Trang

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

730. THI HÀNH BẢN ÁN CAO ĐÀI (20/07/1978)


Bản án Cao Đài được thi hành như thế nào?
Thời Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam có các tôn giáo lớn: Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài... Sau ngày 30/04/1975 các tôn giáo đều bị cải tạo theo chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản. Trong đó Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay Đạo Cao Đài lập năm 1926 bị chính quyền ra  Bản án Cao Đài ngày 20/07/1978.
Nội dung chính của Bản án Cao Đài.

Sự ra đời của giáo phái Cao Đài có một quá trình chuẩn bị và đạo diễn của bọn thực dân Pháp, mà trực tiếp chỉ đạo là những tên tình báo Pháp Bomet, Latapie, thống đốc Nam kỳ LeFol. (trang 03).
Những người cầm đầu giáo phái này lập đạo để chống cách mạng,  không ngừng lợi dụng xương máu, mồ hôi, nước mắt của tín đồ, mà tuyệt đại bộ phận là nông dân và nhân dân lao động yêu nước, để làm hậu thuẫn chính trị phản động cho các đế quốc xâm lược nước ta qua thời kỳ lịch sử của dân tộc... (trang 03).
...tập đoàn cầm đầu Cao Đài chỉ là những người thực sự làm tay sai đứng ra thực hiện một âm mưu có lợi cho thực dân Pháp... (trang 04)
Tập đoàn cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh và quân đội Cao Đài trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1955 đã phản bội tổ quốc trắng trợn. (trang 05).
Giáo phái Cao Đài Tây Ninh là một tổ chức chánh trị dưới hình thức tôn giáo của một nhóm người quan lại, địa chủ phong kiến đứng ra sáng lập, có tham vọng chánh trị, tham vọng cầm quyền  (trang 10).
Vì có tham vọng chánh trị, tham vọng cầm quyền, nên những người cầm đầu tổ chức Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh và hệ thống của nó là Bộ máy nhà nước và hệ thống Hành chánh của nhà nước trá hình, để khi nắm được chánh quyền thì biến nó trở thành hệ thống nhà nước... mẫu Sớ Cầu Đạo giống như thẻ căn cước ... những người cầm đầu nối tiếp nhau làm tay sai cho các đế quốc xâm lược nước ta, đã làm hoen ố thanh danh Đạo. Tư tưởng chỉ đạo của nhóm cầm đầu tôn giáo này là hệ tư tưởng phản động.  (trang 11).
Tóm lại: Bản án đã kết tội toàn bộ chức sắc Đại thiên phong có công khai đạo là tay sai của thực dân. Giáo chủ Đạo Cao Đài, Hộ Pháp Phạm Công Tắc là phản quốc; hệ tư tưởng Cao Đài là phản động.

Mục đích của bản án.
 Bản án viết ĐĐTKPĐ do Pháp chỉ đạo thành lập nhằm phá hủy sự tín ngưỡng của người đạo đối với Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng. Lên án Đức Hộ Pháp phản quốc để phá hủy sự tin tưởng, lòng yêu kính của người đạo đối với Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Qui kết hệ tư tưởng tôn giáo Cao Đài phản động để gây chia rẽ nhân sự trong tôn giáo với nhau và gây chia rẽ cộng đồng tôn giáo với cộng đồng xã hội. Cuối cùng là triệt tiêu Đạo Cao Đài năm 1926.

Tính pháp lý của Bản án.
Bản án do Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Tây Ninh ban hành. Cuối bản án không có ai ký tên. Bản án không có phiên tòa xét xử, không qua một thủ tục tố tụng nào... nên người bị kết án hay người liên quan không có một cơ hội nào để đối chất hay biện minh... Nhưng nhà cầm quyền đã thi hành bản án rất quyết liệt.

