Trang

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

689. CHIẾN LƯỢC HÒA ĐỒNG TÔN GIÁO CỦA ĐẠO CAO ĐÀI...


CHIẾN LƯỢC HÒA ĐỒNG TÔN GIÁO...
Ngày 29/09/2015 phái đoàn Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài (15 thành viên) đã tham dự hội nghị về Tự do Tôn giáo và tín ngưỡng trong khu vực Đông Nam Á tại thủ đô Bangkok, Thái Lan....

Hội nghị chia làm 05 nhóm nhỏ để thảo luận sâu vào đề tài cho từng nhóm. Sau đó đem các ý kiến ra hội nghị tổng hợp lại. Cách làm việc như vậy cũng giống như cách làm việc trong Đại Hội Nhơn Sanh của Đạo Cao Đài.
KNS nằm trong nhóm 3 với đề tài: Làm sao để tôn giáo và tôn giáo đừng bất hòa nhau như Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo...hay là hòa đồng tôn giáo...
CTS Trần Quốc Tiến thay mặt KNS trình bày rất vắn tắt:
... Các tôn giáo có điểm chung là: Quyền lực nằm ở bộ máy thượng tầng (chức sắc). Hạ tầng (tín đồ) không có quyền lực để kiểm soát hay góp phần đưa ra đường lối cho thượng tầng. Đó chính là sự thiếu dân chủ, nhân quyền trong tôn giáo. Muốn hóa giải và đi đến chấm dứt phải thay đổi từ căn bản: hạ tầng đóng vai trò quyết định, thượng tầng trở về vị trí điều hợp. Tức là giải quyết tính dân chủ, nhân quyền trong tôn giáo. Lập quyền cho hạ tầng chính là chìa khóa, là giải pháp căn bản... KNS đã trao văn bản chiến lược hòa đồng tôn giáo đến BTC.

ĐÂY LÀ NGUYÊN VĂN...

Đề tài: Làm sao để tôn giáo và tôn giáo đừng kỳ thị nhau như Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo...hay là hòa đồng tôn giáo... Đây là đáp án ngắn của KNS.

CHIẾN LƯỢC HAY PHƯƠNG PHÁP HÒA ĐỒNG TÔN GIÁO.
1/- Tại sao các tôn giáo không hòa hợp nhau được?
Về tổ chức: Tôn giáo nào cũng có thượng tầng và hạ tầng.
Các tôn giáo có điểm chung là: Quyền lực nằm ở bộ máy thượng tầng (chức sắc). Bộ máy thượng tầng không bị giới hạn về nhân sự.  Hạ tầng (tín đồ) không có quyền lực để kiểm soát hay góp phần đưa ra đường lối cho thượng tầng.
Hậu quả là trí tuệ, sức mạnh của hạ tầng không được vận dụng.
Đó chính là sự thiếu dân chủ, nhân quyền trong tôn giáo.
Đó là nguyên nhân của việc các tôn giáo không hòa đồng nhau thậm chí là chiến tranh tôn giáo.
2/- Cách thức hóa giải.
Muốn hóa giải và đi đến chấm dứt phải thay đổi từ căn bản: Sự tương quan quyền lực giữa thượng tầng và hạ tầng. Tức là giải quyết tính dân chủ, nhân quyền  trong tôn giáo. Đó là lý do Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài ra đời (1926).
Giải quyết bài toán dân chủ và nhân quyền trong tôn giáo.
Đạo có lập trình căn bản về giáo lý và pháp luật; được công bố bằng văn bản rất minh bạch. Giáo lý đó là Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Pháp luật là Pháp Chánh Truyền. Hai văn kiện nầy chi phối tất cả dù hạ tầng hay thượng tầng đều theo lập trình đó không được tự ý điều chỉnh hay thay đổi.
Theo Pháp Chánh Truyền: Các cấp bậc được ấn định rõ ràng. Mổi cấp bậc có bao nhiêu nhân sự. Nhiệm vụ mổi cấp bậc. Cấm tuyệt đối việc tăng thêm cấp bậc hay nhân sự ở các cấp bậc. Nghĩa là đóng khung bộ máy thượng tầng.
Hạ tầng (Bàn Trị Sự và Đạo Hữu) được quyền phát triển không giới hạn.
Hạ tầng nắm quyền thanh tra các việc làm của thượng tầng, có quyền công nhận hay không công nhận nhân sự thượng tầng bằng cơ chế rõ ràng, được quyền đưa ra những đề án cho tôn giáo và bảo vệ nó... Đặc trưng điển hình để giải quyết bài toán dân chủ và nhân quyền trong tôn giáo là Đại Hội Nhơn Sanh (Đại Hội Tín đồ).
3/- Kết luận.
Thay đổi cán cân quyền lực từ thượng tầng sang hạ tầng để giải quyết nan đề dân chủ và nhân quyền trong tôn giáo đó là thay đổi từ căn bản. Lập quyền cho hạ tầng chính là chìa khóa, là giải pháp căn bản đi đến hóa giải bất đồng và chấm dứt xung đột tôn giáo dẫn đến hòa bình chung sống./.
(LƯU Ý RẰNG nguyên tắc LẬP QUYỀN NHÂN LOẠI là chìa khóa vạn năng).

