Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

5485. VNTB – Tôn Tẫn – Bàng Quyên trong Đạo Cao Đài.

 

VNTB – Tôn Tẫn – Bàng Quyên trong Đạo Cao Đài.

Dương Xuân Lương

 (VNTB) – Tôn Tẫn trong Đạo Cao Đài hành đạo theo lời dạy của Thượng Đế, dụng Bác Ái – Công Bằng để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do nên không giết chết Bàng Quyên.

 

Thượng Đế dùng cơ bút để thâu nhận môn đệ, lập ra Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao Đài; và dạy tổ chức Lễ Khai Đạo ngày 18-11-1926 tại Chùa Gò Kén Tây Ninh. 

Thượng Đế cho biết có nhiều môn đệ thấy khó, ngã lòng nên tuyên bố: Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa-Thánh, chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi; các con đã hiểu Thánh-Ý Thầy phải cần kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q1, trang 78 bản in 1927, đàn cơ tháng 2-1927). 

Theo Pháp Chánh Truyền Chú Giải (1931), Đạo Cao Đài có thể pháp làm ngoại dung và bí pháp làm nội dung. Chín chữ chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôicó nghĩa là cho dù thể pháp hay bí pháp Thượng Đế cũng ban cho Tây Ninh mà thôi; hai chữ mà thôi là nhấn mạnh và xác định không ban cho nơi nào khác. Nghĩa là trường học, trường thi của Thượng Đế ở tại Tòa Thánh Tây Ninh (TTTN) mà thôi.

Sau 5 năm hành đạo, nhiều vị tuyên bố Hội Thánh tại TTTN hành đạo sai lời dạy của Thượng Đế nên không nhìn nhận và tách ra lập thành bốn chi phái. Sau khi các vị tách ra Thượng Đế dạy cho Hội Thánh tại TTTN những điều bí mật làm nên bản sắc riêng biệt của Đạo Cao Đài; các vị bên chi phái không được dạy nên phải copy về xài. Đó là cách Thượng Đế xác nhận Hội Thánh tại TTTN hiểu đúng, làm đúng ý chỉ của Thượng Đế.

Sự thật trên đây gợi lại câu chuyện Tôn Tẫn, Bàng Quyên trong tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa (giới bình dân gọi truyện Tàu). Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng tầm sư học đạo và thọ giáo với Quỷ Cốc Tiên Sinh. Do tư tưởng và hành động của đệ tử nên Tiên sinh hiểu được cái tâm của hai người. Tiên sinh vẫn dạy cả hai, nhưng khi Bàng Quyên xuống núi rồi mới dạy phần tinh hoa của binh thư chiến pháp và kinh thư chiến lược cho Tôn Tẩn. Đó là câu chuyện của thời Đông Châu Liệt Quốc hay Nhị Kỳ Phổ Độ.

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế dùng cơ bút lập ĐĐTKPĐ và chọn 16 đồng tử để phò cơ, chấp bút. Cho đến khi các vị tiền bối tách ra khỏi TTTN lập thành bốn chi phái thì Thượng Đế dạy những điều yếu trọng, thể pháp đặc biệt của ĐĐTKPĐ. Như vậy trong Đạo Cao Đài có nhiều Bàng Quyên.

1/- Có thể pháp thì ắt có bí pháp.

Thể pháp là phần hữu hình nhìn thấy được, kiểm chứng được. Có thể pháp mới có bí pháp; không có thể pháp mà hô hào bí pháp là bày trò mê tín dị đoan, là thao túng niềm tin người Đạo Cao Đài. Hiểu theo điều kiện ắt có và đủ thì thể pháp là điều kiện ắt có; để thực thi bí pháp. Phải có điều kiện ắt có là thể pháp thì mới có phương tiện để thực thi bí pháp. Thể pháp và bí pháp như hình với bóng, như hai mặt của một bàn tay, chẳng khi nào tách rời ra đặng. Hiểu theo phương tiện và cứu cánh thì thể pháp là phương tiện, bí pháp là cứu cánh.

Lão Tử viết Đạo Đức Kinh, trình bày phần thể và dụng của đạo, đồng dạng với khái niệm về thể pháp và bí pháp trong Đạo Cao Đài. Thể pháp như phần xương cốt, để tay thợ tạo ra cái chén là phần nhìn thấy được; còn bí pháp ví như cái khoản trống không trong lòng cái chén. Phải có phần xương cốt để tạo ra cái chén thì mới có phần trống rỗng trong lòng chén để sử dụng.

Thể pháp qua kinh văn và tổ chức (Bàng Quyên rời bỏ TTTN mới dạy).

