Đây là Thánh Thơ ngày 29/4/1958 liên quan đến nguyên nhân nào có chi phái.
BBT rút trong HÒA BÌNH CHUNG SỐNG BIÊN NIÊN trang 188.
HỘ PHÁP ĐƯỜNG.
VĂN PHÒNG.
SỒ: 13/HP.HN
|
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ
ĐỘ.
(Tam Thập Tam Niên).
Tòa Thánh Tây Ninh.
|
HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng
Gởi cho:
. Chư Chức Sắc Thiên Phong.
. Chư Chức Việc.
. Và Tín Hữu Nam Nữ Đạo Cao Đài tại Bắc
Tông Đạo.
Mấy em,
Qua tưởng mấy em đã hay tin Qua phải lìa
Tòa Thánh lên cư trú tại Nam Vang đã trót hơn hai năm nay. Qua tưởng cũng nên
cần cho mấy em biết lý do mà Qua phải bỏ Tòa Thánh đến cư ngụ nơi nước người,
chịu đủ mọi điều cam khổ. Còn tại Tòa Thánh Hội Thánh và cả Tín Đồ ở Thánh Địa
đều bị cường quyền Ngô Đình Diệm áp bức và làm khổ mọi điều. Dầu cho sở hành vô
nhân Đạo đến đâu chúng cũng không từ nan để làm khổ cho Đạo. Của cải tư của Qua
đều bị chúng chiếm đoạt, nào sưu cao, thuế nặng... chúng toan phương phá sự
trọn vẹn của Đạo và con cái Đức Chí Tôn.
Qua cho mấy em biết rằng: kể từ hội nghị
Genève Qua đã đặng Quốc Trưởng Bảo Đại đề cử lập một phái đoàn đi quan sát hội
nghị thì chính mình Qua làm chủ phái đoàn ấy.
Khi Qua hay tin quả quyết rằng nước Pháp
và Việt Minh định phân chia nước nhà làm hai lãnh thổ thì Qua đã thấy rõ nước
nhà sẽ mang một tai họa lớn vì chia đôi dân tộc, có thể đến nạn cốt nhục tương
tàn, nồi da xáo thịt.
Nên một đêm nọ Qua có đến tại tư dinh của
phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hội đàm cùng Thủ Tướng Phạm Văn Đồng để
tính toán cho 2 chánh phủ hiệp đồng cùng nhau thống nhất lập thành chánh phủ
duy nhất. Đừng để cho hội nghị quốc tế thỏa ước chia đôi lãnh thổ.(1)
Lúc ấy mới thắng trận Điện Biên Phủ nên
chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ỷ thắng. Nhứt định không ký kết với chánh
phủ miền Nam mà họ bảo rằng “bù nhìn”, lại từ khước luôn không cho phái đoàn
của họ ký vào hiệp định của Hội Nghị.
Nên chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam mới có
thể từ khước không thi hành Hiệp Định và cho rằng họ không bị trói buộc vào đó.
Họ lại dựa vào sức mạnh của Mỹ mà lập riêng một chánh phủ có Quốc Hội, chịu ảnh
hưởng quyền năng của Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đắc thế khi dùng phương
pháp dối gian truất phế Bảo Đại lên nắm quyền Tổng Thống. Họ đã gọi mình rằng
đủ pháp luật do cuộc trưng cầu dân ý để làm chúa cả Miền Nam dưới chánh thể
Cộng Hòa mà tự họ đã tạo dựng. (2)
Tình trạng đã ra như thế, thử hỏi lỗi tại
nơi ai?
Hôm nay Qua cũng chưa trả lời điều ấy
đặng.
Nhưng Qua chỉ hiểu rõ rằng: Đối với
Đạo thì chia 2 dân tộc tức là chia Đạo, thì tấn tuồng của Pháp đối cùng Đạo lúc
mới phôi thai lại tái diễn một phen nữa.
Qua nên nói rõ cho mấy em biết rằng:
Pháp thấy anh Cả (là Đức Quyền Giáo Tông)
chúng ta làm Thượng Nghị Viện của chánh phủ Pháp ở Đông Dương. Người thay mặt
cho cả quốc dân tại Miền Nam, thì Pháp đã ghê sợ quyền hành tinh thần của Người
về dĩ vãng đối với chánh phủ Pháp.
Anh Cả từ trước đến ngày đó nghịch hẳn
lại chính hướng của Pháp. Pháp muốn giữ nền thống trị toàn cõi Đông Dương, nên
chính Anh Cả là người trở thành chướng ngại nhứt cho Pháp.
Dĩ vãng của Người lúc đó là Hội
Đồng Thuộc Địa (Conseiller Colonial) do dân đề cử đã đối đầu với việc Thống Đốc
Cognac tính sấp hạng lại điền thổ đặng định tăng thuế. Nên Anh và các đồng chí
của Người đứng ra đương đầu phản đối Cognac. Việc phản đối tăng thuế không
thành công Người và các đồng chí từ chức.
Khi tái công cử Hội Đồng mới thì toàn thể
quốc dân tại Miền Nam lại đồng lòng công cử họ lại lần thứ nhì. Duy bỏ ra ngoài
có một vị là Nguyễn Lân Hoài, Hội Đồng của Tỉnh Bến Tre, vì ông ấy có tính chần
chờ không cương quyết.
Khi đặng tái đắc cử Anh Cả vận động thế
nào không biết, mà làm cho các đồng chí của Anh kiên quyết lên; kịch liệt phản
đối làm cho vụ tăng thuế điền địa phải bãi bỏ, không còn thành vấn đề
nữa.
Bởi cuộc tranh đấu đó mà Pháp cho Anh là
một người nguy hiểm đối với lập trường của chúng nơi Đông Dương. Nên họ để tâm
nghi kỵ. Anh Cả không phải là người tín
nhiệm của Pháp nữa.
Khi mới mở Đạo thì mấy anh lớn đều do nơi
trường quan lại của Pháp trong hàng Phủ và Đốc Phủ mà họ đang cầm quyền Chủ
Quận hay là Phó Chủ Tỉnh. Vì cớ mà Pháp đã ra lịnh cho mấy anh ấy phải từ
khước, không được hiệp tác cùng Anh Lê Văn Trung là tay nghịch hẳn cùng Pháp đã
rõ ràng bằng cớ.
Pháp lại hứa cùng mấy anh lớn ấy rằng: Họ
muốn theo Đạo Cao Đài thì tự do lập chi phái rồi họ sẽ được bảo vệ đặc biệt của
Pháp. Còn theo Anh Lê Văn Trung thì họ sẽ bị khủng bố không cho họ làm quan lại
của Pháp nữa.
Điều ấy mấy anh lớn cũng không phải đủ
sợ, vì công danh quyền lợi của mình mà nhảy ra thành chi phái. Nhưng tới khi
Pháp hâm rằng: Sẽ khủng bố đến con cái của họ đương du học tại Pháp, tiền cấp
học bổng sẽ bị thu lại và không cho cha mẹ có phương thế gởi tiền sang nữa đặng
tiếp tục sự học hành. Điều đó làm cho họ kinh khủng hơn hết.
Thật ra thì cả con cái của mấy anh đang
du học tại Pháp và tương lai của chúng rất nên sáng lạng sẽ bị đổ vỡ vì sự trả
thù của Pháp. Bởi cớ cho nên họ lén trở về hội đàm cùng Anh Quyền Giáo Tông
liệu phương gở rối.
Buổi họp ấy có mặt Qua và chính mình Qua
khuyên họ nên nghe lời Pháp lập chi phái dưới quyền bảo hộ của họ, miễn là Đạo
đặng truyền bá là đủ.
Nguyên
do lập chi phái là như thế.
Hôm
nay Qua cầu xin mấy em khi hiểu rõ căn do nguy hiểm ấy rồi thì mấy em không nên
phân phe chia phái, tránh làm tai hại cho kẻ nghịch Đạo lợi dụng mấy em hại lại
Đạo. Phải tìm phương thống nhất cả khối đức tin của mấy em nơi Đức Chí Tôn, Đức
Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng thì Đạo mới đặng bền vững, bằng chẳng vậy,
nếu mấy em còn chia rẽ nhau tức là mấy em tự mình diệt Đạo.
Nếu mấy em nhứt tâm nhứt đức như buổi ban
sơ thì thân thể của Qua không ra đến nông nổi nầy. Mấy em phải nhớ rõ rằng Ngô
Đình Diệm là Công Giáo. Rồi mấy em so sánh hai lẽ mạnh yếu của đôi đàng thì mấy
em tự hiểu rằng chính qua hôm nay bị áp bức và Đạo bị tàn phá là do nhiều cớ
chớ không có chi lạ. Qua cho mấy em hiểu rằng, chẳng phải toàn thể Công Giáo là
người như Diệm. Song số đông rất ít tình cảm với Đạo Cao Đài, nên chúng ta rất
ít có người binh vực.
Tình trạng khắc khe của Qua.
Nếu Qua an nhàn nơi Tòa Thánh. Qua sẽ bị
chánh quyền Ngô Đình Diệm chi phối triệt để hoặc nghịch lại với Miền Bắc đặng
nghịch lại với mấy em cùng đồng bào máu mũ của Qua, thì cái hại phân chia Đạo
buổi trước của Pháp đã tái diễn không thể tránh khỏi.
Còn như Qua theo các em ra Miền Bắc thì
phải từ chối Tòa Thánh và cả đôi triệu tín đồ của Đạo, gây thêm thống khổ cho
Hội Thánh vì nạn áp bức của chánh quyền Ngô Đình Diệm.
Nên Qua coi sự lưu vong của Qua
nơi đất Miên là lưỡng toàn kỳ mỹ hay là thượng sách vì khỏi lệ thuộc ai.
Dầu rằng lưu trú nơi nước ngoài Qua phải chịu muôn điều cam khổ, chánh quyền
không từ khước một mâu thuẫn nào mà không truy tố.
Chúng đã mướn Nguyễn Thành Phương
và mua đứt sự phản Đạo của Nó với số tiền là ba chục triệu đồng (30.000.000$)
đặng Nó trở lại bôi nhọ cho Qua tức là bôi nhọ Đạo. Juda bán Chúa Jesus Christ
với ba chục ngươn bạc, còn Nguyễn Thành Phương bán Qua tới 30 triệu. Qua
có thể tự cao cho rằng, giá trị của Qua hơi mắc hơn của Chúa Jesus chút đỉnh.
Ấy là điều Qua an ủi tâm hồn, Qua tưởng mấy em cũng thế.
Mấy em ở xa Tòa Thánh mấy em có biết
chăng, giờ phút nầy có bao nhiêu Chức Sắc Thiên Phong đã bị mua chuộc với công
danh quyền lợi đặng phản lại chính sách Hòa Bình Chung Sống của Qua đề xướng ra
để cầu sự sống còn của mấy em và toàn đồng chủng của họ.
Lịch sử và tương lai sẽ làm cho họ thấy
rõ điều ấy. Đạo phải đi đôi cùng lịch sử. Qua phải sợ lịch sử mà đương đầu cùng
thời cuộc chớ Qua không biết sợ người.
Đã 70 năm sống trong vòng lệ thuộc, (3)
nếm đủ mùi mặn lạc. Sự thay đổi đương nhiên của Ngô Đình Diệm so sánh với muôn
ngàn mùi thú vị của Qua đã hưởng từ trước, nó chua cay đắng mặn chỉ một phần
mười. Vậy thì không lý do gì làm cho Qua phải sợ Ngô Đình Diệm mà buộc mình đủ
can đảm đứng ra nghịch cùng lịch sử và nghịch cùng Đạo.