Đội ngũ thi hành án.
Theo Quyết nghị ngày13/12/1978 của Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh thì Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh là người thi hành và có trách nhiệm báo cáo về trên là trung ương; (điều 05 quyết nghị). Trên thực tế bất cứ một cán bộ nào, một tên du côn nào cũng đều có quyền đóng vai thi hành án. Đây là cách thi hành án rất đặc biệt so với những bản án của Tòa án ban hành. Thi hành án thể hiện qua 02 giai đoạn.
Thứ nhất: (1978/1989); dùng cán bộ trong bộ máy công quyền thi hành án.
Thứ hai: từ 1989 đến nay (2015): thu thập người trong tôn giáo làm cán bộ tôn giáo để thi hành án. Số người nầy về hình thức vẫn mang phẩm tước trong tôn giáo nhưng nhiệm vụ chính của họ là phá bỏ pháp luật, lễ nghi và đạo đức trong tôn giáo. Nói rõ ra là dùng người tôn giáo diệt tôn giáo.

Thời gian thi hành án.
Chính quyền không công bố thời gian thi hành án cho nên từ 1978 đến 2015 Bản án đã thi hành hơn 37 năm. Nhà cầm quyền hiện nay chưa có dấu hiệu ngưng thi hành án để tiến đến việc xóa án.

Đối tượng bị thi hành án.
Bản án lên án toàn bộ chức sắc Đại Thiên Phong có trách nhiệm khai đạo là tay sai của thực dân và hệ tư tưởng Cao Đài là phản động. Cho nên trên thực tế có 03 đối tượng đã bị thi hành án:
Thứ nhất: là tổ chức tôn giáo ĐĐTKPĐ hay Đạo Cao Đài lập năm 1926. Bị xóa bỏ hành chánh tôn giáo đã được gầy dụng từ năm 1926. Đến ngày 09/05/1997 bị chi phái 1997 chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi...
Thứ hai: là những người thừa kế bao gồm toàn thể tín đồ ĐĐTKPĐ hay Đạo Cao Đài lập năm 1926. Một số người bị tù vì không chấp nhận bản án. Còn lại thì không được hoạt động tôn giáo theo pháp luật và nghi lễ chơn truyền.
Thứ ba: là chính Đức Hộ Pháp. Thể hiện rõ ràng nhất là di ngôn bị phá hoại, nhân quyền bị chà đạp qua việc rước liên đài năm 2006.
Đó là 03 đối tượng bị thi hành bản án Cao Đài.
Chúng tôi xin ghi nhận những sự kiện chính yếu trong việc thi hành bản án:

Khai triễn rộng rãi trong quần chúng và tín đồ.
Chính quyền đem Bản án ra khai triễn rộng rãi các cơ quan, trường học, trong quần chúng và tín đồ. Các chức sắc, chức việc đều phải học tập và viết thu hoạch thể hiện là đã hiểu và chấp nhận bản án. Những người viết thu hoạch không đạt yêu cầu bị tập trung lại để học tập thêm. Các chức sắc Cao Đài bị bắt vào trại cải tạo sau ngày 30/04/1975 cũng được học tập từ trong nhà tù. Một số chức sắc học xong viết thu hoạch tốt, được chính quyền đưa đi khai triễn trong cơ quan, trường học hay quần chúng...