Từ 1931 đến cuối tháng 9-1934, một số Chức sắc ĐĐTKPĐ tách ra lập thành 4 chi phái: Minh Chơn Lý (Phối Sư Thái Ca Thanh), Minh Chơn Đạo (Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang), Tiên Thiên (Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh) và Ban Chỉnh Đạo (Đầu Sư Thượng Tương Thanh và Đầu Sư Ngọc Trang Thanh) (1). Ngày nay có hàng loạt tổ chức tôn giáo hay cơ quan xưng danh Cao Đài là do 4 chi phái trên đây phát sinh ra (con, cháu, chắt của Bàng Quyên). Khi các vị tiền bối tách khỏi TTTN để lập chi phái, có phần đã hoàn thành như Tân Luật, Pháp Chánh Truyền; có phần còn phải bổ sung như luật về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh, và có phần cầu xin nhiều lần mà Thượng Đế chưa ban cho như Kinh Tận Độ …. Đặc biệt là TTTN và cả Nội Ô Tòa Thánh chưa nên hình tướng.

Sau khi các vị tách ra lập thành 4 chi phái rồi Thượng Đế mới ban cho Hội Thánh tại TTTN bảy ơn phước điển hình:

1.1/- Hoàn thiện Chánh Trị Đạo: Tháng 12-1934, Hộ Pháp Phạm Công Tắc ban hành Luật Lệ Chung Các Hội, Nội Luật Hội Nhơn Sanh, Nội Luật Hội Thánh. Ba luật trên hiệp với Nội Luật Thượng Hội (1932) là đủ luật cho Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. 

Hội Nhơn Sanh là hiện thân của tự do trong đạo đức và dân chủ có nhân quyền để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do nên chính là Bửu pháp nhân quyền của Đạo Cao Đài trình chánh trước nhân loại; nhờ vậy mà Hội Thánh mới có đầy đủ quyền hành.  

1.2/- Lập bảy phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài: Tháng 3-1935, Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ lập ra bảy phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài. Tính từ dưới lên: Sĩ Tải, Truyền Trạng, Thừa Sử, Giám Đạo, Cải Trạng, Chưởng Ấn, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

1.3/- Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (Tân Kinh): Tháng 8-1935 Thượng Đế dạy các Đấng ban kinh cho Hội Thánh Cao Đài tại TTTN. Đây là phần tạo ra bản sắc thiêng liêng của Đạo Cao Đài, thể hiện tương quan mật thiết giữa hữu hình và vô vi. Cửu Trùng Đài là phần xác của Đạo, nắm quyền hành pháp, khi hành pháp phải có Kinh để chư Thần, Thánh, Tiên, Phật (Bát Quái Đài) nương theo đó mà ban ân lành. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là cờ hiệu của Thượng Đế, hể cờ hiệu ở đâu là có ân phước Thượng Đế ban cho đến đó.

Về dịch lý: Thượng Đế là ngôi Thái Cực chủ về tinh thần (dương), dạy ban Kinh mới có bài Phật Mẫu Chơn Kinh, nhờ đó người Đạo biết đến ngôi Vô Cực là Phật Mẫu, chủ về vật chất (âm). Đạo có đủ âm dương mới có năng lực biến hóa như âm dương theo Dịch Lý. 

Niềm tin về Đức Di-Lặc: từ xa xưa người có lòng tín ngưỡng đã hoài vọng thời kỳ của Đức Di-Lặc, đến năm 1935 nhờ ơn Thượng Đế ban cho mới biết Di-Lặc Chơn Kinh (Tân Kinh). Đó là Kinh chuyển pháp mở ra Cơ tận độ, Đức Di-Lặc là chủ Thuyền Bát Nhã của Phước Thiện trong ĐĐTKPĐ. Đạo tỳ, nhạc, lễ, đồng nhi là nhân viên của Đức Di-Lặc.     

1.4/- Đạo Luật Mậu Dần (1938). Thượng Đế dạy đem 4 cơ quan Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo sắp xếp chung trong bộ luật. Đạo Luật có 4 chương, 17 điều làm nền tảng cho Hành Chánh Đạo. 

Chương Phước Thiện thiết kế Đại Hội Phước Thiện là hiện thân cho Hội Long Hoa tại thế trong Đạo Cao Đài.

1.5/- Quân đội Cao Đài (1942-1955). Tháng 11-1942, hiệp tác với Nhật lập Nội Ứng Nghĩa Binh; đảo chính Pháp ngày 9-3-1945. Pháp phải đưa Đức Hộ Pháp bị đày ở Madagascar về (tháng 8-1946).