Tên tuổi của đời mình cũng như tên tuổi
của ai, không phải nơi thế gian nầy có tên Tắc là đặc biệt. Biết đâu còn muôn
muôn ngàn tên Tắc khác nữa. Tên Tắc cũng như tên Mít, Xoài, Ổi kia vậy chớ
chẳng chi rằng phân biệt. Nếu nó đặng nêu tên tuổi là do trong kiếp sống nó
không bị đồng sanh chửi bới, nguyền rũa và liệt vào hàng thất đức, bất nhơn,
lưu xú vạn niên. Cho nên Qua tưởng rằng
nếu sống mà để lại danh nhơ thì tốt hơn là đừng sanh ra nơi cõi thế nầy.
Con đường về Nam và về Tòa Thánh của Qua
thì Qua cho mấy em biết trước: Ngày giờ nào đồng bào ở Bắc bị chúng buộc phải
di cư vào Nam đang chịu cô quạnh, khổ sở và áp bức mọi điều; cũng như thanh
niên Miền Nam tập kết ra Bắc không đặng phép hồi hương về nơi chôn nhau cắt rốn
của họ; cả hai chưa được trọn quyền sở hữu tự do định mạng của họ thì Qua lưu
vong nơi nước người chớ không hồi cố.
Qua rất may mắn thấy nước Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa, có mãy may tình cảm cùng Qua đối cùng chánh sách độc tài cưỡng
bức của Ngô Đình Diệm cũng cho là sự an ủi đáng kể trong buổi lưu vong của Qua.
Qua đã đặng thơ mời của Mặt Trận Tổ Quốc
ra Hà Nội. Song Qua đương bịnh hoạn, nên Qua định gởi phái đoàn đi. Nhưng sự
xuất ngoại của xứ Cao Miên chưa đặng ổn thỏa nên còn đình đãi. Qua nhớ mấy em
lắm, Qua muốn phái đoàn do chính Qua điều khiển.
Qua bị mang danh là thân Cộng do Ngô Đình
Diệm lên án.
Diệm mưu định đem ra giữa Quốc Hội đặng
nghị quyết để Cộng Sản ra ngoài luật pháp. Chánh phủ ngụy quyền Ngô Đình Diệm
kèm Đạo Cao Đài vào đó đặng thẳng tay trừng trị. Như chúng đã lên án và đày đọa
không biết bao nhiêu người cùng chủng tộc bằng danh từ Cộng Sản.
Từ khi Qua xuất ngoại, chúng đã lên án
rằng Qua thân Cộng đặng chiếm đoạt cả nhà cửa, đất đai, vườn tược của Đạo lẫn
của Qua cũng vì danh từ thân Cộng. Qua chỉ buồn cười có một điều là ngụy
quyền Diệm giống ngụy quyền Pháp trong khi thống trị. Nên đối với Qua cũng
chẳng lạ gì sự giống nhau như thế đó.
Mấy em có biết chăng? Khi nước Pháp đã
lên án Cao Đài là phục cựu, cốt là nói Đạo Cao Đài sản xuất ra để giải ách lệ
thuộc của Việt Nam khỏi tay thống trị Pháp. Pháp lại gài cho ta phục hồi Nho
Giáo là nền văn minh đã cầm vận mệnh của thiên hạ để đổ tội cho Đạo Cao Đài gánh
chịu.
Sự thật có thế nào? Trước kia Tổ Phụ ta
không dung nạp văn minh Công Giáo và cố gắng phục cựu đặng gìn nền quốc Đạo của
mình là Đạo Nho của Khổng Tử. Nên khi Công Giáo lén lúc tuyên truyền trong nước
đặng thu hút tín ngưỡng của khối nhân dân Việt Nam biến nên một khối việt gian
của họ.
Các nhà vua Việt Nam như Minh Mạng và Tự
Đức đã hiểu rõ tiền đồ của các nước bên Âu Châu, nhứt là mấy ngai vàng đã bị
phản ứng của Công Giáo mà tiêu diệt như thế nào, nên mới cấm Đạo và bắt Đạo.
Hại thay trong lúc hổn độn ấy, triều đình
đã đi quá mức thiên lương qui định. Nên họ đã chém giết, tù đày một phần quốc
dân vì tinh thần tín ngưỡng. Vì quá khốn khổ họ phải tìm phương giải thoát là
họ mượn tay Pháp đem binh chiếm cứ Việt Nam. Họ hứa hẹn rằng, nếu quân đội Pháp
đến họ sẽ làm nội ứng phụ sức... điều nầy lịch sử đã nói rõ.
Thật ra Công Giáo nhờ Pháp giải thoát, vì
Pháp đã chiếm cứ trọn vẹn nước Việt Nam làm thuộc địa. Công Giáo trở nên đặng
trọng dụng. Trong thời Pháp thuộc thì Pháp trọng dụng, binh vực quyền lợi của
Công Giáo làm mục tiêu chánh của họ. Công Giáo thừa thời thế muốn chi đặng nấy,
nên chiếm cứ nhiều nơi làm Thánh địa hay là làm Nhà Chung đặng chứa chấp người
nghịch cùng triều đình.
Vì thế mà hai bên nghịch lẫn nhau sanh ra
nổi loạn. Triều đình không nhịn rồi đi đến quá quyền là cấm Đạo, bắt bớ, tù
đày. Bởi cớ cho nên Pháp mới thừa nguyên do ấy mà chinh phục Việt Nam đặng giải
phóng Công Giáo. Thành thử nước Việt Nam đã bị lệ thuộc hơn 80 năm là vì Nam
Triều đã phạm đến tự do tín ngưỡng của Công Giáo. Điều ấy là điều nguy hiểm cho
xã hội không nên thi thố.
Từ trước đến giờ bao nhiêu quốc gia Âu
Châu đã bị mất nước; cho dầu với lý do chánh đáng thế nào đi nữa thì cũng là do
phạm đến quyền tự do tín ngưỡng nên bị mất nước. Đó là nguyên do tạo dựng nên
quyền lớn lao của Công Giáo. Những điều nầy Qua đã nói trong bức thư Phúc Sự
của Qua gởi cho chánh phủ Pháp năm 1937 khi chánh phủ Pháp hỏi Qua đường lối
tương lai của Pháp đối với Việt Nam thế nào.
Qua tiếc rằng khi Qua đi khỏi Tòa Thánh
Qua không có đem theo một bổn để gởi cho mấy em xem tường tận. Qua chỉ xin Pháp
cho Việt Nam hưởng đặc quyền tự trị. Qua đã chỉ cho họ ngó thấy rằng đường lối
chánh trị của họ sẽ thúc dục cho toàn dân Việt Nam làm cách mạng. Qua nói vắn
tắc như thế nầy: “Hễ một con người mà thất chí bất mãn vì quá thống khổ thì
họ tự vận, còn toàn thể quốc dân của một nước mà thất chí bất mãn vì quá thống
khổ thì họ sẽ làm cách mạng”. (4)
Qua không dè rằng, sự thật hôm nay đã chỉ
rõ cho thiên hạ thấy sự quả nhiên như thế. Công Giáo buổi nọ vì chánh quyền
phạm đến tự do tín ngưỡng của họ, áp bức bắt Đạo, giết chóc làm cho họ quá
thống khổ nên họ mở ra cuộc cách mạng đặng tự giải thoát cho họ. Mà cũng vì cớ
đó, nước Việt Nam bị lệ thuộc trên 80 năm bởi tay ngoại chủng.
Khi nói rằng Đạo Cao Đài phục cựu. Đạo
Cao Đài xuất hiện ra đặng trả thù Công Giáo và giải ách lệ thuộc của Pháp...
thì mấy em nghĩ coi làm thế nào Pháp không tìm phương diệt Đạo Cao Đài từ lúc
mới nãy sinh trong trứng.
Qua thú thật với mấy em, trí phàm của Qua
buổi nọ cũng tưởng như thế, khi Đức Chí Tôn mở Đạo. Nên Qua cố can đảm phế đời
hành Đạo, chẳng kể công danh quyền lợi, nhà cửa vợ con theo Đạo Cao Đài cũng vì
tư tưởng đó. Mấy em nghĩ lại coi, khuôn khổ lễ giáo của Đạo Cao Đài quả nhiên
rằng khuôn khổ truyền thống của Đạo Nho từ trước do tổ tiên ta để lại rõ ràng
trước mắt.
Đại Từ Phụ, lại chỉ dạy rõ rằng: Đạo Cao
Đài là Nho Tông chuyển thế, nên nói rõ Đạo Cao Đài là Quốc Đạo của ta thì hiển
nhiên mình đã cố tâm khai trước thiên hạ rằng mình muốn phục cựu, rõ ràng còn chối
cãi với ai đặng nữa. Vì vậy mà Pháp mưu toan tiêu diệt mình là đúng lý.
Qua muốn cho mấy em hiểu rõ nên Qua nói
dài dòng xin mấy em thứ lỗi. Qua xin kết luận rằng:
Đạo Cao Đài nãy sinh ra giữa sự thù địch
của thiên hạ về công lý và về tín ngưỡng. Qua nói rằng Đạo Cao Đài là một nền
Đạo hoàn toàn do tinh thần của nòi giống Việt Nam mà xuất hiện. Nó thiệt quả
nhiên là Quốc Đạo của ta.
Ta cũng biết như thế, nhưng ta không dám
nói rõ. Duy chỉ có mạng lịnh của Đại Từ Phụ biểu là tuyên bố cho toàn thể hoàn cầu
đều biết. Nên chúng ta không phương dấu diếm. Chính mình phải tự hiểu lấy
mình rằng: Đứng trước một kẻ thù nghịch của mình đủ quyền năng, đủ thế lực mưu
hại lại mình mà dám vỗ ngực xưng tên rằng mình là kẻ thù địch của họ... thì họ
tìm phương hại lại mình là đúng, còn than thở trách móc mà làm gì.
Dầu rằng mình biết lẽ ấy; nên đã đề xướng
ra thuyết: QUI TAM GIÁO, HIỆP NGŨ CHI đặng làm cho dịu bớt tình thế. Nhưng cũng
không đủ phương bào chữa. Và cũng vì nơi đó mà chính Qua đủ đức tin chịu nổi
khổ hạnh đặng tranh đấu vượt qua các trở lực. (5).
Qua nói thiệt với mấy em rằng: Phận
sự của Qua chỉ biết có làm Đạo chớ Qua không biết quốc sự hay chánh trị chi
hết. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là Từ Bi, Bác Ái. Mà trước khi thực hiện đặng chơn
lý cao thượng ấy thì phải cố gắng làm thế nào cho tiêu diệt cả sự bất công của
xã hội, đem lại Bác Ái và Công Bình cho toàn nhơn loại. Đúng theo Tân Luật của
Đức Chí Tôn đã đem gieo tại thế (Amcur et furstice). Đức Chí Tôn đã nói: “Ngày giờ nào hay bất cứ nơi nào, nơi mặt xã hội
còn lẽ bất công thì Đạo Cao Đài chưa thành lập”.
Qua muốn cho toàn thể quốc dân Việt Nam
ta hưởng trước, hưởng cho kỳ đặng triết lý ấy để đủ sức phổ thông, gieo truyền
cho toàn thiên hạ. Ta phải cố gắng phụng sự cho nước nhà và cho chủng tộc ta
trước đã; rồi sau Qua còn sống đặng ngày nào Qua cũng tiếp tục cho toàn thiên
hạ.
