Những việc
cần làm để khai thác cơ hội và thế đứng mới
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 6 tháng 10, 2015
(Ghi chú: Bài này thuộc Chương
3. Sách
Lược Tạo Lực, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam”:
Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay
Tín Ngưỡng ở Đông Nam Á do BPSOS phối hợp thực hiện cùng 2 tổ chức bạn là ICJ và FORUM-ASIA ở Bangkok, Thái Lan đã hoàn tất
mỹ mãn vào tuần qua. Mọi thành phần tham gia từ Việt Nam đều đã trở
về nhà an toàn. Chỉ một sự kiện đáng tiếc xảy ra: người đại diện
cho Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam bị chặn không cho xuất cảnh để tham gia
hội nghị theo lời mời của ban tổ chức.
Hội nghị được tổ chức trong bối
cảnh toàn khối ASEAN sắp hội nhập thành một cộng đồng duy nhất về
kinh tế, văn hoá và xã hội, và trong bối cảnh 4 quốc gia ĐNÁ sẽ là thành viên của TPP, hiệp ước mậu dịch xuyên
Thái Bình Dương mà cuộc đàm phán vừa hoàn tất. Sự hội nhập vùng
và quốc tế này cung ứng nhiều cơ hội để dấy lên phong trào tự do tôn
giáo trong toàn khu vực. Riêng đối với Việt Nam, thì hội nghị tạo môi
trường thuận lợi để các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp tranh thủ hậu
thuẫn quốc tế.
Trong vai trò ban tổ chức, đối với
chúng tôi quan trọng không kém là những gì sẽ diễn ra sau hội nghị --
hội nghị chỉ là bước đầu trên hành trình dài để tranh đấu cho sự
tự do tôn giáo đích thực ở Việt Nam trong bối cảnh tự do tôn giáo
toàn vùng.
Quang cảnh hội nghị về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở ĐNÁ,
Bangkok, Thái Lan ngày 30/09/2015 (ảnh ICJ)
Chuyển thế
Hội nghị này nằm trong sách lược
“chuyển thế” của kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam: Qua quốc
tế vận chúng tôi áp lực Việt Nam cam kết tôn trọng những nhân quyền
căn bản – khi ấy nhà nước chỉ có thể khống chế chứ không còn trắng
trợn đàn áp được nữa, và rồi tạo môi trường để người dân thực thi
nhân quyền ngoài sự khống chế của nhà nước.
Bước thứ hai này chính là chọn
“sân chơi”, nơi mà chúng tôi nắm ưu thế hơn nhà nước và các tổ chức
quốc doanh mà họ dàn dựng lên. Từ năm 2009
chúng tôi đã
chọn xã hội dân sự toàn vùng ĐNÁ làm một “sân chơi” như vậy vì phong
trào dân chủ đang lan dần trong khu vực và vì môi trường ĐNÁ tương đối
dễ cho người dân ở Việt Nam tiếp cận.
Tháng 4
vừa qua,
chúng tôi dùng tư thế thành viên ban tổ chức để đưa nhiều tổ chức
XHDS Việt Nam lần đầu xuất hiện tại diễn đàn XHDS quan trọng nhất
trong vùng: Hội Nghị XHDS ASEAN và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, năm nay
được tổ chức tại ở Kuala Lumpur, Malaysia. Sự kiện này giúp XHDS ở
Việt Nam thoát sự cô lập do nhà nước áp đặt từ bấy lâu nay. Nó cũng
giúp cho giới hoạt động XHDS trong vùng ĐNÁ và quốc tế – phần lớn
các tổ chức nhân quyền quốc tế quan tâm đến khu vực ĐNÁ đều tham gia
diễn đàn hàng năm này -- nhận ra thực chất của các tổ chức quốc
doanh mà chính quyền Việt Nam năm nào cũng cử đến diễn đàn quan
trọng này trong suốt 10 năm qua. Kết quả là nhiều tổ chức
khu vực và quốc tế trong mấy tháng qua đã bắt đầu nối kết trực
tiếp với XHDS ở Việt Nam.
Hội nghị về tự do tôn giáo tổ
chức ở Bangkok vào tuần qua tạo cơ hội tương tự cho các cộng đồng tôn
giáo độc lập ở Việt Nam: lần đầu tiên tiếng nói của họ đã cất lên
tại diễn đàn toàn vùng, và họ đã nối kết trực tiếp được với các
tổ chức khu vực và quốc tế. Sau hội nghị, các phái đoàn tôn giáo
Việt Nam đều chia sẻ với tôi rằng họ cảm thấy tự tin hơn nhờ tiếp
cận với thế giới tự do trong môi trường mà tiếng nói của họ được
lắng nghe.
Hoạt động XHDS và tôn giáo là hai
lĩnh vực mà người dân ở Việt Nam đang tập hợp thành lực lượng trong
bối cảnh chế độ không thể đàn áp trắng trợn và thô bạo như trước.