Năm 1947 Đức Hộ Pháp lập ra Quân Đội Cao Đài; phất cao ngọn cờ Bảo Sanh – Nhân Nghĩa – Đại Đồng, góp phần bảo vệ sinh mạng người dân, bảo vệ đại nghiệp Đạo, đòi lại độc lập cho dân tộc. Ngày 02-5-1955, quốc gia hóa Quân Đội Cao Đài.

Thể pháp qua kiến trúc.

1.6/- Xây dựng TTTN: Năm 1936, Thượng Đế dạy tiếp tục xây dựng TTTN, Hội Thánh khởi công với số tiền ban đầu là 1$46, (giá lúa 0$20 một giạ; tiền khi đó là đồng Piatre).

Nội bộ tôn giáo: hai vị Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh tách ra lập Ban Chỉnh Đạo, chi phái nầy kéo theo một lượng lớn Thánh Thất và Tín Đồ để chống lại Hội Thánh tại TTTN. 

Xã hội: bị khủng hoảng kinh tế để sau đó nổ ra Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945).

Việc xây dựng bị gián đoạn: tháng 6-1941 chính quyền Pháp bắt Đức Hộ Pháp đày đi Madagascar (Phi Châu); đến tháng 8-1946 mới trở về TTTN. 

Khánh thành năm 1955: sau 5 năm bị gián đoạn, công cuộc xây dựng Đền Thánh tiếp tục, đến tháng 2-1955 thì tổ chức Lễ Khánh Thành TTTN. Công trình không có bản vẽ, kéo dài trong 20 năm, và toàn bộ công quả ăn chay …  

1.7/- Xây dựng Châu Thành Thánh Địa: Thượng Đế dạy lập ra Trí Giác Cung (trụ vững tinh thần), Trí Huệ Cung (đào tạo trí huệ), Vạn Pháp Cung (cung ứng phương pháp xây dựng con người, xã hội và tôn giáo) để phụng sự theo luật Cung-Cầu. Song song đó dạy lập ra Long Hoa Thị (nơi trưng bày những sáng kiến, phát minh đã được Hội Thánh kiểm chứng) để các cộng đồng tham khảo và áp dụng vào cuộc sống hầu nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần (Chợ Chuyển thế).

Thượng Đế dạy dùng 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh. Đó là tạo ra tài nguyên, môi trường để người đạo được an cư – lạc nghiệp (hữu sản hóa người đạo). Từ đó xây dựng cư dân vùng Châu Thành Thánh Địa có tinh thần nghĩa hiệp, tương thân, tương trợ nhau trong cuộc sống, khi có tang tế sự, tạo nếp sống theo bản sắc văn hóa Cao Đài. 

Đặc biệt là thiết kế khu dân cư, qui hoạch hệ thống giao thông văn minh mà cả nước Việt Nam không nơi nào sánh kịp.

Tóm lại: Thượng Đế dạy Hội Thánh Cao Đài xây dựng mô hình một quốc gia theo văn hóa Cao Đài để giới thiệu QUỐC ĐẠO ra nhân loại. Thượng Đế muốn con cái của Ngài sống trong Nước Trời tại thế gian nầy để làm nhịp cầu bước vào Nước Trời cõi vĩnh hằng. Đạo mở ra con đường xây dựng kỷ nguyên Di-Lặc theo các tiên tri để lại.

2/- Đối chiếu để hiểu được sự thật (phân biệt Tôn Tẫn với Bàng Quyên).

Thượng Đế dạy trong Phổ Cáo Chúng Sanh ĐĐTKPĐ (13-10-1926), trang 06: “Vậy các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao Đài nơi kia đừng vội tin mà lầm mưu Tà-Mị” (2). Bốn chi phái tách từ TTTN, cũng lập Tòa Thánh, cũng lập Hiệp Thiên Đài, cũng có đồng tử phò cơ; nhưng Thượng Đế không dạy các điều trên đây cho bất cứ chi phái nào nên họ phải copy về xài.

2.1/- Đối chiếu 1: Bàng Quyên copy về xài.

Trên đây đã liệt kê bảy ơn phước Thượng Đế ban cho NHÁNH ĐĐTKPĐ sau khi bốn chi phái tách ra. 

Luật Khoa Tạp Chí đăng bài Phạm Công Tắc và những tư tưởng tranh đấu của đạo Cao Đài, của Vincente Nguyen (23-2-2023). … vì không có NHÁNH nào khác của đạo nhận được nhiều sự hướng dẫn về đạo đức và tôn giáo từ các nhân vật không phải người châu Á… (3)

Nhận xét: trích đoạn trên đây có một đúng và một sai:

Đúng một: Hội Thánh tại TTTN đã nhận được bảy ơn phước trên đây mà các chi phái không có; đặc biệt là Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, bảy phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài, … các chi phái phải copy về xài. Đó là Bàng Quyên copy.  