Chánh quyền Ngô Đình Diệm cho Qua là thân
Cộng mà Qua không biết triết lý của Cộng Sản thế nào, có giống như thế chăng?
Nếu quả nhiên giống như thế thì Qua dám
can đảm khai cho thiên hạ biết rằng: Lời vu cáo của Ngô Đình Diệm là đúng sự
thật.
Nếu mấy em đủ trí thức, đủ nghị lực làm
đồng chí của Qua thì chúng ta nói thiệt rằng: Làm Tín Đồ của Đạo Cao Đài, chúng
ta phải đủ tinh thần và nghị lực đặng thiệt hiện triết lý ấy nơi mặt thế nầy.
Như vậy mấy em sẽ trở thành những đứa con yêu dấu của Đức Đại Từ Phụ và là bạn
thân của Qua.
Bất kỳ quốc gia nào hiện hữu nơi mặt thế
nầy đều phải do dân tâm mà xuất hiện. Từ cổ chí kim, dầu cho thời đại nào, hễ
là một nước tức nhiên phải có chánh quyền. Thoảng như không có thì phải loạn
lạc.
Dục vọng của con người bao giờ cũng muốn
mình hơn thiên hạ. Từ người sĩ phu cho đến nhà bác học đều có ảo vọng làm chúa
thiên hạ nên coi mình là hơn, không khiêm nhường, không đoái hoài đến kẻ khác.
Dầu luận với một dân tộc thiểu số: Mường, Mán, Mọi (Tribus)... khuôn luật ấy
vẫn y nhau. Muốn có người lệ thuộc, muốn con người làm tôi mọi cho chúng, rồi
mặc tình sanh sát, chẳng kể đến mạng người là trọng.
Lẽ bất công của xã hội từ trước đến
giờ làm cho thiên hạ đảo điên cũng vì duyên cớ ấy. Khi toàn thể quốc dân chịu
nhiều thống khổ bất bình thì đứng lên lật đổ chánh quyền của kẻ mạnh đặng binh
vực kẻ yếu.
Nếu chánh trị họ khéo léo, họ lấy lòng
dân làm hàn thử biểu để đo lường tâm lý mà tùng theo thì còn bền giữ đặng chủ
quyền của họ. Trái lại nếu họ dùng võ lực mà đàn áp thì toàn dân đủ quyền tranh
đấu quyết liệt biến nên rối loạn, giặc giả, chiến tranh... làm cho những kẻ cố
cùng tăng thêm phần thống khổ.
Thoảng như trong lúc tranh đấu giữa dân
và chánh phủ mà có người đứng ra đảm đương việc trị loạn đem lại thái bình; thì
đó là món thuốc cứu sống toàn dân trong cơn loạn lạc. Tức nhiên kẻ ấy trở thành
người làm chúa xã hội. Cho dù là dân tộc thiểu số Mường Máng cũng cùng khuôn
luật ấy.
Rồi trong cơn thắng thế họ đặt ra khuôn
khổ luật pháp buộc toàn dân phải tuân theo. Dầu người thay mặt họ là ông quan
hay triều đình cũng có đủ thẩm quyền trị an thiên hạ.
Hại một điều là khi người chúa ấy đã ra
đời thì quyền hành nó tự nhiên giảm bớt, không còn tồn tại y như trước vì thiếu
sự tín nhiệm của toàn dân. Thêm nổi chánh sách truyền tử trái với thuyết thiên
hạ vi công làm cho chinh tâm thiên hạ là vì thế.
Đế Nghiêu hiểu rõ cái hại của chánh sách
truyền tử mới sửa cải lại thành chánh thể truyền hiền. Đế Nghiêu nhường ngôi
cho Đế Thuấn cầm quyền trị bình thiên hạ. Thiên hạ đã xưng tụng đời Nghiêu
Thuấn là Thánh Chúa. Họ được hưởng thái bình và hạnh phúc do đó mà đời hằng
truyền tụng.
Truyền tử là một khuyết điểm của đế
quyền. Do truyền tử mà di hại cho thiên hạ, tạo ra nhiều lẽ bất công trong xã
hội; nên hôm nay đã bị toàn dân đạp đổ.
Mấy em xem lại tại mặt thế nầy tồn tại
đặng bao nhiêu quốc gia còn chịu dưới quyền của Đế Quyền?
. Bây giờ ta luận về dân trị.
Trong chánh thể dân trị ta hiểu rõ rằng
bất kỳ một quốc gia nào hay xã hội nào cũng phải do nơi sự tín nhiệm của dân
mới thành một chánh thể.
Còn luận về dân chủ dưới phương pháp đầu
phiếu đặng tuyển chọn kẻ cầm quyền, chúng ta sẽ thấy khuyết điểm chỗ nào?
Ta biết rằng, dục vọng của con người phải
có phương pháp mới đè nén được. Bởi dục vọng ấy có thể giục loạn cả xã hội một
cách dễ dàng. Với phương pháp đầu phiếu để tuyển chọn kẻ cầm quyền thì có đặng
thỏa mãn cả lòng dân hay chăng? Ta không luận nơi đây về các phép đầu phiếu. Ta
thấy đa số kẻ được tuyển chọn không vừa lòng dân hay nói rõ ra là dân bị mưu
gạt của những kẻ xão trá mưu mô, gian lận, hứa hẹn mọi điều sở vọng của toàn
dân rồi rốt cuộc không giữ lời hứa.
Chánh thể của Pháp hôm nay đã biến sanh
rối rắm trong nền dân chủ của họ. Đảng phái phân tranh gây nên xã hội quốc gia
nghiêng ngữa. Chủ quyền của Pháp đã trở nên bấp bênh không còn gây đặng ảnh
hưởng trong trường quốc tế. Vì lẽ người đại diện của dân không trung thành,
không coi quyền lợi quốc gia và xã hội của mình là trọng hệ mà chỉ tìm phương
bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình mà thôi.
Mấy em nghĩ coi, nhiều đảng phái đối diện
cùng nhau mà chánh sách quốc gia của họ đều khác hẳn với nhau thì làm thế nào
hòa nhau cho đặng?
Luận về đầu phiếu tuyển cử của họ; chưa
chắc rằng toàn dân tín nhiệm họ. Theo luật tuyển cử thì trong số đông ứng cử
viên ra ứng cử dân chỉ chọn một số mà thôi. Với phương pháp như thế mà gọi rằng
toàn dân tín nhiệm là chưa đáng. Theo luật tuyển cử thì những tay đắc cử ấy có
thể chỉ cần hơn một lá thăm là đắc cử. Như vậy mà nói là toàn quốc dân đều tín
nhiệm có đúng hay chăng? Nói cho đúng là chỉ có được một phần người tín nhiệm
mà thôi.
Với phương pháp như thế mà gọi rằng toàn
dân tín nhiệm là phi lý. Nếu dân không phản đối là sợ chánh quyền của họ mà kỳ
trung chỉ một phần dân trong nước tín nhiệm mà thôi chớ chẳng phải trọn vẹn.
Vậy biểu sao họ không kết thù lập đảng? Họ phải tạo nên đảng phái riêng của họ
đặng làm hậu thuẫn, hầu bảo vệ chí nguyện của họ. Tấn tuồng chủ quyền của Pháp
hôm nay chỉ rõ điều đó. Nên toàn dân Pháp chưa bao giờ thỏa mãn những người đã
cầm vận mệnh nước nhà của họ.
Qua nói rõ rằng, với chánh quyền mà do
nơi dân đầu phiếu như vậy để tạo thành chẳng hề có công bình chơn thật đặng.
Mấy em xét kỷ lại trong lời dẫn giải của Qua sẽ thấy rõ khuôn khổ chánh thể của
Miền Nam và Bắc xem chánh thể nào đúng? Cho nên sự đòi hỏi của quốc dân còn
đang tiếp tục vì toàn thể còn chưa thỏa mãn.
Ai đã đặt Ngô Đình Diệm lên cầm vận mạng
Miền Nam nước Việt Nam ta?
Ngô Đình Diệm cầm được chánh quyền Miền
Nam là do trên 10 năm ly loạn; quốc dân quá thống khổ nên muốn người cầm vận
mạng nước nhà cho đủ tín nhiệm. Trong khi quốc dân đã thất chí với chánh quyền
Bảo Đại. Dòng họ Ngô và bè đảng của họ thừa dịp toàn dân oán ghét hết tín nhiệm
nơi Bảo Đại; trong sự bất tín nhiệm ấy đã thúc đẩy họ Ngô biến thành trưng cầu
dân ý để Ngô Đình Diệm lên cầm quyền Quốc Trưởng thay thế Bảo Đại.
Mà kỳ trung quốc dân đã trả lời rằng:
Chúng tôi tín nhiệm Ngô Đình Diệm hơn Bảo Đại chớ không có nói Ngô Đình Diệm
thế cho Bảo Đại hay chăng?
Sự lường gạt về tâm lý ấy là một
mánh khóe đại gian hùng của phép phổ thông đấu phiếu. Nên nghiễm nhiên Ngô Đình
Diệm đã lật đổ chủ quyền Quốc Trưởng của Bảo Đại luôn về ngai vàng và dòng họ
Nguyễn cũng vì cuộc đầu phiếu ấy. Quốc dân biết đặng sự xão trá đó. Nhưng không
phương minh biện ra đặng và Ngô Đình Diệm đã gán rằng: Quyền hành đó là do dân
giao phó cho mình nhưng sự thật không phải vậy.
Hôm nay Ngô Đình Diệm đã trở nên độc tài
thì trước mặt quốc dân họ Ngô đã làm sai với sự phú thác: TRỪ PHONG DIỆT THỰC.
Trừ phong diệt thực, là hai điều thiết
yếu của dân mong muốn.
Còn chủ quyền Ngô Đình Diệm là do phương
thức xảo trá và gian lận chớ không có sự thật.
Qua đã nói với mấy em là nền Đạo Cao Đài
và Tòa Thánh đã bị chủ quyền độc tài của Ngô Đình Diệm chiếm cứ và khủng bố. Đến
đổi Chức Sắc Thiên Phong hôm nay cũng dưới quyền lệ thuộc của Diệm. Sự lệ thuộc
của chức sắc vào quyền hành của Diệm ngày nay đã rõ hơn khi trước.
Vì Ngô Đình Diệm tưởng rằng toàn thể quốc
dân Việt Nam để quyền độc lập trong tay của người, nên muốn làm chi đặng nấy. Khám
đường của Diệm đã chật nức tù nhân. Những khuôn luật cũ kỷ trước kia đều không
chịu sửa đổi. Dân bị khổ não nghèo nàn, sưu cao thuế nặng. Các đảng phái đối
lập với Ngô Đình Diệm đều bị tiêu diệt hết, không có công bình tự do chi cả.
Toàn thể quốc dân Việt Nam đều bị lệ thuộc họ Ngô, như Ngô Đình Diệm đã bị lệ
thuộc vào Mỹ.
Ảnh hưởng của Diệm đã tràn tới quốc gia
Cao Miên là nơi của Qua trú ngụ. Qua đến kinh đô Khmer Qua chỉ thấy sự khổ não
của toàn Đạo nơi đây sống như chùm gởi sống bám vậy. Dầu khổ nhọc vất vã nhưng
Qua cũng cố gắng tạo cơ nghiệp cho họ, nên làm nhà chung, gom họ lại trong đại
gia đình Thiêng Liêng. Qua muốn tạo Báo Ân Đường làm nơi hội cho đại gia đình.
Nên đem thợ hiến thân tại Tòa Thánh lên đặng xây dựng, với quyền điều khiển của
Tổng Giám Võ Văn Khuê.