Họ chỉ có thể kềm chế và trấn áp các hoạt động trong 2 lĩnh vực này. Mở đường cho các tổ chức XHDS và tôn giáo độc
lập tham gia vào các diễn đàn khu vực là cách vô hiệu hoá sự kềm
chế và trấn áp ấy.
Tạo lực
Tại buổi họp riêng với khoảng
chục đại diện của nhiều cộng đồng tôn giáo đến từ Việt Nam, Báo
Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, Ts. Heiner
Bielefeldt, chia sẻ một chân lý: Chỉ có quý vị mới đem lại tự do tôn
giáo ở Việt Nam; chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ. Đấy là điều mà tôi
đã nhắc nhở nhiều lần với mọi người Việt ở trong và ngoài nước:
chúng ta phải đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Trong 5
năm qua chúng
tôi thực hiện bước chuyển thế là để mở không gian tương đối an toàn
cho người dân trong nước kết hợp thành lực lượng và bảo vệ quyền và
lợi ích của chính mình. Đấy là việc mà người Việt ở trong nước
phải thực hiện chứ không thể phó thác cho ai khác làm hộ.
Muốn vậy, các cộng đồng tôn giáo
độc lập ở trong nước cần đầu tư thời gian và công sức để nhanh chóng
tạo lực qua 3 công tác: đào tạo nhân sự, liên
kết giữa các tôn giáo và giữa các hệ phái cùng tôn giáo, và huy
động sự hậu thuẫn toàn vùng và toàn thế giới.
Đào tạo nhân sự
Nhóm nhân sự đầu tiên cần đào tạo
là những người chuyên báo cáo vi phạm theo đúng thủ tục và tiêu
chuẩn của LHQ. Cộng đồng tôn giáo nào đào tạo được càng đông những
nhân sự này thì càng tăng khả năng tự bảo vệ. Điều này dễ hiểu:
chính quyền chỉ có thể vi phạm các cam kết nếu như có thể che đậy
hành động vi phạm để quốc tế không thấy; báo cáo vi phạm chính là
cách để vạch trần bất kỳ sự che đậy nào.
Trong gần 2 năm qua, chúng tôi đã huấn luyện khoản 400
người thuộc
nhiều tổ chức tôn giáo về báo cáo vi phạm. Có những cộng đồng dân
tộc thiểu số với trình độ học vấn và năng lực hạn chế, nhưng đã
thực hiện những bản báo cáo đúng tiêu chuẩn của LHQ. Tại buổi họp
riêng với họ, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ đã ngỏ lời thán phục.
Ngược lại, tôi biết một số chức
sắc tôn giáo không quan tâm đầu tư vào việc đào tạo nhân sự mặc dù
đã được nhiều lần nhắc nhở. Họ nghĩ rằng chỉ cần tri hô lên là lập
tức quốc tế sẽ can thiệp. Họ không biết rằng có đôi lần quốc tế lên
tiếng vì chúng tôi đã cho người khác lấy thông tin và thực hiện bản
báo cáo thay cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không thể làm mãi như
vậy.
Tôi cũng thấy một số cộng đồng
tôn giáo bị tê liệt vì sợ hãi. Họ cam chịu sự đàn áp vì nghĩ rằng
lên tiếng báo cáo thì sẽ mời chào sự đàn áp nặng nề hơn nữa. Thậm
chí, chúng tôi đã tạo được sự chú ý và sẵn sàng can thiệp của
quốc tế cho họ nhưng rồi chính họ thoái thác sự can thiệp vì sợ bị
trả thù. Muốn thoát vòng lẩn quẩn này, họ cần sự nâng đỡ của các
cộng đồng tôn giáo đã từng trải.
Liên kết để tạo lực chung
Hiện nay lực của từng cộng đồng
tôn giáo ở Việt Nam còn rất mỏng, tự mình không đủ sức đẩy lùi sự
đàn áp ở mỗi địa phương chứ đừng nói ảnh hưởng đến chính sách về
tôn giáo trên toàn quốc. Các cộng đồng tôn giáo cần liên kết và bảo
vệ lẫn nhau, giữa các tôn giáo và giữa các hệ phái cùng tôn giáo.
Sự liên kết giữa các hệ phái
cùng tôn giáo đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về thế nào là tự do tôn
giáo: không được áp đặt tín lý hay cách diễn giải tín lý của mình
lên người khác, nghĩa là không được cho rằng chỉ có “hệ phái” của
mình mới là “chính thống” mà mọi hệ phái khác phải quy phục. Cách
suy nghĩ ấy chính là thái độ của các hệ phái quốc doanh, sẽ tạo
chia rẽ và làm mất đi hậu thuẫn quốc tế.
