2823. Báo Tuổi trẻ phải gỡ bỏ bài “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!” – tại sao?
30-9-2021. Ba Sàm
Trong suốt một ngày qua, nhiều báo đưa tin, một số báo có bài phân tích, đặt dấu hỏi hoặc khẳng định tính chất trái pháp luật về hành động của chính quyền phá cửa, dùng vũ lực lôi một phụ nữ đi xét nghiệm, trước sự kinh hoàng, la khóc của đứa con nhỏ. Có báo còn tiếp tục thông tin các cấp đảng, chính quyền địa phương đã phải xin lỗi khổ chủ này.
Nhưng, riêng một (trong ba) bài viết trên Tuổi trẻ thì lại phải gỡ bỏ ngay trong ngày, nhanh tới mức những trang thông tin điện tử bén nhạy cũng không lấy đăng lại kịp.
Trong môi trường báo chí kiểu “thì thụt” này, kể cũng nên bàn chút, thêm kinh nghiệm cho báo giới, cũng để độc giả hiểu thêm về nền báo chí “tự do” của nước nhà nó ra làm sao.
Bàn là tại sao Tuổi trẻ phải gỡ bỏ bài viết khá hay, mạnh mẽ, kịp thời đó (mời đọc toàn bài ở phần cuối).
1. Giật tựa. Tựa một bài viết rất quan trọng, nó dồn nén ý chính của cả bài, gửi đi thông điệp trong đó. Tựa bài này tuy ngắn gọn, nhưng có tới 4 yếu tố khẳng định mạnh mẽ.
+ “Phá cửa” nhà, rõ là phạm pháp rồi.
+ “Cưỡng chế dân” cũng phạm pháp nốt.
+ Bởi vì hai hành vi đó không phải căn cứ vào chứng cứ phạm pháp của đương sự, lệnh nào đó của cơ quan tố tụng, mà chỉ là nhắm tới một mục đích nhân đạo, là … “đi xét nghiệm”. Nghịch lý bi hài là ở chỗ này, đem lại giá trị cho tựa bài viết.
+ Yếu tố thứ tư mới là đầy … “nhạy cảm”, là nhát búa đóng đinh vào … số phận bài viết, mà tất cả các báo, không báo nào “dám” đụng vào. Đó là ba chữ “quyền con người” (nó còn được bổ sung bằng mấy chữ “vi phạm nghiêm trọng” ở trong bài nữa). Mặc dù cố tránh húy kỵ hơn, nên không dùng hai chữ “nhân quyền”, nhưng đây là điểm mà chế độ coi là thứ “các thế lực thù địch”, phương Tây hay xoáy vào, lên án chế độ này.
Có nói ngàn lời về những hành vi vi phạm pháp luật đã rõ của cán bộ chức quyền, cũng không đến nỗi to chuyện. Nhưng chỉ một lời rằng có “vi phạm nhân quyền” là … rắc rối to.
2. Những ngôn từ mạnh, gây ấn tượng. Ngoài những nhận xét về hành vi trái pháp luật do không có lệnh khám xét nhà, cưỡng chế đối tượng, bài viết có kha khá những từ ngữ diễn tả, đoạn nhận xét sự việc dễ tăng thêm xúc động, phẫn nộ cho dư luận; mặc dù nó được 2 đoạn clip ghi lại chứng minh là rất đúng, là còn chưa nói hết bản chất kinh khủng của vụ việc.
“Rất sốc”, “rất phản cảm”, “bàng hoàng”, “xốc nách”, “bẻ cánh tay”, “lôi xềnh xệch”, “tin rằng họ bắt tội phạm phạm tội quả tang hoặc tội phạm truy nã”, “tưởng là bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm”, “trước mặt trẻ em”, “tiếng khóc thét của trẻ em”, “tiếng khóc váng của đứa trẻ”, “bắt giữ người mẹ làm cháu bé khóc và la hét do hoảng loạn, sốc tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý lâu dài của cháu bé”, “vi phạm nghiêm trọng quyền con người”.
Ở đây có thể phân biệt rõ, rằng những ngôn từ, bình luận đó không phải là của phóng viên, mà hầu hết là của luật sư, người tham gia đánh giá hiện tượng dưới góc độ pháp lý, nên về nghiệp vụ báo chí, nó hoàn toàn không có vấn đề gì.
Với báo chí các nước dân chủ (không phải dạng “dân chủ có tập trung” như VN), lối viết đó là bình thường. Nhưng ở xứ ta, lại giữa đại dịch, chính quyền rất e ngại những thứ có thể gây nên kiểu “giọt nước tràn ly”.
3. Sức ảnh hưởng của Tuổi trẻ. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào số phận bài viết này. Bởi vì với một bài như vậy, lại được đăng trên một tờ báo có uy tín, có lượng độc giả lớn nhất cả nước từ hàng chục năm qua thì sẽ lan truyền tư tưởng, niềm tin đến hàng triệu người.
Có điều, Tuổi trẻ đưa lên rồi tự gỡ xuống, hay là do bị cơ quan quản lý “thổi còi”, độc giả không thể biết được.
Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!