Đại diện của Ngô Đình Diệm là Ngô Trọng
Hiếu đã đầu cáo với chánh phủ Khmer rằng Qua làm quốc sự và mượn cớ cất chùa
đặng đem nha trảo hộ vệ của Qua lên. Đền Thờ đã cất đặng hai phần thì chánh
quyền Khmer không cho tiếp tục xây dựng. Họ bắt 37 người công thợ trả về Việt
Nam cho Ngô Đình Diệm giam ngục đến ngày nay cũng chưa thả, và cho rằng mấy em
công thợ đã theo Qua đặng làm chánh trị.
Ngô Đình Diệm đã quả quyết lên án rằng:
Qua đã xu hướng theo Cộng Sản và Cụ Hồ Chí Minh nên không ngần ngại khủng bố
một cách trắng trợn Qua và một số Chức Sắc đang hành Đạo tại Kim Biên.
Họ đã cố tình dụ dỗ những kẻ theo Qua để
cô lập và phản loạn lại Qua. Điều ấy Qua không ngần ngại, vì khi lìa Tòa Thánh
Qua đã biết trước mưu toan gian ác phá Đạo của họ. Qua chỉ cám cảnh một điều là
trong hàng Chức Sắc ấy có cha mẹ chết cũng không dám về Miền Nam. Còn các tín
đồ Khmer nếu mà về Nam thì bị họ tra khảo, khủng bố khổ khắc mọi điều, làm cho
toàn con cái của Đạo không dám léo hánh về Nam, cũng tự đồ lưu mình ở nơi quê
người như thân Qua đây vậy.
Em Giáo Hữu Hương Dự! Qua nghe tin rằng
Em cầu xin Hội Thánh thăng phẩm cho mấy em cho xứng vị với quyền Khâm Trấn Đạo
của Em. Qua xin Em hãy ẩn nhẫn đợi cho qua ngày Đạo khỏi bị khảo dượt và Hội
Thánh trở lại cầm quyền đủ đầy pháp luật rồi Qua sẽ cầu xin thăng thưởng cho
Em. Muốn có kẻ giúp tay cho việc hành Đạo đắc lực Qua xin Em tuyển chọn người
chân thành, trọn tâm vì Đạo và Phúc sự cho Qua ban quyền cho họ đủ phương hành
Đạo.
Bức thơ của Qua đây, Em nên truyền tống
cho Chi Phái và truyền đọc trong mỗi kỳ đàn cho tới ngày Qua về Tòa Thánh. Em
cho toàn Đạo đều hiểu biết sự đi của Qua và sự đồ lưu của Qua nơi ngoại quốc là
do duyên cớ gì. Mấy em cũng nên nói rõ cùng người cầm quyền chánh phủ Bắc Việt
biết rằng Qua đi khỏi Tòa Thánh là vì quốc gia chủng tộc đương lâm nguy nên qua
đi tìm phương giải kiết.
Qua đã viết rất dài bức thơ, Qua cậy Em
nói cùng cả tín đồ không phân Tòa Thánh hay Chi Phái rằng: Qua ban ân lành cho
họ và cầu xin Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban bố hồng ân
cho họ đức tin, đủ nghị lực hầu đủ phương bảo vệ Đạo.
Qua cũng cầu xin mấy em mỗi kỳ đàn
cúng cầu nguyện cho Tòa Thánh và toàn Đạo nơi ấy đặng quyền Thiêng Liêng bảo
vệ, giải ách lệ thuộc của Đạo nơi đó kẻo tội nghiệp.
Kim Biên,
ngày 12 tháng 3 năm Mậu Tuất
(dl.29-4-1958)
Hộ Pháp.
PHẠM CÔNG
TẮC.
(Ấn Ký).
CHÚ THÍCH:
(1)/-
Đức Hộ Pháp đi Paris và Gevène.
Theo Âu Du Ký của Ngài Hồ Bảo Đạo.
PARIS.
Ngày 18 tháng 4 năm Giáp-Ngọ
(20-Mai-1954): lúc 07 giờ 15 Đức Hộ Pháp và phái đoàn khởi hành từ VĂN PHÒNG 107 Trần-Hưng-Đạo (nay là Thánh Thất 891 Trần Hưng Đạo) đi sang
Paris cố vấn cho Quốc Trưởng Bảo Đại trong Hội Nghị Gevène về Việt Nam.
Qua ngày sau:
20g15 Saigon (1g15 trưa
địa-phương) Phi-cơ đáp xuống phi-trường Orly Paris. Đường đi dài 11.270 cây số
mà chỉ bay trong 30 giờ, nghĩ quyền-năng của nhơn-loại cũng dữ, bảo sao họ
không tự-đắc xem Trời như không?....
Các phóng-viên báo-chí, nhất là nhóm thợ
săn ảnh chen-chúc nhau đón chụp ảnh ĐỨC HỘ-PHÁP và phỏng vấn ĐỨC NGÀI. Về đến
phòng, có người theo xin thâu thanh những lời tuyên bố, thì ĐỨC HỘ-PHÁP phú cho
Ô. Ngô Khai- Minh thay mặt đọc một bài cho họ thâu-thanh. Từ đây tôi xin lấy
giờ bên Âu-Châu cho dễ, nếu chúng ta muốn tính giờ đối chiếu với giờ Saigòn,
thì cứ tính giờ Saigon sớm hơn Paris 7 giờ đồng-hồ. tham dự ....
CUỘC DU-HÀNH SANG
GENÈVE.
Ngày 28 tháng 5 năm Giáp-Ngọ (28-Juin-1954):
Ngày 01 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (30-Juin 1954):
Sáng ngày chúng tôi hội
nhau báo-cáo công-việc cho ĐỨC NGÀI hay. Bữa nay trời mưa, lạnh hơn mọi bữa,
hàn thử-biểu xuống 14 độ nên buổi sáng chẳng có đi đâu.
... Tôi có ngỏ ý than
với phái-đoàn Việt-Minh rằng "Hội-Nghị Génève lập thành cốt-yếu để giải
quyết vấn-đề Việt-Nam hiện nay. Tại Hội-Nghị Génève có hai phái-đoàn của
Dân-Chủ Cộng-Hòa và Phái-Đoàn của Chánh-Phủ Quốc-Gia cũng là Việt-Nam, thay vì
hai phái-đoàn ấy tương-thân tương-ái với nhau để bàn-tính để tìm phương đem lại
hòa-bình hạnh-phúc cho dân-tộc thì trái-lại hai bên phái-đoàn chẳng bên nào
chịu nhìn-nhận nhau và coi nhau như thù-địch. Công-việc là công-việc của
Việt-Nam mà đem cho chú ba-tàu là Chu-Ân-Lai và một chú Tây là Mandès France
phân-định, hỏi vậy có thương-tưởng gì mình hay không và công-việc của họ sắp
đặt có vừa lòng mình không?"
Phái-đoàn Việt-Minh trả
lời rằng: "Phái-đoàn của Chánh-Phủ Quốc-Gia chẳng có tượng-trưng hay
đại-diện cho một thực-lực nào tất cả nên dầu có thảo-luận với họ cũng như
không. Chớ như phái-đoàn Cao-Đài đây, tuy không phải một Chánh-Phủ, nhưng
đại-diện cho một đoàn thể có thực-lực hơn mấy triệu tín-đồ và mấy chục ngàn
binh-sĩ nên Chánh-phủ Cộng-Hòa Dân-Chủ luôn sẵn-sàng tiếp-đoán và thảo-luận các
vấn-đề cần-yếu".
Chất-vấn về vấn-đề chia
xẻ nước Việt Nam làm đôi thì phái-đoàn Việt-Minh giải-thích rằng: Cuộc
chiến-tranh trong nước Việt Nam càng ngày càng ác-liệt. Muốn tránh cái nạn
tương-sát tương-tàn thì chẳng có chi hay hơn là gạt hai đạo binh ra hai bên,
không cho họ xáp lại gần nữa, tức là phân ranh-giới cho họ ở, có nơi có chỗ
khỏi đụng chạm nhau rồi sẽ tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử để thành lập Chánh-Phủ
Thống-Nhứt cầm quyền trong nước.
Vì cớ nên (theo
phái-đoàn Việt-Minh) thì việc đình-chiến và phân-ranh cho Quân-Đội đôi bên đóng
binh không phải là chia nước Việt Nam làm đôi mà chỉ để cho yên giặc, để
tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử mà thôi. Phái-đoàn Việt-Minh có trao cho chúng tôi
bản kiến-nghị sau đây về vấn-đề khôi-phục hòa-bình ở Đông-Dương:....
....Chúng tôi xin bản
kiến-nghị này về đọc kỷ và xem xét lại rồi bữa khác sẽ thảo-luận. Anh em
đồng-ý. Chúng tôi cáo-từ và được đưa về gần chỗ trọ (hotel Régina). Đến đây là
1 giờ sáng.
Ngày 2 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (01-Juillet 1954):
Trời mưa sáng và bên
ngoài vẫn lạnh lối 14 độ, chúng tôi (Ông Phước “Bảo-Thế” và Thái) lấy bản
kiến-nghị ra xem lại, không thấy đoạn nào quá-khích, nhưng Ô. Thái vẫn
hoài-nghi. Trong lúc chúng tôi đang bàn-tán thì Ông Trần-Tuyên cũng vừa đến nên
hiệp với chúng tôi để thảo-luận và sau khi bàn-cãi xong mới đưa qua phòng ĐỨC
HỘ-PHÁP để trình-bày cho ĐỨC NGÀI nghe.
ĐỨC NGÀI chỉ nghe sơ
qua vì bận phải đi viếng phái-đoàn Quốc-Gia Việt Nam tại Hotel Bellevue nên hứa
chiều sẽ xem kỷ lại.
6 giờ Chúng tôi đem các
khoản trong bản kiến-nghị, của phái-đoàn Việt-Minh đã đưa ra Hội-Nghị Génève,
để trình lên ĐỨC HỘ-PHÁP. ĐỨC NGÀI tu-chỉnh các khoản như sau:
Khoản thứ nhứt: Hai bên, tức là Chánh-Phủ
Quốc-Gia Việt Nam và Chánh-Phủ Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa phải thừa nhận lẫn
nhau, không được gọi nhau là phản-nghịch hay là bù-nhìn nữa. Về chủ-quyền
Quốc-Gia, phải xét lại hai hiệp-định mà Chánh-Phủ Quốc-Gia đã thâu-hoạch được.
Khoản thứ hai: Quân-đội Pháp phải rút
hết ra khỏi xứ Việt-Nam. Hai Chánh-Phủ phải thỏa-hiệp nhau và định chỗ cho
quân-đội Pháp đình-trú trước khi rút ra khỏi xứ Việt Nam. Ngày giờ rút binh
Pháp cũng do hai Chánh-Phủ Việt Nam thỏa-hiệp quyết-định.
Khoản thứ ba: Trong cuộc tổng
tuyển-cử dân chúng phải được tự-do đầu-phiếu, và cuộc tổng tuyển-cử phải đặt
dưới quyền kiểm-soát của Liên-Hiệp-Quốc, các ủy-ban Địa-phương có phân-sự coi
sóc tổ-chức Tổng Tuyển-Cử, phải là những ủy-ban hổn-hợp gồm có đại-diện của
Chánh-Phủ mỗi vùng.
Khoản thứ tư: Về vấn-đề Liên
Hiệp-Pháp thì hai Chánh-Phủ hai vùng phải hiệp nhau để xem xét lại, bản
hiệp-ước của Pháp đã ký-kết với chánh-phủ Việt-Nam.