Sai một: Các chi phái Cao Đài không phải là NHÁNH (4).

Đối chiếu 2: Luật Khoa Tạp Chí rập khuôn cộng sản.

Đạo Nghị Định Thứ Tám (25-8-1934) viết.

Ðiều thứ nhứt: – Những chi phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.  (Hết trích)

Luật Khoa Tạp Chí đăng bài Phạm Công Tắc và những tư tưởng tranh đấu của đạo Cao Đài, của Vincente Nguyen (23-2-2023). 

Tác giả viết: … Trước tình trạng ly khai và gia nhập các NHÁNH mới của Cao Đài, Phạm Công Tắc đã ban hành “Đạo Nghị định thứ 8” tuyệt thông các nhóm ly giáo và coi họ như những kẻ bội đạo. [4] Tài liệu này đã trở thành trở ngại lớn nhất cho nỗ lực tái thống nhất các ‘chi phái’ Cao Đài trong nhiều thập niên.

Đoạn trên đây có ba cái sai.

Sai một: Tác giả không hiểu căn nguyên của ĐĐTKPĐ là do Thượng Đế dùng cơ bút lập thành; Đạo Nghị Định Thứ Tám do Đức Lý Giáo Tông dùng cơ bút lập ra. Do vậy Luật Khoa Tạp Chí lại gán cho Đức Hộ Pháp như thế là bỏ qua phần thiêng liêng của Đạo Cao Đài, hiểu sai về pháp luật Đạo Cao Đài. Luật Khoa Tạp Chí có quan điểm về Đạo Cao Đài rất giống với quan điểm của đảng cộng sản Việt Nam: đem quan điểm không có Thượng Đế (vô thần) áp đặt lên Đạo Cao Đài. Đây là cái sai nghiêm trọng nhất.

Sai hai: Các chi phái Cao Đài không phải NHÁNH. Sau khi lập Đạo Nghị Định Thứ Tám, chỉ có chi phái Ban Chỉnh Đạo tách ra. Nghĩa là Đạo Nghị Định đã chận đứng việc chức sắc từ TTTN tách ra lập chi phái. Tác giả không hiểu được sự thật là có 4 chi phái phát sinh từ TTTN; từ bốn chi phái ấy mới phát sinh ra khoản 50 chục chi phái các thế hệ sau đó. Nói theo mạch chuyện Bàng Quyên thì các chi phái sau đó là con, cháu, chắt … của Bàng Quyên.

Sai ba: Từ 1964 đến 1969 có 14 chi phái đã về hội họp với Hội Thánh Cao Đài, phiên họp sau cùng ngày 24-02-1969 tại TTTN. Cụ Phan Khắc Sửu cựu Quốc Trưởng: Trưởng Phái Đoàn và Bác Sĩ Phạm Thành Nam Phó Trưởng Đoàn đã ký vi bằng: CHÍN ĐIỀU KIỆN QUY NHỨT về TTTN.

Từ lời dạy của Thượng Đế, nên Đức Hộ Pháp dạy phải ân cần với chi phái khi họ trở về, đừng khi dễ họ mà mích lòng Đức Chí Tôn (trích ý). Tôn Tẫn trong Đạo Cao Đài hành đạo theo lời dạy của Thượng Đế, dụng Bác Ái – Công Bằng để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do nên không giết chết Bàng Quyên. Hậu tấn trình chánh sự thật để giới thiệu bản sắc trong lành của Đạo Cao Đài và nhắc lại rằng Hội Thánh Cao Đài đã mở đường cho Bàng Quyên chuyển hóa thành Tôn Tẫn. Thực hiện hay không là quyền tự do của quý vị.

________________________

Chú thích:

(1)/- Tính tháng 9-1934 các chức sắc ĐĐTKPĐ tại TTTN tách ra lập thành 4 chi phái kể trên. 

Hội Thánh Cao Đài bị cốt năm 1983, đến năm 1997 nhà nước cộng sản Việt Nam lập ra chi phái 1997 tại TTTN; Bàng Quyên 1997 là công cụ tiêu diệt Đạo Cao Đài. 

Tính đến năm 2024 Đạo Cao Đài có 5 chi phái, (có 5 Bàng Quyên) mà thôi.

(2) https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-co-but-trong-dao-cao-dai/ 

 (3)/- https://www.luatkhoa.com/2023/02/pham-cong-tac-va-nhung-tu-tuong-tranh-dau-cua-dao-cao-dai/

(4)/- https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-nhanh-trong-dao-cao-dai/