HAI.
TƯƠNG QUAN ĐẠO & ĐỜI.
Trong bài Chiến lược hay Phương pháp hòa đồng tôn giáo chúng tôi đã trình bày ngắn gọn nguyên do vì sao có sự bất đồng tôn giáo hay chiến tranh tôn giáo. Đó là sự thiếu dân chủ và nhân quyền trong tôn giáo. Chứng cứ cụ thể là cán cân quyền lực do thượng tầng nắm trọn vẹn; còn hạ tầng là con số không tròn trĩnh... Lãnh đạo các giáo hội đã nắm trọn quyền... tín đồ chỉ có việc vâng phục và thực hiện... Cho nên nhiều trí thức, đạo tâm đã nhìn người tín đồ tôn giáo như bầy cừu yên lặng cứ theo sự hướng dẫn duy nhất từ người chăn...
Bài nầy sẽ trình bày sự tương quan tôn giáo và xã hội; từ đó nhận ra nhu cầu căn bản để chỉnh đốn.
1/- Xã hội là bức tranh phản ánh tôn giáo.
Tôn giáo đã góp phần quan trọng xây dựng nên các nền văn hóa, văn minh và thể chế xã hội. Tư tưởng tôn giáo ảnh hưởng và hướng dẫn xã hội là điều không thể phủ nhận. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng bức tranh xã hội phản ánh bức tranh tôn giáo. Tôn giáo như thế nào thì xã hội như thế ấy. Đó là nói về nguồn gốc. (1).
Vậy khi tự thân tôn giáo thiếu dân chủ và nhân quyền thì xã hội thiếu dân chủ nhân quyền là điều tất yếu. Hậu quả của nó là nhiều chế độ độc tài xuất hiện; nhân loại đang phải hứng chịu tai ương từ chế độ độc tài đem đến. Đó là chứng cứ thể hiện tôn giáo đã tác động mạnh mẽ lên xã hội.
2/- Xã hội đã đi trước tôn giáo.
Xã hội đã không chấp nhận việc thiếu dân chủ và nhân quyền nên đã tách mình ra khỏi ảnh hưởng tôn giáo. Các chế độ dân chủ bắt đầu xuất hiện và hấp dẫn nhân loại. Tôn giáo không đáp ứng luật cung cầu, cho nên nhân loại rời xa tôn giáo ngày một nhiều. Trên thế giới ngày nay có nhiều quốc gia đã xây dựng được thể chế dân chủ, nhân quyền vượt trội so với các tôn giáo. Điều đáng nói nữa là chưa có tôn giáo lớn nào chỉnh đốn để có dân chủ, nhân quyền theo luật cung cầu.
Lịch sử chứng minh các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo buổi đầu đã đã cung cấp những kiến thức tiên tiến về tính bác ái, công bằng để hướng thiện nhân loại (làm lành, lánh dữ)... nhưng sau đó tôn giáo đã tự đánh mất vị thế của mình.
Xã hội tách mình ra khỏi tôn giáo, nhưng với những bất đồng tôn giáo hiện nay đã ảnh hưởng đến xã hội một cách mạnh mẽ. Thế giới sẽ không bao giờ có hòa bình nếu các tôn giáo không có hòa bình. Nếu tự thân các tôn giáo có sự hòa bình và hòa bình giữa các tôn giáo với nhau thì vấn đề hòa bình của thế giới được giải quyết từ căn bản.
Chính các tôn giáo là vấn đề và sau đó là vấn đề của các tôn giáo.
Muốn phục hồi vị thế tôn giáo phải có sự bộc phát để cho thấy từ trong tôn giáo có tư tưởng, có cơ chế thể hiện dân chủ và nhân quyền vượt trội. Dân chủ, nhân quyền đó đi trước xã hội và xã hội phải cầu học từ tôn giáo theo đúng qui luật cung cầu.
Bài ba: Tôn giáo xây dựng xã hội theo luật cung cầu.
%%%%%
(1). Khởi đầu tôn giáo (tinh thần, đạo) tạo ra văn minh (vật chất, đời) cho nhân loại. Nhưng khi đã hình thành thì xã hội và tôn giáo song hành. Đạo Đức Kinh viết hữu sinh ư vô (hữu hình sinh ra từ vô vi) là nói về nguồn gốc. Nhưng khi hữu hình đã ra đời thì hữu vô tương sanh (hữu và vô sanh ra lẫn nhau) đó là nói về sự tương tác nhau sau khi hiện sinh.
Thiễn nghĩ định luật vạn vật hấp dẫn của Newton thể hiện được phần nào lực tương tác nhau giữa đạo và đời. 

