Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

2943. TỔNG HỢP NGUỒN LỰC ĐỂ DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM.

Chúng ta đủ vốn liếng để dân chủ hoá đất nước
 Công thức tổng hợp nguồn lực của dân tộc ở trong và ngoài nước

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 17 tháng 11, 2019

Một người giỏi có hiệu năng hơn trăm người dở. Một nhóm nhỏ những người giỏi và có quyết tâm có thể thay đổi cả xã hội.
Lực lượng người Việt ở hải ngoại, không thiếu người giỏi và thành đạt, đúng ra có thể cùng với người dân trong nước đưa Việt Nam từ độc tài đến dân chủ một cách hoà bình, ổn định và bền vững. Nói về tài năng và trí tuệ, tập thể người Việt ở hải ngoại vượt xa đội ngũ cán bộ đang nhũng nhiễu đồng bào. Là công dân của các quốc gia phú cường, người Việt ở hải ngoại còn có vị thế quốc tế, và vị thế này càng tăng khi chế độ càng cầu cạnh chính những quốc gia ấy nhằm chống đỡ nền kinh tế bấp bênh và đối phó với chính sách bành trướng của Trung Cộng.


Tài năng là thế, trí tuệ là thế, tâm huyết là thế, thượng phong là thế nhưng tại sao người Việt ở hải ngoại lại bó tay để đồng bào bị bách hại và vận mệnh của tổ quốc bị định đoạt bởi những người kém cỏi hơn mình? Căn nguyên là sự bất cập giữa cung và cầu: bột đã sẵn ở hải ngoại, nhưng thiếu công thức để gột nên hồ mà đồng bào trong nước có thể sử dụng.
Hãy tạm hình dung một sân chơi bình đẳng nơi một bên sân là một nhóm người dân với quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích của mình được tiếp sức bởi một nhóm người Việt đến từ hải ngoại; bên kia sân là những cán bộ nhà nước mà hầu hết tài cán không có là bao, kiến thức hạn hẹp nhưng lười học hỏi, bản lĩnh kém cỏi vì bị nhồi sọ và quen tuân phục, và chẳng bao giờ dám tư duy độc lập hay có sáng kiến. Nếu luật chơi công bằng – nghĩa là không được ăn gian, không được dùng bạo lực – thì sẽ không khó để bên người dân vượt lên và dần đưa chính quyền trở về đúng vị trí của nó: bảo vệ và phục vụ cộng đồng, thực thi đúng đắn luật pháp và tuân thủ ý nguyện của người dân.
Các toán người Việt hỗn hợp trong-ngoài đang tiếp xúc với các giới chức quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, tháng 8 năm 2018 (ảnh BPSOS)
Dưới đây chúng tôi trình bày một công thức đơn giản, đã được thử nghiệm với kết quả, để tạo ra những sân chơi như vậy ở khắp Việt Nam.
Lập tuyến tiếp viện

Công thức “nhóm kết nghĩa” giúp các cộng đồng người dân ở trong nước tiếp cận trực tiếp và ngay lập tức các nguồn lực từ hải ngoại mà họ đang cần. Chỉ cần khoảng 5 người ở hải ngoại ăn ý và thoải mái với nhau là có thể lập “nhóm kết nghĩa”. Nhóm này đề cử 2 người không ngại lộ diện để thay nhau giữ liên lạc thường xuyên với cộng đồng được kết nghĩa, qua đó nhận diện các nhu cầu theo từng thời kỳ để tiếp viện về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, quan hệ quốc tế hoặc tài chánh.
Sự tiếp viện này không bâng quơ mà có điều kiện: để thực hiện kế hoạch tăng lực và thế cho cộng đồng với các mục tiêu cụ thể cho từng thời kỳ. Nhóm kết nghĩa sẽ không chỉ đo lường tiến triển và đánh giá thành quả của việc sử dụng nguồn tiếp viện mà còn góp một tay trong việc thực hiện kế hoạch.
Công thức “nhóm kết nghĩa” tạo những tuyến song song để chuyển tận chỗ, một cách nhanh chóng và hữu hiệu, đến các cộng đồng người dân trong nước những gì họ đang cần mà nhóm kết nghĩa đang có sẵn.
Thế nào là một cộng đồng?
Ở đây, một cộng đồng được định nghĩa là tập thể những người sống sát cạnh nhau và gắn bó với nhau vì cùng niềm tin tôn giáo, truyền thống văn hoá, hoặc cảnh ngộ. Ví dụ về cộng đồng là một giáo xứ Công giáo, nhóm Phật tử thuộc một chùa Phật Giáo, một hội thánh Tin Lành, một bản làng người Tây Nguyên, những hộ nông dân cùng bị cưỡng chế đất đai…
Công thức “nhóm kết nghĩa” chỉ hiệu quả khi áp dụng cho một cộng đồng có quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Khi ấy sự tiếp viện từ ngoài mới có ý nghĩa và hữu dụng.
Công thức này ít công dụng cho các cá nhân hoạt động rời rẽ vì các chiếc đũa rời đều dễ bẻ gãy. Chỉ khi gắn kết với nhau thành một bó đũa thì lực mới tăng lên. Khi có lực rồi thì mới có thể khai thác các yếu tố ngoại tại để tăng thế, như liên kết hàng ngang với các cộng đồng khác hay hàng dọc với quốc tế.
Nhóm lõi của cộng đồng
Để tiếp nhận nguồn lực từ “nhóm kết nghĩa”, cộng đồng trong nước cần một nhóm lõi, gồm những thành viên quả cảm và sẵn sàng dấn thân dài lâu. Họ phải được đào tạo về kiến thức, khả năng và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, như sử dụng công nghệ thông tin, nhận diện các nhu cầu của cộng đồng, đối phó các chính sách bất cập, báo cáo các vi phạm nhân quyền, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, làm truyền thông, thực hiện các dự án công ích, động viên tinh thần của những đồng hương thiếu tự tin, phối hợp với nhóm kết nghĩa ở hải ngoại và với các cộng đồng khác ở trong nước…
Sự hình thành nhóm lõi còn làm giảm mối rủi ro cho những người tham gia. Nếu một người trong nhóm bị bách hại, công việc của cả nhóm vẫn tiến triển. Không những thế, cả cộng đồng sẽ có động lực để đấu tranh mạnh mẽ hơn nhằm giải cứu người bị bách hại, và nhóm kết nghĩa ở hải ngoại có căn cứ hơn để vận động quốc tế quan tâm và can thiệp. Đối với một nhóm người hoạt động có quy củ, trước khi động thủ, chính quyền ắt phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn giữa lợi và hại.
Hiệp nhất trong-ngoài
Thay đổi lực và thế cho một cộng đồng đòi hỏi một nỗ lực tập trung kéo dài nhiều năm. Càng tương tác với nhau càng lâu, nhóm lõi và nhóm kết nghĩa tiến dần đến hiệp nhất một cách rất tự nhiên. Sự hiệp nhất ấy thể hiện đúng tinh thần “kết nghĩa”, tối lửa tắt đèn có nhau. Khi ấy không còn phân biệt giữa trong và ngoài nước. Lực của nhóm kết nghĩa tự động góp vào lực chung, thế của nhóm kết nghĩa tự động tăng thế chung của cộng đồng
Tạo sân chơi công bằng
Yếu tố quan trọng để công thức “nhóm kết nghĩa” phát huy tác dụng là sân chơi bình đẳng với luật chơi công bằng, nơi mà chính quyền không thể dùng bạo lực và khó ăn gian.
Từ hơn 20 năm nay, BPSOS dùng quốc tế vận để áp lực nhà nước Việt Nam cam kết về nhân quyền nếu muốn các lợi ích về viện trợ, giao thương, đầu tư, hợp tác quốc phòng... Họ đã lần lượt ký kết nhiều công ước LHQ về nhân quyền, chấp nhận các điều khoản nhân quyền trong các thương ước song phương và đa phương với nhiều quốc gia, hoặc thoả thuận những nhượng bộ về nhân quyền để tránh bị chế tài bởi Hoa Kỳ. Khi đã cam kết thì phải thực thi, trên nguyên tắc.
Trong thực tế, nhà nước Việt Nam không chủ ý thực thi, đinh ninh rằng quốc tế không thể phối kiểm những việc xảy ra ở Việt Nam. Điều này đúng vì sự vi phạm xảy ra ở cấp địa phương trong khi người dân địa phương lại quá cách biệt với quốc tế. Công thức “nhóm kết nghĩa” rút dần và rồi xoá bỏ sự cách biệt ấy. Mọi vi phạm đều được nhóm lõi của cộng đồng ghi nhận và được nhóm kết nghĩa báo cáo với quốc tế.
Như thế, những vi phạm bởi chính quyền cấp địa phương trở thành sự chuội lời cam kết bởi nhà nước trung ương trên sân chơi quốc tế, nơi mà luật chơi công minh, khó ăn gian và không thể dùng bạo lực. Sự theo dõi và quan tâm của quốc tế tạo không gian tương đối an toàn cho các cộng đồng người dân chuyển dần tương quan về lực và thế đối với chính quyền. Khi công thức được áp dụng nơi nơi, thì phong trào dân chủ hoá sẽ hình thành.
Kết luận
Nhà nhân chủng học lừng danh Margaret Mead từng nhận xét: “Đừng bao giờ hồ nghi rằng một nhóm nhỏ công dân có ý thức và quyết tâm có thể thay đổi thế giới; thật vậy, đó luôn điều đã xảy ra.”
Mỗi nhóm kết nghĩa và nhóm lõi của từng cộng đồng, khi hiệp nhất, sẽ là một nhóm nhỏ những người có ý thức và quyết tâm ấy. Khi nhiều nhóm nhỏ như vậy kết lại trên toàn xã hội, cả đất nước sẽ đổi thay. Đổi thay để mọi người dân bất luận chính kiến, quá khứ, thành phần xã hội đều thụ hưởng phúc lợi về quyền con người, về cơ hội thăng tiến, về xã hội bình ổn, về đời sống văn minh. Đổi thay để đất nước phát triển và dân tộc trường tồn. Đổi thay để chủ quyền quốc gia được toàn dân và quốc tế bảo vệ.