Quyết nghị ngày 13/12/1978: Xóa trắng hành chánh tôn giáo.
Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh khóa 01 kỳ họp thứ sáu ra ngày 13/12/1978 là quyết nghị thi hành án; thể hiện tiêu biểu nhất tại điều ba.
Điều III: giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức hành chính đạo từ trên đến cơ sở, xóa bỏ và nghiêm cấm cơ bút, chính quyền sẻ quản lý toàn bộ cơ sở vật chất mà đạo đang quản lý kinh doanh không thuộc chức năng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích xã hội. Đồng thời căn cứ vào tính chất tu hành, chính quyền sẽ quy định cụ thể số cơ sở để lại cho Đạo quản lý và số người trong từng cơ sở để chuyên lo việc tín ngưỡng.
Theo đó, nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức hành chính đạo từ trên đến cơ sở ... có nghĩa là cấp trung ương (trên) và cơ sở là các cấp: Trấn Đạo, Châu Đạo, Tộc Đạo và Hương Đạo. Rõ ràng là quyết nghị đã xóa trắng hành chánh tôn giáo 05 cấp của Đạo Cao Đài.
Điều V: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết này và báo cáo kết quả lên cấp trên và Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh trong kỳ họp tới.
Điều V viết: ... báo cáo kết quả lên cấp trên.... như vậy cấp trên là ai? Chắc chắn rằng cấp trên của Ủy Ban Nhân Dân Tây Ninh phải là cấp trung ương. Điều nầy chứng tỏ bản án ra đời và quá trình thi hành án có sự chỉ đạo từ cấp trung ương. Chứng cứ là nhiều cơ sở tôn giáo, Thánh Thất hay Điện Thờ của Đạo Cao Đài ở ngoài Tỉnh Tây Ninh cũng đã bị tịch thu trong thời gian nầy.
Quyết nghị ngày 13/12/1978 đã xóa trắng hành chánh tôn giáo.
Đây là bước thi hành án thô bạo và quyết liệt nhất.
79 ngày sau đó Hội Thánh Cao Đài đã sáng suốt và mạnh mẽ ban hành Đạo Lịnh 01 ngày 01/03/1979 tái lập lại hành chánh tôn giáo 02 cấp: Trung ương và địa phương để duy trì hoạt động tôn giáo.
Điều hành cấp trung ương là Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ). Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa là Chưởng Quản.
Điều hành các địa phương (Thánh Thất và Điện Thờ) là các Ban Cai Quản.
ĐĐTKPĐ được quyền thăng thưởng và đào tạo chức sắc...(Điều ba). Được quyền thực hiện bí pháp của Đạo, được quyền thực hiện các nghi lễ đạo từ trung ương đến địa phương. Hành đạo theo giáo pháp chơn truyền đã ban hành (Điều năm và sáu). Nghĩa là một số điều căn bản của ĐĐTKPĐ vẫn được duy trì.
Chính quyền buộc lòng phải chấp nhận Đạo Lịnh 01/1979.
HĐCQ hành đạo rất minh bạch và hiệu quả nên đã hạn chế tối đa tác hại của Bản án Cao Đài. Chính quyền tịch thu nhiều cơ sở tôn giáo nhưng pháp luật, giáo lý chơn truyền của tôn giáo được bảo tồn. Cơ chế có thu gọn lại nhưng đạo vẫn vững vàng. Mục đích của chính quyền khi ra Bản án Cao Đài đã không đạt được.  HĐCQ do Hội Thánh lập ra để hành đạo đã làm chính quyền tức giận.
Chính quyền tiếp tục ra quyết định 124/QĐ – UB ngày 04/06/1980 tịch thu nhiều tài sản tôn giáo và nghiêm cấm nhiều hoạt động tôn giáo. Dòng chữ cuối quyết định ghi: Quyết Định này có hiệu lực ngay và phải được triển khai thực hiện xong trong vòng 01 ngày... đã thể hiện chính quyền trút cơn thịnh nộ lên HĐCQ.
Cho nên chính quyền giải tán HĐCQ của Hội Thánh Cao Đài (quản chế Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa là Chưởng quản) và lập ra Hội Đồng Quản Lý (1984).

