chưa có các biến thể, cho nên cần xem xét, đánh giá để chọn loại nào hiệu quả nhất hãy mua. Và vắc xin Vero Cell thì cho thấy chỉ thích hợp với chủng Vũ Hán ban đầu…
Liệu có dấu hiệu về cái gọi là “tham nhũng chính sách công” trong việc mua vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc?