Quy tắc và công thức phát triển
XHDS
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 10, 2015
(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 3 “Sách Lược
Tạo Lực”, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam”
Dạo gần đây cụm từ “xã hội dân sự” trở nên thông dụng trong ở trong và ngoài nước. Điều này thể hiện nhận
thức đang tăng về tầm quan trọng của XHDS cho nền dân
chủ tương lai và sự phát triển đất nước trong mọi lĩnh vực.
Qua XHSD người dân có cơ hội và phương tiện tập
hợp để tăng khả năng đối trọng và kiểm soát chính quyền. Muốn có dân chủ thì XHDS phải phát triển đủ
mạnh.
Thế nào là đủ mạnh?
Có nhiều kinh điển về vấn đề này, nhưng nôm na thì sức mạnh của một XHDS được đo
lường bằng khả năng tập hợp của người dân, thể hiện qua số tổ chức
có quy củ và quy mô, do chính người dân thành lập, và hoạt động một
cách độc lập với chính quyền.
Ở xã hội Hoa Kỳ, khi chúng ta nhận xét
về thực lực của một cộng đồng sắc dân thì chính là đang nói đến
khả năng tập hợp của cộng đồng ấy. Chẳng hạn, cộng đồng Do Thái, Hoa,
Ấn, Hàn... có sức mạnh và tầm ảnh hưởng cao vì trong cộng đồng họ
có nhiều tổ chức bề thế ở các cấp địa phương, vùng và quốc gia.Trong một bài viết cách đây trên
10 năm tôi đã phân tích sự yếu kém của cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ ngay cả so với các cộng đồng nhỏ bé như
Cambốt, Lào và Hmong (xem Thông Điệp Hy Vọng và
Trách Nhiệm:Phát Triển Xã Hội Dân Sự Trong Lòng Cộng Đồng). Cách đo lường mà tôi
dùng là số tổ chức thuộc mỗi cộng đồng mà nhận được cấp khoản Liên Bang -- khi nhận cấp khoản liên bang thì chí ít phải có văn phòng,
nhân viên, và hệ thống quản trị tài chính vững chãi. Số tổ chức như vậy trong
cộng đồng ngườiViệt
thua xa các cộng đồng nhỏ hơn kể trên.
XHDS ở Việt Nam
Nếu cũng dùng
chỉ tiêu này (số tổ chức hoạt động quy củ và quy mô) để đánh giá mức phát triển của XHDS ở Việt Nam thì rõ ràng là còn rất phôi
thai. Hiện nay các tổ chức của
người dân thật sự độc lập với chính quyền chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 tổ chức XHDS. Nếu tính cả các bộ phận hoạt động xã
hội, từ thiện và giáo
dục của các dòng tu và giáo phận Công Giáo, tương đối độc lập với
chính quyền, thì vẫn không đến con số 100 cho
93 triệu dân.
Trong khi đó ở
Miến Điện, một quốc gia chưa dân chủ và với dân số 53 triệu, đã có khoảng 2
nghìn tổ chức của người dân độc lập với chính quyền. Campuchia, với dân
số 15 triệu và cũng chưa dân chủ, có 5 nghìn tổ chức phi chính phủ độc
lập. Còn Đài Loan, nơi có nền dân chủ ổn định thì số tổ chức phi chính phủ độc
lập là 30 nghìn cho 24 triệu dân. Phần lớn các tổ chức này có cơ sở, nhân
viên, ngân sách, và chương trình phục vụ.
Một ví dụ là LICADHO, một tổ chức về
nhân quyền ở Campuchia. Họ có 9 chương trình thực hiện qua các văn
phòng địa phương ở 12 tỉnh. Đây là trang mạng của họ: https://www.licadho-cambodia.org/aboutus.php. Xin nhắc rằng đây không phải
là tổ chức lớn. Trong một số bài viết trước đây tôi đã cho những
thí dụ về các tổ chức phi chính phủ với tài sản ngang với quỹ dự
trữ quốc gia của Việt nam.
Làm sao để XHDS ở Việt Nam phát triển
được những tổ chức với tầm vóc như vậy?
Phát triển XDHS không dễ
Năm 1998 BPSOS bắt đầu chương trình giúp
cộng đồng người Việt, và một số cộng đồng sắc dân khác, ở nhiều
thành phố Hoa Kỳ phát triển về nội lực. Trong
số khoảng 60 tổ chức chúng tôi hỗ trợ, chỉ 10% là còn duy trì được hoạt
động cho đến nay. Trong số đó chỉ đúng 1 tổ chức là thực sự đạt
được quy củ và quy mô mà chúng tôi xem là đủ để trường tồn. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi vinh danh tổ
chức này nhân dịp đánh dấu 40 năm hành trình đến tự do của người
Việt tị nạn cộng sản.
Thực ra, tỉ lệ 10% là bình thường trong lĩnh vực hoạt
động phi chính phủ nói chung ở Hoa Kỳ. Theo
một cuộc nghiên cứu cách đây khoảng 15 năm, cứ 5 tổ chức phi chính
phủ mới ra đời thì 3 năm sau chỉ còn 1 là còn hoạt động, nghĩa là có chương trình hoạt động
đều đặn, có nhân sự, và có cơ sở thường trực. Thế là 80% bị “rơi rụng” sau chỉ 3 năm. Qua kinh nghiệm giúp phát triển cộng
đồng ở trên chúng tôi thấy rằng phải mất từ 5 đến 10 năm để một tổ
chức phi chính phủ xây dựng được nội lực để trường tồn và phát
triển. Như thế, sau 5 đến 10 năm tỉ lệ “sống sót” ở mức 10% là phù hợp với chiều hướng chung trong nền XHDS ở Hoa Kỳ.
Đó là ở Hoa Kỳ, nơi mà chính sách
quốc gia, hơn bất kỳ ở quốc gia nào khác, tạo mọi thuận lợi cho sự
phát triển của XHDS. Sở dĩ tôi nói “hơn bất kỳ quốc gia nào khác”
vì chính sách của Hoa Kỳ là chính quyền không làm gì nhiều trong lĩnh
vực XHDS mà giao khoán cho người dân.
Ở Việt Nam thì chính
sách hoàn toàn ngược lại: Chính quyền chủ trương phải khống chế và kiểm
soát mọi hoạt động của người dân, và do đó bằng nhiều cách sách
nhiễu, cô lập và ngay cả đàn áp những ai chủ trương hoạt động độc
lập với chính quyền. Triển vọng phát triển về quy củ và quy mô cho
một tổ chức thực sự độc lập với chính quyền ở Việt Nam do đó thấp
hơn 10%.
Lỗi lầm tai hại
Ai cũng biết rằng “xây lâu đài trên cát”
là phí công vô ích. Nhưng đó lại là sai phạm lớn nhất trong khu vực
XHDS, dẫn đến tình trạng “rơi rụng” như kể trên. Phần
lớn những tổ chức trong khu vực XHDS chỉ tập trung vào những hoạt
động bề nổi và hướng ngoại mà ít quan tâm đến phần xây dựng nền
móng và nội lực. Không khác chi xây nhà cao tầng mà không lo đào
móng. Nhà càng xây lên cao thì càng chóng sập đổ. Trong số
khoảng 60 tổ chức mà chúng tôi hỗ trợ như kể trên, chỉ một tổ chức
là đầu tư cho việc xây nền tảng vững chắc, nghĩa là phát triển về
quy củ, và khi đã có quy củ thì phát triển về quy mô.
Nhiều người thường thích hành động bề
nổi vì nó đáp ứng nhu cầu tâm lý trước mắt. Còn việc xây dựng cơ
sở hạ tầng và định chế lâu bền cho một tổ chức thì đòi hỏi sự
kiên nhẫn, bền bỉ, và những hoạt động âm thầm không mấy ai biết đến.
Nhưng cơ sở và định chế là yếu tố khác biệt giữa một đại công ty
như Microsoft, Apple, IBM... với một quán cóc ven đường dù cả 2 cùng
là doanh nghiệp; giữa xã hội hiện đại như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức,
Nhật, Hàn... và những xã hội chậm phát triển như Việt Nam, Miến
Điện, Campuchia, Lào, Cuba, Venezuela... bất luận chiều dài lịch sử
của dân tộc; giữa những tổ chức XHDS bề thế như Human Rights Watch,
Amnesty International, hay LICADHO... với những nhóm hoạt động ngẫu
nhiên, lỏng lẻo.
Đằng sau một vị tổng thống Hoa Kỳ là
cả triệu giới chức và công chức cần mẫn duy trì guồng máy chính
quyền vận hành và ngày thêm tinh tiến. Đằng sau cuộc thám hiểm mặt trăng
ngoạn mục của Apollo cả bộ máy điều hành và quản lý của NASA. Đằng
sau một Steve Jobs là hàng trăm nghìn kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà quản
lý tài chính, nhân viên tiếp thị... của công ty Apple. Sự tài tình
thể hiện ra bề nổi chính là do khả năng xây dựng “bề chìm” mà người
thường ít khi để ý đến.
Yếu tố cần để phát
triển XHDS
Muốn phát triển XHDS thì ngày càng
phải có nhiều tổ chức và mỗi tổ chức phải kiện toàn quy củ và
rồi phát triển quy mô. Mỗi tổ chức ấy phải
đầu tư phát triển thành phần nhân sự chuyên về phát triển nội lực.
Họ phải có kiến thức, khả năng và kỹ năng về tổ chức, quản trị,
điều hành và kết nối. Họ làm việc trong nội bộ hơn là xuất hiện ra
bên ngoài. Họ ít khi phát biểu với quần chúng, ký tên trên các tuyên
ngôn, hay trả lời báo chí. Họ đóng vai trò “nội tướng” -- không có
họ thì tổ chức sẽ èo uột và teo dần lại. Họ là hậu cần – không
có họ thì người xông pha bên ngoài sẽ “chết vì đói và khát” trước
khi lâm trận.
Khi một tổ chức mới chào đời, những
nhân sự “bề chìm” này cần thiết hơn những người hoạt động bề nổi
vì phải đào móng trước rồi mới cất nhà sau. Một công ty mới hình
thành thường phải bỏ ra vài năm đầu để xây dựng cơ sở với các trang
thiết bị cần thiết; soạn thảo các thể thức vận hành và thủ tục
hành chính; lên kế hoạch nhân sự, ngân sách, tiếp thị... và thử
nghiệm mọi khâu hoạt động trước khi đi vào sản xuất hay thương mại. Nghĩa là họ dành 100% cho việc xây dựng quy củ. Khi đã đi vào sản xuất hay thương mại,
công ty ấy vẫn phải dành một tỉ lệ đáng kể cho việc củng cố quy củ
và phát triển quy mô. Tỉ lệ này thường từ 30% đến 60%
và đôi khi
cao hơn. Lĩnh vực chuyên môn càng
cao, như trong ngành sức khoẻ, bào chế dược phẩm, đào tạo cấp đại
học, nghiên cứu kỹ thuật cao... thì tỉ lệ này càng cao. Một tổ chức trong XHDS không thể thoát quy luật này.
Nhận xét về các tổ chức của người
Việt ở hải ngoại trong suốt 40 năm qua, tôi thấy rất ít tổ chức tuân
thủ đúng nguyên tắc này. Kể cả những tổ chức mà chúng tôi hỗ trợ,
huấn luyện, và cấp ngân khoản để phát triển, cũng chỉ lưa thưa vài
tổ chức thực sự quan tâm về phát triển nội lực. Hậu quả là ít người trong cộng đồng người Việt
ở hải ngoại có kinh nghiệm thực tiễn về phát triển XHDS để chia sẻ
với đồng bào ở trong nước.
Giải pháp
Năm 2005 BPSOS ứng dụng những bài học
về phát triển nội lực trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ để thực
hiện chương trình huấn luyện về hoạt động XHDS ở Việt Nam. Đầu năm 2015, chúng tôi phối hợp với 2 tổ chức
bạn ở Âu Châu để mở nó rộng ra thành chương trình đào tạo toàn thời
kéo dài 12 tháng. Họ được đào tạo về nguyên tắc tổ chức, quản trị,
và điều hành một tổ chức dân sự, và thực hành qua một số đề án
thực thụ.
Đồng thời chúng tôi tạo điều kiện để
các nhóm và tổ chức ở trong nước có cơ hội tiếp cận trực tiếp với
các tổ chức XHDS trong vùng ASEAN để vừa nối kết vừa học hỏi nơi
họ. Những tổ chức này trên có nhiều kinh nghiệm quý báu để chia sẻ
vì họ từng hoạt động trong chế độ độc tài, khởi đi từ con số không
cách đây không lâu, và đã trầy da tróc vẩy trong cuộc chiến đấu để
dân chủ hoá đất nước của họ. Những kinh nghiệm ấy, theo tôi, có giá
trị ứng dụng cho Việt Nam hơn các mô hình dân chủ Tây Phương. Hơn nữa,
người dân trong nước dễ dàng đi lại các quốc gia ASEAN vì ít tốn kém
và không cần chiếu khán.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là
các tổ chức XHDS ở Việt Nam cần tránh “xây lâu đài trên cát”, một sai
phạm đã làm cho tập thể người Việt ở hải ngoại chậm phát triển về
sức mạnh nội tại so với nhiều cộng đồng sắc dân khác. Để tránh sai phạm này, các tổ chức XHDS ở Việt
Nam cần thường xuyên tự hỏi: Chúng ta đã, đang và sẽ đầu tư bao nhiêu
phần trăm cho việc củng cố về quy củ, và khi đã có quy củ thì bao
nhiêu phần trăm để phát triển quy mô? Sau khi có quyết định thì quyết
tâm thực hiện nó đến cùng.
Đó là công thức xây dựng thành công một
tổ chức phi chính phủ, một doanh nghiệp hay một quốc gia.
Bài liên quan:
Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam bị lưu ý tại hội nghị khu vực
Xã hội dân sự độc lập VN lần đầu tiên góp tiếng tại Hội nghị XHDS
Đông Nam Á