Quyết định số 88 QĐ – UB ngày 14/09/1989: dùng nhân sự trong tôn giáo thi hành án...
Năm 1989 bàn cờ thế sự thế giới chuyển biến mạnh mẽ, nhiều quốc gia theo chế độ cộng sản thi nhau sụp đổ. Bắt đầu tại Ba Lan, tiếp tục là Hungary, Đông Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc. Chỉ riêng Romania là nước duy nhất thuộc Đông Âu lật đổ chế độ cộng sản bằng bạo lực. 
Trung Quốc có cuộc biểu tình Thiên An Môn  ngày 04/06/1989.
Thành trì xã hội chủ nghĩa Liên Xô như ngọn đèn trước gió...
Chính quyền nhận ra rằng thế sự đã trở ngọn cờ, chủ nghĩa cộng sản không còn hùng mạnh như năm 1979. Tình thế không cho phép nhà cầm quyền duy trì cách thi hành án để diệt đạo thô bạo như vậy nữa. Một thực tế quan trọng là họ thấy rằng thi hành án bằng cách dùng cán bộ diệt đạo không hiệu quả.
Nhà cầm quyền thay đổi cách thi hành án: Dùng người đạo chuyển hóa họ thành cán bộ tôn giáo để diệt đạo. Số người nầy được ban bố một số quyền lợi và cam tâm diệt đạo. Đây là bước chuyển cách thức thi hành án rất tinh vi.
Chính quyền đã lập ra HĐCQ để tiếp tục thi hành án nên cho quyết định số 88 QĐ – UB ngày 14/09/1989 ra đời.
Đạo Lịnh 01/1979 qui định Chưởng Quản phải là Chánh Phối Sư hay tương đương... Năm 1989 đạo còn Ngài Qu. Thượng Chánh Phối Sư Thượng Nhã Thanh; nhưng nhà nước không chấp nhận; cho nên giao cho ông Phối Sư Thượng Thơ Thanh (thế danh Hồ Ngọc Thơ) làm Hội Trưởng (vì không đủ chuẩn làm Chưởng quản). Danh là HĐCQ nhưng không có Chưởng quản mà chỉ có Hội Trưởng.
HĐCQ bắt đầu dùng quyền hành để phá pháp luật, và nghi lễ chơn truyền của đạo...gây chia rẽ trong tôn giáo. Khi bị chất vấn về việc thay đổi nghi lễ chơn truyền Ông Hội Trưởng Hồ Ngọc Thơ tuyên bố: ...Ai muốn làm theo Hộ Pháp thì đi kiếm Hộ Pháp mà làm, còn đây là HĐCQ ai không đồng ý thì về nhà... là một chứng cứ mạnh mẽ rằng:
 Chính quyền lập ra HĐCQ là để tiếp tục thi hành bản án Cao Đài, tiếp tục diệt Đạo Cao Đài. Chính quyền chọn người trong tôn giáo rồi biến thành cán bộ tôn giáo để diệt tôn giáo. Đó là đánh bùn sang ao.