Khoản thứ năm: Xin sửa câu: 'Tuy vậy,
ở những vùng mà sự giao-thông và mậu-dịch cắt đứt thì hai bên sẽ thương-lượng
thỏa-thuận để khôi-phục lại' như sau: 'Thì hai Chánh-Phủ Quốc-Gia với Chánh-Phủ
Dân-Chủ Cộng-Hòa sẽ thương-lượng thỏa-thuận để khôi-phục lại, không cần có
người Pháp nhúng tay vào việc nội-bộ của nước Việt Nam.
Khoản thứ sáu: Về việc không trừng-phạt
và khủng-bố những người đã hợp-tác với đối-phương thì hai Chánh-Phủ hai vùng
phải long-trọng tuyên-bố, chịu hết trách-nhiệm.
Khoản thứ bảy : Đồng ý việc trao-đổi
tù-binh.
Khoản thứ tám : Về việc ngưng bắn xin
chia ra ba khu:
* Bắc giao cho Chánh-Phủ
Dân-Chủ Cộng-Hòa. Nam giao cho Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam.
* Một khu ở giữa
trung-lập dưới quyền kiểm-soát của Quốc-tế.
* Về việc nhập-cảng
quân-đội ngoại-quốc, quân-nhu, võ-khí v.v... việc này sẽ đặt dưới quyền
kiểm-soát của Ủy-ban hổn-hợp gồm có đại-biểu của Chánh-Phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa,
Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam và đại biểu của Liên-Hiệp-Quốc.
* Về việc cấm Pháp và
Mỹ can-thiệp vào việc của Việt Nam, thì lẽ tất-nhiên Trung-Cộng và Liên-Sô cùng
tất cả, bất cứ nước (Ngoại-quốc) nào cũng không được nhúng tay vào nội-bộ Việt
Nam.
Các khoản xem-xét và
chấp-thuận xong, ĐỨC HỘ-PHÁP lại còn dặn thêm: Vào ngày mai, gặp phái-đoàn
Việt-Minh, thì phải nhấn mạnh hai Chánh-Phủ phải thừa-nhận nhau mới mong đem
lại Hòa-Bình.
Ngày 5 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (Demanche 4 Juillet
1954):
Sáng ngày tôi và Ông
Bảo-Thế hội nhau đi xem lại bức thơ và trình cho ĐỨC NGÀI xem, ĐỨC NGÀI có
tu-chỉnh lại vài chỗ trước khi chúng tôi gởi cho phái-đoàn Việt-Minh.
Bức thư đó như vầy:
Kính gởi Ông
Tổng-Trưởng Phan-Anh và Quí Ông Nhân-Viên
Phái-Đoàn Chánh-Phủ Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa tại Génève.
Phái-Đoàn Chánh-Phủ Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa tại Génève.
Kính quí Ông,
Nghĩ vì muốn mưu cầu
hòa-bình và hạnh-phúc cho dân-tộc Việt Nam đã chín năm thống-khổ, chúng tôi
không ngần-ngại đến đây gây cuộc tiếp xúc với quí Ông đặng cùng nhau áp-dụng
những phương-pháp thực-tế để chấm dứt chiến-tranh.
Trong những cuộc tiếp
xúc vừa qua, chúng tôi nhận thức thiện-chí của quí Ông, cũng như quí Ông nhận
thức thiện chí của chúng tôi, làm cho chúng tôi đều được hài lòng, chúng tôi
hân-hạnh để lời cám ơn quí Ông.
Có một điều thắc-mắc là
dầu muốn dầu không trong xứ Việt Nam yêu-quí của chúng ta đã có hai chánh phủ
đối-lập là Chánh-Phủ Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa và Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam.
Cả hai chánh-phủ không đồng ý-chí và tranh-tụng chống-báng nhau chớ không đặng
khéo-léo nương nhau như trong lập-trường tranh-đấu của Soekarno và Sharyar nơi
Nam-Dương Quần-Đảo.
Trong cuộc lật-đổ
chánh-quyền Pháp-thuộc, ta đã hi-sinh xương máu bởi nạn tương-tàn tương-sát
nhiều hơn là sự hi-sinh chiến-tranh với Pháp nên mới biến hình một phần tranh
đấu võ-lực và một phần tranh-đấu chánh-trị. Nếu không khéo tính, thời-cuộc sẽ
đưa đẩy ta đến một cảnh-tượng như Triều-Tiên buổi nọ.
Thãm-khổ cho dân-tộc
Việt Nam là hai Chánh-Phủ ấy không thừa-nhận lẫn nhau đặng đi đến một cuộc
triệu-tập hội-nghị hiệp-đồng đàm-phán ngõ hầu lập thành chánh-phủ thống-nhứt.
Lẽ dĩ-nhiên theo ý-kiến
của ĐỨC HỘ-PHÁP thì hai bên phải được đồng danh, đồng đẳng, đồng ý, đồng tình
thảo-luận những biện-pháp cụ-thể để chấm-dứt chiến-tranh.
Thiết-tưởng việc nội-bộ
của Việt Nam nên để cho dân-tộc trọn chủ-quyền xử-liệu, còn như để nước Việt
Nam làm bãi chiến-trường cho ngoại-quốc phân-tranh quyền-lợi và tư-tưởng
chủ-nghĩa bất sách.
Trong cuộc tranh-đấu
giải-ách lệ thuộc nước nhà thâu quyền độc-lập thì về mặt kháng-chiến cũng như
mặt thương-thuyết thâu-hoạch một thắng-lợi vẽ-vang cao-trọng đối cùng quốc-tế.
Hội-nghị Génève đã chứng-thật điều ấy, nếu ta biết tự-trọng, tự quyền, tự mình
định-liệu mạng-vận tương-lai thì giá-trị ấy mới về ta toại-hưởng, còn như trái
lại để có kẻ ngoại-nhơn nhúng tay vào đó, thì tự nơi ta đã tỏ thái-độ trước mặt
quốc-tế rằng ta còn tinh-thần lệ-thuộc.
Vì lẽ Đạo, vì tiền-đồ
Tổ-Quốc giống-nòi, chớ không vì công danh, vì quyền-lợi hay là vì ai nên chúng
tôi đứng ra đảm-nhận mối dây liên-kết này xin quí Ông để tâm xét-đoán.
Nay kính.
Bức thư viết xong, được
Ông Bảo-Thế ký tên gởi cho phái-đoàn Việt-Minh và sau khi ĐỨC NGÀI chuẩn-phê.
@@@
Ngày 06 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (05 Juillet 1954):
2 g trưa Ông
Trần-Thanh-Hà cho biết rằng tại Génève không có nhà hàng nào có thể làm nơi
gặp-gỡ thuận-tiện, nên nhơn-danh phái-đoàn Việt-Minh thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại
trụ-sở của họ tại Versoix như mấy kỳ trước. Ông Trần-Thanh-Hà yêu-cầu tôi bạch
với ĐỨC HỘ-PHÁP xin cho phép Ông ra mắt ĐỨC NGÀI để tỏ bày câu chuyện. ĐỨC NGÀI
chấp-thuận mời Ông Trần-Thanh-Hà.
Ông Trần-Thanh-Hà thỉnh
ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại trụ-sở Versoix. ĐỨC HỘ-PHÁP nhận lời nhưng từ khước việc
đãi cơm, Ông hứa sẽ đem xe đến rước.
X g 30 chiều
Tổng-Thư-Ký của Ông Dejean mời ĐỨC NGÀI đến viếng phái-đoàn Pháp tại Génève.
X g 30 chiều Ông
Tổng-Trưởng Nguyễn-Đắc-Khê đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP. Ông Khê hứa lo công-việc
tiếp-xúc với phái-đoàn Pháp.
6g 30 chiều ĐỨC NGÀI đi
xe song mã đến nhà hàng La Perle du Lac để hứng mát và dùng bữa. Xe đi tốn 5 francs
Suisse, nhằm 430 francs Francais. Khi dùng cơm nửa chừng, có cậu Nguyễn An Mỹ
đến, rồi Ông Hà cũng đến chờ chúng tôi.
9 g tối Trời mưa, bên
ngoài lạnh thấu xương, chúng tôi lên xe đi liền. Vì đông nên anh em Việt-Minh
đem tới hai xe để rước chúng tôi, đến trụ-sở Versoix trời đã tối. Ông Phạm Văn
Đồng và trọn phái-đoàn không nệ trời mưa đón ĐỨC HỘ-PHÁP tại sân vào phòng
khách.
ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm
Văn Đồng ngồi chung một cái ghế dài lớn ngó mặt ngay vô bức chân dung cụ Hồ Chí
Minh, Ông Phan Anh ngồi phía mặt ĐỨC HỘ-PHÁP và bên cạnh ĐỨC NGÀI Ông Bảo-Thế
phía trái kế Ông Phạm Văn Đồng. Sau lưng Ông Phan-Anh có Ông Việt-Phương lấy
tốc-ký. Ngồi vòng quanh và đối-diện với chỗ ghế ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông
Phạm-Văn-Đồng có cậu Nguyễn-An-Mỹ (ngồi gần Ông Việt-Phương), Ông
Trần-Thanh-Hà, Ông Trung-Tá Thái, Ông Trần-Công-Tường và Tôi. ĐỨC HỘ-PHÁP bắt
đầu câu-chuyện hỏi phái-đoàn Việt-Minh có liên-đới gì về việc thừa-nhận
Chánh-Phủ Quốc-Gia không? thì Ông Phạm-Văn-Đồng vui-vẻ trả lời rằng theo điều
thứ ba trong bản kiến-nghị có nói về việc triệu-tập hội-nghị hiệp-thương gồm
đại-biểu chánh-phủ hai bên ở Việt Nam tỏ rằng theo nguyên-tắc chánh-phủ hai bên
vẫn được thừa-nhận.
ĐỨC HỘ-PHÁP day qua
trách chúng tôi sao lại nói với ĐỨC NGÀI rằng anh em bên phái-đoàn Việt-Minh
không thừa-nhận chánh-phủ Quốc-Gia. Thiếu chút nữa làm sai-lạc hết ý-nghĩa. Ông
Bảo-Thế xin phép ĐỨC NGÀI cho hỏi Ông Phan-Anh, có phải hôm nọ Ông không có lúc
nào chịu thừa-nhận chánh-phủ Quốc-Gia một cách rõ-rệt? Ông Phan-Anh vẫn làm
thinh mà cười thôi. Tôi thấy vậy hiểu ngay rằng hôm nọ Ông Phan-Anh không dám
tự mình thừa-nhận Chánh-Phủ Việt-Nam, vì Ông không phải là Trưởng Phái-Đoàn,
lại nữa việc ấy bất ngờ Ông không kịp hỏi ý-kiến của Ông Phạm-Văn-Đồng là
Trưởng Phái-Đoàn, thành-thử Ông chỉ giữ một thái-độ úp-mở mà thôi, nghĩa là
không thừa-nhận mà cũng không bài-bác. Nhận thấy cuộc hội-đàm có phần
xoay-chiều nên tôi để lời cám ơn Ông Phạm-Văn-Đồng có thiện-ý dung-hòa, nhưng
xin cho Ông biết rằng trong sở-hành của Chánh-Phủ, lắm khi không đúng như lời nói,
bằng cớ là tại hội-nghị trung giá phái-đoàn Việt-Minh không nhìn nhận cho
phái-đoàn chánh-phủ Quốc-Gia đi với cây cờ của họ.