Sự liên kết giữa các tôn giáo sẽ
tăng khả năng bảo vệ cho mọi tôn giáo nhở “báo cáo chéo” – tôn giáo
này lập hồ sơ và lên tiếng bênh vực cho tôn giáo khác. Khi ấy, những
nhóm đang bị tê liệt sẽ từng bước vượt qua sự sợ hãi để phát triển
khả năng tự bảo vệ. Trong sự liên kết ấy, khi một tôn giáo tăng khả
năng tự bảo vệ thì cũng là tăng lực chung của mọi cộng đồng
tôn giáo.
Khai thác tiến trình hội nhập
So với các quốc gia ĐNÁ khác, các
tổ chức XHDS cũng như cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam hãy còn bị cô
lập khỏi thế giới bên ngoài, một phần do hậu quả của chính sách
cản chặn của nhà nước và một phần do chính người dân chưa ý thức
rằng tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế đang mở ra những “sân
chơi” mới, nơi mà chính quyền không dễ khống chế người dân. Diễn đàn
toàn khu vực ĐNÁ là một sân chơi quan trọng vì qua đó tiếng nói của
người dân ở từng quốc gia có thể vươn đến quốc tế.
Hội nghị ở Bangkok vào tuần rồi
mở cánh cửa cho tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam nhập vào
sân chơi này, chứ không chỉ riêng những nhóm có mặt. Vì phải hạn chế
số người tham gia hội nghị, chúng tôi không thể mời đông hơn. Với ít
ngoại lệ, chúng tôi đã chọn mời những thành phần mà tháng 7 năm ngoái chưa gặp Ts. Bielefeldt khi phái đoàn của Ông đi thị sát
Việt Nam. Lúc ấy chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với phái đoàn của
Ts. Bielefeldt và sắp xếp để họ gặp khá nhiều thành phần tôn giáo
khác nhau. Thông tin từ chuyến thị sát ấy cũng nằm trong nội dung của
hội nghị.
Để mở đường cho những bước kế
tiếp, ban tổ chức hội nghị đã soạn bản tuyên bố chung với sự góp ý
của mọi thành phần tham dự. Bản tuyên bố chung này khẳng định thái
độ và hành động trong sự đoàn kết với các cá nhân và cộng đồng tôn
giáo bị đàn áp trong toàn vùng ĐNÁ, trong đó có Việt Nam là nổi
bật. Nó đặt nền móng cho một nỗ lực dài hạn và rộng lớn để các
cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam phát triển mối liên kết toàn khu vực
và, qua đó, với quốc tế.
Những việc phải làm
Hội nghị ở Bangkok vào tuần qua
mở ra cơ hội mới cho các cộng đồng tôn giáo đang bị đàn áp ở Việt
Nam để huy động sự yểm trợ quốc tế và vươn ra hoạt động ngoài vòng
kềm toả của chính quyền. Để khai thác cơ hội ấy, các cộng đồng tôn
giáo ở trong nước cần thực hiện 3 việc:
1/ Cấp tốc đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên báo cáo
các vi phạm tự do tôn giáo. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận người tham
gia chương trình huấn luyện về báo cáo vi phạm.
2/ Liên
kết với nhau, giữa các hệ phái cùng tôn giáo và giữa các tôn giáo,
để tăng sức mạnh và khả năng tự vệ. Chúng tôi sẵn sàng tạo mối liên
lạc nếu cần thiết.
3/ Hoà nhập vào phong trào toàn vùng về
tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tạo
điều kiện để mọi thành phần tôn giáo độc lập ở trong nước tham gia
vào các diễn đàn khu vực và quốc tế từ nay trở đi.
Tại buổi họp báo ngay sau Hội
Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng ở ĐNÁ, một du sinh từ Việt Nam
đã gặp tôi và chia sẻ cảm nghĩ: “Em ngạc nhiên là có một tổ chức
Việt Nam đồng tổ chức được một hội nghị quốc tế như thế này.”
Nhận xét này nói lên cơ hội vừa
được mở ra để các cộng đồng tôn giáo ở trong nước vượt ra khỏi vòng
kềm chế của nhà nước Việt Nam và vươn ra hoạt động ở tầm vóc khu
vực và quốc tế. Đây là một thành quả chiến lược quan trọng,
được chuẩn bị từ nhiều năm, mà tôi mong rằng đồng bào trong nước
sẽ tận dụng để giành lại quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho
chính mình.
Song song với việc tổ chức hội
nghị vừa qua, chúng tôi đang tạo môi trường rộng lớn hơn
nữa để các cộng đồng tôn giáo ở trong nước thực thi quyền tự do tôn
giáo của mình mà chúng tôi sẽ công bố khi đúng thời điểm.
Bài liên quan:
Hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông
Nam Á (RFA)
Xã hội dân sự độc lập VN lần đầu tiên
góp tiếng tại Hội nghị XHDS Đông Nam Á