BA.
TÔN GIÁO XÂY DỰNG XÃ HỘI.
Cuộc sống nhân loại đi từ ăn lông, ở lổ rồi đến văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh điện và điện tử để bước sang văn minh tâm linh. Về tổ chức xã hội; nhân loại đi từ rời rạc, đến bộ lạc, thành bang, quốc gia và hiện nay đang bước vào thời toàn cầu hóa. Các thể chế xã hội hiện dụng có thể kể như: quân chủ lập hiến, cộng hòa, liên bang, tư bản, cộng sản, trung lập...
Các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo... đều hiện sinh trong thời ăn lông, ở lổ hay văn minh nông nghiệp. Thể chế xã hội tương ứng thuộc về thời kỳ quân chủ chuyên chế là chính. Các tôn giáo buổi đầu đều cung ứng những công thức tiến bộ về công bằng, bác ái, trí tuệ... cho nên nhân loại đã đón nhận, cầu học để xây dựng cuộc sống của chính mình và xã hội theo luật cung cầu.
Tôn giáo ngủ quên trên ánh hào quang của chính mình, không đào sâu những điều thâm sâu trong giáo lý. Tính dân chủ và nhân quyền từ các vị giáo chủ đề ra đã bị gói gọn trong trong quan điểm của thượng tầng là bộ máy lãnh đạo giáo hội; bỏ hẳn quan điểm của hạ tầng. Vụ án Kopernik (Copernic) bị Giáo Hội Công Giáo đe đọa đến nổi phải từ bỏ khám phá của ông về Hệ Nhật tâm (Mặt Trời là trung tâm vũ trụ) là chứng cứ lớn cho sự tụt hậu của tôn giáo. Các tôn giáo đã không đáp ứng được nhu cầu nhân loại theo qui luật cung cầu. Do đó nhân loại xa dần tôn giáo....
Về xã hội học: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài lập năm 1926 tại Chùa Gò Kén, Làng Long Thành, Tỉnh Tây Ninh, miền Nam Việt Nam. Đạo ra đời là để chỉnh lý bản thân tôn giáo; canh tân các vấn đề của tôn giáo; xây dựng nền văn minh tâm linh (hay văn minh nhơn đạo) thời toàn cầu hóa, theo luật cung cầu.
1/- Chỉnh lý bản thân tôn giáo: Tính quốc đạo của tôn giáo.
Nhiều quốc gia đã đi trước các tôn giáo nhiều bước về cách thức tổ chức xã hội theo khuôn mẫu dân chủ, tự do, nhân quyền. Đạo Cao Đài nhìn nhận sự tiến bộ của nhân loại nên công bố Đạo Cao Đài là quốc đạo. Nghĩa là đạo được tổ chức có qui củ chuẩn thằng như cách thức tổ chức một quốc gia và thực hiện đúng như vậy. Cho nên ngay từ buổi đầu chính quyền Pháp đã phải nhận xét: Đạo Cao Đài lập một quốc gia trong một quốc gia.
Hiến pháp của đạo (Pháp Chánh Truyền) thuộc diện hiến pháp thành văn và cương tính (bất di bất dịch trong mọi hoàn cảnh). Có bộ máy hành chánh tôn giáo thể hiện quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp phân biệt minh bạch. Có thủ đô tôn giáo và phạm vi hoạt động của đạo là toàn thế giới. Đạo Cao Đài đã hội đủ 03 thành tố: tín đồ, địa điểm trung ương (lãnh thổ) và bộ máy hành chánh tôn giáo.
Quốc đạo đi trước thời đại khi hiến pháp của đạo phân quyền cho hạ tầng có đầy đủ quyền hành trước thượng tầng. Thượng tầng không có cơ hội nào để khống chế hạ tầng. (như đã trình bày vắn tắt ở bài một phần 2).
Bài toán chỉnh lý tự thân tôn giáo được giải quyết bằng tính cách quốc đạo.
2/- Giải quyết các vấn đề của tôn giáo xây dựng xã hội.