Ông Phạm-Văn-Đồng xây
qua nói với ĐỨC HỘ-PHÁP như vầy: 'ĐỨC HỘ-PHÁP thử nghĩ coi biểu tôi phải
nhìn nhận Ngô-Đình-Diệm . . . thì làm sao đặng, vì họ không có đại-diện cho một
thực-lực, cho một ai hết, chớ như Đạo Cao-Đài đây, có một thực-lực hơn mấy
triệu tín-đồ và một quân-đội mấy chục ngàn người, thì chúng tôi sẵn-sàng tiếp
đón và thảo-luận tất cả mọi vấn-đề'.
Chất-vấn về vấn-đề chia
đôi cương-thổ thì Ông Phạm-Văn-Đồng cho biết rằng: giới-hạn cốt-yếu là để
đình-chiến rồi sẽ tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử để lập thành chánh-phủ thống-nhứt
cho toàn lãnh-thổ Việt Nam, chớ không phải chia rẻ, và đề-cập nơi tám khoản
trong bản kiến-nghị đã đưa ra hội-nghị Génève để lập lại hòa-bình trong nước.
Thừa dịp đó Tôi cho Ông Phạm-Văn-Đồng biết trình-độ dân-tộc Việt Nam chưa dung
nạp trước thuyết cộng-sản và một số đông người vì sợ cộng-sản, không về ở với
chế-độ ấy được, nhưng không đủ sức chống lại thành ra buộc mình phải nương-dựa
vào một thế-lực khác, dầu Pháp hay Mỹ cũng vậy. Muốn cho họ đừng chạy theo
người khác thì chẵng nên buộc tội họ là Việt-gian hay phản-quốc mà chỉ nên làm
cách nào cho họ hết sợ mới đặng.
Ông Phạm-Văn-Đồng cười
và nói rằng: 'họ đã sợ mà còn có người hù nữa' và day qua ĐỨC HỘ-PHÁP,
hỏi ĐỨC NGÀI bị ai hù có sợ hay không?
ĐỨC NGÀI nói rằng:
'nếu tôi sợ thì tôi không có đến đây'. Chúng tôi có nhắc cho Anh em Việt-Minh
biết rằng cái công kháng-chiến của họ, quốc-dân không quên, nhưng họ phải làm thế nào cho cuộc
giải-phóng dân-tộc cho trọn vẹn chớ đừng gở ách này rồi mang cái gông khác hay
là đuổi cậu Pháp rồi rước chú Tàu về thì không ăn thua gì và quốc-dân sẽ
phán-đoán việc đó. Anh em Việt-Minh nói rằng họ biết việc đó và
không để xảy ra đâu.
Chuyện-vãn đến 11 giờ,
Ông Phạm-Văn-Đồng mời ĐỨC HỘ-PHÁP và đoàn tùy-tùng sang phòng bên cạnh dùng
cháo chay và đồ ngọt.
Khi sửa-soạn ra về tôi nói với Ông
Phạm-Văn-Đồng rằng: 'Cuộc gặp-gỡ hôm nay có tư-cách chánh-trị, nhưng thật ra có
phần thân-mật rất nhiều vì giữa ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm-Văn-Đồng có tình đồng
tông. Luôn dịp ĐỨC HỘ-PHÁP nói tiếp rằng: 'đồng họ Phạm luôn luôn phải trúng
nghe không’.
Ông Đồng cười, ĐỨC NGÀI
còn tiếp: 'Tôi đã có cất rồi một nhà thờ Tông-đường họ Phạm ở Tòa-Thánh, vậy
chừng yên rồi Ông nhớ về đó’.
Ông cười và nói: 'Dạ,
chừng đó sẽ về'.
Trước khi ra đi, Ông
Đồng ôm ĐỨC HỘ-PHÁP mà hun hồi lâu rồi mới buông ra. Toàn phái-đoàn đưa chúng
tôi ra tận xe. Về đến phòng hơn 12 giờ đêm, ĐỨC HỘ-PHÁP có vẻ hài lòng về cuộc
gặp-gỡ này.
Ngày 7 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (6 Juillet 1954):
Về sau Ông Bảo-Thế và
phái-đoàn Việt Nam có thuật lại cho ĐỨC HỘ-PHÁP nghe rằng: Phái-đoàn Việt Nam
vào hội-nghị trước, phái-đoàn Việt-Minh đến sau. Khi bước vào, phái-đoàn
Việt-Minh do Ông Phạm-Văn-Đồng dẫn đầu, thấy bên hàng ngũ Việt Nam có Ông
Bảo-Thế họ cúi đầu chào lễ-phép và còn cười duyên với nhau.
Phái-đoàn Việt-Nam bất
thình lình cũng chào lại làm cho toàn hội đều ngạc-nhiên, vì từ khi mở cuộc
hội-nghị Génève này thì hai phái-đoàn Việt Nam và Việt-Minh coi nhau như thù
địch và chưa từng chào hỏi nhau lần nào. Về sau người ta mới biết nhờ có Đạo
Cao-Đài mới đem lại thiện cảm giữa hai phái-đoàn.
Sau khi ĐỨC HỘ-PHÁP về
Paris rồi, Ông Trần-Văn-Đỗ, Trưởng phái-đoànViệt Nam cũng được giáp mặt với Ông
Phạm-Văn-Đồng. Sau nữa Cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu qua Génève cũng xin gặp
Phạm-Văn-Đồng một lần nữa.
4 g chiều ĐỨC HỘ-PHÁP
và phái-đoàn ra phi-trường đáp phi-cơ trở về Paris. Bữa nay hội-nghị bế-mạc
sớm, nên (5g30) trước khi chúng tôi lên phi-cơ, Ông Bảo-Thế và mấy vị Đại-diện
phái-đoàn Việt Nam theo đưa ĐỨC HỘ-PHÁP, thuật chuyện gặp phái-đoàn Việt-Minh
với sự niềm-nỡ ân-cần.
@@@
(2)/- Về cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955.
Theo quyển HỒI KÝ ĐỖ
MẬU. (sách dày 415 trang in theo khổ giấy A4. Font chữ Times New Roman size 14)
tại chương sáu trang 83 và 84 cuộc trưng
cầu dân ý diễn ra RẤT GIAN LẬN. Nguyên văn:
Cuộc Trưng cầu dân ý do chính quyền đương nhiệm của ông
Diệm đứng ra tổ chức và cũng do chính quyền đương nhiệm (dưới hình thức Quốc
hội Lập Hiến) kiểm soát.
Ngày 23 tháng 10 năm 1955, dân chúng miền Nam Việt nam đến
phòng phiếu để chọn lựa giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm theo hai câu thơ trước đó
đã được bộ máy thông tin của ông Diệm ra rả suốt ngày đêm và xuất hiện đầy rẫy
trên các bờ tướng hè phố:
Phiếu
xanh ta bỏ vô bì,
Phiếu
đỏ Bảo Đại ta thì vất đi.
Kết quả chính thức cuộc Trưng cầu dân ý được đăng vào công
báo là 5.721.735 phiếu xanh có hình ông Diệm (98,2%) và 63.107 phiếu đỏ có hình
Bảo Đại (1,1%). Tại Sài gòn tổng số
cử tri là 450.000 người mà số phiếu bỏ cho ông Diệm lên đến 650.000, nghĩa là
số phiếu gian lận là 200.000. Giữa thủ đô Sài gòn có tai mắt quốc tế mà
còn gian lận trắng trợn đến thế, thử hỏi tại các tỉnh, tại thôn quê thì sự gian
lận đến mức nào?
Buồn cười là sự gian lận này đã bị đại tá CA Lansdale, cố
vấn Mỹ của ông Diệm, đoán trước thế nào cũng sẽ xảy ra nên đã cảnh cáo ông
Diệm. Sau khi giúp ông Diệm đè bẹp được Bình Xuyên rồi, Lansdale khuyên ông
Diệm phải tổ chức "Trưng cầu dân ý" để truất phế Bảo Đại cho có chánh
nghĩa. Trước ngày lên đường về Mỹ để lánh mặt cuộc “Tổng tuyển cử”, Lansdale
còn dặn ông Diệm: "Trong lúc đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được
tin ông thắng 99.99 phần trăm, vì biết đó là âm mưu sắp đặt trước”. Và ông Diệm
đã vâng lời để chỉ thắng... 98,2 phần trăm?...
Lansdale bảo ông Diệm nên tỏ ra công bằng và chỉ cần thu
lượm được một đa số phiếu tương đối là tốt đẹp rồi, không tham lam quá. Nhưng
với bản chất muốn cho mình cái gì cũng "Nhất" anh em ông Diệm bèn tổ
chức bầu cử gian lận. Khốn nỗi, thiên bất dung gian xui khiến cho những kẻ
tay chân vốn nòi nhạy cảm nhưng lại sơ hở bất lực làm cho việc gian lận quá lộ
liễu xảy ra ngay tại thủ đô Sài gòn để cho ngoại giao đoàn và báo chí quốc tế
biết được.
Nói cho cùng thì nếu
không tổ chức bầu cử gian lận chưa chắn ông Diệm đã đắc thắng vẻ vang. Thật thế, nhìn vào bối cảnh đất nước và mùa thu 1955, lực
lượng nhân dân hướng về ông Bảo Đại vẫn còn vô cùng đông đảo; Cao Đài, Hoà Hảo,
Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân, Nguyễn Phước Tộc, khối người miền Nam không ưa
người Bắc, khối người miền Nam còn nhớ ơn nhà Nguyễn, khối dân tộc thiểu số của
Hoàng Triều Cương Thổ, số người thân Pháp v.v... có thể làm lệch cán cân
"Trưng cầu dân ý". Nhưng quyền lực trong tay, thủ đoạn gian lận và
tiền bạc của Mỹ đã giúp ông Diệm đánh ngã vị cựu Quốc Trưởng của ông một cách
dễ dàng.
Tuy nhiên dù gian lận thì kết quả cuộc đấu phiếu, riêng đối
với ông Diệm, cũng đã giúp ông đạt được hai mục tiêu mà ông đã nhắm đến là
trình diện được một bề mặt dân chủ với chính quyền lẫn Quốc hội Hoa kỳ, và nâng
cao uy thế cá nhân của ông lên đến mức độ tôn sùng như một vị cứu tinh anh minh
của dân tộc.
Riêng đối với dân tộc Việt nam, ngày 23 tháng 10 năm 1955
có một ý nghĩa quan trọng hơn hắn những mục tiêu chính trị giai đoạn của ông Diệm.
Đó là ngày chấm dứt triều đại nhà Nguyễn và chế độ quân chủ tại miền Nam và
trao lại cho ông Diệm quyền quản trị đất nước để chống Mỹ, và quan trọng hơn cả
để xây dựng nên móng cho kỷ nguyên dân chủ sau này. Chính sách và chế độ ông
Diệm 9 năm sau đó có làm cho nền móng đó thui chột và có làm cho Cộng sản mạnh
thêm là tội của ông và gia đình đã phản bội lại niềm tin yêu và lòng tín
nhiệm của nhân dân miền Nam thể hiện trong ngày 23 tháng 10 lịch sử này.
@@@
Tướng Đỗ Mậu là một
công thần của chế độ Ngô Đình Diệm đã viết như thế. Những nhận xét của Tướng Đỗ
Mậu về khoản nầy rất giống với Đức Hộ Pháp ngay đặc biệt là đoạn: Chính sách và chế độ ông Diệm 9 năm sau
đó có làm cho nền móng đó thui chột và có làm cho Cộng sản mạnh thêm là tội
của ông
Rất giống câu Đức Hộ
Pháp viết:... Qua chưa thấy ai Việt Minh cho bằng Ngô Đình Diệm
***: Trước khi có cuộc
bầu cử nầy Ngô Đình Diệm đã mở chiến dịch khủng bố Đức Hộ Pháp.