Lập chi phái ngày 09/05/1997 để giết đạo.
HĐCQ do chính quyền lập ra để diệt đạo nên bị người đạo phản đối mạnh mẽ. Phong trào kiến nghị năm 1995 có sự tham gia của người đạo trên 20 Tỉnh, Thành gởi về hàng trăm kiến nghị yêu cầu thi hành điều số 04 Đạo Lịnh 01/1979 để chấn chỉnh đạo sự theo chơn truyền rất mạnh mẽ.
Phòng quan sát đạo sự của HĐCQ phải ra Tâm Thư xác nhận HĐCQ của Hội Thánh lập có quyền từ trung ương đến địa phương còn HĐCQ hiện nay chỉ có quyền trong huyện Hòa Thành.
Chính quyền lâm vào thế bị động nên dùng côn đồ tấn công những người kiến nghị, nhưng không hiệu quả do phong trào kiến nghị chủ trương tranh đấu ôn hòa bất bạo động. Ngày 26/06/1996 chính quyền bắt khẩn cấp 03 (ba) người tích cực để dập tắc phong trào kiến nghị.
Ngày 09/05/1997 chính quyền sắp xếp cho HĐCQ lập ra chi phái tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh để tiếp tục thi hành bản án Cao Đài.
Chi phái 1997 có danh hiệu là: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh (10 chữ) gọi tắc là Đạo Cao Đài Tây Ninh (5 chữ). Ông Nguyễn Thành Tám là Dân Biểu Quốc Hội Việt Nam lập ra Chi phái 1997 thì tất nhiên phải phục vụ cho lợi ích nhà nước: tiếp tục thi hành án.
Đối chiếu với lời Đức Hộ Pháp dạy tại Lời Thuyết Đạo Q.3, trang 53, bản in năm 1974:  …lập ra Chi Phái là giết Đạo… rất phù hợp. Cho nên mọi hành vi của chi phái 1997 phải được cân nhắc và hiểu trên cơ sở nầy.
Năm 1997 khối cộng sản đã suy yếu nên chính quyền Việt Nam cầu viện đến Phương Tây và Hoa Kỳ. Chính quyền đã phải chấp nhận cho ông Amor đặc-phái-viên Liên-Hiệp-Quốc đến thị sát tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngày 27-10-1998 ông đến Tòa-Thánh Tây-Ninh và viết trong sổ lưu niệm tại Tịnh Tâm Điện: “Yêu cầu trả lại quyền Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh”.
Chi phái 1997 đã cho người đến xé trang lưu niệm nầy.
Trong báo-cáo chính-thức của ông Amor viết: “Báo-cáo viên đặc-nhiệm nhắc-nhở rằng ông không được gặp-gỡ các chức-sắc thuộc Hội-Thánh đã bị giải-thể trước năm 1979…”
Ông Amor đặc biệt quan tâm đến phong trào kiến nghị và số người bị bắt ngày 26/06/1996 .
Bản án Cao Đài qui kết ... mẫu Sớ Cầu Đạo giống như thẻ căn cước cho nên chi phái 1997 đã đổi mẫu Sớ Cầu Đạo..
Chi phái 1997 đã chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi của ĐĐTKPĐ để gây lầm lạc. Đem banh vàng, xanh, đỏ vào cung Đạo tại Đền Thánh cho nhân sự họ bắt banh chọn phái thay cho cơ bút... rồi cũng mạo danh thiên phong làm cho mất đi những giá trị thiêng liêng của tôn giáo... Đó chính là những hành vi tiếp tay cho bản án để diệt đạo.

Chi phái 1997 cản trở, đe dọa và hành hung người theo ĐĐTKPĐ.
Theo Đạo Lịnh 01/1979 người Đạo Cao Đài còn đủ quyền thực hành các pháp luật và nghi lễ căn bản theo chơn truyền. Chi phái 1997 ra đời đã chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi ĐĐTKPĐ. Một số địa phương không theo chi phái 1997 thì nhân sự chi phái chỉ điểm cho chính quyền đến dẹp. Điển hình như Thánh Thất Định Quán (Đồng Nai), Thánh Thất Long Bình (Gò Công)...
Lễ thượng tượng của người theo ĐĐTKPĐ đã bị chi phái 1997 kết hợp với chính quyền để cản trở. Điển hình như nhà Trần Văn Hạp, Lê Phước Bi, Tạ Thị Thu Nga, Võ Văn Đàm, Trương Thị Hoàng, Nguyễn Thị Kim Thôi...
Người chết mà không thuận cho chi phái 1997 hành tang lễ bị gây khó khi đang hành lễ hay chổ chôn. Điển hình như tang lễ Nguyễn Đức Thu hay Lễ Sanh Thái Hai Thanh, Giáo hữu Ngọc Đoạn Thanh....