Về nguyên lý: Lấy tinh hoa của Tam giáo (Phật, Tiên, Nho) và hiệp nhất Ngũ chi (Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo) lại làm một. Bổ sung thêm công thức xây dựng nền văn minh tâm linh hay văn minh nhơn đạo để xây dựng thế giới đại đồng trên nền tảng Bác Ái – Công Bằng.
Đạo Cao Đài ra đời là để cung ứng công thức, cơ chế, mô hình lập quyền cho nhân loại. Đó là giải pháp căn bản đáp ứng nhu cầu nhân loại về hòa bình, dân chủ, tự do trong thời toàn cầu hóa. Nó phù hợp với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Hòa bình chung sống. Dân chủ  có nhân quyền. Tự do trong đạo đức. Đạo thực thi Bảo Sanh, Nhơn Nghĩa, Đại Đồng qua Trường học, Sở Dưỡng Lão, Ấu và Tịnh Thất. Thực hiện cuộc cách mạng nhơn nghĩa qua 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết, và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh.
Tôn giáo có cơ chế lập quyền nhân loại qua ba cấp: Đại Hội Nhơn Sanh, Đại Hội Hội Thánh và Thượng Hội.
Nhơn Sanh là cấp thấp nhất trong tôn giáo và đông nhất nên mạnh nhất. Nhơn sanh nắm quyền kiểm soát hoạt động tôn giáo (thanh tra chánh trị đạo), muốn vào hàng phẩm chức sắc và muốn được thăng chức dù ở cấp phẩm nào cũng phải qua sự tuyển chọn của Đại Hội Nhơn Sanh.
Nhơn sanh sẽ thúc ép bộ máy thượng tầng tôn giáo thực hiện đúng trách nhiệm của tôn giáo: đem công lý đánh đổ cường quyền. Đại Hội Nhơn Sanh có quyền lên tiếng về tất cả các vấn đề trong xã hội như: bất công, sưu cao thuế nặng, tham nhũng... bằng những quyết nghị. Bộ máy thượng tầng phải đem ra thảo luận và thực hiện. Trí tuệ và sức mạnh của nhơn sanh có cơ chế phát huy. Đó chính là lập quyền cho nhân loại trong tôn giáo.
Nhưng cũng là điều đại kỵ cho nhà cầm quyền độc tài.
3/- Đại Hội Nhơn Sanh.
Sau ngày 30/04/1975 nhà cầm quyền hiện nay ra Bản Án ngày 20/07/1978 lên án Đạo Cao Đài là phản động. Ngày 13/12/1978 chính quyền đã ra quyết nghị giải tán toàn bộ hành chánh tôn giáo từ trung ương đến địa phương.
Ngày 09/05/1997 chính quyền lập ra chi phái 1997 để tiêu diệt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nhà cầm quyền độc tài muốn thủ tiêu tôn giáo Cao Đài chân truyền có đủ điều kiện xây dựng một xã hội mới; hoàn toàn khác biệt với xã hội độc tài của nhà cầm quyền về mọi phương diện.
Đạo chủ trương nâng đở người dốt nát, ít học, nghèo khó để họ trở thành người có hiểu biết và có cuộc sống an cư lạc nghiệp. Nghĩa là nâng đở để họ thành người giàu có về vật chất lẫn tinh thần. Nó hoàn toàn trái với chủ trương ngu dân, tịch thâu của cải hạng hữu sản, rồi không ai biết đem về đâu của chính quyền...
Với hệ thống triết lý và chủ trương nhân văn như vậy, nên Đạo Cao Đài tài sản chung của dân tộc Việt Nam và cả nhân loại. Muốn xây dựng cho dân tộc Việt Nam có được hòa bình, dân chủ, tự do, đạo đức, nhân quyền thì Đạo Cao Đài là phương thuốc hữu hiệu. Muốn Đạo Cao Đài được phục sinh thì phải có Đại Hội Nhơn Sanh.
Đại Hội Nhơn Sanh sẽ công cử người cầm quyền hành chánh tôn giáo để tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng nhơn nghĩa, góp phần giải quyết các vấn đề của tôn giáo xây dựng xã hội phù hợp với giá trị phổ quát về hòa bình, dân chủ, tự do... ./.