Ngày 05-10-1955 (20-8- Ất Mùi) Ngô
Đình Diệm mở chiến dịch khủng bố Đạo Cao Đài. Tướng Nguyễn Thành Phương đem
binh lính bao vây Hộ Pháp Đường.
. Ngày 10-10- 1955
(25-8-Ất Mùi) Hội Thánh họp với Thiếu Tướng Lê Văn Tất là đại diện của Nguyễn
Thành Phương.
. Ngày 23-10-1955 Thủ
Tướng Diệm được bầu làm Tổng Thống.
. Ngày 26-10-1955,
chính thể Việt Nam Cộng Hoà được thành lập.
. Ngày 16-02-1956
(05-01- Bính Thân) lúc 3 giờ Đức Hộ Pháp rời Toà Thánh đi Nam Vang.
@@@
(3)/- Về 70 năm sống
trong vòng lệ thuộc....
Rất nhiều lần Đức Hộ
Pháp viết rằng Việt Nam chịu lệ thuộc thực dân Pháp 80 năm vậy cớ sao nơi đây
Ngài viết là 70 năm.
Xem kỷ trong nội dung
70 năm nếm đủ mùi mặn lạc...
đây là Ngài tính từ ngày cá nhân Phạm Công Tắc chào đời (1890) đến năm 1958 là
69 tuổi ta nên Ngài viết tròn là 70 năm.
Nó cũng giống như câu:
...Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi...trong
bài thài hiến lễ kỷ niệm lúc triều thiên vậy.
Chúng ta thấy Hộ Pháp
về thiêng liêng vị thì quyền năng còn cao hơn khi còn tại thế (nắm trọn quyền
phong thưởng cho chức sắc Hiệp Thiên Đài và Phước Thiện...) nên chúng tôi thấy
chữ TRIỀU THIÊN là chính đáng hơn cả. Còn những chữ khác như QUI THIÊN, hay
ĐĂNG TIÊN... chưa đúng với quyền năng Đức Ngài sau khi bỏ xác phàm.
@@@
4/- Tính thời sự trong nhận xét của Đức
Hộ Pháp.
“Hễ một con người mà thất chí bất mãn vì
quá thống khổ thì họ tự vận, còn toàn thể quốc dân của một nước mà thất chí bất
mãn vì quá thống khổ thì họ sẽ làm cách mạng”.
@@@
Ngày 30-4-1975 cộng sản thắng trận và
thống nhất đất nước. Một nữa nước liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa khốn khổ nên
mấy triệu người bỏ nước ra đi tìm cuộc sống mới.
Năm 2013 cả nước là con tin của lợi ích
nhóm và tham nhũng. Đó là quốc nạn do Đảng cộng sản tạo ra. Đảng cộng sản đang
bức tử cả dân tộc Việt Nam để phục vụ cho lợi ích của Đảng.
Xưa Việt Nam Cộng Hòa thất trận vì bị Mỹ
bán đứng để đổi lấy quyền lợi kinh tế với Tàu cộng. Mỹ cắt viện trợ nên ngân
sách, các khí tài chiến tranh cạn kiệt phải thua cộng sản. Thời điểm đó khối
cộng sản tăng quân viện cho cộng sản miền Bắc lên 04 lần. Trong cuộc chiến bằng
vũ lực mà tương quan lực lượng quân sự chênh lệch như vậy thì sự thắng thua là
tất yếu. Thêm vào đó là do không có intrenet nên nhân loại bị bưng bít và bị
đánh lừa những thông tin thật sự về cuộc chiến tranh Việt Nam. Đến khi người
Việt Nam bỏ nước ra đi tạo ra làn sóng thuyền nhân thì nhân dân Mỹ và những
người ủng hộ cộng sản bắt đầu biết được sự thật thì đã muộn màng.
Hoa kỳ là nước có quyền tự do dân chủ và
nền báo chí phát triễn như thế mà sự nhận định về việc người Mỹ tham dự vào
cuộc chiến tranh Việt Nam chưa thống nhất được... đó là bằng cớ cho việc thông
tin bị bưng bít.
Nay internet là vũ khí hiện đại của TỰ
DO, DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN & TỰ DO TÔN GIÁO. Người Việt Nam đã biết mình bị
lừa dối và đang chịu nô lệ dưới những mỹ từ của cộng sản. Người dân đang bị
tước đoạt mọi quyền lợi từ nhân quyền đến tự do tôn giáo. Nhân phẩm người Việt
Nam đang bị Đảng chà đạp...
Cuộc chiến của dân tộc Việt Nam với Đảng
cộng sản Việt Nam đang mổi ngày một quyết liệt. Đây là cuộc chiến của chất xám
và lẽ phải. Vũ khí sát thương không còn đóng vai trò quyết định như cuộc chiến
20 năm nồi da xáo thịt (1954-1975) do cộng sản tạo ra. Tin về dân oan, về những
người bị công an mời rồi chết trong đồn, về những chiến sĩ cho tự do dân chủ và
nhân quyền bị xử lý theo xã hội đen, những tham quan ô lại, những tư duy ngu
ngốc hằng ngày bị phơi bày trước công luận...
Dân chúng cả nước Việt Nam đang làm cách
mạng. Chính người dân chủ động tạo ra cuộc chiến. Cuộc chiến nào do người dân tạo
ra thì họ luôn luôn thành công.
Ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản đang tới.
Nghĩa là tính thời sự trong nhận xét của
Đức Hộ Pháp còn đó là động lực cho những người yêu tự do, dân chủ, nhân quyền
và tự do tôn giáo trên thế gian nầy đấu tranh cho cuộc sống hòa bình, tự do dân
chủ. Tự người dân chiến đấu để LẬP QUYỀN DÂN.
Người dân không còn chờ Đảng hay bất cứ
ai ban quyền cho dân nữa mà tự LẬP QUYỀN DÂN thì cái cơ thắng thua đã rõ.
Còn như quan sát cả thế giới ta thấy cuộc
chiến để người dân trong mổi quốc gia LẬP QUYỀN
DÂN đang nở rộ.
Nếu quyền dân được thiết lập đúng mức thì
chánh phủ Hoa Kỳ không bị đóng cửa như mới xãy ra hồi tháng 10-2013.
@@@
(5)/- Về Tôn chỉ ĐĐTKPĐ.
Nguyên văn lời dạy của Đức Hộ Pháp trên
đây:
Chính mình phải tự hiểu lấy mình rằng: Đứng trước một kẻ thù nghịch
của mình đủ quyền năng, đủ thế lực mưu hại lại mình mà dám vỗ ngực xưng tên
rằng mình là kẻ thù địch của họ... thì họ tìm phương hại lại mình là đúng, còn
than thở trách móc mà làm gì.
Dầu rằng mình biết lẽ ấy; nên đã đề xướng ra thuyết: QUI TAM GIÁO,
HIỆP NGŨ CHI đặng làm cho dịu bớt tình thế. Nhưng cũng không đủ phương bào
chữa. Và cũng vì nơi đó mà chính Qua đủ đức tin chịu nổi khổ hạnh đặng tranh
đấu vượt qua các trở lực.
@@@
Như vậy tôn chỉ của ĐĐTKPĐ do chính Đức
Chí Tôn đề ra là gì?
TNHT Q1 dòng 18 tr 69 bản in 1973. Thầy
dạy ngày 03-11-1926:
Chư
Nhu nghe:
Ta
vì lòng đại-từ đại-bi vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Đại-Đạo Tam-Kỳ
Phổ-Độ; tôn chỉ để vớt những kẻ hữu
phần vào nơi địa-vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi và nâng những kẻ
tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy...
TNHT Q2 dòng 25 tr 18 bản in 1963. Thầy
dạy ngày 03-02-1927:
Chư
chúng-sanh nghe:
Đại-Đạo
Tam-Kỳ Phổ-Độ, chiếu theo luật Thiên-Đình hội Tam-giáo, mở rộng mối Đạo Trời,
ấy cốt để dìu-dắt nhơn-sanh bước lên con đường cực-lạc, tránh khỏi đọa luân-hồi
và dụng Thánh-tâm mà dẫn dân-sanh, làm cho hoàn-toàn trách nhậm nặng-nề của
đứng làm người, về bực nhơn-phẩm ở cõi trần-ai khốn-đốn nầy.
@@@
Căn cứ vào 02 trích đoạn trên chúng ta
rút ra được TÔN CHỈ của ĐĐTKPĐ từ Đức Chí Tôn dạy:
. Vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa-vị cao
thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi. (Bực Thượng Thừa theo Điều 12
Tân Luật. Phần Đạo Pháp).
. Nâng những kẻ tánh đức bước vào cõi
nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy... (Bực Hạ Thừa theo Điều 12 Tân Luật. Phần Đạo Pháp).
. Dụng Thánh-tâm mà dẫn dân-sanh, làm cho
hoàn-toàn trách nhậm nặng-nề của đứng làm người, về bực nhơn-phẩm ở cõi trần-ai
khốn-đốn nầy. (Đây là bộ máy
hành chánh của ĐĐTKPĐ: Dùng lương sanh dẫn dắt quần sanh thực hiện tôn chỉ của
ĐĐTKPĐ).
@@@
***: TÔN CHỈ THỂ HIỆN QUA TÂN LUẬT
./. CHÍ TÔN KHÔNG ĐỊNH PHẨM TRUNG THỪA.
Như vậy Tân Luật ĐĐTKPĐ ứng hợp với Thiên
Thơ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển) nên qui định 02 phẩm Thường Thừa và Hạ Thừa.
Nhiều người viết sách thêm vào Trung Thừa
(theo nghĩa Tiểu Thừa, Đại Thừa thì thêm vào Trung Thừa).
(Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre còn lập hẳn NHÀ
TU TRUNG THỪA: vậy là từ cái đúng với TKPĐ là nhị thừa các vị thêm vào TRUNG
THỪA rồi lấy tiếng là chỉnh đạo. Chỉnh cái chi mà từ cái đúng thêm vào TRUNG
THỪA thành ra cái sai???sic!.
Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi...Chúng
tôi nói riêng cho phẩm TRUNG THỪA chớ không dám nói tất cả. Các vị lãnh đạo Ban
Chỉnh Đạo hiện nay có đầy đủ quyền để biện minh trước công luận xem việc thêm
NHÀ TU TRUNG THỪA đúng với chánh giáo ĐĐTKPĐ ở sách nào? trang nào?)
Với ĐĐTKPĐ thì thêm vào TRUNG THỪA là sự
lầm lạc. Bởi vì thời kỳ Đại Ân Xá nên Đức Chí Tôn không quyết về Trung Thừa để
cho nhơn sanh tự quyết định lấy. Phẩm Trung Thừa trong ĐĐTKPĐ là phẩm Lễ Sanh.
Lễ Sanh chưa ở vào bộ máy Thánh Thể hành chánh của Trung Ương (từ phẩm Giáo Hữu
đổ lên). Cũng không còn ở bộ máy Hội Thánh Em.
Xin xem lời phê của Đức Hộ Pháp sau:
@@@
Lời Thỉnh Giáo của vị
Khâm Châu Đạo Gò Công về Lễ Nghi niêm thức của chư vị Luật Sự và sắc phục của
Phó Trị Sự.
LỜI
PHÊ ĐỨC HỘ PHÁP:
PHẦN
THỨ NHẤT:
Chỉ dải
sau lưng: Chí Tôn muốn định phân minh tam thừa.