Rước liên đài năm 2006 là phá hoại di ngôn.
Năm 1955 chính quyền Ngô Đình Diệm cho Tướng Nguyễn Thành Phương về khủng bố Đạo Cao Đài và đem quân bao vây Hộ Pháp Đường. Ngày 16-02-1956 Đức Hộ Pháp lưu vong sang Campuchia và triều thiên năm 1959.
Bán Nguyệt San Thông Tin của Hội Thánh số 122 ra ngày 04/06/1976 đăng bản di ngôn tiếng Việt (14/05/1959). Tại trang 02 dòng 06 đến 09 di ngôn viết:
... Ngày nào Tổ Quốc thân yêu của Chúng Tôi là nước VIỆT NAM đã thống nhứt, sẽ theo chánh sách HÒA BÌNH TRUNG LẬP, mục phiêu đời sống của Bần Ðạo, Tín Ðồ của chúng tôi sẽ di thi hài về TÒA THÁNH TÂY NINH.
Về pháp lý: Bản dịch đăng trong Bán Nguyệt San Thông Tin có sự kiểm duyệt của Hội Thánh. Hội Thánh đã nhìn nhận pháp lý và nội dung của di ngôn. Theo đó điều kiện của chế độ cầm quyền là trung lập và đối tượng tổ chức rước là Tín đồ Cao Đài.
Ngày 04/06/1976 là thời điểm chính quyền cộng sản đã làm chủ đất nước, mọi sự in ấn, phát hành đều phải chịu sự kiểm soát của nhà nước. Có nghĩa là chính quyền cũng đã nhìn nhận di ngôn.
Năm 2006 nước Việt Nam chưa trung lập; chi phái 1997 là phản đồ của Ngài. Chính quyền cộng sản hiệp với chi phái 1997 rước liên đài Đức Hộ Pháp từ Nam Vang (Campuchia) về an vị trong bửu tháp tại Tòa Thánh Tây Ninh (Việt Nam) là trái với nội dung trong di ngôn.
Ngày 06/08/2008 Ông Nguyễn Đắc Tuấn, phó Vụ Trưởng Vụ Cao Đài thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ trả lời trả lời phóng viên Thiện Giao đài RFA rằng: ..chính phủ không lật lại lịch sử... Lịch sử thì mình đã làm xong rồi, mọi việc đã xong rồi, chúng tôi không đặt vấn đề lật lại những việc đó.... (bài Chính Phủ “không lật lại lịch sử” vấn đề tôn giáo).
Chính quyền chưa từng cho phép chi phái 1997 tái bản bất cứ đầu sách nào của Đức Hộ Pháp.
Nghĩa là cái án Đức Hộ Pháp phản quốc vẫn còn đó (thực tế là không có văn bản nào xóa án hay ngưng thi hành án). Đối chiếu điều nầy với di ngôn thì rõ ràng rằng việc thi hành án đối với Đức Hộ Pháp đã thực sự diễn ra.
Tóm lại việc rước liên đài trái với di ngôn thì chính là hành vi phá hoại di ngôn. Nó thách thức đức tin của người đạo vào Đức Hộ Pháp; là chà đạp nhân quyền của ông Phạm Công Tắc. Đó là cách thức thi hành án với Đức Hộ Pháp.