29/09/2021 09:02 GMT+7
TTO – Đó là nhận định của luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vụ việc cán bộ phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương phá khóa căn hộ, xốc nách cưỡng chế người phụ nữ đi xét nhiệm COVID-19 trước mặt trẻ em.
Không đi xét nghiệm có bị cưỡng chế không?
Theo thông tin ban đầu, chính quyền phường Vĩnh Phú tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho nhân dân trong phường. Tuy nhiên, đúng thời gian phải xét nghiệm thì chị Hoàng Phương L. (ngụ tại căn hộ của chung cư Ehome 4) đang có giờ dạy học online yoga nên không ra ngoài xét nghiệm được.
Sau đó, đoàn cưỡng chế (bao gồm cả cảnh sát cơ động, công an phường, cán bộ phường….) đã phá khóa cửa để vào nhà xốc nách chị L. lôi xềnh xệch ra ngoài để xét nghiệm trước mặt đứa con trai của chị L..
Nói về việc bị cưỡng chế đi xét nghiệm, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu rõ quy định về việc xét nghiệm COVID-19.
Cụ thể, quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng thì khi cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát, cách ly y tế và điều trị.
Do đó, nếu người dân đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc đi xét nghiệm mà không chấp hành thì có thể căn cứ theo điểm a, khoản 2, điều 7 nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử phạt.
Theo đó, hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Trong trường hợp người bị yêu cầu xét nghiệm cố tình không chấp hành thì sẽ có biện pháp cưỡng chế hành chính, quyết định cưỡng chế phải do chủ tịch UBND cấp huyện, quận nơi xảy ra sự việc ban hành và giao cho người thi hành công vụ thực hiện.
Nếu quá trình cưỡng chế hành chính mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, chống đối lại lực lượng chức năng và gây hậu quả không thực hiện được quyết định cưỡng chế thì người đó có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì một người không tuân thủ pháp luật về việc xét nghiệm cũng có thể bị cưỡng chế, tuy nhiên việc cưỡng chế này phải tuân thủ theo đúng quy trình mà pháp luật đã quy định.
Phá cửa cưỡng chế: rất phản cảm!
Tuy nhiên, trong vụ việc phá khóa cửa cưỡng chế chị L. đi xét nghiệm trước sự chứng kiến của bí thư đảng ủy phường và một số cán bộ, Công an phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến nhiều người rất sốc và các luật sư cho rằng rất phản cảm.
Lý do về việc cưỡng chế được đưa ra là do chị L. không hợp tác nên phải cưỡng chế. Đại diện phường cho rằng trước đó chị L. có nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi chung cư Ehome 4 từng có ca F0 nên nguy cơ rất cao.
Như vậy, theo diễn biến trong clip cho thấy, đến thời điểm việc cưỡng chế được thực hiện thì không có văn bản hay quyết định cưỡng chế nào đối với người phụ nữ này.
Bình luận về việc này, luật sư Phạm Hoài Nam nói: “Hành vi cưỡng chế này rất phản cảm vì trong nhà có phụ nữ và trẻ con. Người phụ nữ bị cưỡng chế không hề được nhận bất kỳ văn bản thông báo nào về việc buộc phải chấp hành quy định xét nghiệm COVID-19, trong nhà lại có trẻ con. Họ phá khóa cửa xông vào nhà bắt giữ người mẹ làm cháu bé khóc và la hét do hoảng loạn, sốc tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý lâu dài của cháu bé.
Cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của những người liên quan vì đây là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở và bắt giữ người trái pháp luật”.
Còn luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì nói rằng ông rất sốc khi xem clip cơ quan chức năng cho người phá khóa cửa cưỡng chế chị L. ra sân xét nghiệm trong tiếng khóc thét của trẻ em.
“Lúc mới xem tôi tưởng là bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì thấy có sự hiện diện của cảnh sát cơ động, công an phường và rất đông cán bộ. Khi phá khóa vào được nhà họ cũng không thông báo, trao đổi gì với người bị cưỡng chế nên tôi càng tin rằng họ bắt tội phạm phạm tội quả tang hoặc tội phạm truy nã.
Tiếng trẻ con khóc thét và tiếng chị L. la lên là tôi đang làm việc, tôi còn đang làm việc khiến tôi bàng hoàng. Người ta đã bẻ cánh tay áp giải người phụ nữ này ra ngoài trong tiếng khóc váng của đứa trẻ khiến tôi rất sốc.
Nhưng tôi còn sốc hơn nữa khi 2 cảnh sát áp giải chị L. ra ghế để buộc xét nghiệm. Tôi không thể tin được là người ta cưỡng chế một người dân như áp giải tội phạm chỉ để đi xét nghiệm, không hề tuân thủ các quy định phòng chống dịch”, ông Hướng nói.
Bình luận về việc phá khóa cửa và xốc nách chị L. đi lấy mẫu xét nghiệm, ông Hướng cho rằng: “Phải khẳng định đây là hành vi trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Bởi việc thực hiện một hành vi cưỡng chế một người phải thực hiện theo một quy trình hành chính. Clip về nội dung vụ việc cho thấy việc cưỡng chế không tuân theo một quyết định và một quy trình nào”.