Phó Trị Sự: Hành quyền về Hạ Thừa chớ chưa vào Thánh Thể
nên mang một thẻ nơi lưng.
Còn Phối Sư là bậc Thượng Thừa nên có ba thẻ.
Trung Thừa Chí Tôn
không cần định để cho mỗi người cố gắng lập vị mình mau chóng tới bậc Thượng
Thừa.
Nếu qua khỏi ba thẻ lên 9 thẻ tức là vào hàng phẩm Cửu
Thiên Khai Hoá.
Cách nhau có một mức Phối Sư với Chánh Phối Sư mà xa nhau như Trời với vực.
Hể đủ tài đức cầm quyền Đạo có Quyền Vạn Linh và Chí Tôn ủy
nhiệm, ân tứ quyền hành thời là vào ngay Cửu Thiên Khai Hoá qua khỏi tam thừa.
@@@
./.- KHÔNG CÓ TỐI THƯỢNG THỪA & ĐẠI
THỪA.
ĐĐTKPĐ có phẩm Tối Thượng Thừa hay không?
Khi mới khai đạo Thầy dạy các vị Minh Lý
dâng kinh cho ĐĐTKPĐ. Hội Thánh dùng làm KINH TỨ THỜI NHẬT TỤNG.
Ngày Thầy ban Pháp Chánh Truyền cho
ĐĐTKPĐ các vị Minh Lý cũng có hầu đàn.
Năm 2007 Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu) ở
Đường Cao Thắng (Saigon) xin với chính phủ Việt Nam gia nhập vào ĐĐTKPĐ với
danh hiệu 09 chữ: ĐĐTKPĐ MINH LÝ ĐẠO.
Một số vị bên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
(171/b Cống Quỳnh Saigon) hô hào rằng các vị Minh Lý sẽ đảm nhận việc tu theo
TỐI THƯỢNG THỪA của ĐĐTKPĐ.
Điều nầy có đúng với chánh giáo ĐĐTKPĐ
hay không?
Xin thưa ĐĐTKPĐ không có phẩm tối thượng
thừa. Tân luật dạy rõ ở điều 12. Tín đồ
ĐĐTKPĐ có 02 phẩm: Hạ Thừa và Thượng Thừa.
@@@
ĐĐTKPĐ có phẩm Đại Thừa hay không?
Xin thưa cũng không có phẩm ĐẠI THỪA.
Đại thừa là dành cho Pháp Môn Cao Đài Chiếu
Minh Tam Thanh Vô Vi của Ngài Ngô Văn Chiêu (ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO).
@@@
***: PHÂN BIỆT ĐĐTKPĐ & PHÁP MÔN
CĐCMTTVV.
Lâu nay nhiều người (trong đạo, ngoài đạo
và một số vị viết sử..) chưa đưa ra những văn bút phân biệt ĐĐTKPĐ (có Tổ Đình
là Tòa Thánh Tây Ninh) và Pháp Môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (có Tổ
Đình ở Cần Thơ). Nên gán ghép Ngài Chiêu là Đệ Nhứt Giáo Tông, rồi Ngài Thượng
Trung Nhựt là Đệ Nhị Giáo Tông, đến Ngài Nguyễn Ngọc Tương...
Lại có những vị đi xa hơn (như Ngài Đồng
Tân) phân ra vô vi, phổ độ. Rồi đến Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý 171/b Cống Quỳnh viết Lịch Sử Đạo Cao Đài (2005) có khá
hơn một chút phân ra 02 nhánh: Nhánh một của Ngài Ngô và nhánh hai ĐĐTKPĐ.
Nay chúng tôi phân định rành mạch:
ĐĐTKPĐ là cái nhánh do chính Đức Chí Tôn
làm chủ. (TNHT Q1 trang 08 dòng 01 bản in 1973: ... Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, sau các con sẽ
hiểu...)
Còn phần Ngài Ngô thọ pháp môn Cao Đài
Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
Phân biệt rõ ĐĐTKPĐ và pháp môn của Ngài
Chiêu thì những lý luận nhập nhằng lần hồi bị tiêu diệt. Bởi vì SỰ THẬT MẠNH
HƠN TẤT CẢ. Sự thật là Ngài Chiêu không ký tên vào TỜ KHAI ĐẠO. Không dự LỄ
KHAI ĐẠO. Những vị ghép Ngài Ngô vào ĐĐTKPĐ với phẩm vị Giáo Tông thì thật là
sai trái.
Đức Cao Đài đến giáo đạo Nam Phương mở ra
Pháp Môn dạy cho Ngài Chiêu. Sau đó mở ra ĐĐTKPĐ dạy cho quí Ngài Cao Quỳnh Cư,
Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung, Bà Nguyễn Thị Hiếu... đó là 02 việc
riêng nhau.
Nó giống như Đức Cao Đài mở ra một Viện
Đại Học mà ĐĐTKPĐ là một phân khoa trong Viện Đại Học đó.
Cho nên ĐĐTKPĐ còn được gọi tắt là Đạo
Cao Đài.
Nhưng không phải Đạo Cao Đài nào cũng là
ĐĐTKPĐ.
Nó cũng như Trường Đại Học Y Khoa có phân
khoa Thần Kinh Học. Người học khoa Thần Kinh Học chắc chắn là sinh viên trường
Đại Học Y Khoa. Nhưng không phải sinh viên Y Khoa nào cũng học ở Khoa Thần Kinh
Học.
@@@
***: LIÊN HỆ ĐẾN LỜI MINH THỆ.
ĐĐTKPĐ chỉ có một. Bất cứ nơi nào xưng
danh hiệu ĐĐTKPĐ (mà không có mạng lịnh của Hội Thánh ĐĐTKPĐ) là giả.
Trong lời minh thệ khi nhập môn cầu đạo
có câu:...
Thề
rằng: Từ đây biết một Đạo Cao- Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng
chư Môn-đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru,
Địa-lục".
@@@
Muốn hiểu nghiêm túc lời minh thệ trên
thì phải xác định Đạo Cao Đài Ngọc Đế là gì? Lời minh thệ đó dạy cho ai? Và nội
dung gì?
./. Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế có nghĩa
là Đức Cao Đài chỉ mở có một ĐĐTKPĐ. Những nơi khác có xưng danh ĐĐTKPĐ thì đó
không phải của Thầy. Đó là mượn danh Thầy.
./. Lời dạy trên đây là dạy cho các vị trong
ĐĐTKPĐ.
./. Trong kỳ ba nầy Thầy chỉ mở có một
đạo là ĐĐTKPĐ.
Những hệ luận từ lời minh thệ:
./. Pháp môn của ngài Chiêu chưa phải là
một tổ chức tôn giáo và không can dự vào lời minh thệ. Nói trắng ra là pháp môn
độc lập với ĐĐTKPĐ. Những định nghĩa về chi phái... không bao gồm Pháp Môn Cao
Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
./. Đức Cao Đài chỉ mở có một ĐĐTKPĐ. Bất
cứ nơi nào xưng danh hiệu ĐDTKPĐ (mà không do mạng lịnh của Hội Thánh ĐĐTKPĐ
đều là giả).
./. Cái thiệt chỉ có một. Cái giả thì rất
nhiều. Chín chi phái ĐĐTKPĐ được chính phủ Việt Nam cấp pháp nhân hiện nay đều
đồ giả.
Cái giả khó phân biệt nhất là chi phái
1997 của Hội Đồng Chưởng Quản lập thành. Bởi vì nó xuất phát ngay tại Nội Ô Tòa
Thánh và chiếm dụng cơ ngơi lẫn danh hiệu ĐĐTKPĐ để dùng mà dấu cái tên có 10
chữ (ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh) rồi tăng lên 12 chữ và 02 dấu ngoặc như hiện nay
{ĐĐTKPĐ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh)}.
***: XÁC ĐỊNH MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC TÔN
GIÁO KHÁC.
./. Đức Cao Đài không có dạy bài bác tôn
giáo khác hiện sinh trước ĐĐTKPĐ hay cùng thời hoặc ra sau ĐĐTKPĐ. Đây là điều
rất tế nhị mà người Đạo Cao Đài cần phải hiểu đúng đắn để thể hiện sự tôn trọng
quyền tự do tín ngưỡng của người khác.
Đức Hộ Pháp (Giáo Chủ Đạo Cao Đài) viết
thư cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 10-10-Bính Thân (12-11-1956) có câu:
Tuy vào Đạo Cao Đài mà trước mặt cả tín đồ Bần Đạo chưa hề chối Đạo
Công Giáo của Bần Đạo.
Xem Âu Du Ký, Á Du Ký chúng ta thấy Đức
Ngài vẫn kỉnh lễ đầy đủ khi đến nơi thờ tự các tôn giáo khác... Lời minh thệ
dạy chỉ biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế hàm ý sẽ có nhiều nơi mạo danh Cao Đài
Ngọc Đế. Ngày nay 09 chi phái đều lấy danh hiệu ĐĐTKPĐ rồi thêm cái đuôi phía
sau nên danh hiệu chi phái nào cũng nhiều hơn 06 chữ gốc là ĐĐTKPĐ. TỜ PHỔ CÁO
CHÚNG SANH (1926) có dạy rõ đừng nghe Cao Đài nơi nầy, nơi kia mà lầm...
@@@
Theo chánh giáo thì ĐĐTKPĐ chỉ có một.
Bất cứ nơi nào xưng danh ĐĐTKPĐ mà không có mạng lịnh Hội Thánh thì đó là Bàng
môn Tả đạo. Thầy dạy ngày 01-10-Đinh
Mão (1927).
Thầy
chẳng dùng sự chi mà thế-gian gọi là tà-quái dị-đoan mà nếu xảy ra có một ít
dị-đoan trong Đạo đã dùng lỡ, thì ấy là tại nơi tâm của vài môn-đệ đó, nếu chẳng giữ theo lẽ chánh mà hành Đạo,
và bày-biện nhiều sự vô lối, thì trong ít năm sau đây, sẽ trở nên một mối
Tả-đạo, mà các con đã từng thấy. (TNHT Q2 tr 42 dòng 23 bản in 1963).
Tóm lại:
. Đối nội: nghiêm khắc với nội bộ (định
quyết các chi phái do bởi ĐĐTKPĐ làm gốc lập thành mà không do mạng lịnh Hội
Thánh là Bàng môn Tả - đạo).
. Đối ngoại: tôn trọng quyền tự do tín
ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của tôn giáo bạn và người lương.
@@@
(#)/- Thư của ông Tôn Đức Thắng Chủ Tịch
UBMTTQ.
UBTƯ
Mặt Trận Tổ Quốc.
|
Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Độc
Lập – Tự Do – Hạnh Phúc.
***
|
Ngày 4
tháng 1 năm 1958
Kính
gởi Ngài Hộ Pháp Phạm Công Tắc
PHNOM PENH
Chúng tôi vui mừng được biết ý định của
Ngài muốn đến Hà Nội thăm đồng bào và tín đồ Cao Đài ở Miền Bắc.
Vậy chúng tôi Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận
Tổ Quốc Việt Nam và cá nhân tôi trân trọng mời Ngài đến Hà Nội nhân dịp Tết
Nguyên Đáng Mậu Tuất.
Xin gởi đến Ngài lời chào thân ái đoàn
kết.
Kính chúc Ngài và đồng bào Cao Đài luôn
luôn mạnh khỏe.
Hà Nội
ngày 4 tháng 1 năm 1958
T/M Ủy Ban
Trung Ương MTTQVN
Chủ
Tịch. Chủ Tịch Đoàn
TÔN ĐỨC
THẰNG
(Ký
tên và đóng dấu)