Cản trở Đại Hội Nhơn Sanh.
Tháng 09/2014 KNS và đồng đạo hiệp nhau nêu nguyện vọng mở ĐHNS theo Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp để công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo, xây dựng lại Hội Thánh Cao Đài. Đã có hơn 900 người ký tên vào nguyện vọng mở ĐHNS.
Ngày 05/05/2015 phái đoàn KNS 12 người đã gặp chính quyền cấp trung ương là Ban Tôn Giáo và Mặt Trận Tổ Quốc để trình bày về Đại Hội Nhơn Sanh và đã gởi thư mời họ tham dự. Cùng ngày 05/05/2015 một phái đoàn khác của KNS 28 người cũng đã đến Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh để thông báo mở ĐHNS.
Ngày 11/05/2015 chi phái 1997 ra văn bản xin chính quyền trấn áp người đạo. Nhà cầm quyền đã giúp đở chi phái 1997 trấn áp người đạo không cho về dự ĐHNS.
Ngày 13/05/2015 Ông David Saperstein Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã mời Khối Nhơn Sanh (KNS) đến khách sạn Sofitel lúc 18 giờ 15 để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam và riêng với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. KNS đã trình bày về Bản án Cao Đài và nói rõ Muốn giải quyết tình trạng đó từ căn bản thì Đạo Cao Đài phải có Đại Hội Nhơn Sanh theo đúng pháp luật đạo và đời..... KNS sẽ mở Đại Hội Nhơn Sanh ngày 10/04/Ất Mùi (27/05/2015) tại Tòa Thánh Tây Ninh. Đó là phép thử về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Ngày 16/05/2015 KNS đến trả lời Thông tri 01/90 (08/05/2015) và gởi thư mời dự Lễ Trình Chánh ĐHNS thì bị chi phái 1997 đóng cửa nhốt lại và bị hành hung.
Ngày 27/05/2015 KNS hiệp với người đạo Đạo Cao Đài tổ chức Lễ Trình Chánh ĐHNS tại Đại Đồng xã thì khu vực tổ chức lễ đã bị rào. Nhân sự về dự lễ bị chia tách ra thành những nhóm nhỏ và bị đẩy ra khỏi Nội Ô Tòa Thánh.
KNS thực hiện phương án 02 là chuyển qua tháp Đức Hộ Pháp tiến hành Lễ Trình Chánh ĐHNS vẫn bị cản trở và một số người bị đánh đập, bị cướp bữu ảnh Đức Hộ Pháp, bị cướp máy ảnh, bị xịt sơn, bị ném ớt bột và tiêu xay, bị xịt nước,  như ông Trần Văn Hạp, Bà Nguyễn Thị Ngăn, Bà Đặng Thị Kim Anh, Bà Trà Thị Hoa, Ông Thái Văn Phiên, Ông Phan Văn Khoái, Ông Nguyễn Văn Thọ, ông Phạm Quốc Sách, ông Trần Ngọc Sương, Ông Trần Quốc Tiến...

Đập tượng ĐHP ngày 27/08/2015.
Nhà cầm quyền hiện nay đã nhiều lần xâm phạm đến nhân quyền và tự do tôn giáo của Hộ Pháp Phạm Công Tắc: Bản Án Cao Đài; Lập ra tổ chức tôn giáo ngày 09/05/1997. Phá hoại di ngôn vào năm 2006 và đập tượng Hộ Pháp ban phép lành tại Hộ Pháp Đường ngày 27/08/2015.
Chi phái 1997 với hàng ngàn nhân viên trật tự (áo ngắn, áo dài) canh gác Hộ Pháp Đường rất nghiêm nhặc. Hổ trợ hằng ngày còn có một số công an mặc thường phục. Thời điểm trước khi phái đoàn USCIRF đến thì khâu an ninh trật tự trong Nội Ô Tòa Thánh được bố trí cẩn mật. Tượng được bố trí trên tầng lầu Hộ Pháp Đường.  Thủ phạm ra tay đập tượng xong rồi đi ra an toàn. Đến nay không bị bắt...
Ngày 25/08/2015 phái đoàn USCIRF gặp KNS để tìm hiểu về tự do tôn giáo tại Việt Nam bị đàn áp như thế nào. KNS đã trình bày về Bản án Cao Đài...
Ngày 27/08/2015 phái đoàn USCIRF trên đường đến thăm Tòa Thánh Tây Ninh thì tượng Đức Hộ Pháp bị đập lúc 10 giờ 30 phút. Ông Côn (đương quyền Q. Thái Chánh Phối Sư chi phái 1997). Ông là nhân sự cao cấp hàng thứ nhì của chi phái 1997  phát biểu trên trang web RFA ngày 05/09/2015:
“Nếu là tín đồ Cao Đài, dù cho là những phe chống báng đi nữa, không đồng thuận với Hội Đồng Chưởng Quản giờ là “Hội Thánh Nguyễn Thành Tám” đi nữa, thì cũng không ai dám làm vậy. Tôi nghĩ có lẽ bọn này bị kích bác bởi người nào đó, có lẽ là để kiếm một vài ba liều ma túy thôi nên mới dám làm chuyện đó chứ người bình thường không ai dám làm vậy.
 Theo đó Người theo Đạo Cao Đài năm 1926 không đập tượng. Hội Đồng không đập. Người bình thường không đập tượng. Người thù ghét Đức Hộ Pháp đập.
Ông Côn) đã cung cấp  bằng chứng truy tìm thủ phạm.
Vậy ai là người thù ghét Đức Hộ Pháp?
Chính quyền đã thể hiện họ không chấp nhận triết lý, phương pháp xây dựng con người và xã hội của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Bởi lẽ Đức Hộ Pháp nhìn nhận xã hội có hạng vô sản và hữu sản. Ông chủ trương nâng hạng người vô sản (về vật chất lẫn tinh thần) thành hạng hữu sản. Ông khẳng định phương pháp lấy của cải hạng hữu sản để chia cho hạng vô sản theo cách của cộng sản là sai lầm (1937). Khi nâng đở người vô sản thành hữu sản thì chủ nghĩa cộng sản không có môi trường để sống.
Ông lập ra Phước Thiện để nâng đở người nghèo khó về vật chất lẫn tinh thần được giàu có cả vật chất lẫn tinh thần. Ông chủ trương dùng tôn giáo xây dựng xã hội qua 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh.
Đức Hộ Pháp dùng phương pháp ôn hòa của tôn giáo để lập quyền cho nhơn sanh trong tôn giáo. Ông chủ trương xây dựng hạ tầng cơ sở mạnh mẽ để đối kháng với thượng tầng kiến trúc. Từ mô hình trong tôn giáo người dân sẽ hiểu và áp dụng cho xã hội đời: lập quyền dân.
Nhà cầm quyền hiện nay chủ trương dân giàu, nước mạnh.
Hộ Pháp  Phạm Công Tắc chủ trương nước giàu, dân mạnh.
Hội Thánh xây dựng cuộc sống của người đạo nơi Châu Thành Thánh Địa thể hiện tinh thần hòa bình chung sống, đạo đức thể hiện qua hành động và dân chủ có nhân quyền để thực thi cuộc cách mạng bằng NHƠN NGHĨA trong tinh thần tự nguyện...
Tóm lại từ triết lý, đường lối, công thức, phương pháp cách mạng ôn hòa để xây dựng con người và xã hội của Đức Hộ Pháp hoàn toàn trái với phương pháp dùng bạo lực của nhà cầm quyền. Do sự khác biệt như vậy cho nên Đức Hộ Pháp là đối tượng triệt tiêu của chính quyền cộng sản; chứng tỏ chính quyền VN là thủ phạm.

Phép thử ngưng thi hành án.
Tóm lại: Bản án Cao Đài ngày 20/07/1978 được chính quyền Việt Nam thi hành qua 02 giai đoạn: diệt đạo từ bên ngoài vào và dùng người đạo diệt đạo. Có 03 đối tượng bị thi hành án là tổ chức tôn giáo ĐĐTKPĐ hay Đạo Cao Đài lập năm 1926,  toàn thể người theo Đạo Cao Đài và chính Đức Hộ Pháp.
Phép thử để chứng tỏ nhà cầm quyền hiện nay ngưng thi hành bản án Cao Đài là chấp nhận cho người đạo mở Đại Hội Nhơn Sanh để công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo từ đó xây dựng lại Hội Thánh Cao Đài.
Ngày nào nhân sự theo ĐĐTKPĐ chưa có ĐHNS theo Thánh Lịnh 257 (trong thời kỳ không có Hội Thánh) thì ngày đó chính quyền hiện nay còn thi hành bản án Cao Đài./.